Nhu cầu thiết yếu để tồn tại của sinh vật trên trái đất chính là ăn uống. Từ thời hoang sơ khi con người chưa biết đến sách vở, chưa biết đến ti vi, hon đa, xe hơi, vi tính… thì con người đã biết làm sao để sinh tồn, đấu tranh để sinh tồn – đó chính là tìm kiếm lương thực để ăn. Do đó cơm bánh là nhu cầu thể lý thiết yếu để con người có thể sống.
Con người có thể thiếu sách vở, thiếu ti vi, thiếu hon đa; con người có thể không xem phim, không có những phương tiện giải trí đủ loại; nhưng con người không thể không có cơm bánh. Vì vậy Đức Giê-su đã ví Người là ‘Bánh’ – Bánh trường sinh – Bánh ban sự sống đời đời –cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của Ngài trong cuộc sống chúng ta. Cũng như sự sống thể lý con người cần cơm bánh, thì trong lãnh vực đời sống tâm linh chỉ Đức Giê-su mới thỏa mãn được cơn đói khát của con người; và chính đời sống tâm linh là yếu tố chi phối toàn bộ đời sống con người – nếu đời sống tâm linh sung mãn thì cuộc sống con người mới thực sung mãn.
Và rồi truyền thống Kitô giáo thường nhấn mạnh tâm điểm của mạc khải chính là Lời Thiên Chúa, nhập thể trong thế giới lịch sử, vào một Ngôi Vị, “đã thành xác phàm” (Ga 1, 14) để có thể gặp gỡ trọn vẹn và tự hiến làm của ăn “bởi trời” cho nhân loại trong biến cố Thánh Thể.
Ta biết rằng Thánh Thể được thiết lập vào đêm Đức Giêsu bị trao nộp, trong khung cảnh của Bữa Tiệc cuối cùng với các môn đệ thân yêu, giữa bầu khí tưng bừng mừng Lễ Vượt Qua của toàn thể Dân Chúa (Mt 26, 26-28; Mc 14, 22-25; Lc 22, 19-20; 1 Cr 11, 23-25).
Trong thời kỳ giáo hội sơ khai, những dấu hiệu làm tan rã cộng đoàn tín hữu Côrintô ngày xưa là sự kiện lạm dụng tự do, bất đồng quan điểm về tiêu chuẩn đạo đức, giá trị luân lý và những ân ban của Thần Khí, cũng như tình trạng sống buông xả tự tiện vô luân của một số tín hữu (1Cr 1, 11; 5, 1-6, 20; 7, 1-9, 10-16; 10, 1-11, 1). Trong những lý do trên, có một lý do rất nguy hiểm, đó là họ đã ăn những thứ thờ cúng như một của ăn nuôi dưỡng phần hồn.
Thánh Phaolô đã xác định lại ý nghĩa trọng tâm của các Hy Tế trong Cựu Ước qua những lễ vật hiến dâng cũng như việc ăn uống trong các nghi thức phụng thờ như là biến cố hiệp thông thân mật, đích thân với Thiên Chúa. Vì thế, Phaolô bày tỏ lập trường dứt khoát: “Anh em không thể vừa uống chén của Chúa, vừa uống chén của ma quỷ được; anh em không thể vừa ăn ở bàn tiệc của Chúa, vừa ăn ở bàn tiệc của ma quỷ được” (1 Cr 10,21).
“Chính tôi là bánh trường sinh.” Yêu ai thì khát khao muốn nên một với người mình yêu. Tình yêu làm phát sinh sáng kiến – Đức Giê-su vì quá yêu thương con người nên đã tự nguyện trở nên bánh để ở với con người, nên máu thịt của con người, dưỡng nuôi tâm linh và ban cho họ sự sống bất diệt: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống đời đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. Vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống” (Ga 6, 54 – 55). Bởi chính thế mà Đức Giê-su đã thiết lập bí tích Thánh Thể để ở lại với con người, dưỡng nuôi và đồng hành với con người trên đường tiến về quê hương đích thật trên trời.
“Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” Trải qua hơn hai ngàn năm, Đức Giê-su đã là lương thực nuôi dưỡng nhân loại qua Lời hằng sống của Người. Lời của người ảnh hưởng trực tiếp trên những kẻ tin yêu và lắng nghe, đồng thời dán tiếp ảnh hưởng đến tất cả mọi môi trường có chứng nhân của Lời hiện diện. Lời của người là Lời tình yêu Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại; là Lời có khả năng thỏa mãn cơn đói khát tình yêu của con người; một cơn đói khát quyết định sự sống còn của nhân loại. Chối bỏ Lời, con người ngày nay đắm chìm trong một nền văn hóa chết chóc, có xu hướng đề cao chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ ích kỷ, chạy theo vật chất, bành trướng cái tôi… là một lối sống làm sói mòn tâm linh và ý nghĩa thiêng liêng cao cả của cuộc sống con người. Chỉ khi nghe và thực hành Lời người – như ‘ăn’ và ‘tiêu hóa’ – thì cuộc sống thế giới mới trở nên phong phú, cuộc đời con người mới có hạnh phúc thật.
Ngày nay Đức Giêsu vẫn tiếp tục hiến mình cho nhân loại qua thánh lễ mà Giáo hội cử hành mỗi ngày khắp nơi trên thế giới. Cảm nhận hồng ân cao cả Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại, Giáo hội trung thành, hân hoan thiết đãi và mời gọi con cái mình đến dự bàn tiệc Lời Hằng sống và Thánh Thể Chúa Giêsu qua thánh lễ hằng ngày. Vì thế Ki-tô hữu chúng ta cần ý thức và siêng năng tham dự thánh lễ với lòng vui mừng và biết ơn Chúa, biết ơn Giáo hội.
Bánh và Rượu Ngài ban trong Thánh Thể cũng là cách Ngài tỏ tình yêu, Ngài muốn nói với chúng ta “Ta yêu thương các con, Ta săn sóc các con”. Ngài chính là Bánh và Rượu nuôi sống chúng ta, Ngài muốn chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận Ngài. Khi chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể thì lúc đó con người mới mở rộng trái tim và bàn tay để đón nhận tha nhân.
Chúa Giêsu là Bánh Bởi Trời được ban xuống để lôi kéo con người lên với Chúa Cha. Người tín hữu Kitô tiếp nhận Thánh Thể để được lãnh nhận tình yêu Chúa và từ đó mới trào sang cho tha nhân, đưa mọi người về với Thiên Chúa. Chia sẻ bàn tiệc với Chúa Giêsu trong Thánh Thể, người tín hữu cũng chia sẻ cơm bánh cho tha nhân hằng ngày. Thật kỳ diệu thay, chính khi chia sẻ tình yêu cho tha nhân, họ lãnh nhận được sự sống trường sinh của Chúa Kitô tràn ngập tâm hồn.
Ngày nay, đời sống người Kitô hữu đã coi nhẹ Bí Tích Thánh Thể, các tín hữu trong hàng giáo dân, hàng tu sĩ và cả hàng giáo phẩm. Hầu như việc coi trọng Thánh Thể là nguồn sống cả xác và hồn không bằng thực phẩm nuôi sống con ngừoi hàng ngày. Rất nhiều người coi trọng vật chất hơn Thần lương.
Không giống như đời sống cộng đoàn tín hữu Côrintô, đã ăn của thờ cúng như thần lương, mà hôm nay, các tín hữu đã mất niềm tin vào Thánh Thể. Thánh Thể đã không biến đổi đời sống của họ nên con cái Chúa Kitô. Đời sống người Kitô hữu hôm nay, rước Thánh Thể như một truyền thống. Cho nên, rước Thánh Thể rồi, tâm vẫn lo âu, vẫn kiếm tìm, vẫn kiêu căng tự mãn, vẫn nói hành nói xấu, vẫn ghen ghét hận thù… Tâm hồn không biến đổi nên thánh thiện, nên đơn sơ, nên hiền lành…
Tin vào Đức Giêsu có nghĩa là đến với Ngài. Không chỉ dừng lại ở đó, mà chúng ta còn được mời gọi đi xa hơn nữa để đón nhận, tức là thông dự vào sự sống thần linh của Ngài bằng việc đón nhận chính Ngài.Đây cũng chính là lời mời gọi của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 40).
Và rồi chúng ta cần tham dự hy lễ tạ ơn này cách sinh động với lòng thành, không câu nệ, không máy móc. Đừng làm người khờ dại chỉ đi dự tiệc cho có mặt mà không ăn tiệc (không chú tâm nghe Lời Chúa, không lãnh nhận Thánh Thể Chúa), chúng ta cần biết lắng nghe Lời hằng sống của Đức Ki-tô và đón rước mình Thánh của người làm của ăn nuôi dưỡng tâm hồn; để đời sống của Đức Giê-su, tinh thần của Người thấm nhập vào trong con người và cuộc đời của mỗi người chúng ta, hầu chúng ta trở nên cánh tay nối dài của Người trong công cuộc dựng xây vương quốc nước trời nơi trần gian và được sống hạnh phúc muôn đời bên Chúa.
Huệ Minh