– Chúng ta còn một buổi chiều bỏ trống. Nên tranh thủ đi tham quan thị trấn Sông Đốc, một thị trấn giàu có nhất của tỉnh Cà Mau.
– Xa không cha ?
– Chừng ba mươi cây số. Đặc biệt là hôm nay vẫn còn “trong mùng” (Mùng 10 Tết Kỷ Mão), chúng ta có thể thấy tàu đánh cá đông ken như cá kèo trong khạp.
Mình đếm được mười chín bộ áo màu xanh dương, đa số ở tuổi tứ tuần : già dặn, dạn dĩ. Có ai đó gào lên để lấn át tiếng máy nổ :
– Xin cha làm “guide” (hướng dẫn viên).
– Chúng ta đang đi trên kinh Ba Ngàn. Con kinh này do ông Cố Đức Cha Mẫn đào vào đầu thập niên ba mươi. Lúc đó ông Cố làm quản lý hai trăm héc ta đất Nhà Chung ở đây. Con kinh này dài ba ngàn mét, có công dụng xả phèn và để ông Cố chèo xuồng về thăm ông già ở Rạch Lùm. Rạch Lùm sát kề thị trấn Sông Đốc thuộc xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, quê hương thứ hai của ông nội Đức Cha Mẫn và là nơi sinh trưởng của bác Ba Phi… Hết ba ngàn mét, chúng ta sẽ đi vào kinh Ông Tự, rồi trổ ra Sông Ông Đốc.
– Tại sao lại gọi là Sông Ông Đốc ?
– Con sông này dài hơn năm mươi cây số, bắt đầu từ sông Trẹm, thị trấn Thới Bình, và kết thúc ở bờ biển phía Tây Nam. Con sông mang tên ông Đốc vì vào cuối thế kỷ 18, vua Gia Long đã trốn quân Tây Sơn đến ở Cái Rắn, đặt hai quan Đốc trấn ở hai điểm : Ông Đốc Lới đóng quân ở Đốc Lới (thuộc ấp Tân Ánh bây giờ, và ở cách nhà thờ Cái Rắn chừng 8 cây số); Ông Đốc Vàng đóng quân ở vàm con sông nói trên. Trong trận giao tranh với quân Tây Sơn ở Tắc Thủ, vua Gia Long thua. Ông Đốc Vàng đổi áo với vua Gia Long. Ông để quân Tây Sơn giết lầm. Vua Gia Long trốn thoát. Có lẽ vì thế mà con sông này mang tên sông Ông Đốc để ghi ơn Ông Đốc Vàng, một “Lê Lai liều mình cứu Chúa”.
– Bộ vua Gia Long đã đến ở Cái Rắn hả cha ?
– Ừ, ông đã đến vùng này và cho đào một cái ao, gọi là Ao Ngự, ở cách nhà thờ Cái Rắn chừng hai trăm mét.
– Cha lấy tài liệu ở đâu mà nói rành rẽ dữ vậy ?
– Các vị cao niên ở đây kể lại như thế.
Thuyết minh chán rồi thì ngồi chơi. Ngó bâng quơ. Nhai kẹo cà phê nhóp nhép. Đắng đắng. Ngọt ngọt. Béo béo. Thơm thơm. Tuyệt !
– Sắp tới thị trấn Sông Đốc rồi ! Các chị nhìn phía tay phải.
– Ui cha ! Tàu đâu mà nhiều thế ? Chừng nhiêu cái, cha ?
– Hơn bốn trăm cái. Tàu về ăn Tết, chưa xuất hành nên mới đông ken như vậy.
– Mỗi chiếc tàu trị giá chừng mấy chục triệu ?
– Mấy chục triệu hả ? Mấy chục triệu thì tôi cho chị rờ nó một cái. Những chiếc lớn đánh cá ở hải phận quốc tế thì trị giá từ bốn trăm triệu đến một tỉ đồng.
– ? !!
– Như vậy có nghĩa là ở Sông Đốc có chừng bốn trăm tỉ phú.
Đối với người Sàigòn thì chỉ có cảnh tàu bè chen chúc nhau là đáng coi. Còn chợ búa thì họ chỉ liếc qua một cái, rồi đòi về. Trên đường về, có một chị hơi giống Việt kiều ngồi cùng băng với mình.
– Xin lỗi, chị tên chi ?
– Tên con là Pascal.
– À biết rồi, chị bay tới bay lui như con cào cào. Chị ở đâu về ?
– Con thì nay đây mai đó, nhưng ở Palawan rất thường.
– Tôi muốn nghe chuyện Palawan (Philippines).
– Palawan thiếu nước như ở sa mạc vậy. Kỹ sư địa chất đi tìm mạch nước, khoan biết bao nhiêu giếng mà vẫn không thấy nước. Dân khổ vô cùng !
– Ở Mêriba, Môsê đã lấy gậy đánh vào vách đá để lấy nước. Còn chị thì sao ?
– Có một ông cha cầm gậy rà trên bản đồ thì biết chỗ nào có nước. Các kỹ sư cho là dị đoan, nhưng cùng đường rồi, thì chúng con phải điều đội khoan đến đó. Con kêu các bà phước, và bà con ra ngồi thành vòng tròn trên bãi cát, ngước mắt lên trời, đập tay lên cát để xin nước. Người đạo thì kêu Chúa, người ngoại thì con dạy họ : “Lạy Cha Trời, lạy Mẹ Đất, xin cho chúng con nước”. Cứ gào lên như thế, cứ đập tay lên cát như thế. Một lần, hai lần.. . hai mươi lần…
– Có giống người điên không ?
– Không biết. Nhưng mà cùng đường rồi thì phải van xin như thế. Không có nước thì chết sao ? Và… cuối cùng thì có nước thật. Các kỹ sư sửng sốt…..
Cái Rắn, ngày 26-2-1999 .
Các chị Bác Ái Vinh Sơn rời Cà Mau đi Cần Thơ vào lúc 17g45. Mình lấy xe honda ôm vọt thẳng về Cái Rắn. Mệt lắm, nhưng sao thấy không buồn ngủ. Thì ra câu chuyện đi tìm nước ở Palawan vẫn còn ám ảnh mình.
Khi tới cuối đường hầm của cuộc đời, người ta phải chết hoặc tìm ra một lối thoát. Khi con dế bị ngộp thở ở đáy hang, nó phải bò ra để nộp mình cho thằng cu tí. Khi ông Nguyễn Phúc Ánh bị dồn đến Cái Rắn và Sông Đốc, thì tìm được con đường trốn qua Phú Quốc. Khi chị Pascal và đồng bào bị chết khô ở Palawan, thì đã gào lên như điên và đã có nước. Còn mình thì… đã nhiều lần đi tới cuối đường hầm mà không tìm được lối ra.
1- Có một người đàn bà dắt hai đứa trẻ thơ, thất thểu đi vào nhà thờ Cà Mau. Mình mời vô nhà xứ.
– Mời chị ngồi. Chị đi đâu vậy ?
– Con ở Trà Vinh qua bên đây để đi xin ăn.
– Chồng chị đâu ?
– Ổng đi theo vợ bé. Ổng chê con bị lao phổi. Con qua bên đây đi xin ăn mà không đủ gạo nuôi con. Cứ đi được chừng hai trăm mét, thì lại phải ngồi xuống để thở. Bác sĩ nói là con bị lao tới giai đoạn ba… Xin cha nuôi giùm con hai đứa con… Con không còn sống được bao lâu nữa…
– Hiện chị ở đâu ?
– Ban ngày đi xin, tối về ngủ ở nhà lồng chợ.
– Có ai ngủ ở đó nữa không ?
– Có ba mẹ con của con với một ông cùi. Ông cùi nói với con :“Chị đừng đi xin nữa. Đi không nổi đâu. Người ta cho tôi nhiều lắm, ăn không hết. Còn chị thì xin không đủ ăn. Để tôi nuôi cả mẹ lẫn con. Tôi chỉ yêu cầu một điều thôi là mỗi tuần cho tôi h… một lần”. Hu… Hu… Con biết làm gì bây giờ ?! Không chiều người ta, thì hai đứa con phải đói. Nghe người ta, thì… Hu… Hu…
Mình dốc hết túi tiền cho người đàn bà ấy, rồi đứng lặng nhìn ba mẹ con thất thểu đi ra. Bây giờ thì chắc người đàn bà ấy đã chết rồi. Còn hai đứa bé thì không biết đã trôi dạt về đâu ?
2- Ông Hai P. mượn tiền để làm mùa. Mình chờ tới mùa để thấy ông dư ăn. Năm ấy thất mùa. Nước mặn tràn vào. Lúa trổ cờ trắng xóa. Gia hạn cho ông một năm nữa. Năm ấy đứa con gái của ông bị bịnh động kinh. Ông đến gãi tai với mình :
– Xin ông cha rửa tội cho nó, thì nó mới hết bịnh.
– Không phải vậy. Bịnh thì phải vô nhà thương.
– Vô rồi. Bác sĩ biểu không có bịnh gì hết. Đi thầy pháp ở tuốt dưới Năm Căn. Thầy biểu phải cúng một con heo. Đi thầy pháp ở tuốt bên U Minh. Hết một con heo nữa. Bịnh vẫn còn nguyên si. “Nó” không cho ăn, nên con tôi bây giờ xanh như lá cây. Tốn hết mấy cây vàng rồi. Vay mượn riết rồi, đành bỏ mặc tới đâu thì tới.
Mình giới thiệu con ông với một trạm xá đông y ở bên Kiên Giang. Sau một tháng, trạm xá gửi trả lại.
– Có bớt được chút nào không ?
– Chút đỉnh à.
Thế rồi, một ngày kia bà phước báo tin :
– Con B. tự tử chết rồi.
– Bằng cách nào ?
– Thắt cổ.
Mình chẳng biết nói thế nào để an ủi vợ chồng ông Hai P. Họa vô đơn chí ! Biểu ông can đảm chịu đựng ư ? Can đảm gì nổi. Biểu ông cầu nguyện ư ? Cầu nguyện thế nào ? Cầu nguyện với ai ? Cầu nguyện để làm gì nữa ? Ông P. chưa có niềm tin. Mình cảm thấy bất lực hoàn toàn.
Cái Rắn, ngày 3-6-1999
7g30. Chín bà phước có mặt đầy đủ ở bến nhà thờ. Túi xách, máy chụp, sổ tay và cây viết y như ký giả lên đường. Nhóm một đi Kinh Giữa. Nhóm hai đi Đập Vườn và Kinh Thổ. Mình theo nhóm hai.
Xuồng chở hơi khẳm. Bà phước Sàigòn nhát như thỏ, không dám nhúc nhích, không dám trò chuyện. Họ ngồi lặng lẽ như hàng trâm bầu không có gió mơn man để phe phẩy.
Xuồng cập bến. ông Hai Chữ Thập Đỏ nhảy phóc lên bờ. Mình và các bà phước lom khom bò theo. Mảnh sân trơn trượt. Căn nhà lá nghèo nàn.
– Xin lỗi ông thứ mấy ?
– Tôi thứ ba.
– Nhà ông Ba có một người tàn tật ?
– Có thằng cháu ngoại dị tật bẩm sinh. Cha nó thôi mẹ nó. Mẹ con nó bây giờ ở với vợ chồng tôi.
– Ông bà Ba nuôi cả hai mẹ con luôn.
– Tôi mười một đứa con. Nghèo quá! Nhưng biết sao được? Mẹ góa, con dị tật, cha mẹ phải lo.
– Tên cháu là gì ?
– Thằng Cu.
– Tên giấy tờ kia.
– Thì nó chỉ có một tên đó : Nguyễn Văn Cu.
Ông châm nước. Mình chạy ra hàng ba coi mặt thằng Cu. Các bà phước đang phỏng vấn, chụp hình, ghi chép lia lịa. Thằng Cu mười tuổi rồi mà chỉ cao bằng người mẹ ngồi chồm hổm. Đầu to và vuông như đầu thằng rôbốt. Tóc rậm rì rũ xuống che kín cặp mắt đang híp lại, nhăn nhúm như mắt khỉ con. Cái miệng ngoác ra để lộ hai hàng nướu trống trơn với cái lưỡi dày cộm. Nước miếng và nước mắt nhểu xuống nhễ nhãi. Một tay ôm cổ mẹ, một tay dị dạng cong queo. Hai chân vòng kiềng. Mười ngón chân xòe ra một cách vô trật tự.
Bà phước nhỏ nhẹ :
– Cháu có nói được không chị ?
– Nó nói đớt đát được vài tiếng. Hồi mới sanh, dì Bảy có nói trước là cháu sẽ khó nói.
– Cháu đói có biết đòi ăn không ?
– Đói thì nó đòi ăn, nhưng đái ỉa thì nó lại không biết. Cứ cho ra đầy quần rồi nó mới cho hay. Giặt hoài hủy thôi. Cứ suốt ngày phải canh chừng nó. Lỡ đi đâu thì nhờ bà ngoại trông chừng…
Người đàn bà cứ thao thao bất tận kể vanh vách về đời sống của đứa con điên khùng và dị dạng của mình. Nét mặt của chị hân hoan. Nụ cười của chị không vương vấn nỗi khổ. Chị ôm thằng Cu rôbốt, yêu thương và trìu mến. Nó là niềm hy vọng độc nhất và cuối cùng của chị. Chị sẽ nuôi nó suốt đời, yêu thương nó suốt đời trong cảnh nghèo đói tận cùng.
Mình im lặng xuống xuồng đi sang nhà khác, để lại chứng kiến thêm những nỗi thống khổ trập trùng. Nhưng vẫn thầm cảm phục người đàn bà cười tươi với thằng Cu rôbốt… hôm nay và mãi mãi.
Cái Rắn, ngày 5-6-1999
Hôm nay một đoàn đi Bàu Láng, một đoàn đi Tân Ánh. Bà Tư Quý hướng dẫn đoàn một. Ông Chữ Thập Đỏ hướng dẫn đoàn hai. Vì tò mò mình xuống xuồng đi Tân Ánh. Khu vực này có nhiều ca tàn tật gây nhiều cảm xúc. Địa bàn lắt léo, phải đi tìm anh công an ấp nhờ làm hướng dẫn viên. Đi tìm anh cũng mất một tiếng đồng hồ.
Anh dẫn đoàn vào một căn nhà rách nát :
– Nhà này có tới ba người tàn tật lận !
– Nhiều dữ vậy sao ?
Người đàn bà có khuôn mặt nhăn nhúm chống gậy tập tễnh đi ra. Các bà phước bao quanh. Lại chụp hình. Lại phỏng vấn và ghi chép lia lịa.
Mình đến ngồi tâm sự lẻ với người con trai cả.
– Năm nay anh mấy mươi ?
– Gần bốn chục.
– Anh có thấy được chút gì không ?
– Không.
– Hai tay anh như vậy thì còn nấu cơm, giặt đồ được không?
– Không. Tay có tật, chân cũng liệt một nửa.
– Vậy ai nấu cơm giặt đồ cho anh ?
– Vợ tui
– Ủa, anh có vợ hả ?
– Tôi mới cưới vợ năm rồi. Con Lủng này là con riêng của nó.
– Vợ anh đâu ?
– Nó đi giăng lưới kiếm cá ở ngoài ruộng.
– Mẹ anh không thấy đường, anh cũng không thấy đường, vậy thì một mình vợ anh phải lao động nuôi cả nhà này ?
– Hổng có. Thằng thứ sáu nuôi mẹ, nuôi anh, nuôi chị dâu và bé Lủng. Nó cũng bị tật ở tay và chân nhưng còn quơ quào được. Nó đang đi phát cỏ ở ngoài ruộng. Để tôi cho người đi kêu nó về.
Người con trai thứ sáu từ ngoài sân lết vào. Ướt mem.
– Cái tay này còn cầm phảng được không ?
– Được.
– Đánh lộn được không ?
– Hổng dám đâu.
– Sao vậy ?
– Đánh không lại người ta.
– Năm nay anh nhiêu ?
– Ba mươi sáu.
– Chừng nào cưới vợ ?
– Mình tàn tật thì cưới vợ chi để làm khổ người ta.
– Người ta thương thì sao ? Anh Sáu ơi, em thương anh hết sức. Hổng lấy được anh, chắc em chết quá à ! Nếu có cô nào nói như thế, thì anh tính sao ?
– Hổng dám đâu. (Cười sung sướng)
Mình vỗ vai giã từ anh Sáu. Có người ghé tai mình nói nhỏ:
– Dường như vợ anh Hai mắc bịnh cùi.
– Không nên nghĩ vậy.
Anh công an ấp ra lệnh cho tài công ghé đầu kinh Thầy Chùa. Có một người đàn bà đang tuổi mơn mởn từ đâu chạy về.
– Tôi nghe nói nhà chị có một đứa con gái cụt một tay. Chị cho tôi nói chuyện với cháu.
– Yến ơi, con ra ngoài này cho chú hỏi chuyện.
– Năm nay con nhiêu ?
– Con mười sáu tuổi.
– Học lớp mấy ?
– Con đang học dở lớp năm thì nghỉ.
– Con có một tay thì có tiếp gì được cha mẹ không ?
– Nó nấu cơm, giặt đồ…được hết trơn. Mẹ của Yến nói xen vào. Hồi nó mới bốn tháng, tui thì qua bên bà ngoại nó, cha nó thì đi nhắp câu ở sau nhà, chừng một công đất (360m), con heo nái, trèo lên giường lôi nó xuống nhai nát bàn tay. Nghe tiếng khóc thì cha nó chạy vô. Nó chết giấc. Đưa đi Cà Mau, bác sĩ tháo khớp.
– Tôi muốn hỏi chuyện ông xã chị để hiểu thêm.
– Ông xã tôi chết hồi mới sanh đứa em kế nó.
– Chết bịnh hả ?
– Khi tôi sanh thằng này, thì nó không có lỗ đít. Cha nó thắt cổ tự vận. Không một lời trăn trối.
– Thế bây giờ nó đã có hậu môn chưa ?
– Bác sĩ đưa hậu môn ra bên hông. Mười bốn năm rồi “nó” muốn ra lúc nào thì ra.
– Sao không đưa xuống dưới như mọi người.
– Bác sĩ biểu phải tốn tiền lắm. Tui nghèo không lo nổi.
– Chị có muốn kiếm một ông chồng nữa để ổng lo tiếp chị không ?
– Thì đó đó. Được thêm một đứa nữa. Tôi vừa có bầu, thì cha nó bỏ về luôn bên Vĩnh Châu.
– Thì kiếm một ông nào tốt bụng, biết thương, biết lo.
– Hết dám rồi ! (Cười duyên)
Sau khi chụp hình và an ủi, các bà phước xăn quần, lội sình, lần ra bến. Chừng mười phút sau có người hiệu đính lời khai của mẹ em Yến-Hợi (Yến sinh năm Hợi, bị con hợi nhai mất bàn tay).
– Mẹ nó khai không đúng đâu. Cha nó nằm ngủ trên giường với đứa bé. Heo lôi con xuống nhai mất tay mà cha vẫn còn ngủ ?!…
– Hay là hắn say rượu ?
– Biết đâu à.
– Có lẽ lương tâm hắn cắn rứt, cộng thêm cái đau vì đứa con kế đó không hậu môn, nên hắn đã tự vận. Tội nghiệp con Yến. Mặt xinh như thế mà lại cụt tay. Hồi nãy mình có hỏi nó về tương lai, nó trả lời : “Tới đâu hay tới đó”.
Mình không chịu thua, nhưng chưa biết sẽ làm gì cho Yến cụt tay và thằng em không có hậu môn ?
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Nhật Ký Truyền Giáo