Hôm nay mình thấy buồn da diết. Trong tay chỉ có hai cuốn sách : Bài đọc mùa Vọng, mùa Giáng Sinh, và Prières du temps présent. Đọc riết rồi chán. Chán đọc thì viết. Viết để giết thời giờ. Nhưng thời giờ hôm nay dãn nở quá cỡ, giết hoài không hết… Mình vận dụng trí nhớ để hướng về quá khứ. Nhớ anh chị em trong giáo điểm. Nhớ nhà. Nhớ học trò. Nhớ cây cầu khỉ lắt lẻo…
Vẫn còn dư giờ, nên phải nhớ đến con ba khía vẫn thường trú trong nhà cầu của mình. Người ta bảo : Ba khía ăn trái mắm. Nhưng con ba khía của mình lại ăn phân. Hai cái càng của nó thay nhau gắp, gắp hoài không mệt… Nhớ chán rồi thì thèm.
Mình thèm miếng chuối chiên vàng rộm của Xa Cảng Miền Tây quyện với giọng soprano sắc buốt của cô bé lọ lem : “Ai… chuối chiên… đi !”
Mình thèm con khô bổi nướng. ăn với cơm trắng còn nóng hổi, ở nhà thờ Chánh tòa Cần Thơ… Nước miếng tứa ra, xót xa chịu không nổi…
Mình đi ra bờ sông, gác chân lên gốc mắm, đứng nhìn trời mây nước. Trời xanh thăm thẳm, xa cách ngàn trùng. Vài cụm mây mỏng tanh trôi lững lờ, ngơ ngơ như người không có linh hồn. Con nước ròng đang chảy miết ra vàm, quên cả bờ bến. Vô tâm. Vô tình. Mình cảm thấy cô đơn quá chừng !…
Bỗng gió nổi lên. Cành mắm rung xào xạc. Những trái mắm trái mùa rơi lõm chõm xuống dòng sông, trôi lều bều như rác rến, xoáy thành những vòng tròn sau cột miệng đáy, rồi mất dạng theo dòng nước thủy triều.
Bất giác mình tự hỏi : “Trái mắm trôi về đâu ?”
Số phận của nó là lênh đênh, là vô định. Có thể nó sẽ trôi tới Rạch Chèo rồi mất hút trong vịnh Thái Lan mịu mù. Cũng có thể nó sẽ vướng vào đám ô rô, cóc kèn nào đó ở Bàu Trấu, Đồng Cùng, Mang Rổ… rồi phải vật lộn với ô rô, cóc kèn để tồn tại và phát triển.
Mình nhớ đến thánh Phêrô, một con người tầm thường như trái mắm, trôi nổi bồng bềnh trên dòng lịch sử của miền Địa Trung Hải. Ông lên Giêrusalem để giảng Lời Chúa, thì bị lãnh đạo tôn giáo bỏ tù. Ông được ra tù, thì lại bị vua Hêrôđê tống ngục. Từ trong ngục, ông theo sứ thần đi ra mà cứ ngỡ là mình ngủ mơ. Ông đến Rôma, thủ đô của quân xâm lược để tiếp tục giảng Lời.
Ông sống chui lủi như con chuột xạ, nay ở hang toại đạo này, mai ở xóm nô lệ kia. Chính bản thân ông đã là tên nô lệ rồi. Có những lúc ông không biết nên ở hay nên đi; nên ở đây hay ở đó. Ông nhớ lại lời Thầy tiên báo : “Khi con về già, người ta sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đi đến những nơi con không muốn” (Ga. 21,18). Số phận của Phêrô đã được an bài rồi : Bồng bềnh và vô định.
Bất giác mình nghĩ về mình. Mình cũng là một trái mắm đang trôi nổi vật vờ. Đi về đâu, nào ai biết được ? Số phận là bồng bềnh và vô định. Mình trở vô căn nhà vắng lặng để tìm Thầy, Thầy của Phêrô, Thầy của mình…
Cái Rắn, ngày 25-2-1999
Sáng nay vỏ lãi tốc hành đón Đức cha Mẫn và đoàn tùy tùng ở cầu Cái Rắn.
Dẹp bỏ Sàigòn đèn đỏ đèn xanh, khép lại thời khóa biểu ngộp thở của Tòa Tổng Giám Mục, Đức cha thả hồn về quá khứ êm đềm của hơn năm mươi năm về trước. Ngài dán mắt vào từng gốc mắm, từng bụi dừa nước, để tìm những cặp mắt lồi của những con cá thòi lòi láo xược. Ngài mơ ước có một cái giàn thun thật tốt để diễn lại cuộc đời của cậu bé xạ thủ tuyệt vời trên kinh rạch miền cuối Việt này. Nhưng…cụt hứng. Không còn một bóng thòi lòi… Dường như thòi lòi đã tuyệt chủng trên con rạch ngoằn ngoèo này. Bất đắc dĩ, Đức cha chuyển hồn qua cây mắm. Dường như ngài rất am tường về cây mắm. Đã có lần ngài tự ví mình với cây mắm.
Mắm là loại cây tạp, được Từ Điển Tiếng Việt gọi là “Cây nhỡ”. Bà nội trợ chê mắm, vì củi mắm dai nhách, khó bửa, cho lửa thì ít, cho khói thì nhiều. Thợ mộc cũng chê mắm, vì ván mắm lắm thớ, làm dơ lưỡi bào… Chẳng ai thèm trồng mắm, nhưng mắm cứ mọc tràn lan. Chẳng ai thèm đốn mắm, nên mắm cứ mọc bạt ngàn.
Nghe Đức cha minh họa cây mắm, người Sàigòn cứ ớ ra như vịt nghe sấm.
– Cây mắm khác cây đước ra sao ? Cây nào là cây mắm ?
– Cứ nhìn xuống gốc cây. Gốc nào có nhiều rễ mọc ngược lên, lởm chởm như bàn chông, thì đó là cây mắm.
Mình cao hứng bèn phụ họa thêm :
– Khoa học gọi rễ đó là rễ thở. Dân gian gọi là c.. : c.. mắm, c.. bần. Mắm nhiều hơn bần vô cùng lần. C.. mắm cũng hữu ích hơn c.. bần vô cùng lần. C.. mắm chống hiện tượng xói mòn hai bên bờ sông và giữ được đất phù sa. Vậy mà Từ Điển Tiếng Việt chỉ chiếu cố từ “C.. bần”, mà cố tình bỏ quên từ “C.. mắm”. Mình viết thư khiếu nại với Ban Biên Tập. Họ đã từ chối thẳng thừng. Bà nội trợ chê củi mắm. Thợ mộc chê ván mắm. Bây giờ Ban Biên Tập Từ Điển Tiếng Việt lại chê c.. mắm. Mắm ơi ! Đừng buồn nhé !
Cái Rắn, ngày 26-2-1999
Sáng nay mình đưa gần hai chục “con gái Thánh Vinh Sơn” đi tham quan Mũi Cà Mau. Người con gái nào cũng chậm rãi. Chậm rãi vừa là nhân đức, vừa là thói xấu của con gái. Để giảm thiểu cái xấu ấy của chậm rãi, mình ra lệnh :
– Phải đi thật sớm để không về trễ. Phải ăn sáng trên vỏ, để tranh thủ thời gian.
– Bao xa cha ?
– Cả đi lẫn về không dưới hai trăm cây số.
– Đẹp không cha ?
– Xấu hoắc ! Đi để biết! Biết Mũi Cà Mau, phao câu của tổ quốc để yêu thương quê hương hơn khi chưa biết.
– Ở đó có những gì ?
– Ở đó có cái bảng bự, viết chữ thật to : “Mũi Cà Mau”, và… rừng mắm trập trùng.
– Người ta trồng mắm để làm gì ? Trái mắm ăn được không?
– Chỉ có ba khía và cá dứa ăn trái mắm. Còn cây mắm thì chẳng ai trồng. Chúa trồng mắm để bảo vệ lục địa và đưa lục địa ra khơi.
– Cha hay tếu quá à !
– Tôi nói chuyện thực tế. Lát nữa tôi sẽ giải thích cho chị nghe.
Vỏ lãi rời bến nhà thờ vào lúc 6g15. Nó gầm lên và lao tới để khoe tốc độ với người Sàigòn. Mình sốt sắng giới tbiệu các địa danh ghi khắc nhiều kỷ niệm : Rau Dừa, Cái Nước, Cống Bà Chủ, Đồng Cùng. Dường như bà phước không quan tâm. Bà đang lâm râm lần hạt. Thì ra bà đọc kinh, mình lo ra, chúng ta cùng đi.
7g30 vỏ lãi tới Đồng Cùng, quẹo tay phải, rồi cắt ngang sông Bảy Háp, lao đầu vào “Kinh Tắc Năm Căn”.
– Còn mười ba cây số nữa thì tới Năm Căn.
– Năm Căn đâu ? Năm Căn đâu ?
Năm Căn, mối tình đầu của Dòng Bác ái Vinh Sơn. Nói đến Năm Căn, con tim của họ co thắt như điện giật. Còn những mười ba cây số nữa mà đã nhao nhao lên : “Năm Căn đâu ? Năm Căn đâu ?
Năm 1972 họ đã đặt chân lên đất Năm Căn, nay là Hàng Vịnh. Họ là Dòng tu đầu tiên đến hoạt động ở miền cuối Việt này . Họ mở lớp gia chánh, cắt may bình dân, để nâng cao trình độ của các bà mẹ tương lai. Họ mở lớp mẫu giáo vườn trẻ để vun xới cho thế hệ tương lai ngay từ tuổi thơ ấu. Họ mở phòng phát thuốc để cứu khổ nhân dân, giữa một vùng mà muỗi nhiều hơn trấu, nước ngọt quý hơn nước thuốc (Một chai bia con cọp giá 18 đồng. Một đôi nước mưa giá 150 đồng). Chiến tranh tàn khốc : bom đạn ì xèo, hỏa châu giăng mắc, họ vẫn ôm cứng lấy Năm Căn, không chịu xa lìa.
Tiếc thay, mối tình đầu ấy lại là mối tình dang dở. Số phận nghiệt ngã đã chặt đứt vòng tay của họ. Họ ở Sàigòn mà vẫn liếc trộm về Năm Căn… Mối tình đầu đã trở thành dang dở. Mối tình dang dở đang trở thành vụng trộm. Tại sao yêu mà phải khổ đến thế ?
10g45 vỏ lãi tới chợ Rạch Tàu. 11g15 ghé đồn công an biên phòng. Khách đổ bộ lên mũi, nhưng chỉ thấy tấm bảng bự với ba chữ to : “Mũi Cà Mau” và rừng mắm trập trùng. Xa xa có hòn Khoai, mờ mờ sau lớp mây mù. Người ta dự tính rằng : chỉ hơn một trăm năm nữa, rừng mắm sẽ biến hòn Khoai thành núi Khoai.
Giã từ đất Mũi, mình chỉ giữ lại hình ảnh trái mắm. Mình thiển nghĩ : Nếu Đức Giêsu giảng Lời ở đây, Ngài sẽ nói : “Nước Trời giống như cái gì ? – Nước Trời giống như trái mắm”
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Nhật Ký Truyền Giáo