Tôi biết câu chuyện này khi tôi ở tuổi vị thành niên, trước khi tôi theo đạo công giáo. Tôi không còn nhớ là tôi xem ở truyền hình hay tôi đọc báo. Câu chuyện này luôn ở trong đầu tôi, nó đánh động tôi và tôi vẫn còn giữ những hình ảnh rất mạnh trong đầu.
Một người lính Mỹ bị đưa vào tù một cách không thương xót, ông ở trong nhà tù ngộp thở giữa rừng. Ông bị bệnh, ông vã mồ hôi hột, ông bị suy dinh dưỡng… Ông nằm dưới đất dơ bẩn, nửa mơ nửa tỉnh. Ông thường xuyên bị đánh, mới đầu ông bị đánh mỗi ngày, sau đó một ngày ông bị đánh nhiều lần, đôi khi giờ nào ông cũng bị đánh. Tuần này qua tuần khác, hành động tàn nhẫn này lặp đi lặp lại không một lời giải thích, không thương xót, không bao giờ chấm dứt.
Dù vậy… Bị dí sát xuống đất với những cơn đau đớn cùng cực, ông lên cơn sốt mê sảng, trong một lúc tỉnh trí, ông dùng ngón tay run rẩy vẽ lên mặt đất. Ông vẽ mười chấm sắp gần nhau thành vòng tròn, giữa là thập giá. Môi ông sưng phồng rướm máu, và gần như không thể nhận ra được, môi ông đang thầm thì: Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà…
Kinh Mân Côi đã giúp ông không thành điên trong những giây phút cực kỳ gay go này. Đọc những lời của Thiên thần Gabriel và bà Isave nói với Đức Mẹ, Kính mừng Maria, đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, bà có phước lạ hơn mọi người nữ, đọc Kinh Lạy Cha, Kinh Sáng Danh, ngắm các sự vui, sự mừng, sự thương, tất cả giúp ông ở trong Chúa trong phòng giam u tối tuyệt vọng này. Run rẩy với các ngón tay bị gãy, ông vẽ lên đất dơ, đây cũng là một cách để ông cảm nhận có một cái gì trong lòng, để đuổi đi trong chốc lát sự ngổn ngang này trong lòng, có được ơn sủng để che đi nỗi đau vô nghĩa này. Lúc đó Chúa đã thật sự hiện diện.
Một sự thấm nhập huyền nhiệm sâu đậm trong Chúa
Vì Kinh Mân Côi, như người lính này đã thấm hiểu, không phải đơn giản chỉ là một chuỗi các câu đọc liên tiếp câu này qua câu kia, hoặc nêu ra một cách nhàm chán các sự kiện trong cuộc đời Chúa Kitô. Không, ngược lại là đàng khác, là thấm nhập vào huyền nhiệm sâu đậm trong Chúa. Đó là giúp mình thoát ra khỏi hiện tại khó khăn để vào trong vĩnh cửu tình yêu thương. Đó là lúc bám vào vòng ôm yêu thương của Chúa Kitô qua các lời cầu nguyện, các hình ảnh của lòng mộ đạo đã có hàng bao nhiêu thế kỷ. Như mục sư giáo phái Luther Robert Llewelyn đã nhiệt thành diễn tả trong quyển sách Mân Côi của mình, «lời Kinh Mân Côi giống như bờ sông và cầu nguyện giống như dòng sông. Bờ thì cần để có hướng đi đúng, để dòng sông tiếp tục chảy một cách bình thường. Nhưng chính dòng sông mới là điều chúng ta quan tâm, cầu nguyện cũng vậy: điều quan trọng là tâm hồn chúng ta quay về với Chúa. Khi dòng sông ra biển thì bờ không còn. Cũng vậy, khi chúng ta thấm nhập sâu đậm trong sự hiện diện của Chúa, các lời biến mất… và chúng ta tìm được thinh lặng trong đại dương mênh mông tình yêu Chúa.»
Và thật sự là như vậy. Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện bám vào giây phút hiện tại, nối trực tiếp với vĩnh cửu.
Một cuộc gặp không so sánh được với Chúa Kitô
Mới đầu, sau khi tôi trở lại đạo công giáo, tôi nghĩ Kinh Mân Côi chỉ là một kinh của lòng mộ đạo sâu đậm. Tôi nghĩ dần dần mình sẽ lần chuỗi Mân Côi. Nhưng khi biết câu chuyện thống thiết này của người lính, tôi mới nhận ra Kinh Mân Côi còn hơn thế nữa. Kinh Mân Côi là cuộc gặp không so sánh được với Chúa Kitô, Đấng đã làm siêu việt các thực tế khắc nghiệt nhất. Đó là giây phút cầu nguyện, trong đó các chữ dần dần được xóa đi để vào «trong thinh lặng của tình yêu Thiên Chúa».
Một người lính trong đau đớn cùng cực đã nhận ra Kinh Mân Côi là chỗ gặp sâu đậm với Chúa, một cuộc gặp giúp ông ở lại với sự sống.
Chúng ta có cảm nhận Kinh Mân Côi một cách như thế này không?
(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 08.12.2016/
fr.aleteia.org, Tod Worner, 2016-12-06)