Từ trái qua, nữ tu Joseph Maria, Mary Cecilia, Mary Magdalene và Maria Teresa tản bộ trong tu viện
1.
Theo báo The New York Times, vào năm 1919, 15 nữ tu được dẫn dắt bởi nữ tu bề trên Mary Imelda Gauthier, đã lưu lại thành phố Summit, bang New Jersey để lập nên dòng kín Đa Minh Đức Mẹ Mân Côi. Hai cơ sở khác lần lượt được thành lập ở North Guilford, bang Connecticut (năm 1947) và ở thị trấn Cainta của Philippines (năm 1977).
Trong một bài nghiên cứu được công bố vào năm 2014 bởi “Trung tâm nghiên cứu thực tiễn về tuyên truyền vận động” (CARA), bảng thống kê nêu rõ sự sụt giảm rõ rệt và đáng lo ngại hơn cả là các nữ tu trên toàn nước Mỹ, từ đỉnh điểm 181.421 nữ tu vào năm 1966, đã giảm xuống dưới 50.000. Tu viện Đa Minh hình thành trong giai đoạn khủng hoảng ơn gọi trầm trọng của nước Mỹ, đã làm ảnh hưởng lớn đến những mục tiêu truyền giáo ban đầu của dòng. Trong những thập niên qua, sau nhiều lần sụt giảm về số lượng, hiện tại dòng có 15 nữ tu đang sinh hoạt, 9 người trong số đó đã tuyên khấn vĩnh viễn, quyết trọn đời ở lại tiếp tục con đường tu trì tại nhà dòng.
Các nữ tu hoàn tất khâu đóng gói xà phòng chuẩn bị xuất xưởng
Với nhiều thách đố của xã hội hiện đại, các nữ tu dòng Đa Minh Đức Mẹ Mân Côi hằng ngày chuyên tâm vào đời sống chiêm niệm trong tu viện và không ngừng đem lời Chúa đến mọi người theo cách riêng của mình.
2.
Theo xu hướng mới, mạng xã hội đã trở thành công cụ hữu ích giúp ơn gọi được truyền tải một cách sâu sắc hơn đến nhận thức của mọi người. Các nữ tu dòng Đa Minh rất nhạy bén, đã vận dụng truyền thông xã hội qua các phương tiện hỗ trợ hiện đại và không quên đào sâu nhu cầu chia sẻ như một cách để mang mọi người đến gần các giá trị Kitô giáo hơn. Những dòng cập nhật trên tài khoản Twitter và trang blog cá nhân với tên gọi “Đời sống nữ tu” đăng tải liên tục các sinh hoạt thường nhật của tu viện cũng như những tin tức liên quan đến Giáo hội. Đặc biệt hơn, người theo dõi có thể tìm kiếm cụm từ “Làm thế nào để trở thành một nữ tu”, sau đó họ sẽ được các nữ tu tư vấn để bắt đầu tìm hiểu ơn gọi một cách cụ thể nhất. Ngoài ra, các nữ tu còn lập một hộp thư điện tử, dùng làm nơi tiếp nhận những email tâm sự hay trăn trở về cuộc sống, đồng thời tư vấn những phụ nữ đang gặp khủng hoảng trong đời sống gia đình.
Nữ tu Maria Teresa cùng nữ tu Mary Catharine tập dượt nghi thức chuẩn bị cho lễ tuyên khấn lần đầu
Nữ tu Mary Catharine đang là người phụ trách công việc truyền thông này. Vào năm 1991, Catharine đã gia nhập tu viện Summit khi mới 22 tuổi và là nữ tu trẻ nhất lúc bấy giờ. Chị cho biết chính nhờ việc luôn theo dõi trang mạng của dòng tu trong suốt 2 năm làm chị nhận ra sự cảm mến mạnh mẽ với ơn gọi đặc biệt này. Nữ tu đã từ bỏ công việc trình dược viên ở quê nhà Massachusetts để xin dấn thân vào tu viện. Chị nói: “Với tôi, đây là môi trường mà tôi được nâng đỡ để trưởng thành và được yêu thương”. Giờ đây, với vai trò là bề trên của dòng, chị đang hướng dẫn cho 6 nữ tu khác dưới 30 tuổi. Mùa hè này chị sẽ đón thêm 4 thành viên mới, 3 trong số họ chỉ trên dưới 20 tuổi. Nữ tu Mary Catharine nhận xét về ơn gọi dấn thân hiện nay: “Với sự phát triển mạnh mẽ của thế giới công nghệ, tôi nghĩ mọi thứ đã bão hòa. Và mọi người nhìn nhận cuộc sống này một cách khá căn cơ. Mỗi người lại theo đuổi nhiều lối sống với những đam mê khác nhau. Nhưng khi bạn được Chúa kêu gọi, bạn sẽ cảm thấy không gì làm bạn hạnh phúc hơn nữa”.
Nghi thức lễ tuyên khấn lần đầu
Hiện nay, các nữ tu Đa Minh đã xây dựng được một mạng lưới truyền thông xã hội mạnh mẽ với con số rất khả quan, bao gồm một trang Facebook với hơn 6.200 người hâm mộ, vượt quá 700 người theo trên Twitter và hơn 300 người đăng ký trên YouTube. Điều ngạc nhiên hơn là nhiều phụ nữ đến với ơn gọi tại dòng Đa Minh Đức Mẹ Mân Côi còn khá trẻ, có trình độ và học thức nhất định trong xã hội. Họ tình nguyện từ bỏ lối sống cá nhân và dấn thân vào những nơi khó nghèo. Như nữ tu Maria Teresa, người đã tuyên khấn lần đầu ở tu viện, mới năm ngoái thôi chị còn đang là sinh viên năm 3 của Đại học Drew, chuyên ngành nghiên cứu tôn giáo và sinh học. Khi đó chị cảm thấy mình cần có bổn phận phải cống hiến gì cho xã hội nên quyết định dấn thân vào đời sống tu trì tại dòng Đa Minh.
Nữ tu Maria Teresa đang chăm sóc ao cá mới xây
Tuy nhiên, phải kể đến một phụ nữ có ơn gọi hết sức đặc biệt tại đây, chính chị đã góp phần mang dòng tu đến tiếp cận cộng đồng một cách chân thực hơn. Đó là nhiếp ảnh gia Toni Greaves. Vào cuối năm 2008, khi nữ tu Maria Teresa vừa tập tu tại dòng được 3 tuần thì chị Toni Greaves nhờ tìm hiểu qua trang web của dòng đã đến viếng thăm tu viện, sau đó chị xin đồng hành để quay phim tư liệu về cuộc sống của họ. Chị đã dành 7 năm tiếp theo để viếng thăm dòng, ngủ lại trong những phòng nhỏ dành cho khách ở tầng hầm. Nhiếp ảnh gia Greaves chia sẻ trải nghiệm của bản thân khi được sống cùng mọi người ở tu viện: “Tôi cảm nhận mình không chỉ đang hòa mình cùng với các chị em ở đây, mà còn thực sự dấn thân vào đời sống cầu nguyện. Và điều đó thật tuyệt vời”. Cuốn sách mới nhất của chị “Radical Love” vừa được phát hành vào tháng 8, là một bộ sưu tập những hình ảnh tư liệu hết sức rõ nét về hành trình của nữ tu Maria Teresa từ những tuần đầu tiên ở tu viện đến sứ mệnh trọng thể sau 7 năm.
3.
Cuộc sống trong tu viện đòi hỏi sự chịu đựng rất cao. Các nữ tu Đa Minh Đức Mẹ Mân Côi tự lực bằng chính sức lao động của mình trong nếp sống thanh bần, đạm bạc. Nữ tu bề trên Mary Catharine nhấn mạnh đến những thử thách mà các tập sinh sẽ gặp trong thời gian đầu: “Về giai đoạn ban đầu, nếu họ có thể trụ qua được 6 tuần, thì sẽ được kéo dài tới 1 năm. Nếu họ trụ được 1 năm, có thể họ sẽ hướng theo đời sống tu trì một cách nghiêm túc”. Buổi sáng các nữ tu phải dậy từ rất sớm rồi bắt đầu làm việc cật lực hết ngày qua các hoạt động như học tập, cầu nguyện và ra sức hoàn thành tất cả những công việc khác của nhà dòng. Các nữ tu tự làm vườn, trồng trọt và tất cả những gì có thể làm được để chu cấp cho đời sống của tu viện. Việc giặt giũ, nấu nướng hay may vá cần được hoàn thành trong ngày. Vài nữ tu cũng đã từng tự làm giày cho mình. Việc sửa chữa và chế tạo cũng là một thử thách thật sự cho những người phụ nữ tại đây như vận hành xe hơi, công cụ chỉnh phim, sách xuất bản, quản lý cơ sở dữ lieu…
Tu viện Đa Minh Đức Mẹ Mân Côi tại thành phố Summit, New Jersey (Mỹ) qua ống kính của nhiếp ảnh gia Toni Greaves
Nữ tu Mary Cecilia còn có bổn phận chăm lo những công tác mục vụ bên ngoài tu viện. Chị là “tài xế” của những nữ tu khác và chuyên đưa đón những vị khách từ sân bay. Chị cũng hay đến gặp gỡ các bạn trẻ trong vùng, đi mua sắm cho nhà dòng và vô số những điều lặt vặt thường nhật. Nữ tu Cecilia là người Canada, tốt nghiệp từ trường kinh doanh, thi đậu chứng chỉ môi giới chứng khoán và bắt đầu một công việc được trả lương khá tốt. Năm 2007, chị đã tìm đến dòng khi mới vừa 24 tuổi và sau 6 năm, chị vừa tuyên khấn lần đầu.
Để duy trì đời sống tại tu viện, các nữ tu còn đặt một tủ nhỏ trước cửa nhà nguyện để bán các sản phẩm làm bằng tay của mình như hàng lưu niệm bằng gỗ, xà bông, nến và các loại mỹ phẩm có nguồn gốc từ thảo mộc… Việc buôn bán này giúp giảm bớt gánh nặng chi phí đang dần một tăng cao. Họ còn lên ý tưởng quảng bá các sản phẩm của nhà dòng trên Yelp!, một mạng xã hội có tiếng của Mỹ chuyên kết nối những doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp mọi người có thể dễ dàng tìm kiếm và đặt mua hàng qua mạng. Tuy có những món rất được ưa chuộng nhưng cũng có những sản phẩm thất bại. “Xà bông sôcôla không được ưa chuộng lắm. Vì không ai trong chúng tôi có kinh nghiệm về tiếp thị, chúng tôi đã cố gắng làm hết sức mình!”, nữ tu Mary Catharine chia sẻ. Giờ thì họ đang rất háo hức lên kế hoạch cho những mùi hương dành cho mùa Xuân sắp tới.
Một chiến dịch kêu gọi hỗ trợ cũng đang được tiến hành giúp các nữ tu xây dựng thêm một khu dành cho người khuyết tật và sửa chữa lại các phòng sinh hoạt. Đó cũng là điều mơ ước từ rất lâu rồi của nhà dòng, khi cơ sở hạ tầng đã xuống cấp trầm trọng sau nhiều thập niên. Bên trong sẽ cơi nới khu vực tiếp khách lớn hơn, một quầy bán hàng sẽ được thay đổi cho phù hợp với nhu cầu và dành nhiều không gian hơn cho khu vực làm sản xuất.
Nói về linh đạo của dòng, nữ tu Mary Catharine tóm gọn trong bốn chữ “chiêm niệm và hoạt động”. Linh đạo của dòng còn biểu hiện rõ nét qua câu châm ngôn “Nói với Chúa” và “Nói về Chúa”. Các nữ tu “Nói với Chúa” qua việc chiêm niệm lời Chúa và “Nói về Chúa” trong mọi ngóc ngách của cuộc sống, dấn thân phục vụ và đồng hành cùng với mọi hoàn cảnh. Chính đời sống của các nữ tu dòng Đa Minh Đức Mẹ Mân Côi là minh chứng sống động cho một Giáo hội Mỹ cởi mở và là biểu trưng của một “nền văn hóa gặp gỡ” về Giáo hội ngày hôm nay.
Triệu Minh
Nữ tu Mary Catharine:
“Hơn cả những gì tôi có thể tưởng tượng, Chúa đã làm trên tôi những điều kỳ diệu”.
Nữ tu Mary Cecilia:
“Cuộc sống tu trì không hề nằm trong suy nghĩ trước đây của tôi. Tôi nhớ rằng mình đã cầu nguyện với Chúa xin cho tôi biết phải làm gì. Và tôi đã vâng phục theo thánh ý Người”.
Nhiếp ảnh gia Toni Greaves:
“Tôi từng nghĩ tu viện là một nơi thực sự yên tĩnh và buồn chán. Nhưng những điều tôi thấy hoàn toàn ngược lại, chính niềm tin yêu vào cuộc sống và tình thương mến của các chị em ở đây đã khiến tôi thật sự kinh ngạc. Vây quanh tôi là những người phụ nữ trẻ trung và đầy nhiệt thành trong ơn gọi của mình. Họ đã thực sự từ bỏ chính mình và đi theo Đức Kitô”.