Đây là một câu hỏi về đạo đức sinh học được nêu lên bởi một độc giả của Zenit và được giải đáp bởi các hội viên thuộc Tổ chức Văn hóa Sự Sống (the Culture of Life Foundation)
E. Christian Brugger* trả lời:
Giáo huấn về ngừa thai chỉ có thể được hiểu đúng đắn trong bối cảnh của một giáo huấn bao quát hơn của Hội Thánh về bản chất và những điều thiện hảo của hôn nhân. Nhưng chính quy luật chống những hành vi ngừa thai, được giảng dạy và bảo vệ từ thuở ban đầu của Giáo Hội, ràng buộc một cách phổ quát – theo ngôn ngữ của thần học luân lý, semper et pro semper – mãi mãi và cho đến muôn đời, không có một trường hợp ngoại trừ nào. Quy luật này chỉ ra một kiểu đặc thù về hành vi tự ý lựa chọn, gọi là hành vi cố ý làm cho việc giao hợp tính dục không thể truyền sinh được.
Giao hợp tính dục, theo truyền thống, là điều hợp pháp và tốt lành (và đối với các Kitô hữu, còn đem lại ân sủng) khi và chỉ khi nào có tính hôn phối. Hôn nhân là một sự thông hiệp nên một –xương- một- thịt của hai người với hai điều thiện hảo mang tính xác định : sự hiệp nhất và sự hoàn bị của đôi phối ngẫu, và việc sinh sản và giáo dục con cái. Việc giao hợp có tính hôn phối sẽ luôn luôn tôn trọng ý nghĩa trọn vẹn một- xương- một- thịt của tương quan hôn phối bằng cách duy trì tính kết hiệp (unitive) và tính truyền sinh (procreative).
Các hành vi tính dục mà cố ý không đếm xỉa đến các điều thiện hảo về kết hiệp và truyền sinh của hôn nhân thì không mang tính hôn phối và do đó là những hành vi sai trái. Giao hợp giữa những bên không phải là vợ chồng thì vi phạm tính thiện hảo kết hiệp, như tất cả những hành vi tính dục cưỡng bức đều vi phạm. Những hành vi ngừa thai muốn chống lại điều thiện hảo truyền sinh, cho nên chúng không mang tính hôn phối, cho dù xảy ra giữa đôi vợ chồng, và cũng sai trái như thế. Những hành vi ấy sai trái chính bởi vì theo định nghĩa chúng dẫn đến một ý muốn chống lại điều thiện hảo truyền sinh của hôn nhân. Cho tôi nhắc lại : mọi giao hợp không mang tính hôn phối đều đã được chọn lựa một cách sai trái, cả trong lẫn ngoài hôn nhân. Sự thông dâm là giao cấu giữa những người không phải là vợ chồng. Hành vi thủ dâm thì không có tính kết hiệp . Hành vi ngừa thai là không mang tính truyền sinh và không mang tính kết hiệp, đến mức khi lọai bỏ ý nghĩa truyền sinh của giao hợp tính dục họ không thực hiện giữa vợ chồng một sự kết hợp trọn vẹn nên một- xương- một- thịt.
Vì vậy, bất cứ khi nào một người nam và một người nữ , là vợ chồng hay không là vợ chồng, thực hiện giao hợp tính dục, tin rằng họ sẽ hay họ có thể sinh ra một sự sống mới của con người, và do đó, chấp nhận bất cứ hành vi nào, – trước, đang khi, hay sau khi giao hợp – rõ ràng có ý như một sự chấm dứt hoặc một phương cách để ngăn ngừa việc truyền sinh, thì họ vi phạm ý nghĩa truyền sinh của giao hợp tính dục. Họ ngừa thai. Và những hành vi ngừa thai trong truyền thống Công giáo luôn luôn bị coi là một việc xấu từ bản chất. (Phương cách chọn lựa để làm cho việc giao hợp trở thành mất khả năng truyền sinh có tính bất định đối với việc áp dụng quy luật.)
Nếu như hành vi ngừa thai là sai trái đối với các đôi vợ chồng, mà lại là hợp pháp đối với những người không phải vợ chồng, thì hành vi đó sẽ không tự thân là sai trái, không là một điều xấu nội tại, mà là điều xấu theo hoàn cảnh. Mặc dù một số người Công giáo chủ trương như thế, lối nhìn này rõ ràng xem ra trái nghịch với cả giáo lý truyền thống lẫn thần học truyền thống.
Nói theo giáo lý, Đức Gioan Phaolô II đã truyền dạy trong Thông điệp Veritatis Splendor (1993) rằng “ việc ngừa thai ” tự thân là điều sai trái, qua đó ngài ngụ ý rằng “việc chọn lựa loại hành vi này [ bởi đó “ hành vi vợ chồng bị cố ý khiến trở thành không thể có thai”] không thể nào phù hợp với điều thiện hảo của ý muốn của người thực hiện, với ơn người đó được mời gọi sống với Thiên Chúa và hiệp thông với người lân cận của mình” (các số 52, 80).
Ngài đã truyền dạy không khác hơn điều vị tiền nhiệm của ngài, Đức Piô XI, đã truyền dạy trong Thông điệp Casti Connubii (1930):“ Nhưng không có lý do nào, dù nghiêm trọng đến đâu, nhờ đó có thể đề xướng bất cứ điều gì tự thân phản lại tự nhiên mà lại có thể trở nên thích hợp với tự nhiên và là tốt lành về phương diện luân lý. Cho nên, chính vì hành vi vợ chồng theo bản chất được an bài cơ bản cho việc sinh con, nên những ai thực hiện hành vi đó mà cố tình vô hiệu hóa năng lực và mục đích của hành vi ấy thì mắc tội phản lại tự nhiên và phạm một hành động đáng hổ thẹn và tự nó là xấu xa.” (số 54).
Quả là đúng khi Đức Piô XII trong Huấn từ cho Các Nữ Hộ Sinh Ý (1951), Đức Phaolô VI trong Thông điệp Humanae Vitae (các số 12, 14; 1968), và Đức Gioan- Phaolô II trong Tông huấn Familiaris Consortio (số 32; 1981) tái xác nhận quy chuẩn phủ định chống lại những hành vi ngừa thai, các ngài hành động như thế trong bối cảnh của những tranh luận về đức khiết tịnh của bậc vợ chồng trong đời sống hôn nhân . Nhưng, như tôi đã nói, đó chính là vì giáo huấn Công giáo về ngừa thai không thể được hiểu thấu mà không có một sự hiểu biết về bản chất và những điều thiện hảo của hôn nhân. Vì thế, việc học hỏi, nhận thức về hôn nhân luôn luôn phải có – hoặc vì mục đích học thuật hoặc vì mục đính mục vụ. – trong khuôn khổ học hỏi rộng lớn hơn về hôn nhân.
Nhưng không một giáo huấn nào được khẳng định theo cung cách nhằm loại trừ việc áp dụng quy luật này cho các cặp không kết hôn. Đức Piô XII chẳng hạn, ngài dạy rằng: “ Mọi toan tính của hoặc chồng hoặc vợ trong việc thực hiện hành vi vợ chồng, hoặc trong diễn tiến của những hệ quả tự nhiên của hành vi ấy, mà nhắm mục đích tước đoạt năng lực cố hữu của nó và ngăn cản việc tạo ra một sự sống mới, đều là trái nghịch với luân lý.” Nhưng vì khi đó ngài ban huấn từ cho các nữ hộ sinh, là những người đón nhận em bé cho các cặp vợ chồng, nên việc ngài nhắc tới “người chồng hay người vợ” lại khiến cho ý nghĩa được hoàn hảo. Những huấn dụ của ngài không nên được diễn giải như chỉ tuyệt đối hạn chế lãnh vực cấm đoán đối với các người đã kết hôn.
Tương tự, khi Đức Gioan Phaolô II lên tiếng trong Tông huấn Familiaris Consortio (FC) rằng “ngôn ngữ” về các hành vi ngừa thai giữa những người là vợ chồng một cách khách quan mâu thuẫn với ngôn ngữ của việc trao hiến bản thân giữa đôi vợ chồng, ngài có ý chỉ ra mối tai hại khách quan mà những hành vi này gây ra trong khuôn khổ hôn nhân và cho những người phối ngẫu. Nhưng vì ngài truyền giảng sau này trong Thông điệp Veritatis Splendor rằng hành vi ngừa thai là cái xấu một cách nội tại, semper et pro semper, thì chúng ta biết là ngài không có ý lấy giáo huấn của ngài trong FC để làm lắng dịu một cách cụ thể vấn đề rộng lớn hơn về việc liệu những hành vi ngừa thai có là hợp pháp đối với những ai chưa kết hôn không.
Tuy nhiên, nếu sự nghi ngờ vẫn còn nấn ná về phạm vi giáo huấn Công giáo có thẩm quyền đối với việc ngừa thai, thì một lời yêu cầu trở về những cách diễn đạt cũ xưa hơn chắc sẽ xua tan điều đó. Một cuốn sách về cải hối ở thế kỷ X do một tu sĩ dòng Bênêđictô là Regino Prüm soạn đã bao gồm tất cả mọi người, kết hôn và chưa kết hôn, trong phạm vi của lệnh cấm : “ Nếu bất cứ ai vì muốn thỏa mãn tình dục hoặc do sự thù ghét cố tình mà làm điều gì đối với một người nam hay một người nữ khiến cho những người đó không thể sinh con được, hoặc cho họ uống thứ gì khiến cho người nam không thể có con hoặc người nữ không thể thụ thai được, thì đều bị coi là phạm tội giết người” [1]. Bản văn này đã được đưa vào bộ luật trong thế kỷ XIII dưới hình thức sắc lệnh Si aliquis. Bộ luật luân lý trong đó có sắc lệnh này còn là một phần của bộ luật Công giáo Tây phương cho mãi đến thế kỷ XX ( gần 700 năm!).
Truyền thống thần học cũng kiên định như vậy. Khi Thánh Tôma Aquinô diễn đạt luận chứng của ngài chống lại các hành vi thuộc loại ngừa thai, ngài chỉ ra mọi mưu toan cố ý khiến cho việc xuất tinh của người nam (“phóng tinh”) mất khả năng truyền sinh. Thực ra, sự luận giải của ngài về những hành vi ngừa thai nằm trong bối cảnh luận giải về vấn đề tại sao giao hợp giữa những người không kết hôn lại là sai trái [2]. Đối với Thánh Tôma, loại hành vi này là contra naturam (nghĩa là phản lại tự nhiên). Luận cứ contra naturam của Thánh Tôma chống lại những hành vi ngừa thai thống lĩnh tài liệu thần học Công giáo trong vấn đề này cho mãi tới giữa thế kỷ XX.
Từ các văn bản của giáo luật từ 700 năm trước đến nay, các thông điệp của các vị giáo hoàng trong thế kỷ XX và những luận cứ thần học có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Công giáo đều diễn đạt quy luật chống lại những hành vi ngừa thai với tính cách phổ quát, áp dụng đối với mọi hành vi của bất cứ ai cố ý làm cho hành vi giao hợp tính dục trở nên vô sinh, và quan điểm cho rằng sự lên án của Giáo hội chỉ áp dụng trong hôn nhân – và do đó không áp dụng cho (nghĩa là, những hành vi này có thể là hợp pháp và thậm chí có tính bắt buộc đới với) những kẻ thông dâm, những kẻ ngoại tình và những kẻ mại dâm — phải bị loại bỏ đi vì không trung thành với giáo huấn truyền thống Công giáo.
nguồn: ubmvgiadinh.org/ Zenit