Đó là học giả Petrus Trương Vĩnh Ký, sinh năm 1837 tại Cái Mơn, tỉnh Vĩnh Long, kém linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn 31 tuổi. Không cùng thế hệ, khác nơi sinh (cha Gioakim quê ở Bình Định), song cả hai vị đều là những người con lớn lên trong gia đình Công giáo đạo hạnh, có tư chất thông minh, được hưởng thụ một nền đạo đức sốt sắng và nền văn hóa Khổng-Mạnh vững vàng; đều được các thừa sai tận tình nâng đỡ, tạo điều kiện để du học tại trường dòng Pênăng (Mã Lai). Vì cách xa nhau nhiều tuổi nên có thể khi Petrus Ký sang Pênăng thì thầy phó tế Gioakim Đặng Đức Tuấn đã về nước để chuẩn bị thụ phong linh mục và làm công tác mục vụ tại quê hương dưới thời Đức Giám mục Cuénot.

Hai người đi trên hai con đường nhưng cùng một điểm gặp gỡ, đó là lòng kính Chúa yêu nước. Thầy Sáu Gioakim thì trở thành đạo trưởng, lo việc mở mang Nước Chúa nhưng vẫn không quên thể hiện lòng yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, bất kể lương giáo, qua những tác phẩm văn học, nhất là 6 bản Điều trần.
Petrus Ký vì chữ hiếu nên đã từ khước sang Rôma học tiếp để trở về chịu tang mẹ, rồi vì thời cuộc đưa đẩy nên đã chọn con đường hoạt động văn hóa với hai mục đích: Trước hết, nói về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam cho toàn thế giới (những sách ông viết bằng tiếng Pháp là có ý đó). Kế đến là đem nền văn minh, văn hóa Âu-Mỹ mà ông đã tiếp cận để giới thiệu cho đồng bào với ước vọng xã hội Việt Nam cũng tiến bộ như các nước này. Dựa vào những định luật ngôn ngữ của tiếng Pháp, ông đã soạn thảo sách về mẹo luật tiếng Việt, làm cho chữ Quốc ngữ càng ngày càng hoàn thiện hơn.

Petrus Ký đã dùng báo chí như một lực đẩy mạnh mẽ để phổ biến chữ Quốc ngữ. Chính ông đã dùng nguyệt san tư nhân đầu tiên của nền báo chí Việt Nam là Tạp chí Miscellanées (Thông Loại Khóa Trình) để lan tỏa văn hóa phẩm đông tây, trong đó có tác phẩm của linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn – là thơ hay những câu đối đáp, mỗi câu hai vế, được viết ngăn ngắn theo kiểu tục ngữ, châm ngôn hay huấn ca, tỷ như:
“Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu;
Chưởng đậu đắc đậu, chưởng qua đắc qua;
Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác;
Kiến cơ nhi tác, dục tốc bất đạt…”
(Trích “Nói vần những câu chữ người ta quen dùng”, Tạp chí Miscellanées số 9 tháng giêng năm 1889).
Rất tiếc là do hoàn cảnh đất nước chiến tranh, Trung – Nam cách biệt, nên Trương Vĩnh Ký không có trong tay các tác phẩm khác của linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn. Đó là lý do người đời sau ít được biết tới cuộc đời và các tác phẩm của ngài như “6 Bản Điều Trần” và “Thuật tích nước Việt Nam vãn”…
Lm Giuse Nguyễn Hữu Triết
Trưởng ban Mục vụ Văn hóa TGP.TPHCM