TỔNG LƯỢC
I. Một số dữ liệu căn bản:
Nghi vấn về chủ thể Nhập Thể: Ai đã nhập thể?
Nghi vấn về phương cách Nhập Thể: Ngôi Lời đã nhập nhập thể bằng cách nào?
Nghi vấn về chung điểm Nhập Thể: Ðức Giêsu là ai?
II. Những công thức biểu đạt của các công đồng:
Thử giải nghĩa theo tư tưởng cổ điển và hiện đại.
Thử giải thích nhằm ứng đáp những đòi hỏi của phương pháp phê bình.
III. Những khuynh hướng triết học hiện đại đặt lại vấn đề ý nghĩa của Nhập Thể:
Ðặt lại vần đề siêu việt tính của Thiên Chúa.
Hướng tới nội tại tính.
Dư tích của một quan niệm chấp nhất về siêu việt tính (Hồi giáo và Do thái giáo).
Hướng tới nội tại thuyết. Nhập Thể trong lịch sử.
IV. Những lối giải thích “duy sử” về Nhập Thể:
Những biến dịch.
Lịch sử và Nhập Thể.
V. Những dữ liệu căn bản cần khám phá lại:
Tìm lại ý nghĩa về siêu việt tính của Thiên Chúa.
Cảnh giác đối với chủ hướng duy sử.
Quan niệm “biến cố” về Nhập Thể.
Một vấn đề đặc biệt: vũ trụ nhập thể. Học thuyết Teilhard de Chardin.
VI. Những cách giải thích có căn cứ:
Phương thức nghiên cứu hoàn toàn khách quan về con người Ðức Kitô.
Nhìn lại công thức tín lý: Ðức Kitô, một Ngôi Vị trong hai bản tính.
Ngôi Vị Ðức Kitô: vấn đề và mầu nhiệm.
VII. Ðể xây dựng một nền “Linh đạo Nhập Thể”:
Lồng vào trong đời sống cá nhân.
Ảnh hưởng của Linh đạo Nhập Thể đối với vận mạng con người.
Cảnh giác chống lại một dạng học thuyết Bérulle.
Linh đạo Nhập Thể và việc sùng kính Ðức Mẹ.
VIII. Một nền “linh đạo Nhập Thể”:
Viễn cảnh xã hội và văn hoá.
Kết luận: Nhập Thể, nguồn suối Khôn Ngoan.
Nhập thể vấn đề và mầu nhiệm I
V. NHỮNG DỮ LIỆU CĂN BẢN CẦN KHÁM PHÁ LẠI
Cần phải khám phá trở lại, và có lẽ cũng còn cần phải chỉnh đốn lại nữa, những dữ liệu căn bản – thuộc lãnh vực triết học hay chỉ có tính cách phương pháp luận, – từng làm nền tảng khái niệm cho việc biểu đạt nội dung chân lý đức tin về Nhập Thể. Cụ thể mà nói là cần phải tìm hiểu lại về hai dữ liệu chủ yếu này: trước hết là ý niệm tuyệt đối siêu việt về Thiên Chúa, và tiếp đó là tính chất thực kiện của biến cố Nhập Thể. Bởi lẽ, nếu không nhận siêu việt tính tuyệt đối ấy, thì không thể nói đến việc “tự hủy” (kenôsis) hay “tự hạ” của Lời Thiên Chúa được. Và đằng khác, nếu không hiểu Nhập Thể theo nghĩa là một biến cố cụ thể đã xảy ra không những ở trong lịch sử, mà còn ở vào một thời điểm – với ngày tháng – xác định, cũng như nơi một cá nhân nhất định… thì sẽ coi Nhập Thể như là một hiện tượng mung lung lồng chung vào trong toàn bộ các biến cố lịch sử loài người. Vậy, bài viết xin bàn rộng hơn về hai điểm vừa nói.
Tìm lại ý nghĩa về siêu việt tính của Thiên Chúa
Trước hết, bằng mọi giá, cần phải giữ vững mối liên hệ có tính cách quyết định về mặt tư tưởng, với siêu hình học về Hữu Thể. Không có ý niệm về Hữu Thể, thì không làm sao quan niệm được siêu việt tính. Một Thiên Chúa “vô-Hữu Thể” thì chỉ là không hơn không kém, một thứ “ảo ảnh cảm tính,” phản ánh của một tâm trạng cá nhân.
Cảm thức như thế về Hữu Thể là lề lối suy tư thiên cổ mà toàn bộ siêu hình học cũng như “lẽ thường” giữa loài người đã và đang không ngừng dùng đến, kể từ khi có con người biết suy nghĩ (nói theo kiểu La Bruyère); và dù cho có người nói khác, thì cảm thức ấy, thời đại chúng ta hiện nay đang cố khám phá ra lại. Ðó là thực kiện đọc thấy nơi các nhà suy tư siêu hình học có tầm cỡ lớn của thế kỷ này, như Husserl và Heidegger, Bergson và Maritain, cùng biết bao tư tưởng gia khác. Nếu biết đọc cho kỹ và cho hiểu cho đúng tác phẩm Sein und Zeit (Hữu Thể và Thời Gian), thì sẽ nhận ra ngay là thay vì “khai tử siêu hình học” như người ta vẫn tưởng, thì ngược lại, tác giả M. Heidegger đã coi đó là một bộ môn trường tồn. Không thể nào bỏ qua mà không quy chiếu về với Hữu Thể được; nếu thực sự muốn ngẫm suy cho đến cội nguồn, thì bất cứ một nhà tư tưởng lớn nào cũng đều đi đến chỗ nhận ra Hữu Thể ở nơi sâu thẳm của mọi sự vật: Hữu Thể xét theo tư cách là Hữu Thể, đối tượng suy tưởng của siêu hình học gia.
Từ đó, với đà tầm nghiên của khoa học và với những tư biện về Lógos, tức là về Lý tính – hay là Siêu lý tính – của vũ trụ, lề lối suy tư chặt chẽ nhất cũng không thể tiến hành mà không dẫn đến chỗ đối diện với Siêu việt tính.Người “chiêm niệm” của thời đại này – dù người đó là siêu hình học gia hay khoa học gia, – có thể được ví như “người lính canh mong đợi Hừng đông…” mà Thánh vịnh (130:6-7) đã nói đến.
Như thế, Ðấng Thiên Chúa ấy, Ðấng siêu việt trên mọi thế giới, trên mọi tư biện, mới chính là Ðấng có thể đề xuất sáng kiến Nhập Thể (bởi ở đây, chúng ta đang bàn đến niềm tin về Nhập Thể). Tuyệt đối không thể nghĩ đến chuyện giải thích bằng nội tại thuyết hay duy sử thuyết; mà phải suy nghĩ ngay đến Thiên Chúa Chí Thánh, Ðấng “Hoàn Toàn Khác” (theo cách xướng danh của trường phái thần nghiệm Ðức). Mọi sự đều đã khởi đầu từ phía “bên kia” của lịch sử. Dù có những kẻ chán đời vẫn lải nhải rằng không thể nào đi ra ngoài giới mức của lịch sử được, thì chúng tôi cũng vẫn xác tín là lời kêu mời gửi đến cho Abraham, rồi cho Môsê, và cho tất cả các tiên tri, là một lời kêu mời gióng lên từ phía “bên kia” của lịch sử. Và Ðấng mà hết mọi dân nước đợi trông, – Ðấng sẽ dõng dạc tuyên bố rằng: “Trước khi Abraham chưa sinh đến, thì đã có tôi,” – cũng sẽ đến từ chính phía “bên kia” của lịch sử. Vì Ðức Kitô Giêsu – bởi thực ra, vấn đề liên hệ đến chính Ngài, – đã không chút ngần ngại tự giới thiệu mình là Ngày hôm nay của Thiên Chúa nhập thể: “Hôm nay Ta đã sinh ra Con.” Từ thế siêu lịch sử ấy, đã xuất hiện “Ðấng đã có, hiện có và sẽ có.” Ngài là Lời “ở nơi Thiên Chúa,” Siêu việt trên mọi hữu thể và mọi thần trí. Ðó là điều cần phải được khẳng định trước hết: cho thật rõ ràng và chắc chắn.
Cảnh giác đối với chủ hướng duy sử
Ngày nay, dù có cảnh giác đề phòng, thì ảnh hưởng duy sử – phát nguồn từ học thuyết Hegel, – vẫn còn lén lút tác động. Không còn theo đuổi học thuyết duy sử theo dạng tổng quát hóa (như đã trình bày trên kia, tức là coi Nhập Thể phát nguồn từ công cuộc sáng tạo vũ trụ) được nữa, một số người tiếp tục cho rằng theo một mức độ nào đó, Nhập Thể là một biến cố tất yếu nằm trong khuôn khổ của lịch sử loài người.
Nhưng nếu coi Nhập Thể là một điều “tất yếu” của lịch sử, thì tất sẽ làm cho siêu việt tính mất hẳn thực chất của mình: tuyệt nhiên, siêu việt tính không thể chịu phụ thuộc vào bất cứ một thực thể nào khác, bằng không thì sẽ đánh mất đi “tính chất khác biệt” (altérité) của mình, và sẽ bị sáp nhập lộn lẫn vào giữa các thứ phạm trù của nội tại thuyết. Quả thế, đôi lúc có người chủ trương rằng dù sớm hay muộn thì Thiên Chúa cũng sẽ phải nhập thể, và một cuộc “lật đảo biện chứng” sẽ phải xảy ra giữa Dữ Liệu đệ nhất – tức là Thần Linh (luận đề), – và dữ liệu đệ nhị – tức là Nhân loại với những giới hạn đi kèm theo (phản đề); do đó, cần phải có một Chủ thể mới xuất hiện, trong đó một tổng hợp sẽ được cấu thành, tức là Con người-Chúa… và hình như đó chính là Ðức Kitô.
Tiếp đó, những cuộc “lật đảo biện chứng” khác sẽ nối đuôi nhau xảy ra… trong Giáo hội, là tổng hợp giữa Ðức Kitô và Xã hội chính trị, v.v… Và tất cả các trình tự diễn biến ấy có xảy ra được thì chính là nhờ ở sự can thiệp của một nhân tố gọi là “Sự Chết”: Thiên Chúa đã chết đi trong Ðức Kitô (tại Bétlêhem); Ðức Kitô đã chết đi trong Giáo hội (trên Núi Sọ). “Bầu khí” biện chứng ấy vẫn còn thấp thoang thoảng ngửi thấy trong một vài dạng thần học giữa thời này, như là các dạng “thần học Thiên Chúa chết” mà chúng tôi đã có dịp bàn đến.Vang bóng một thời, các giải thuyết theo kiểu biện chứng kia đã nhanh chóng tan biến đi mất theo đà phản ứng kịch liệt trước tiên của khoa học (toán học, vật lý học, sinh học…), rồi của toàn bộ tư tưởng triết học, nhất quyết triệt khử những “trò ma thuật phù phép” của tư tưởng biện chứng. Ngày nay, các cộng đồng văn hóa Tây cũng như Ðông đều nhất trí trở về với chủ hướng duy thực phê bình (réalisme critique). Thế nên, coi sáng kiến Nhập Thể như là việc tất yếu, là một giả thuyết viễn vông: Nhập Thể là một hành động tự do, tự ý từ phía Thiên Chúa Toàn Năng Chí Thánh. Tự chính bản chất của nó, Nhập Thể là một biến cố bất tất.
Quan niệm “biến cố” về Nhập Thể
Nếu đọc lại các đoạn Kinh Thánh liên quan đến Nhập Thể, thì sẽ nhận thấy rõ rằng sự kiện Nhập Thể đã xuất hiện như là một biến cố ngoại lệ, bất ngờ (ít nhất là về mặt các hoàn cảnh cụ thể), gợi lên lòng hiếu kỳ, kính sợ và thái độ chú tâm sùng mộ, khác hẳn với một sự kiện tất thiết như là nhật thực hay nguyệt thực chẳng hạn. Ðành rằng các tiên tri đã chờ mong biến cố xảy đến, nhưng biến cố ấy đã được báo trước và đã được đón nhận như là một “sự kiện bất tất” sẽ xảy đến trong những hoàn cảnh còn chất chứa nhiều yếu tố bất ngờ, gây chấn động.
“Biến cố” xảy đến một khi đã hội đủ tất cả các điều kiện cần phải có (chứ không phải là một quy trình tất yếu): thời điểm là dưới triều đại Tibêriô; một thiếu nữ Galilê đã được chọn và đã tự do đón nhận sứ mạng mà nàng có thể từ chối. Lời thưa “Xin vâng” (Fiat) là yếu tố phát động biến cố: là một quyết định hoàn toàn tự do. Tất cả các biến cố khác bao quanh sự việc Ngôi Lời nhập thể đều là bất tất: Hêrôđê truy hại, trốn sang Ai Cập; những sự việc xảy đến trong đời sống công khai… Những lời Ðức Giêsu gióng lên để mời gọi đón nhận đức tin là những lời gửi đến cho tự do và trách nhiệm cá nhân: có kẻ đón nhận, có người từ chối; có kẻ quyết hứa nhưng rồi chẳng giữ; có người e ngại nên lại rút lui. Nhân vật chính – Ðức Kitô – cũng đã có thể đi một con đường khác với con đường thập giá, “hàng hà đạo binh thiên thần” đã có thể đến giải cứu Ngài. Nhưng không, Ngài đã tự nguyện “bước vào con đường khổ nạn.”
Sau khi đã toàn thắng sự chết qua cuộc sống lại, Ngài đã khơi bừng dậy cả một cao trào hứng khởi trong các tâm hồn, làm cho họ mạnh dạn hy sinh đến cả mạng sống của mình để làm chứng cho lòng trung thành đối với Ngài: đó là đoàn ngũ vô số anh hùng tử đạo. Tuy nhiên, không phải vì thế mà không có những kẻ thất trung, lapsi. Trọn cả cuộc mạo hiểm phi thường ấy nêu rõ cho thấy tính chất hoàn toàn bất tất, tuyệt đối nhưng không. Nếu đó chỉ là những “xảo kế của lý trí” (Hegel)… thì không còn gì có nghĩa lý nữa cả.
Nếu có một biến cố nào đã xảy đến giữa lịch sử loài người, trong một cách thức tự do, tự nguyện và quảng đại cao độ nhất thì đó chính là biến cố Nhập Thể. Nhập Thể là “ân huệ nhưng không” to lớn nhất Thiên Chúa có thể ban xuống cho loài người.
Một vấn đề đặc biệt: Nhập Thể và Vũ trụ. Học thuyết Teilhard de Chardin
Học thuyết duy sử cổ điển đã cố đặt gộp Nhập Thể vào trong khuôn khổ của lịch sử loài người, và để làm như thế thì người ta đã gán cho biểu đồ của học thuyết ấy một trương độ mới, mênh mông vô hạn, bằng cách đề cập đến lịch sử vũ trụ. Nhưng làm thế thì lại phải đối diện với một vấn đề mới khác: làm sao mà lồng cho ổn được Nhập Thể vào trong khung vi cự đại của lịch sử vũ trụ… kể từ Vụ Nổ Lớn (Big Bang) nguyên khởi cho đến những thời đại địa chất của trái đất chúng ta? Các giả thuyết mà cha Teilhard de Chardin đã đề xuất, là thuộc khuôn khổ của nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề đó.
Xin nhắc lại đây một số thành tố then chốt trong học thuyết Teilhard, có liên quan đến Nhập Thể. Trong quá trình hình thành vũ trụ (cosmogénèse), khối lượng nguyên thủy mênh mông đã phân tán ra thành những thiên hà, và các thiên hà lại phân rời thành nhiều hệ thống khác nhau tựa như thái dương hệ. Nói riêng về hành tinh Trái Ðất của chúng ta (tại các nơi khác, chưa ai biết được gì rõ): trong địa tâm, đã có hiện tượng cô đặc các phân tử; và thế là hiện tượng “phúc tạp hóa tăng dần” bắt đầu; đà phức tạp hóa tăng dần này đã làm phát sinh ra những biểu hiện đặc thù khác của Trái Ðất, như là những vụ xuất hiện của: sự sống, rồi của ý thức và tư tưởng. Ðà phức tạp hóa tăng dần kia tiếp tục tiến hành, đưa các cá nhân xích lại gần nhau, rồi tụ họp nhau lại, mở đầu cho tiến trình hình thành một siêu cơ thể trong tương lai.
Theo Teilhard, tiến trình tổng hợp dẫn đến chỗ kết thành cơ thể tương lai ấy quả đã bắt đầu: có một Ðấng đã đến để tiến hành công tác tổng hợp ấy, và Ngài tự giới thiệu là Ðầu, là nhân tố thâu họp của cơ thể ấy; Ngài là Ðức Kitô, niềm “Sung mãn” của toàn bộ Nhiệm thể do các phần tử nhân loại kết thành. Kế hoạch sẽ thành tựu ở một điểm tụ, – gọi là Ðiểm Oâmêga, – trong vòng năm triệu năm tới. Như vậy, Ðức Kitô đóng giữ vai trò quyết định trong cuộc tổng hợp cự đại của lịch sử vũ trụ. Nhập Thể là thời điểm quyết định, thời điểm khởi động mọi cuộc hội tụ để chuẩn bị cho lối vào “cảnh vực thần linh” (milieu divin).
Các luận đề – mà chúng tôi vừa thâu tóm một cách rất giản lược – trên đây, đã một thời được rất nhiều người hoan nghênh. Nếu học thuyết Teilhard dành một vai trò đặc biệt cho Nhập Thể, thì thử hỏi nội dung đức tin cổ truyền về Nhập Thể có ăn khớp được với những ý kiến táo bạo ấy không? Bởi các ý kiến này đặt hiện tượng biến hóa – ứng dụng vào cho cả những chiều kích vũ trụ nữa, – làm nền móng triết học và khoa học cho niềm tin vào sự việc Lời Sự Sống đã đến trong thế gian. Trả lời cho câu hỏi đó không phải là chuyện dễ. Tuy nhiên, một số tác giả đã gia công giải đáp câu hỏi kia một cách hết sức sâu sắc.Sau đây, chúng tôi chỉ xin ghi lại những nét chính của các công trình khảo luận phê bình ấy, và một vài đường hướng tư tưởng.
Diều đáng lưu ý trước tiên – và có tính cách tiên nghiệm – là trong diễn tiến suy tư của học thuyết Teilhard, các quy tắc thông dụng của phương pháp luận đã không được tôn trọng. Từ những kiểu so sánh loại suy, người ta đã đi đến chỗ liên tiếp đưa ra những giải thích độc nghĩa; những nhận định có tính cách thực nghiệm đo lường (thuộc lãnh vực lý hóa học và sinh học) được đặt chung vào cùng một bình diện giải thích, với những suy luận hoàn toàn triết học, chẳng hạn như là một lối giải thích về biến hóa hay một cách quan niệm về tư tưởng, v.v.; rồi cuối cùng người ta ứng dụng tất cả vào lãnh vực thần học: Kinh Thánh (cách riêng là các Thư của thánh Phaolô) đã được giải thích theo cách kiểu khoa học luận hệt như là phương pháp áp dụng cho tri thức khoa học hay siêu hình học.
Ðáng lẽ ra cần phải tôn trọng cho đầy đủ hơn các “bình diện của kiến thức” để mà “phân biệt nhằm phối kết” (như Maritain đã nhận định) chúng cho thích đáng hơn. Khó mà có thể đặt tất cả vào trong cùng một khuôn khổ khoa học luận những loại sưu tầm khác nhau như là: một cố gắng phân tích về các nhân tố sáng thế luận (cosmogonie), một cách giải thích về tiến hóa, và những quan điểm về nhân học… để cuối cùng đi đến chỗ đưa ra những tư biện thần học về ý nghĩa của Mầu Nhiệm Nhập Thể. Hẳn là cha Teilhard đã cố gắng để tránh cho khỏi lối tiến hành “pha trộn thể loại” như thế; nhưng, dù sao thì cũng không tránh được cái khó khăn của vấn đề pha trộn kia cũng vẫn còn; và dù không chối bỏ hoàn toàn giá trị của một phương thức tiến hành như thế, thì chúng tôi xin được nói là cần phải thận trọng đối với lề lối ấy.
Ngoài ra, một khi đã lưu ý đủ đến những điều kiện chuẩn bị như đã đề cập trên đây, để bắt đầu thảo luận về các luận đề tổng quát của Teilhard, thì cũng còn một số câu hỏi khác có thể được đặt ra. Dù không đi theo cho lắm những lối giải thích của nội tại thuyết, di quả trực tiếp hay gián tiếp của lý thuyết Hegel, thì một cách nào đó, Teilhard cũng coi Nhập Thể như là đã khởi đầu với cuộc tạo dựng vũ trụ. Nhằc lại những kỷ niệm ấu thời, Teilhard đã viết rằng: “Tôi đã thấy có một cái gì đó lóe sáng ra từ trong giữa tâm tủy của vật chất.” “Cái gì” ấy tất phải là “lý tính.” Cơ cấu lý tính có mặt ở khắp nơi. Sự hiện diện ấy của Ánh Sáng, mang tính chất lý tính ở nơi các sự vật, sẽ hiện lên ngày càng rõ nét ở trong giới thảo mộc, rồi ở trong loài động vật, để bừng tóe ra ở trong Tư Tưởng của loài người. Và chính từ đó, từ tâm tủy của ánh tỏa sáng mãnh liệt ấy của Ý Thức loài người, mà Ánh Sáng của Lógos mới có thể xuất hiện qua việc đến nhập thể. “Và Sự Sống là Ánh Sáng cho nhân loại” (Ga 1,4).
Dĩ nhiên, những công trình tổng hợp rộng rãi như thế tất sẽ có sức hấp dẫn rất lớn. Tuy nhiên, một cần ghi nhận là: đâu đâu trong cách nhìn của các công trình tổng hợp ấy cũng phảng phất bóng dáng khuynh hướng phiếm thần. Nếu Nhập Thể. Cũng vì thế mà trong những phần khai triển những tư tưởng tế nhị của mình, Teilhard đã cẩn thận đưa ra những nhận định bổ túc nhằm lưu ýù và kỹ lưỡng giải thích hầu tránh gây ngộ nhận như vừa nói, tức là cho thấy rõ thái độ chống lại cách hiểu theo chiều hướng phiếm thần và nội tại luận phiếm sử (immanestime pan-historiciste). Ðưa ra những biện pháp phòng ngừa ngộ nhận như thế đã đủ chưa? Tương lai sẽ trả lời…
VI. NHỮNG CÁCH GIẢI THÍCH CÓ CĂN CỨ
Một khi đã nhắc đến lại các luận đề cổ truyền, và giải tỏa xong các học thuyết mập mờ cùng những chướng ngại gặp thấy (duy sử thuyết, nội tại luận,…), tất có thể bước qua giai đoạn đề xuất những cách thức vừa vững chắc vừa thích đáng đối với những đòi hỏi của tư tưởng hiện đại, nhằm giải thích tín điều Nhập Thể.
Ðể ứng đáp thỏa đáng những đòi hỏi này, thì thiết nghĩ cần phải lưu ý đến công tác bức bách này là: biểu trình về Con Người Ðức Kitô trong một cách thức chính xác nhất, sát thực nhất có thể. Ðó là điều kiện tiên quyết để có thể đạt đến chỗ đề được ra những giải thích có căn cứ thực sự hợp thức. Nói thế có nghĩa là gì? Những gì đã đích xác xảy ra trong sự việc mà chúng ta gọi là Nhập Thể?
Phương thức nghiên cứu hoàn toàn khách quan về con người Ðức Kitô.
Ðể gạt trừ ngay mối nguy giải thích dựa trên những lối quan niệm uốn đúc theo ý thức hệ, thì không có gì hay hơn là nhờ đến tính chất khách quan của trình thuật tiểu sử. Vậy thì cần phải miêu trình Ðức Kitô đúng sát như chính Ngài đã tự biểu hiện bản thân mình ra cho những người đã tận mắt nhìn thấy Ngài, và tận tai nghe Ngài nói. Phải để cho các chính sự kiện lịch sử phát biểu nói lên, chứ không phải chỉ biết bằng lòng với những gì “nghe nói” do các nhà bình giải kể lại.
May mà trong những thập kỷ gần đây, đã có nhiều tác phẩm đáng giá viết về đề tài nói trên, chẳng hạn như các cuốn: L’Evangile de Jésus-Christ (1928) của cha Lagrange; Jésus-Christ, sa personne, son message, ses preuves (1928) của cha Léonce de Grandmaison; La vie et l’enseignement de J.-C. Notre Seigneur (1931) của cha Lebreton; Jésus-Christ (1933) của cha Prat, cũng như các tác phẩm của đức ông Riccioti, của các cha Didon, Huby và Karl Adam; ngoài ra còn có bộ tổng luận giá trị tựa đề La Vie de Jésus của Daniel-Rops.
Rồi tiếp sau đó, phương pháp nghiên cứu lịch sử vẫn cứ tiếp tục tiếp phát để trở thành ngày càng tinh vi và vững chắc hơn nhờ những nhân tố mang lại sức củng cố về cả phương diện tài liệu phong phú lẫn tính chất lịch sử khách quan. Cứ tầm cứu cho kỹ các công trình do Ecole biblique de Jérusalem (Trường Kinh Thánh Giêrusalem), xuất bản, hoặc là do các trung tâm nghiên cứu của các nhóm chuyên viên người Mỹ hay người Ðức, v.v… thực hiện, thì sẽ rõ về điều nhận định đưa ra trên đây.
Ở đây, bài khảo luận không xét đến đến các cuốn viết về “Cuộc đời Ðức Giêsu” do các tác giả nhà văn như François Mauriac (Pháp), de Papini (Ý), Endo Susako (Nhật), v.v. thực hiện, dù các tác phẩm này vẫn có giá trị riêng của chúng; lý do là vì chúng mang quá nặng tư kiến chủ quan của các tác giả. Cũng có thể nhận định như thế về vô số tác phẩm văn viết hay điện ảnh (cách riêng là cuốn phim do Zefirelli thực hiện…) về Ðức Kitô với mục đích khích lệ về mặt tu đức hay thần nghiệm. Ðó là những tác phẩm thực sự hữu ích, nhưng lại không ứng đáp được những tiêu chí của khách quan tính cần cho nghiên cứu có tính cách “khoa học” mà thiên khảo luận đang ra sức tiến hành.
Trái lại, các bài thuyết giảng trong Mùa Chay tại Nhà Thờ Ðức Bà Paris, của các linh mục như cha Pinard de la Boullaye, hay cha Panici… trình bày về con người lịch sử của Ðức Kitô, thì dù đã chịu thời gian thử lửa, cũng vẫn cho thấy là thực sự có đầy đủ giá trị khách quan về mặt phê bình sử học cho cả trong thời nay.
Ðó là những dữ liệu khách quan làm cơ sở cho việc biểu trình giáo lý về Nhập Thể.
Nhìn lại công thức tín lý: Ðức Kitô, một Ngôi Vị trong hai bản tính.
Mười lăm thể kỷ sau, chúng ta có thể lấy lại những gì là chính yếu trong các công thức tín lý mà các công đồng Nixêa (325), Êphêsô (431) và Khankêđôn (451), đã dùng ngày trước, để biểu trình về con người Ðức Kitô cho thời đại ngày nay. Những thuật ngữ đã được các công đồng dùng đến vẫn còn có thể được dùng trong các công trình nghiên cức đang được tiến hành, với một điểm khác biệt này là: cần phải giải thích chúng cho thích đáng, bởi lối suy tư và nhận thức của thời nay khác với cách kiểu ngày trước.
Vì thế, ngày nay cũng cần phải mạnh mẽ xác quyết là trong Ðức Kitô chỉ có một Ngôi Vị và chỉ có một Ngôi Vị duy nhất mà thôi. Ngôi Vị ấy chính là Con Thiên Chúa. Ngôi vị ở đây không mang cùng một ý nghĩa như trong học thuyết nhân vị, như là của Mounier chẳng hạn. Các trường phái của học thuyết ấy nêu bật vai trò của nhân vị, và cương quyết bảo vệ các quyền của nhân vị, nhưng họ chỉ xét vấn đề theo một quan điểm thuần túy tâm lý: nhân vị hiểu theo nghĩa của học thuết đó, là chủ thể sinh sống và hoạt động ở giữa xã hội, mang theo những quyền lợi và bổn phận. Với Renouvier, học thuyết nhân vị hướng hẳn theo đường lối ấy. Còn trong tín lý học, thuật ngữ ngôi vị thì lại được theo ý nghĩa siêu hình học; có thể nói là gần giống với ý nghĩa theo cách hiểu của Boetius hơn là của Mounier.
Vậy, ngôi vị lả một hữu thể tự trị, vói bản thể cá biệt, có khả năng tự ý thức và ý trí tự trị. Nếu diễn tả theo lối nói ngày nay, thì đó chính là bản ngã, là cái tôi, tức là chủ thể tự trị và có ý thức.
Nếu áp dụng các thuật ngữ này vào trong trường hợp của Ðức Kitô, thì những khi Ngài xưng là “TÔI,” là chính lúc bản thân hay Ngôi Vị Ngài nói, và Ngôi Vị này là Con Thiên Chúa; thế nên, đó là chính Con Thiên Chúa nói năng, hành động.
Nơi Ðức Giêsu Nadarét, đã không có những hành động cho thấy là đã xuất phát từ một bản ngã, ngôi vị nào khác: không có chuyện nhị hóa nhân cách, tức là không có chuyện có hai cái “TÔI” trong Ðức Kitô. Cũng chẳng có chuyện nhị trùng về mặt tâm lý hay luân lý. Không có chuyện một đàng là Ngôi Vị thật, mặt khác là một hình dạng biểu kiến của ngôi vị (như ảo thân thuyết chủ trương). Chính vì thế, là hết sức có lý khi nói rằng Con Thiên Chúa đã sinh ra tại Bêlem, đã lớn lên ở Nadarét, đã rao giảng tại miền Galilê và Giuđê; chín Ngài đã chịu hình, chịu tử nạn và đã sống lại tại Giêrusalem. Nói theo bất cứ một cách nào khác tức là diễn đạt không chính xác về Ðức Kitô. Chính Con Thiên Chúa đã “đích thân” nói với chúng ta, đã khích lệ chúng ta, đã mời gọi chúng ta đến với Tình Yêu và Sự Sống. “Ta là đường, là sự thật và là sự sống.” Ngài có quyền xác định điều đó, vì Ngài là Ngôi Lời, và “Ngôi Lời là Thiên Chúa.” Thế nên, về các điều đó, không thể mảy may có chuyện do dự, lưỡng lự, mập mờ nước đôi.
Nhưng còn phải nói ngay thêm rằng đây là một trường hợp ngoại thường, vì Ngôi Vị đó có – hay hoạt động trong – hai bản tính. Vậy, phải hiểu như thế nào về từ “bản tính”? Thuật ngữ này không được hiểu như là một cơ cấu tĩnh định, chỉ về một hữu thể theo tính cách của nó, như nói về “tam giác tính” để chỉ về một hình tam giác, hay “tính chất vòng” để chỉ về một đường tròn, v.v… Nếu bản là một cái gì tĩnh định, thì không thể, thì không thể biến hóa được. Vì thế, khó mà có thể hài lòng để chỉ dừng lại ở chủ trương của định tĩnh thuyết (fixisme). Ðiều cần phải được minh xác là từ “bản tính” mang ý nghĩa chỉ về một bẩm chất năng động hay động thái nhờ đó một hữu thể đạt được đến mức thành tựu của cái vì đó mà mình được tạo dựng nên. Tức là khả năng đặt tới tình trạng cứu cách tự trị của mình. Bản tính là một năng lực quy hướng về với một mục đích nhất định.
Mỗi một người chúng ta đều có bản tính của mình: đó à nhân tính với tất cả những khả năng đặc thù của nó. Cũng giống hệt như vậy đối với các cá thể trong thế giới khoáng vật hay trong các giới các loài thảo mộc hay động vật. Một đã hiểu như vậy, thì có thể chính đáng áp dụng khái niệm “bản tính” cho trường hợp của chính Ðức Kitô.
Ðúng thế, nếu dựa theo những dữ kiện lịch sử và những công trình tầm cứu khách quan, thì sẽ nhận ra rất rõ rằng thái độ cư xử cho thấy có hai loại “khả năng động thái.” Lúc thì Ngài xử sự như một con người giống như tất tcả mọi người trong chúng ta: Ngài sinh ra, chịu khổ đau, và chết… Khi thì Ngài để lộ ra những “khả năng” vượt hẳn sức loài người: Ngài chữa lành một cách tức khắc các bệnh hoạn tật nguyền; Ngài làm chủ và điều khiển thiên nhiên, Ngài tiến báo những điều sẽ xảy ra, Ngài làm cho kể chết sống lại… Hai thứ loại cu xử và hành động trên đây đan dệt và giao thoa với nhau mà không trộn lẫn hay đồng nhất hóa với nhau, nhưng ngược lại, còn cho phép nhận diện để xác định bản chất mà phân biệt là thuộc thứ loại nào nữa, hầu thấy rõ Ngài là con người thật: hoàn toàn giống như chúng ta “ngoại trừ tôi lỗi,” và cùng lúc Ngài cũng là Thiên Chúa thật, như có thể thấy rõ đặc biệt các qua Biến Hình và Sống Lại.
Ðó là những dữ liệu chủ yếu cần thiết mà chúng ta đã thâu thập được. Việc phân tích các văn bản và các dữ kiện theo phương pháp khoa học khắt khe và kỹ thuật triết học chính xác, đã dẫn tói những kết quả hay kết luận nói trên. Thế mới có thể nói rằng, dù có khắt khe đòi hỏi đến mấy với những điều kiện nghiêm ngặt của ngành phương pháp luận hiện đại, thì lý trí cũng vẫn có thể mang lại một lời “giải đáp” – ít là tương đối, – cho các vấn đề mà Nhập Thể gợi lên trong trí óc loài người. Nhưng – phải lưu ý ngay là, – dù sao thì Mầu Nhiệm cũng vẫn mãi là mầu nhiệm.
Thử đối diện với các vấn đề và Mầu Nhiệm là cố gắng mà thiên khảo luận theo đuổi sau đây.
Ngôi Vị Ðức Kitô: vấn đề và mầu nhiệm.
Thì đây, thái độ tò mò của lý trí cũng như cảm thức thần nghiệm tiềm ẩn trong đáy lòng con người, thôi thúc chúng ta thử tầm cứu sâu xa hơn về nội dung của mầu nhiệm Nhập Thể. Kính cẩn, cuộc tầm cứu sẽ tuần tự nhằm tới hai lãnh vực: linh hồn và thân xác Ðức Kitô.
Linh hồn Ðức Kitô là nhân tố then chốt của mầu nhiệm: đó là điều mà các tác giả thiêng thiêng, tu đức đã lưu ý ngay đến. Bởi chính tại đó, hai “thành tố” – tức là hai bản tính: nhân tính và thiên tính, – tiếp cận và mật thiết kết hợp với nhau trong Ngôi Vị của Ngài. Trí tuệ Ðức Kitô vừa cảm thức những nghi vấn do nhân tính đặt ra, vừa đón nhận những ánh sáng do thiên tính mang lại. Cũng vậy, ý chí Ngài cũng sống qua tình trạng tương tự như thế. Cả Tình Yêu nơi Ngài nữa cũng thế, và xin được đào sâu hơn về Tình Yêu này: tình yêu nhân nhân tính nơi Ngài biểu hiện qua cảm tình và lòng trìu mến đối với những người bà con thân thuộc, qua lòng trắc ẩn trước những cảnh khổ đau và chết chóc; còn Tình Yêu thiên tính nơi Ngài thì hiện rõ qua việc tự hiến tế trên Núi Sọ, qua việc phái gửi Thánh Linh đến. Hai thể loại tình yêu ấy chặt chẽ liên hợp vói nhau.
Phân tích là cần, nhưng có điều còn cần thiết hơn bội phần và quý giá hơn vô vàn nỗ lực phân tích: là việc lắng đọng trầm mình vào trong gẫm suy, chiêm niệm để ngắm nhìn nội dung của Mầu Nhiệm. Ai có thể kể ra cho cùng những nguồn phong phú thiêng liêng tuôn trào dồi dào từ việc gẫm suy về Trí Tuệ, Ý Chí và Tình Yêu nơi Ðức Kitô… tức là – tắt một lời, – về linh hồn của Ðức Kitô. Ðó là những gì đã nuôi dưỡng cố gắng tìm kiếm và kinh nghiệm thiêng liêng của các nhà thần nghiệm bậc thầy trong Giáo hội, kể từ thánh Âugutinô (đặc biệt là qua tác phẩm Confessions – Những lời trần tình) cho đến thánh Tôma Aquinô (cách riêng là trong tác phẩm tựa đề Commentaires – Chú Giải về Kinh Thánh), cũng như thánh nữ Catarina thành Sienna, hay là thánh nữ Marguerite-Marie Alacoque thành Paray-le-Monial. Trong thế kỷ này, thì có nữ chân phước Elisabeth de la Trinité, là người đã từng ghi lại những trang tuyệt diệu ve “linh hồn Ðức Kitô.”
Ðúng thế: linh hồn Ðức Kitô hẳn là “lãnh vực” đặc biệt của Nhập Thể.
Nhưng không phải vì thế mà bỏ quên không gẫm suy về thân xác của Ðức Kitô. Xác thể, con tim, cảm tính, khả năng cảm chịu khổ đau cũng như cảm thấy hài lòng mãn nguyện,… của Ngài, là giống hệt như ở nơi chúng, là của chính chúng ta. Chính đó là lý do hàng đầu và quan trọng nhất giải thích tại sao cần phải gẫm suy về cách thức Ðức Kitô, Ngôi Vị Thiên Chúa, đã sử dụng các thành tố làm nên thân xác loài người như thế của chúng ta. Làm sao một Ngôi Vị Thiên Chúa đã có thể sống một cuộc trong xác thể như vậy! Không bao giờ có thể gẫm suy cho cùng về Ngài: về thân xác giòn yếu của Trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ; về những lao nhọc của người làm thợ sống âm thầm tại Nadarét, về những tâm tình hả dạ của người dân bình dị xứ Galilê để mắt chiếm ngắm cảnh thiên nhiên với những cách đồng lúa chín vàng, hay là cảnh biển động trở thành lặng như tờ… Cũng chính thân xác đó đã xao động run lên đến cực độ trong giờ hấp hối, đã bị dày xéo hành hạ trong cuộc tử nạn cho đến Núi Sọ. Cũng chính trái tim đó – hệt như trái tim chúng ta, – đã xúc động và hy vọng; đã từng rung động tận đáy lòng trước những cảnh khổ đau và cùng cực tuyệt vọng của con người; đã cầm không được ước mắt trước cảnh một người bạn thân từ trần… Còn nói chi đến lòng thương tỏ lộ rõ đối với người thành niên giàu có, đối với, thái độ phẫn nộ trước hành động bội phản của một người thân… như đọc thấy trong lời Ngài tâm sự trong bữa Tiệc Ly. Ðức Kitô đã sống qua hết mọi “cung điệu” trầm bổng của cản tính loài người. Và đó đã trở thành bài học cho chúng ta.
Cuối cùng, Ðức Kitô đã muốn để lại chính thân thể của mình – hằng sống động nơi bí tích Thánh Thể, – làm bằng chứng cho sự việc Ngài luôn hiện diện bên cạnh loài người cho đến tận thế. “Ðây là Mình Ta; đây là Máu Ta.” “Ai không ăn Mình Ta và không uống Máu Ta, thì sẽ không được sống đời đòi.” Chính thân mình Ðức Kitô, – chứ không phải một mình linh hồn của Ngài mà thôi, – hiện diện thật sự trong Thánh Thể; và qua đó, chính là toàn bộ con người của Ngài, – tức là Ngôi Vị của Con Thiên Chúa làm người, – hiện diện.
Nếu phương cách giải đáp – dù chưa hoàn toàn, – theo lý tính, những vấn đề liên quan đến Nhập Thể, cũng đã có thể ít nhất là một phần, làm cho trí tuệ được thỏa mãn; thì nỗ lực chiêm niệm về mầu nhiệm tiềm ẩn nơi sự kiện Nhập Thể sẽ còn mang lại cho tâm lòng con người những niềm hân hoan sâu thẳm, an bình sung mãn, và thỏa chí phong phú dồi dào đến mức độ nào nữa! Chính vì thế, thiên khảo cứu này không thể kết thúc mà không khai phát và đề xuất một số những điều kiện cơ bản cần cho việc xây dựng một nền “Linh đạo Nhập Thể” lành mạnh cho đời sống cá nhân mỗi người cũng như cho cuộc sống xã họâi và văn hóa giữa các xã hội chúng ta đang sống.
VII. ÐỂ XÂY DỰNG MỘT NỀN “LINH ÐẠO NHẬP THỂ” ÐÂM RỄ VÀO TRONG ÐỜI SỐNG CÁ NHÂN
Trong những thập kỷ gần đây, những quan niệm không xác đáng về Nhập Thể, – như trình bày trước đây, – đã ảnh hưởng không ít đến cách hiểu và sống niềm tin đối với mầu nhiệm ấy. Do đó, có thể quan sát thấy việc sinh sôi nẩy nở những hình thái linh đạo Nhập Thể rập khuôn sát theo hay chủ trương phải hoàn toàn đồng nhất hóa với thế giới cuộc sống của môi trường chung quanh; và như thế, Nhập Thể đã bị giản lược, đánh mất tiền tố “nhập,” để chỉ còn đon thuần được hiểu một cách thô kệch, như là một cuộc “xác thể hóa’ không hơn không kém, hay như là một cách “vật chất hóa,” huậc là “cụ thể hóa” những lối cư xử, những thái độ sống của con người chúng ta. Người ta nghĩ rằng cách thức nhập thể tốt đẹp, hoàn hảo nhất là đồng hóa hay đồng nhất hóa. Và hậu quả đương nhiên của lối quan niệm đó là đưa đến chỗ làm cho nội dung của mầu nhiệm ra trống không, rỗng tuếch. Không muốn nêu ra ở đây những tác hại mà quan niệm đã gây ra, bài khảo luận chỉ muốn thử cho thấy một đường hướng khả dĩ dựa theo Truyền Thống Kitô và những yêu cầu của thế giới hiện đại, mà đưa tới chỗ xây dựng một dạng linh đạo đặt nền móng trên đức tin vào mầu nhiệm Nhập Thể. Xin bắt đầu công tác với những bước liên quan trực tiếp đến đời sống cá nhân riêng tư.
Nguồn cội của một nền “Linh Ðạo Nhập Thể”
Nguồn cội ấy bắt nguồn từ ra rất. Thử nhìn lại những giai đoạn mà nền linh đạo ấy đã trải qua: trong Cựu Ước, linh hồn bao giờ cũng nằm trong mối quan hệ chặt chẽ với một Thiên Chúa hùng dũng, chính trực, “báo oán”… Tiêu biểu rất chỉnh cho tâm trạng của con người đọc thấy rõ trong Cựu Ước, một nhân vật trong vở kịch Athalie của Racine, đã nói: “Này Abner, ngoài Thiên Chúa, tôi chẳng có sợ chi khác.” “Lòng kính sợ Thiên Chúa là khởi điểm của khôn ngoan” (Con người 1,7); câu viết này đã được thường nhắc đi nhắc lại trên môi miệng các con cháu của Abraham, các con dân Môsê, hay các người đã từng nghe những lời thuyết giảng của các tiên tri Isaia, Giêrêmia, Êdêkiel, Daniel, cũng như tất cả các tiên khác. Thiên Chúa là một Bậc Chủ xa vời và đáng sợ.
Với việc Nhập Thể vào trong Ðức Kitô, Thiên Chúa dã xích lại gần con người. “Ngài đã ở giữa chúng ta.” Trong Ðức Giêsu Kitô, hết mọi đặc nét của bản tính loài người đều có mặt, lại còn được “tôn dương,” hay nói cho đúng hơn nữa, còn được “thần hóa” qua sự việc hai bản tính, là nhân tính và thiên tính, kết hợp với nhau trong một Ngôi Vị Thiên Chúa. Phụng vụ Thánh Lễ xác định rằng: “chúng ta được tham dự vào thiên tính của Ðấng đã đoái thương nhận lấy nhân tính của chúng ta.” Toàn bộ cuộc sống riêng của mỗi cá nhân đều có thể được đổi mới, có thể – theo một cách thức nào đó, – mang lấy “dạng mạo Thiên Chúa.”
Như vậy, trí tuệ của chúng ta có thể được “nâng cao hẳn lên” theo ý nghĩa là nhờ biết để cho lòng mình thấm nhuần tinh thần Ðức Kitô, thì có khã năng đạt tới được những đối tượng cao cả, siêu việt hơn, chẳng hạn như là những thực tại thuộc bình diện siêu nhiên. Có thể đạt tới được tầm hiểu biết trong đức tin, để vượt hẳn lên trên mức hiểu biết theo lý tính. Và do đó, một nền linh đạo Nhập Thể như thế có thể được giới thiệu cho nhà trí thức đang tìm kiếm Chân Lý trong phòng thí nghiệm của ông, cho nhà nghiên cứu đang ra sức mò mẫm nhận cho ra dấu vết của Chân Lý qua các cuộc tầm tra và thăm dò của ông. Nắn đúc theo mẫu nhìn của Ðức Kitô, cái nhìn của đức tin cũng có thể hướng tầm nhãn giới bao hàm tới hết mọi con người và mọi sự vật.
Ý chí của chúng ta cũng có thể “rập khuôn” theo mô mẫu ý chí của Ðức Kitô, ít là trong ý hướng đầy quyết tâm. Chúng ta có thể ra sức muốn thật những gì Ngài đã từng muốn, và như Ngài đã muốn, tức là quyết muốn với một lòng kiên tâm bền chí mà không mảy may ngoan cố, với một chí hướng tham vọng lớn lao mà không chút tự phụ; đòi hỏi mà không áp đặt… như Ngài đã xử sự với người thanh niên giàu có, hay là như với bà phạm tội ngoại tình. Cả tình yêu của chúng ta nữa – và đặc biệt trong lãnh vực này – cũng phải rập khuôn, – trong thể cách và khả năng loài người, – theo mô mẫu Tình Yêu vô biên của Ðức Kitô: yêu thương hết mõi anh chị em đồng loại, ngay cả những người thù nghịch mình; yêu thương tha thiết, không thờ ơ mà cũng chẳng phải vì đam mê dục vọng mù quáng; biết sẵn sàng tha thứ, v.v… Ðó là những nét chính miêu phỏng một cách thức suy nghĩ và một thái độ sống hoàn toàn theo sát Thánh Ý Thiên Chúa. Siêu quần bạt chúng và không sao sánh tày được, gương mẫu ấy: Ðức Kitô đã để lại cho chúng ta qua cuộc đời dương thế của Ngài. Có thể gọi đó là một nền “nhân bản kitô” như thánh Phanxicô Salê đã từng phác trình.
Cảnh giác chống lại một dạng học thuyết Bérulle.
Khi đề cập đến linh đạo Nhập Thể như thế, người ta thường nhắc đến tên tuổi Ðức Hồng Y Bérulle, người sống cùng thời với thánh Phanxicô Salê, và là người được coi như là nhà khởi xướng Trường Phái Tu Ðức Pháp, hồi thế kỷ 17. Và vì thế, các chủ đề tiếng tăm mà Bérulle mạnh mẽ đề xuất, như là: “le Christ est le religieux de Dieu”(Ðức Kitô là người nối kết với Thiên Chúa)… lại được nhắc đến. Chính nhờ một mình Ðức Kitô và qua một mình Ðức Kitô mà thôi, chúng ta mới có thể đến với Thiên Chúa; Nhập Thể là con đường độc nhất dẫn đến việc hiểu biết Thiên Chúa, v.v… Ðẩy quá đà phương thức lý luận của mình, hồng y Bérull và một số người môn đồ của ngài, đã đi đến chỗ chủ trương rằng: chúng ta sẽ không biết được Thiên Chúa, ngay cả biết được sự hiện hữu của Thiên Chúa , nếu Ðức Kitô đã không chỉ dạy cho chúng ta… Tóm lại, Ðức Kitô là tâm điểm, là nguồn gốc của mọi hiểu biết và của mọi nhân đức. Ðó đúng là chủ thuyết kitô hướng tâm luận mà bài viết sẽ bàn tới sau đây.
Học thuyết này đã sống qua một thời thịnh hành vẻ vang, làm sống dậy đời sống thiêng liêng của nhiều thế hệ tín hữu tại Pháp, đặc biệt là trong giới các linh mục, và được phổ biến rộng rãi qua việc giảng dạy, đặc biết là qua truyền thống Xuân Bích, với hoạt động nhiệt huyết của Cha Olier, là người hâm mộ hàng đầu của hồng y Bérulle. Phải nói ngay rằng đó là một trường phái khả kính. Tuy nhiên, trong bối cảnh tầm cứu Nhập Thể theo về mặt triết học, bài viết cảm thấy cần phải đưa ra một số lưu ý liên quan đến đường hướng tư tưởng hậu-Bérulle. Quả thế, có thể đọc thấy trong học thuyết đó một “quan niệm đạo đức quá khích.” Nói rằng: nếu chúng ta đã biết được một điều gì đó liên quan đến bản thể hay yếu tính Thiên Chúa, thì chính là đơn thuần nhờ một mình Ðức Kitô, là hoàn toàn đúng với sự thật. Nhưng nói rằng: chỉ đơn thuần nhờ Ðức Kitô chúng ta mới biết về sự hiện hữu của Thiên Chúa, là một lời xác định quá đáng, và có nguy cơ đưa tới những lệch lạc đáng ngại.
Khởi điểm của học thuyết kitô hướng tâm luận này khơi nguồn từ quan điểm cho rằng duy chỉ có nhờ Ðức Kitô, chúng ta mới thực sự biết được về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Quan điểm đó xuất phát từ một lập trường có tính cách phương pháp học: năm 1619, hồng y Bérulle đã có dịp gặp René Descartes ở tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Paris, và kiến thức quảng bác siêu quần của triết gia trẻ tuổi này đã gây cho đức hồng y một ấn tượng hết sức ngỡ ngàng. Và như thế, chẳng bao lâu sau ngài đồng ý với quan điểm cho rằng cần phải cắt bỏ liên hệ với truyền thống, đặc biệt là với triết học kinh viện, chịu ảnh hưởng sâu đậm của thánh Tôma. Và như thế, ngài rơi vào trong một thế đứng rất mong manh về mặt triết học. Thời đó, quan niệm thông thường cho rằng chỉ có đường lối “ngũ đạo” của thánh Tôma là cách thức duy nhất để có thể chứng minh Thiên Chúa hiện hữu. Còn những lối chứng minh của Descartes dựa theo hữu thể học (argument ontologique) thì khá mơ hồ và nhiều lắm là chỉ đưa tới những giả thuyết mong manh để kết luận rằng “có thể có” Thiên Chúa. Vậy, sau khi rời bỏ triết học cổ truyền, và chưa có được xác tín theo lối dẫn chứng của Descartes (Bérulle qua đời năm 1629: mới nghe nói mà chưa được đọc các tác phẩm của Descartes), tất Bérulle chỉ còn thấy được một con đường duy nhất để chinh phục giới những người “vô tín” (libertins) về với niềm tin vào Thiên Chúa, là làm cho họ nhìn về Ðức Kitô. Ngài cho rằng chính nhờ đọc Phúc Âm, và chỉ nhờ đọc Phúc Âm mà thôi, thì mới có thể khám phá ra được sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Hẳn đó là một điều, tự nó, đáng khen. Tuy nhiên, quan niệm như thế cũng kéo theo khá nhiều hậu quả nguy hiểm: vì như thế là làm như phủ nhận việc những người “lương dân,” không biết đến hoặc không đọc Phúc Âm, có thể nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa. Giáo hội không bao giờ nghĩ như thế cả: thánh Phaolô quả quyết rằng những người lương dân không thể nào “chạy tội” (Rm 1,20) được, nếu không chịu dùng trí khôn mà nhận cho ra Thiên Chúa; công đồng Vaticanô I đã xác nhận rõ lại chân lý đó. Tự nó, trí khôn có khả năng ít ra là cảm nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Ðàng khác, đặt việc đọc Phúc Âm như là điều kiện tiên quyết để có thể phát hiện sự hiện hữu của Thiên Chúa, tức là coi việc phát hiện đó tùy thuộc vào lịch sử, bởi vì phải nhìn lại quá khứ, phải tầm cứu lại lịch sử, thì mới biết được Phúc Âm. Mà nếu đặt lịch sử làm điều kiện tiên quyết cho một suy tư nhận thức căn bản như thế (tức là về sự hiện hữu của Thiên Chúa), thì sẽ rơi vào nguy cơ làm cho toàn bộ tri thức của con người phải tùy thuộc vào lịch sử… Thế thì chẳng khác chi là chuẩn bị con đường dẫn tới việc chấp nhận học thuyết duy sử. Ðáng tiếc là sự việc đã thực sự xảy ra đúng như thế, chứ không phải chỉ là chuyện đề phòng lo xa hão huyền. Cần phải giữ vững điều chủ yếu này là tư tưởng con người – được phương thức phê bình triết học cổ vũ, và được các dữ kiện hay kiến thức khoa học nuôi dưỡng – có đủ khả năng để tự mình tỉnh giác đi đến chỗ phát hiện ra Thực Tại siêu việt. Ðã đành là Mạc Khải sẽ làm cho việc nhận thức ấy được phong phú thêm lên, nhưng không được coi Mạc Khải là cội nguồn duy nhất của tri thức loài người. Ðã hẳn Nhập Thể là cách thế đặc biệt làm cho chúng ta biết được “Thiên Chúa là ai,” nhưng không phải là cần thiết để làm cho chúng ta nhận ra sự việc “Thiên Chúa hiện hữu,” bởi vì trí óc con người còn có thể nhận ra điều này bằng những cách thế khác.
Linh đạo Nhập Thể và việc sùng kính Ðức Maria.
Suy tư về các điều kiện thực tế liên quan đến việc Nhập Thể mà không nhìn về người nữ – tức là Trinh Nữ Maria, Mẹ Ðức Giêsu – đã từng gắn bó và hợp tác hết sức mật thiết vào trong công tác thực hiện Mầu nhiệm ấy, là một thiếu sót lớn. Quả thế, ngoài Thiên Chúa toàn năng ra, ai đã mang lại cho loài người sự hiện diện thể lý của Ngôi Lời Thiên Chúa trong nhân tính của Ðức Giêsu, nếu không phải là Ðức Maria qua việc đón nhận thánh ý Thiên Chúa với lời thưa “Xin Vâng” trong ngày Truyền Tin? Chính nhờ lời thưa “Fiat” Ðức Maria đã thốt lên, mà biến cố kỳ diệu vĩ đại là Nhập Thể đã thành hiện thực. Kinh Truyền Tin hằng ngày nhắc cho chúng ta sự kiện ấy: “Tôi xin vâng như lời thiên thần truyền,” và giây phút ấy “Ngôi Lời đã nhập thể làm người (đã trở thành xác phàm).” Về điểm này, Bérulle và Trường Phái Tu Ðức Pháp đã có những nhận định sâu sắc tuyệt vời. Qua lời “Xin Vâng,” Ðức Maria đã thực sự hiện diện ngay từ giây phút khởi đầu Mầu Nhiệm Nhập Thể.
Và suốt trong toàn bộ tiến trình tiến hành Mầu Nhiệm ấy, trong những thời điểm trọng đại, không bao giờ Ðức Maria lại không có mặt: Mẹ hạ sinh Ðức Giêsu trong đêm Bêlem; Mẹ ở bên cạnh để nuôi dưỡng, nâng đỡ Ngài trong cuộc sống âm thầm tại Nadarét, và âu yếm “ghi khắc hết mọi kỷ niệm ấy trong tâm khảm của mình;” Mẹ lặng lẽ có mặt trong cuộc đời công khai thừa hành tác vụ của Con mình, và can đảm chứng kiến – với tất cả tâm tình thông dự, – giờ phút Con mình tự hiến trên đồi Canvê. Và Mẹ cũng sẽ tham dự vào các biến cố hiển vinh trong ngày Phục Sinh, trong ngày Thánh Thần hiện xuống. Ðó là những sự kiện lịch sử. Càng ngẫm suy về chúng, thì càng thấy rõ hơn vai trò lớn lao cao cả của Ðức Trinh Nữ. Chẳng thế mà công đồng Êphêxô (431) sau này sẽ long trọng công bố Ðức Maria là “Théotokos (Mẹ Thiên Chúa).” Ðó là tước hiệu quang vinh, danh dự và cao cả nhất mà một người trần xứng đáng nhận được.
Mẹ Thiên Chúa? Vì Mẹ đã sinh hạ ra ai? Chắc hẳn không phải là “thiên tính” (bởi Thiên Chúa là Ðấng tự hữu); cũng không phải là đơn thuần là một “nhân tính” (vì Mẹ không chỉ đơn thuần là mẹ của nhân tính Ðức Giêsu). Mẹ đã sinh ra – như hết mọi người mẹ trong trần gian, – một Ngôi Vị, là Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, như các nghị phụ công đồng Êphêxô sẽ khẳng định. Thế nên, là điều hoàn toàn hợp lý và chính đáng – cả cứ lý lẫn cứ sự – việc tuyên xưng Ðức Maria là Mẹ của Ngôi Lời, là Mẹ Thiên Chúa, “Théotokos.” Chính vì thế mà việc sùng kính Ðức Maria đi đôi gắn chặt với việc tôn kính Ðức Kitô. Chính nhờ Mẹ mà, bằng một cách nào đó, chúng ta đi đến với Ðức Kitô. Bởi thế, nhiều tác giả tu đức thường diễn tả mối liên kết khắng khít đó qua thành ngữ “Ad Jesum, per Mariam (Nhờ Ðức Maria mà đến với Chúa Giêsu)” và để nói rõ là Ðức Mẹ có thể giúp chúng ta đến gặp gỡ với Chúa Giêsu một cách dễ dàng và hữu hiệu hơn.
VIII. MỘT NỀN LINH ÐẠO NHẬP THỂ: VIỄN CẢNH XÃ HỘI VÀ VĂN HÓA
Linh đạo Nhập Thể phải tiến xa hơn, vượt hẳn ra ngoài biên giới của đời sống cá nhân riêng tư, để hội nhập vào trong các lãnh vực xã hội và văn hóa, tức là trong những điều kiện cụ thể của con người sinh sống và hoạt động ở giữa xã hội.
Trên đây, – ngoài việc nói lên những điểm đồng hóa nguy hiểm giữa các phương pháp nghiên cứu rất khác xa nhau, – bài khảo luận đã có dịp gợi lại viễn cảnh các mối tương quan giữa Mầu Nhiệm Nhập Thể và toàn bộ vũ trụ theo nhãn quan tổng hợp mà cha Teilhard de Chardin phác trình qua giả thuyết của ngài, cũng như đã nêu bật tầm hữu ích cùng những lợi điểm đối với Khoa học và Ðức tin; chẳng hạn như là giúp mở rộng cuộc đối thoại hiệu quả giữa hai lãnh vực tri thức của loài người.
1. Viễn cảnh xã hội
Ðiều mà bài viết muốn nói lên ở đây là các mối liên hệ có thể có và nẩy sinh nên giữa Nhập Thể và cuộc biến hóa của loài người.Người ta đã có thể dễ dàng – hình như là thế – nhận ra rằng Nhập Thể đã gây một ảnh hưởng mạnh mẽ và có tính cách quyết định, trên bước tiến của loài người. Ngay cả những người không tin vào Ðức Kitô, cũng phải buộc lòng chấp nhận sự kiện đó. Chính thế, đảo lộn cả trí óc lẫn con tim của loài người, Nhập Thể đã thực sự ảnh hưởng – một cách lành mạnh và có lợi, – trên “lối bước của đà tư tưởng và các biến cố” trong lịch sử loài người, như Cournot đã từng nhận định. Chính nhờ Nhập Thể mà thánh Phaolô đã có thể viết: “không còn chuyện phân biệt giữa Hy lạp hay Do thái, giữa nô lệ hay tự do, giữa nam hay nữ.” Và nhờ đó mà mọi người có thể nhận ra phẩm giá vô song của mình: phẩm giá “làm con Thiên Chúa.” Và vì đó là phẩm giá hết mọi người đều có; từ đó, mọi người sẽ nhận ra mình “bình đẳng” với nhau: mọi người đều là “anh chị em trong Ðức Giêsu Kitô.” Ðó là nguyên lý làm phát sinh nên trong tất cả các nền văn minh được ánh sáng Ðức Kitô chiếu tỏa, một lòng kính trọng ngày càng sâu đậm và kiên quyết hơn, đối với lương tâm cùng các quyền của lương tâm con người, và đối với lẫn nhau trong cộng đồng xã hội, cũng như một cảm thức tinh tế về việc dấn thân trong đời sống luân lý đạo đức. Nếu nhìn lại cho kỹ thì sẽ thấy rằng tất cả những giá trị đó – những giá trị làm nên cốt tủy tinh túy của các nền văn minh hiện đại, – đều phát xuất từ sứ điệp Ðức Kitô đã mang lại.
Còn có thể đi xa hơn để minh xác rằng những giá trị thường được rêu rao cho là “đời” hay là “phi tôn giáo,” và được đề cao trong các quốc gia tiên tiến, – như là: tự do, bình đẳng, tình huynh đệ, v.v… – cũng đều phát nguyên tất cả – một cách trực tiếp hay gián tiếp, – từ những lời mời gọi hay khuyến dụ (đặc biệt là qua bài giảng trên núi về Tám mối phúc thật) của Ðức Kitô. Michelet đã nhìn nhận như vậy, và Péguy cũng đã nêu bật cho thấy điều đó. Cả Bản Tuyên Ngôn của Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền cũng đã phát nguồn – qua một quá trình diễn tiến chậm chạp và ngầm kín – từ sứ điệp Tám mối phúc thật. Chẳng thế mà ai cũng thấy rõ là – và đó không phải là chuyện tình cờ, – tất cả những giá trị đang làm cho phẩm giá cao cả của con người được mạnh mẽ củng cố, đều nẩy sinh từ các vùng thế giới đã từng sống gần hai ngàn năm trong tinh thần của Ðức Kitô và theo sứ điệp Ngài mang lại. Như thế, dù là một biến cố đặc biệt đã xảy ra trong nhân tính của cá nhân Ðức Giêsu, thì Nhập Thể cũng đã mạnh mẽ và hữu hiệu tác động trên toàn thể loài người. Thế là mọi người đều đã được hưởng nhận những lợi ích do cuộc Ngôi Lời Nhập Thể vào trong Người Con của Ðức Maria, mang lại.
2. Viễn cảnh văn hoá
Văn hóa là cung cách mà một tổ hợp cá nhân trong loài người đã chọn cho lối sống, cho dạng thức cảm nhận và suy tưởng của mình. Có rất nhiều dạng văn hóa khác nhau ở trong thế giới loài người. Nhập Thể không chỉ ảnh hưởng đến tâm lòng con người xét theo tư thế là cá nhân, mà còn tác động biến đổi cả các nền văn hóa nữa. Ðây là một vấn đề mênh mông bao quát, khó mà bàn đến cho đầy đủ và sâu rộng được. Thế nên, ở đây, bài viết chỉ xin nêu lên một vài đường nét chính.
Trước hết là việc chính Ðức Kitô đã phái gửi các môn đồ Ngài đến với tất cả mọi dân nước, tức là đến với mọi nền văn hóa, chứ không phải chỉ dừng lại ở trong dân nước Do thái, hay xa hơn một chút, ở trong thế giới La Hy đang cầm quyền bá chủ cả một vùng rộng lớn trên địa cầu dưới thời Ðế quốc Rôma: “Anh em hãy đi đến với mọi dân nước, mang giáo huấn của Thầy tới cho họ…” Như thế có nghĩa là Thiên Chúa muốn cho ảnh hưởng của Nhập Thể có sức tác động qua tất cả mọi nền văn hóa, mà không mảy may phương hại đến chúng, nhưng ngược lại, còn làm cho chúng phong phú thêm lên. Quả thế, sứ điệp Ðức Kitô không áp đặt cũng như không mang theo một mẫu văn hóa nhất định nào cả, không phát huy bất cứ một dạng quan niệm nào về khoa học, tư tưởng, nghệ thuật hoặc là về một cách tổ chức cuộc sống chung trong xã hội. Sứ điệp ấy chỉ nhằm giúp con người ý thức về chính mình cũng như về phẩm giá của mình, và nói với con người xét theo tư cách là con người. Chủ đích của sứ điệp ấy có được mang đến cho nhân loại, là chỉ thuần túy nhằm cổ vũ và mang lại nguồn phong phú cho tâm lòng con người, giúp cho trở thành “con người nội tâm” như thánh Phaolô nói. Mà con người theo tư cách là như thế, thì vượt lên trên mọi dạng văn hóa cụ thể cá biệt, tức là vượt lên trên mọi nền văn hóa. Thế nên, niềm tin vào Nhập Thể không mảy may cố áp đặt cho được một tác dụng đồng điệu hay đơn điệu hóa, nhưng là ngược lại: sứ điệp ấy tôn trọng những khác biệt: Ðức Kitô đã không đề xuất một “hệ thống,” một “lý thuyết” hay một “ý thức hệ,” nhưng trái lại, Ngài đả mời gọi con người, mỗi cá nhân đón nhận một cung cách sống xứng hợp nhất cho mình: “Nếu bạn muốn… thì hãy làm như thế này…”
Chính thế, lòng tin vào Nhập Thể mang lại cho con người một niềm tin tưởng khôn tả: tin tưởng vào chính con người mình và vào những khả năng của chính mình… và từ đó, đi đến chỗ càng tin tưởng hơn vào các khả năng sáng tạo của cá nhân mình, cũng như tin tưởng hơn vào nền văn hóa cá biệt của mình.
Dù phải trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm, thì lịch sử loài người cũng dẫn chứng cho thấy rằng: niềm tin vào Ðức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể đã thực sự ưu đãi hết mọi dạng biểu đạt văn hóa… bởi vì, xét cho cùng, đó chính là những “hình ảnh” của sức năng phong phú dồi dào của Ngôi Lời tác động trên vạn vật. Ðể nhận rõ và xác tín về điều đó, thì chỉ cần nhớ lại một số sự kiện điển hình về: công trình và hoạt động của một thánh Xirilô, một thánh Mêthôđiô trong thế giới các người dân Xlavơ; hoạt động văn học của các nhà truyền giáo kitô giữa các dân tộc tại các vùng Nam Mỹ, Châu Phi, Ðại Dương Châu; công trình của các nhà truyền giáo Dòng Tên trong việc thiết đặt và phổ biến Chữ Quốc Ngữ, tại Việt Nam, v.v… Tóm lại, khắp nơi và trong mọi thời, biến cố Nhập Thể của Ðức Kitô đã cổ xúy và phong phú hóa hết mọi môi trường văn hóa có cơ hội tiếp xúc với mình. Hết thảy mọi nền văn hóa đều được mời gọi để cùng nhau làm nên – nếu chưa có thể nói được là Giáo hội, thì ít nhất là – Dân Thiên Chúa.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là trong các nền văn hóa – cũng hệt như trong mọi công trình loài người, – không phải hết thảy mọi cấu tố đều trong lành, đều phù họp và thích đáng đối với phẩm giá con người; thế nên, Nhập Thể sẽ góp phần tẩy gột những gì là độc hại, gây thương tổn đến phẩm giá ấy, như: chế độ nô lệ, cách đối xử tàn bạo, những bất công trắng trợn hay tinh vi che đậy, v.v… Qua cách thế ấy, Nhập Thể của Ðức Kitô giới thiệu một mẫu người, một mẫu loài người toàn thiện để các nền văn hóa dựa theo đó mà tiến hành công tác “chọn lọc” cần phải làm, hầu giữ lại những gì là trong lành, và loại bỏ những gì là độc hại đối với phẩm giá con người. Vậy là các nền văn hóa sẽ giữ mãi được tính chất đặc thù của mình, và nhờ những đóng góp đáng giá đó của văn hóa mà nhân loại càng tiến bộ mạnh hơn, nhanh hơn, cao hơn đúng với khát vọng của phẩm giá mình.
KẾT LUẬN
Nhập Thể: nguồi suối Khôn Ngoan
Bài khảo luận đã thử giải đáp một số vấn đề mà tư tưởng hiện đại đặt ra liên quan đến Mầu Nhiệm Nhập Thể. Tuy nhiên, vẫn còn cần phải lưu ý và nhận là việc chiêm niệm về mầu nhiệm nòng cốt của đức tin này sẽ giúp rút tỉa ra được những bài học kinh nghiệm đượm đầy Khôn Ngoan mà thế giới chúng ta ngày nay đang rất cần đến. Thật vậy, sống linh đạo Nhập Thể đích thực sẽ giúp cho con người nhận ra được rằng mọi sự đều nằm trong lòng bàn tay an bài đầy quyền uy và yêu thương của Thiên Chúa siêu việt, cùng ra sức quy tập mọi sự về với lòng ưu ái, về với sức năng canh tân và đường hướng chỉ đạo của Vị Thủ Lãnh duy nhất là Ðức Kitô: “Omnia instaurare in Christo” (Ep 1,10).
Hơn nữa, linh đạo Nhập Thể có thể giúp chúng ta tránh khỏi được hai mối nguy đã cứ tuần kỳ đe dọa đời sống tôn giáo và luân lý trong loài người. Mối nguy thứ nhất: là mối nguy phát xuất từ học thuyết quy thần luận (théocentrisme) quá trớn, làm cho con người coi Thiên Chúa như là một Ðấng xa vời cách biệt; có lẽ học thuyết Jansêniô là một trong những dạng biểu hiện cuối cùng của thái độ ấy. Mối nguy thứ hai – hiện đang gặp thấy ngay giữa thời đại của chúng ta đây, – là mối nguy đi ngược lại với khuynh hướng vừa nói, tức là quy hướng tất cả vào nơi con người (có thể nói đó là một dạng học thuyết quy nhân luận quá khích), và coi tôn giáo chỉ như là một sinh hoạt thuần túy nhân bản, coi đức ái chỉ như là một thứ tình liên đới, và đồng nhất hóa Nước Thiên Chúa… với các vương quốc trần thế, các xã hội loải người. Biết thường xuyên quy chiếu về với Nhập Thể sẽ giúp cho biết sáng suốt dự phòng chống lại các nguy cơ ấy. Mọi tư tưởng và hàng động của chúng ta phải quy hướng về với Ðức Kitô. Mọi sự phải tiến hành và thành tựu “nhờ Người, với Người và trong Người.” Từ cuộc sống chiêm niệm Ðức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, sẽ làm nẩy sinh nên một “cách nhìn theo viễn ảnh của Khôn Ngoan,” tức là giúp cho biết quy hướng mọi sự về với Thiên Chúa… mà đồng thời vẫn sống sát với thực tế cuộc sống của những người chung quanh, của xã hội loài người. Nối kết Trời và Ðất như thế, chúng ta sẽ biết sống đúng với “trật bậc các hữu thể,” và đó là chính nguyên lý của Khôn Ngoan đích thực
Jean Milet
[Felipe Gómez Ngô Minh chuyển ý, HTTH SỐ 16, NĂM THỨ SÁU (1996)]