Ngoài ra, có nhiều giáo lý mới ra đời, như ma quỷ cũng được cứu rỗi, hồn thai nhi và nhiều linh hồn nhập hết người nay đến người kia. Có những chuyện Đức Mẹ nhập, Chúa nói (mạc khải) về điều này điều nọ. Lý thuyết về “Các Cụ Hành Tinh” có quyền trên con người. Còn có những lý thuyết và nhiều chuyện lạ pha trộn tín ngưỡng dân gian, tư duy cổ sơ kiểu thần thoại, nhân quả, luân hồi… Sâu xa hơn nữa, nhiều sứ điệp mượn danh Ba Ngôi Thiên Chúa muốn tách kytô hữu ra khỏi Giáo hội Roma, như “Sứ Điệp Từ Trời” với sách “Sự Thật”, răn đe và án phạt, kèm theo những trang Web phổ biến rộng rãi, và còn nhiều lý thuyết mới về tâm linh mọc lên như nấm mùa thu.
Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa xem ra nhiều thử thách từ mọi phía, bị kẻ thù khai thác và lợi dụng triệt để, nguy hại cho những người còn yếu đức tin. Họ dễ hoang mang hồ nghi Giáo hội, có khi lại tưởng lời xuyên tạc và thù hận là đúng đắn trong khi lại là “sói đội lốt chiên”. Một số người nhiệt huyết bênh vực Giáo hội trong sự phản ứng nóng giận, làm cho kẻ thù càng hả hê ngạo mạn. Nhưng về phần Giáo hội đã có sẵn lập trường với thái độ ôn hòa, luôn luôn muốn đối thoại, bằng không thì chỉ cần im lặng là đủ.
Trong lịch sử Giáo hội Kitô Giáo, trải qua hơn 2.000 năm, thời nào, lúc nào cũng đều có những người, những nhóm, những thế lực đen tối thù ghét và âm mưu phá hoại cách ngấm ngầm hoặc công khai Giáo hội của Đức Kitô. Thậm chí có những thế lực của đảng phái chính trị với đầy quyền lực thế gian, như những vua chúa tàn sát và tàn phá Giáo hội tưởng chừng như bị xóa sổ khỏi lịch sử nhân loại. Nhưng thực tế cho thấy, bóng tối lại bị tan rã và mai một (vật cực tắc phản), chỉ còn Giáo hội luôn tươi nở, hào hùng và phát triển mãi, như lời Đức Kitô nói: “ Satan sức hùng mưu ma vẫy vùng không làm chuyển rung…” (Mt 16,18).Giáo hội quá biết như thế, nhận thấy điều này là tất nhiên của quy luật giữa Thiện và Ác, nên cũng không hề ngạc nhiên, bối rối và lo lắng thái quá: “Vì thế gian ghét thầy nên cũng ghét anh em…” (Ga 15,18-19). Vì vậy Giáo hội chỉ im lặng để chăm lo cho đời sống đạo, chứ không phải Giáo hội thiếu những tài năng uyên bác trên mọi lãnh vực, có thể quán thông những sự siêu việt cả khoa học đời lẫn đạo. Im lặng luôn là đạo của trời đất, là khôn ngoan, là vĩnh cửu, vì: “thiên hà ngôn tai – Khổng tử”(Trời có nói gì đâu). Ngày nay còn có những thế lực chống phá Giáo hội còn khủng khiếp hơn xưa nhiều, vì họ ở trong bóng tối mà lèo lái thế giới chứ không lộ liễu.
Thiết nghĩ những người Kitô hữu không nên để bị kích động mà phản kháng lại những cá nhân hay những tổ chức có ý đồ đen tối, vì sự đối đầu chỉ gây nên chiến tranh, cũng là mắc mưu quyền lực bóng tối. Họ chỉ mong và chờ dịp chúng ta lên mặt đối đầu. Mục đích của họ là gây xáo trộn, hận thù, chia rẽ, tàn phá, và nhất là họ được thỏa mãn cái bản chất ngạo mạn của mình, thấy mình trở thành vĩ đại. Họ rất sung sướng được trở thành “anh hùng xuất chúng” vì đã dám thách thức đương đầu với hàng tỉ người của một tôn giáo uy tín và mạnh nhất hoàn cầu. Họ sung sướng và cho rằng những tác phẩm họ viết ra có giá trị vô song, là sự phát hiện và khám phá chưa từng có. Chắc rằng họ chỉ sợ không có ai đọc bài của họ, hoặc sợ không có ai gây chiến với họ, nên họ phải hô hào, tìm cạn mọi ngôn từ thô bỉ nhất để được thỏa mãn sự thù hằn chất đầy trong lòng. Tốt hơn hết là ta nên im lặng như Giáo hội, coi như chúng không hiện diện trên đời, nếu không thì đối thủ càng ngạo nghễ hả hê cười sằng sặc thích thú như thấy địch thủ sa lưới. Giống như Khổng tử nói: “Quân tử hữu tam úy: úy thiên mệnh, úy đại nhân, úy thánh nhân chi ngôn”; còn kẻ tiểu nhân thì: “bất tri thiên mệnh nhi bất úy giã, hiệp đại nhân, vũ thánh nhân chi ngôn”(người quân tử nể sợ mệnh trời, nể trọng thánh nhân, kính sợ lời của thánh nhân; còn kẻ tiểu nhân chẳng hiểu mệnh trời, khinh ngạo thánh nhân và coi rẻ lời dạy của thánh nhân).
Người ta thường hiểu Giáo Hội được tổ chức như một quốc gia, với vị thủ lãnh điều hành những bộ, những viện, cơ quan, phòng, ban, ngành trong môt hệ thống có phẩm trật, thông qua những giáo luật, tuân theo hệ giáo lý của tôn giáo.
Nhưng nếu người Công Giáo chỉ hiểu như thế thì thật thiếu sót cơ bản, như thấy xác mà không thấy hồn, dễ nhìn Giáo hội với những hình ảnh méo mó mỗi khi bị thử thách. Nếu cá nhân vị mục tử hay tổ chức của Giáo hội bị khiếm khuyết hay sa ngã về phương diện nào đó thì bị người ta lấy cớ để chê bai và chối bỏ, nhất là bị kẻ thù Giáo hội khai thác, bôi nhọ triệt để. Điều này xảy ra rất nhiều, xuất phát từ cá nhân cho tới những thế lực chống phá Giáo hội xưa nay.
Đức tin người công giáo không phải chỉ hiểu Giáo hội như một cơ cấu, gọi là giáo hội trần thế, mà phải hiểu, nhất là phải tin Đức Kitô là (cái) Đầu (chủ, gốc), Giáo hội chính là Thân Thể (nhiệm thể) của Đức Kitô. Giữa đầu và thân không có sự tách biệt nào, mà có sự hòa nhập, cùng một sức sống và dòng chảy trong Ba Ngôi Thiên Chúa, diễn ra trong sự huyền nhiệm của nó, mà mỗi cá nhân là một chi thể (thành phần) cũng được tháp nhập trong sự huyền nhiệm đó. Nên “Hội Thánh Đức Kitô” hoàn toàn tinh tuyền và thánh thiện. Danh xưng “Đức Thánh Cha” cũng được hiểu theo nghĩa này, chứ không phải phong thần phong thánh cho ngài như nhiều người xuyên tạc.
Như ta biết, nếu đứng ở góc độ phân tâm học, thì chắc chắn những người quá kiêu ngạo, quá hận thù, quá tham lam, ghét ghen, ích kỷ… thì đều là người bệnh hoạn về tâm thần. Họ mất quân bình về nhận thức, về tình cảm, về phán đoán… Đối với những người này, nếu muốn trao đổi, đối thoại hay hợp tác với họ quả là khó khăn, dễ đi đến thất bại, vì người bệnh hoạn này luôn mù tối, cố chấp, hiếu thắng và hiếu chiến. Họ luôn luôn và chỉ cho mình là trên hết (hạ mục vô nhân), là chân lý, là kẻ chiến thắng . Họ nhìn và hiểu mọi người, mọi vật, mọi lời xuyên qua lăng kính đã được định hình theo như ý đồ ngạo mạn của họ.
Nếu đứng ở góc độ đạo lý thì có sự Thiện và sự Dữ, là hai thái cực hoàn toàn đối lập nhau.
Sự Dữ thì xuất phát từ ma quỷ, nên bản chất của nó là kiêu ngạo cùng cực, dối trá, thù hằn, tham lam ích kỷ, tàn phá và hủy diệt. Ma quỷ thì không còn khả năng yêu thương, không còn khả năng hoán cải.
* KIÊU NGẠO: Đây là hơi thở của sự dữ, nó bất tuân mọi sự không phải là mình, cho mình là trên hết, là ánh sáng, là chân lý. Sự dữ tôn thờ “cái Tôi vĩ đại” của mình.
* DỐI TRÁ: Không bao giờ chấp nhận và tôn trọng sự thật, luôn xảo trá, dùng mọi thủ đoạn để đạt được những ý đồ đê hèn, để thỏa mãn, tìm sự thống trị cho mình.
* THÙ HẰN: Đây là của ăn nuôi dưỡng cho mọi hành động. Ghen ghét và hận thù cái gì mà nó chưa chiếm đoạt được hoặc những gì mà hơn nó. Tìm cách tiêu diệt những cái làm cản trở cho tham vọng của nó.
* THAM LAM ÍCH KỶ: Luôn vơ vào cho mình, khát khao sự chiếm đoạt nhưng không bao giờ được thỏa mãn. Tinh thần cố chấp cùng cực, không chấp nhận cái khác không có lợi và không thuộc về mình.
*TÀN PHÁ VÀ HỦY DIỆT: Mọi kế hoạch và hành động đều đưa tới sự xáo trộn, tàn phá và hủy diệt. Nó không thể dung nạp sự hòa thuận và hòa bình, không thể xây dựng và mang lại bất cứ sự bình an nào.
Thông thường thì khó có ai có thể trực tiếp đương đầu với sự dữ, vì nó được chính Lucifer hỗ trợ hoặc sai khiến, nên tốt hơn hết là tránh xa nó. Sự dữ chọn bóng tối làm chân lý, làm môi trường sống với đầy đủ quyền lực ma quái của nó, nên ai tới gần có thể bị hơi thở nọc độc của nó ám hại. Giáo hội biết như vậy nên chỉ im lặng và trông chờ vào quyền năng của Thiên Chúa để hành động (theo như đức tin người Công giáo), rồi sự dữ sẽ có ngày tự động tan thành mây khói, vì: “thuận thiên giả tồn; nghịch thiên giả vong”. Phần con người chỉ cần biết xây dựng hòa bình, biết tin yêu và phó thác vào Thiên Chúa toàn năng quan phòng mà thôi.
Cũng như chúng ta biết, sự Thiện thì luôn luôn xuất phát từ Thiên Chúa. Duy chỉ có Thiên Chúa là Tình Yêu, thể hiện trong Đức Kitô qua sự Yêu Thương và Lòng Thương Xót, qua sự Hiền Lành, Khiêm Nhường, Nhỏ Bé, Khó Nghèo… Măc lấy tinh thần đó mới chính là những vũ khí để chiến thắng sự dữ đang chống phá Giáo Hội.
Hàn Cư Sĩ
(dongten.net 15.08.2016)