Chỉ bằng hai hành vi đầu tiên ấy, Chúa đã cho người ta thấy tấm lòng của Ngài là yêu thương mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da và mở ra cả một chương trình truyền giáo đem ơn cứu độ đến cho muôn dân. Tình thương ấy dẹp tan mọi rào cản mà con người dựng nên giữa người này người nọ.
Thánh Matthêu kết luận: để được hoàn tất điều đã được nói bởi ngôn sứ Isaia: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta”. Điều này có nghĩa là, Đức Giêsu không chỉ chữa bệnh như các bác sĩ hay lương y, nghĩa là loại bỏ bệnh tật, ma quỉ ra khỏi con người, nhưng còn mang vào mình!
Ngắm nhìn thân thể nát tan của Ngài trên Thập Giá sẽ làm cho chúng ta hiểu được mầu nhiệm “mang vác” này của Chúa Giêusu. Trên Thập Giá, Ngài không chỉ mang vào mình các thứ bệnh của chúng ta, nhưng cả cái chết, vốn là điểm tận cùng của mọi thứ bệnh của loài người. “Khi tối đến”, bối cảnh thời gian của việc lành, loan báo cho chúng ta Giờ của Thập Giá, Giờ của Đức Kitô, Giờ của Thiên Chúa. Đó là lúc, Thiên Chúa nhận lấy làm của mình mọi nỗi đau của con người nơi Đức Giêsu; và cũng nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa nhậm lời kêu cầu của con người, một lần cho tất cả, khi giải thoát Chúa Giêsu khỏi sự chết.
Hoạt động chữa lành của Chúa Giêsu dường như được thâu tóm lại hết trong trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe: Chúa đã chữa lành người đầy tớ bị tê bại của viên đại đội trưởng, bằng lời nói quyền năng của Ngài; Bà mẹ vợ ông Phêrô đang bị sốt nặng, cũng được Ngài cho “chỗi dậy”; Và sau đó Ngài chữa lành nhiều kẻ bị quỉ ám và mọi kẻ ốm đau.
Vừa nghe lời xin của viên bách quản. Chúa Giêsu lập tức trả lời : “Tôi sẽ đến chữa nó”. Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài luôn sẵng sàng, Ngài đáp ứng ngay, Ngài đem cả con người để phục vụ một kẻ xa lạ. Và khi thấy viên bách quản gắn bó với Ngài như một lời tuyên xưng : “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh”. (Mt 8, 8). Chúa Giê su đã khen đức tin chân thành của ông.
Điều ta thấy ngạc nhiên trong câu chuyện đó chính là “sự ngạc nhiên” của Chúa. Chúa Giêsu không thấy một người Israel nào có lòng tin như viên đại đội trưởng, một người ngoại giáo. Viên sĩ quan này chỉ cần một lời thôi để bày tỏ lòng tin của mình, và Chúa cũng chỉ phán một lời thôi để gia nhân ông được khỏi bệnh và nhà ông được cứu độ.
Điều làm Chúa ngạc nhiên có làm cho những kẻ theo Người phải “ngạc nhiên” không? Và rồi ta có “ngạc nhiên” để nhìn lại chính mình về đời sống của mình hay không.
Lòng tin vào sức mạnh của Lời Chúa Giêsu của viên đại đội trưởng thật đơn sơ, nhưng thật vững chắc và rất hợp lí. Bởi vì, ông khởi đi từ kinh nghiệm của chính mình: lời của ông cũng có sức mạnh: “Tôi bảo người này: “Đi! “, là nó đi, bảo người kia: “Đến! “, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này!” “là nó làm”. Lời con người cũng có sức mạnh, làm cho chuyển động, làm cho thực hiện và sinh hoa kết quả.
Để ý một chút, ta nhận ra lời này được Giáo Hội đưa vào trong Phụng Vụ Thánh Thể: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. Trong hai trường hợp có một vài khác biệt:
Viên đại đội trưởng nói cho người đầy tớ mà ông yêu quí; điều này cho thấy rằng, Chúa cũng mến thương những người chúng ta thương mến. Còn chúng ta, chúng ta nói cho chính mình.
Viên đại đội trường xin ơn chữa lành thể xác; còn chúng ta, chúng ta xin ơn chữa lành tâm hồn.
Để chữa người đầy tớ của viên đại đội trưởng, Chúa Giêsu không cần đến nhà. Còn chúng ta, cho dù chúng ta không xứng đáng, Chúa Giêsu vẫn cứ vào luôn trong “nhà chúng ta”.
Mỗi người chúng ta liên đới với những người đau khổ, những bệnh nhân của những cơn bệnh hiểm nghèo bất trị như ung thư, sida. Người Kitô hữu luôn lấy đức tin để nhìn vào những đau khổ của mình và tha nhân với đau khổ của Đức Kitô. Chúng ta đang chứng kiến những nỗi đau đớn từng ngày của những người thân yêu là Ông Bà Cha Mẹ của mình nằm liệt trên giường bệnh đang cần đến sự cảm thông và lòng yêu mến đối với họ. Sợi dây nối kết con người đau khổ với Chúa chính là lòng tin của con người. Chúa Giêsu đã chữa lành người đầy tớ của viên bách quản là do lòng tin của ông.
Ngày nay Chúa Giêsu cũng cần lòng tin của chúng ta để chữa lành cho bao người chung quanh chúng ta. Lòng tin ấy được thể hiện bằng những hành động cụ thể như an ủi, cảm thông, giúp đỡ. Lòng tin ấy chính là một thể hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.
Người có Đức Tin là người yêu thương tha nhân. Viên đại đội trưởng trong Tin mừng hôm nay, dù ông là một người ngoại giáo, Tin mừng không kể ông đã bao nhiêu lần nghe Chúa Giêsu rao giảng, đã bao nhiêu lần ông chứng kiến những phép lạ, nhưng có một điều chúng ta có thể chắc chắn rằng đức tin của ông thật là hoàn hảo, đến độ Chúa Giêsu cũng phải khen rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế”.
Vì lẽ niềm tin vào Chúa Giêsu thật mãnh liệt nên ông có một đời sống yêu thương tha nhân, vì vậy khi một người đầy tớ trong gia đình ông bị đau nặng, lòng ông cũng thương cảm, cũng đau xót, và ông coi như con cái ruột thịt trong nhà, để rồi ông sẵn sàng hạ mình xuống trước mặt Chúa Giêsu để mà cầu cứu.
Trang Tin Mừng hôm nay là cơ hội để chúng ta nhìn lại đức tin của mình trong đời sống hằng ngày. Đôi khi chúng ta tự hào về đức tin của mình, của cộng đoàn, bằng những cuộc lễ rước long trọng, sôi động và đông đảo, và tốn kém. Thế nhưng chúng ta lại không thương xót anh em bị bỏ rơi bệnh tật, không dấn thân phục vụ công tác tông đồ, và không quảng đại với những người đang đói kém. Và rồi, như Chúa mời gọi, người kitô hữu chúng ta hãy chứng minh mình có đức tin tốt qua chính cái tâm tôt của mình trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Huệ Minh