Cho dù nguy cơ như những tác động bên ngoài của hoàn cảnh có mạnh đến đâu nếu trái tim của hai tâm hồn chung một nhịp đập thì mọi sóng gió chỉ là cơ hội cho buồm căng lái giúp thuyền ra khơi. Nhưng dù sao những nguy cơ ấy cần được vạch rõ hầu lường trước những khó khăn và nguy hiểm, nhờ đó, họ tỉnh thức và chủ động hơn trong việc lèo lái cuộc tình theo ý Chúa. Có thể nói, thói cậy mình có của, yêu mình quá đáng và tổn thương quá khứ là những nguy cơ đang rình rập mưu toan phá vỡ cuộc tình.
Chúng ta vẫn nghe nói rằng tiền bạc có thể mua được một căn nhà đồ sộ nhưng chưa chắc mua được một mái ấm gia đình. Thế mà nhiều người đã chạy theo lợi nhuận vật chất mà bỏ bê việc vun đắp hạnh phúc lứa đôi. Họ cho mình quyền được kiếm ra tiền, rồi đến khi lãnh lương, mệt mỏi với những dự tính không biết phải mua gì sắm chi. Thậm chí, họ làm được nhiều tiền đưa về cho vợ hưởng dùng bỏ mặc nàng cho thói tiêu xài phung phí, rồi “rảnh rỗi sinh nông nổi, sinh tội lỗi, và bao nhiêu hệ lụy khác. Còn con cái, họ rót tiền cho chúng, khoán trắng cho nhà trường và xã hội. Họ nghĩ thế là cách quan tâm cụ thể và vun đắp tình yêu gia đình. Đến một ngày, họ mới ngộ ra, mất cả chì lẫn chài. Họ qui trách nhiệm cho xã hội bất công mà quên mất qui tắc: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.
Thật thế, trước hết hãy qui về trách nhiệm cho chính mình. Chính tôi đã coi thường những buổi gặp mặt gia đình. Những ngày cuối tuần thay vì dành không gian riêng cho vợ con, nuôi dưỡng những mầm non hạnh phúc, tôi lại chọn việc ngoại giao tiếp xúc với bạn hàng và coi đó như việc hệ trọng. Sai lầm này hệ tại việc tôi chọn ưu tiên cho công việc hơn gia đình, hiệu năng hơn hạnh phúc, căn nhà đồ sộ hơn mái ấm yêu thương. Nguy cơ của thói cậy mình có của là thế !
Điều quan trọng ở đây không phải là kiếm thật nhiều tiền mà là ý thức mức độ ảnh hưởng của tiền bạc trong đời sống gia đình. Thật vậy, người trưởng thành trong tình yêu là người biết làm chủ và kiểm soát mọi sinh hoạt trong gia đình, không phải để thao túng người khác nhưng là nhạy bén và tinh tế xử lý mọi vấn đề giúp mọi thành viên trong gia đình sống an hòa dù thuyền tình luôn gặp sóng gió. Cho dù Chúa Giêsu có ngủ trong thuyền tình của bạn, bạn cũng hãy an lòng. Chính sự hiện diện của Người làm cho bầu khí gia đình được cải thiện và năng động hơn.
Có một nguy cơ khác hệ trọng hơn làm phá vỡ hạnh phúc gia đình: yêu mình quá đáng. Đó là cách nói khác khi bàn đến những người đề cao chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ. Nếu biết cách chăm sóc bản thân bằng cách đáp ứng những nhu cầu chính đáng trong cuộc sống thì đây là cách thức giúp tăng trưởng sự tự tin và phát huy lòng tự trọng. Nhờ đó, họ trân quí những giá trị tinh thần và ưu tiên cho những gì mang lại hạnh phúc trong cuộc sống. Vì bản thân luôn biết tự trọng nên họ cũng trân trọng người phối ngẫu và qui mọi sự cho việc xây dựng và vun đắp tình yêu. Trái lại, nếu chỉ lo cho quyền lợi và mưu cầu bản thân, họ khó dễ dàng chấp nhận hy sinh cho tình yêu lớn lên. Một khi “cái tôi” giành quyền chi phối mọi sự, “cái ta” sẽ dễ dàng bị tổn thương. Khi ấy, đời sống gia đình sẽ chịu chi phối bởi bầu khí ngột ngạt, và các thành viên trong gia đình sẽ sống đối phó hơn là dấn thân, giả dối hơn là chân thành, vì bản thân tôi không được tôn trọng. Nếu tình yêu không được trân trọng thì người kia chỉ là phương tiện giúp tôi thỏa mãn nhu cầu bản thân. Hạnh phúc đích thực không dành cho người yêu mình quá đáng như thế !
Tôi có quen một người bạn, vợ của anh than phiền rằng anh ấy không cho phép nàng trang điểm trong nhà cũng như khi ra ngoài đường. Vì đối với anh, đó là cách trau chuốt bản thân và yêu mình quá đáng. Tôi phải tìm cách thuyết phục anh rằng trang điểm là một trong những cách giúp người phụ nữ giữ gìn hạnh phúc gia đình. Khi trang điểm nhẹ nhàng không những nàng tỏ ra tôn trọng bản thân mình mà còn tôn trọng người phối ngẫu; không chỉ tôn trọng nhau mà còn tôn trọng những ai nàng gặp gỡ và nhất là khi đối diện với những người bạn của chàng. Khi ấy, chàng cũng hãnh diện với người khác vì một cô vợ tươm tất và nết na. Đây là một trong muôn vàn cách chăm sóc bản thân thiết thực. Thế nhưng, nó dễ dàng dẫn đến việc yêu mình quá đáng nếu việc chăm sóc ấy tốn quá nhiều giờ đến mức nàng bê trễ công việc gia đình, thiếu trách nhiệm làm vợ và làm mẹ mà một chuẩn mực thông thường đòi buộc.
Xét ở lãnh vực khác và cấp độ cao hơn, tổn thương quá khứ của hai người sẽ là một nguy cơ lớn đe dọa hạnh phúc lứa đôi.
Trong tác phẩm Chỉ có một điều cần thôi, cha Henry M.Nouwen đã khẳng định rằng: “Tất cả chúng ta đều là những người mang thương tích. Ai đả thương ta ? Đó là những người ta thương và những người thương ta” (tr.155). Thực tại này thường xảy ra nơi các gia đình – nơi mà tình yêu đòi buộc một thái độ tích cực xây dựng hạnh phúc cho nhau từ những tâm hồn tế nhị và nhạy cảm. Chính sự tế nhị và nhạy cảm này càng dễ khiến tình yêu bị tổn thương. Những tổn thương này nếu không được đối diện thích đáng và cùng được các thành viên trong gia đình thấu hiểu, chữa lành và vượt qua, sẽ có nguy cơ phá vỡ hạnh phúc gia đình. Đó là xét những tổn thương gây ra trong các tương giao thường ngày. Còn một loại tổn thương khác nguy hiểm hơn – tổn thương bản thân trước khi bước vào đời sống hôn nhân.
Thật vậy, một khi đương sự chưa đối diện và chữa lành những vấn đề tổn thương cá nhân cách nào đó, đồng nghĩa với việc thiếu trưởng thành để bước vào đời sống hôn nhân. Cũng có thể là do chính đương sự không ý thức đủ tầm quan trọng của vấn đề, nhưng dù sao, những tổn thương cần được chữa lành. Có chàng sống trong một gia đình mà bố là người nhu nhược và mẹ nắm quyền điều khiển và toàn quyền “sinh sát” mọi người. Bà bản lĩnh đến mức thao túng mọi người trong gia đình. Từ đó, tạo nên một hình tượng trong tâm trí chàng thanh niên. Đến tuổi yêu, chàng lại phải lòng một cô gái có phong thái giống mẹ mình. Vì quen chịu đựng với tính cách của mẹ, chàng lại “nghiện” cách ứng xử của nàng. Họ lấy nhau. Đến khi về chung sống, chàng lại trở nên thụ động trong mọi sinh hoạt gia đình như cha của mình xưa kia. Điều này, tính tự ái không cho phép một người đàn ông vốn trụ cột gia đình lại có cách hành xử như thế; dần dà, chàng chán nản buông xuôi. Rồi chuyện gì sẽ xảy ra…
Bởi đó, lý tưởng đề ra rằng mọi tổn thương cần được chữa lành trước khi bước vào đời sống hôn nhân để tránh những điều đáng tiếc. Và bạn đang sống đời hôn nhân nếu có những trục trặc mưu toan phá vỡ cuộc tình đừng quên xét xem những tổn thương của bản thân từ những tương giao thường ngày.
Sau khi xét cả ba nguy cơ: cậy mình có của, yêu mình quá đáng và những tổn thương quá khứ, chúng ta nhận ra nguyên nhân căn bản của vấn đề là do nhận thức sai lầm về thực tại đời sống – thực tại quanh ta và bản thân mình.
Chúng ta biết rằng Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt đẹp, nhưng nó chỉ thực sự tốt và đẹp khi đóng đúng vai trò phục vụ hạnh phúc cho con người. Một khi của cải vật chất lại trở thành mối quan tâm trước hết và trên hết của gia đình, tất nhiên, tình yêu sẽ bị đe dọa. Còn nếu từng thành viên thao thức góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình, mọi người sẽ sáng suốt trong việc sử dụng của cải vật chất giúp cải thiện và thăng tiến đời sống mỗi ngày.
Gia đình là tập họp của nhiều cái tôi khác nhau nếu chúng không được “cộng hưởng” để tạo nên “cái ta” trong một tình yêu duy nhất, sẽ khó bền vững. Xã hội tiêu thụ thúc đẩy con người hưởng thụ – mọi người đều chịu chi phối bởi tác động này, nhưng ở một mức độ cho phép, nghĩa là không vương hại đến việc phục vụ lẫn nhau trong tình yêu chân thành. Thiết tưởng, giáo huấn của Giáo hội và đức bác ái Kitô giáo sẽ là kim chỉ nam thiết thực cho mọi gia đình.
Ngoài ra, những tổn thương cá nhân và tập thể, cũng được Giáo hội quan tâm khi mở ra các trung tâm mục vụ và tư vấn tâm lý cho mọi người. Tất nhiên, những vấn đề nhạy cảm này không dừng lại ở việc chữa lành tự nhiên theo các phương pháp khoa học hiện đại mà Giáo hội khuyên khích như chữa trị tâm lý… hơn nữa, mọi người cần để cho lòng thương xót Chúa chạm đến vì Người là vị lương y Thần Linh. Mọi nguy cơ tan vỡ hãy trút hết cho Người vì Người chăm sóc từng gia đình và ban ơn cứu độ cho chúng ta.
EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.