Và rồi từ chiều tối ngày 15 tháng 3, dòng người đổ về với ngôi nhà Chung của Giáo Phận để chờ đón vị Cha chung kính yêu trở về. Những dòng lệ vẫn tràn mi thương nhớ Cha già đáng kính.
20 g 30, sau khi Đức Cha Giuse – Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận làm phép những vành khăn tang thì cũng cả dòng người đông đảo chit trên đầu chiếc khăn tang để bày tỏ lòng kính mến Đức Tổng quý yêu.
Từ chiều những ngày qua, đặc biệt là tối hôm nay, tất cả con cái trong Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã phải chit tang, đã phải chịu tang vì đây có thể nói là đại tang của những người Kitô hữu ở trên mảnh đất Sài Gòn mến thương.
Thật lạ ! Thường người ta chỉ chit trên đầu mình chiêc khăn tang có những mối tương quan thật gần trong họ hàng máu mủ. Ấy vậy mà chả hiểu sao chả có chung một dòng máu, chả mang trong mình một huyết thống mà người người, nhà nhà và hàng linh mục ai ai cũng chịu tang và thương khóc. Đơn giản để mà lý giải vì đây là những vành tang và những dòng lệ của tình yêu, của lòng mến mà mọi người dành cho Đức Tổng thân thương.
Không thương sao được khi mình phải chịu ơn với một cuộc đời tận hiến cao đẹp.
Từ thuở ấu thơ, Đức Tổng đã ý thức và chọn cho mình con đường tận hiến.
Dù không có duyên với Dòng Chúa Cứu Thế nhưng Thiên Chúa vẽ đường thẳng bằng compa trên cuộc đời ơn gọi của Đức Tổng để Đức Tổng đi tu triều, du học và trở thành người lãnh đạo tinh thần cho cả Giáo Phận. Trọng trách mà Đức Tổng vai mang không đơn giản như nhiều người lầm tưởng, Phải tín thác, phải vâng phục và nghe theo tiếng Chúa để mới có thể hoàn thành sứ vụ mà Thiên Chúa trao phó.
Giờ này đây, khi không còn nhìn thấy Đức Tổng nữa nhưng những hoa trái đời sống thiêng liêng và nhất là cung cách sống gắn kết với Chúa đã làm cho nhiều người bỡ ngỡ và ngạc nhiên.
Như một Lui Pasteur ngày xưa ngồi trên xe lửa mân mê tràng hạt Mân Côi thì ngày hôm nay một Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc cũng mân mê tràng hạt Mân Côi ấy trên những chuyến bay đi mục vụ hay trên mọi nẻo đường đi của Ngài.
Rất đơn sơ và như là lời mời gọi của Đức Tổng vào chiều mùng 1 Tết khi hành hương minh niên tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Lời của Đức Tổng còn văng vẳng đâu đây : Tôi rất quý thời gian, tôi đã dành nhiều thời gian cầu nguyện.
Thật thế ! Có ai can đảm nói và sống như Đức Tổng hay không ? Đơn giản là vì người ta vịn vào kế sinh nhai cũng như công việc để không còn giờ cho Chúa và với Chúa nữa.
Thế đấy ! Khi Ngài mất đi, mọi người mới khám phá ra một kho tang tri thức đặc biệt là vềchuyên môn mầu nhiệm Ba Ngôi của Đức Tổng và đặc biệt hơn là cuộc đời chuyên chăm cầu nguyện và gắn kết với Mẹ Maria qua tràng chuỗi Mân Côi.
Nhắc đến người Cha chung yêu dấu sẽ thiếu sót lớn nếu không nói về tâm tình cũng như kim chỉ nam mà Đức Tổng chọn cho đời giám mục của mình “Chúa là nguồn vui của con”.
Thật vậy, phải nói rằng có một đời sống nội tâm “thâm hậu” để rồi Đức Tổng chọn hướng đi, lẽ sống hay có thể nói linh đạo cho đời mình rằng “Chúa là nguồn vui của con”
Lẽ sống, phương châm “Chúa là nguồn vui của con” cũng chính linh đạo của nhiều vị Thánh và đặc biệt đó là linh đạo của Thánh Trinh Nữ Maria.
Cả cuộc đời xin vâng để rồi Maria vui vẻ với gia đình người chị họ khi bắt đầu cuộc gặp gỡ : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, tâm hồn tôi hoan hỷ vì Thiên Chúa là Đấng cứu độ tôi”.
Đức Tổng Phaolô của chúng ta cũng vậy thôi, Đức Tổng hoan hỷ, vui mừng vì Chúa chính là nguồn vui của Ngài. Và tất cả bằng chứng sống, linh đạo của Đức Tổng đã tỏ hiện trong từng ngày sống của mình.
Với tất cả những điều đó, với tất cả đời sống và linh đạo mà Đức Tổng đã sống thì khi Ngài qua đi chúng ta thương nhớ Ngài bằng tình cảm sâu lắng của những dòng lệ và chiếc khăn tang cũng là điều “chính đáng và phải đạo thôi”.
Đứng trươc biến cố tang thương này, dĩ nhiên chúng ta thương nhớ Đức Tổng nhưng hãy còn nhớ chúng ta là những người Kitô hữu để rồi chúng ta không phải buồn sầu vì số phận phải chết nhưng hãy tin rằng sau khi qua cõi chết nghĩa là bước vào cõi sống trường sinh.
Chuyện quan trọng là chúng ta sống như thế nào ? Chúng ta sống ra sao và đặc biệt chúng ta có sống linh đạo “Chúa là nguồn vui của con” như Đức Tổng hay không mà thôi.
Trong niềm tin, cả đời Đức Tổng đã sống trong niềm vui có Chúa và với Chúa thì ngày sau hết, “Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân, và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người, vì Người đã phán. Ngày đó, người ta sẽ nói: Này đây Chúa chúng ta, chúng ta đã chờ đợi Người, và Người sẽ cứu chúng ta. Đây là Chúa, nơi Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu độ, vì Chúa sẽ đặt tay của Người trên núi này”. (Is 25, 6-10a)
Sống trong niềm tin ấy và đặc biệt với linh đạo mà Đức Tổng đã sống thì ta tin răng ngày sau hết, ta và Đức Tổng sẽ cùng nhau ở trên Núi Thánh và nơi ấy sẽ không còn khăn tang và dòng lệ nữa.
Với tất cả tâm tình yêu thương và quý mến, ta có quyền khóc thương và chit trên đầu vành khăn tang để bày tỏ tình thương của chúng ta với Đức Tổng. Kèm theo dòng lệ thương nhớ và chiếc khăn tang, chúng ta hãy bắt chước Đức Tổng là dành nhiều thời gian cầu nguyện và “mân mê” trên tay mình chuỗi hạt Mân Côi như Đức Tổng “mân mê” khi còn sống.
Người Giồng Trôm
Ảnh: tuoitre.vn, thanhnien.vn