|
Trả lời:Đúng Giáo Hội đã cho phép hỏa táng (cremation) xác chết miễn là việc này không có nghĩa là phủ nhận niềm tin “xác loài người ngày sau sống lại” như ta đọc trong kinh Tin Kính.
Sở dĩ có việc cấm hỏa thiêu xác người chết là vì trước kia có bè rối kia (heretics ) đã chống lại niềm tin của Giáo Hội về sự sống lại của kẻ chết, nên đã hô hào đốt xác chết để thách đố xem Giáo Hội còn lấy gì mà tin xác kẻ chết sẽ sống lại được nữa. Vì thế Giáo Hội đã cấm thiêu xác kẻ chết để không mắc mưu bè rối kia.
Nhưng sau này bè rối đó đã tan rã , nên từ sau Công Đồng Vaticanô II , Giáo Hội lại cho phép hỏa táng, miễn là việc này không có nghĩa chối bỏ niềm tin về sự sống lại của những ai đã chết trong thân xác con người. (x. SGLGHCG, số 2301, giáo luật số 1176,& 3)
Tuy nhiên, theo truyền thống rất xa xưa trong xã hội loài người, đặc biệt là người Do Thái, thì mồ mả (tombs) và nghĩa trang (cemetery ) là nơi an nghỉ của những người đã chết chờ ngày sống lại và việc chôn xác kẻ chết là một việc đạo đức rất quan trọng đối với người Do Thái từ thời các Tổ Phụ (Patriarch) của họ như ta đoc thấy trong Kinh Thánh Cựu Ước sau đây :
Trước hết, Sách Sáng Thế Ký, chương 23 nói về việc xây mồ mả cho các tổ Phụ Do Thái.
Đây là nghĩa vụ rất quan trọng đối với thân nhân những người đã chết.Cụ thế, khi bà Sara, vợ ông Abraham, thọ được 127 năm và qua đời tại Kiriatharba, thuộc đất của dân Canaan, ông đã nài xin con cái ông Khết (Hittites) như sau:
“Tôi là người ngoại kiều và là người khách ở giữa các ông. Xin các ông thương cho tôi một miếng đất riêng là phần mộ ở giữa các ông để tôi đem người chết của tôi đi chôn.” (St 23:4)
Và đáp lời xin của ông Abraham, con cháu ông Khết (Hittites =cư dân ở đất Canaan, không phải là người Do Thái) đã hoan hỉ đáp lời ông như sau:
“Thưa ngài, xin nghe chúng tôi nói: Ngài là một vị đầu mục của Thiên Chúa ở giữa chúng tôi., xin cứ chôn người chết của ngài trong ngôi mộ tốt nhất của chúng tôi. Không ai trong chúng tôi sẽ từ chối không cho ngài chôn người chết của ngài trong mộ của chúng tôi đâu.” (St , 23:6)
Đối với dân Do Thái thời bấy giờ, chỉ có những kẻ vô đạo, làm điều gian ác mới bị từ chối cho chôn xác trong mồ và đây là một bất hạnh to lớn dành cho bọn người này Đó là tai họa Thiên Chúa đã phạt dòng dõi vua Jeroboam, người cai trị Israel sau Triều đại David. Vì Jeroboam làm nhiều điều đôc dữ, mất lòng Thiên Chúa, khiến Người nổi giận và đe dọa giáng tai họa xuống nhà Jeroboam qua miệng ngôn sứ Ahijah nói với vợ của vua Jeroboam như sau:
“Ta sẽ tiêu diệt khỏi nhà ấy mọi đàn ông con trai,tự do hay nô lệ trong dân Israel… Kẻ nào thuộc về nhà Jeroboam mà chết trong thành thì sẽ bị chó ăn thịt; người chết ngoài đồng sẽ bị sẽ bị chim trời rỉa thây” (1 Vua 14:10-11).
Nghĩa là không được chôn cất trong mồ mả, trừ A-vi-gia (Abijah) hoàng tử con vua Jeroboam đang lâm trọng bệnh và chết sau đó .Nhưng vì là người biết kính sợ Thiên Chúa, nên sau khi chết, A-vi-gia đã được toàn dân Israel khóc thương tiếc và “được chôn trong mồ, bởi vì trong cả nhà Jeroboam, nó là người còn có một chút gì là đẹp lòng Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel.” (Sđd 14:13).
Như thế, được chôn xác trong mồ là một vinh phúc cho dân Do Thái thời đó và cho đến nay.Tuyệt đối không có vấn đề thiêu xác kẻ chết vì bất sứ lý do nào.Chỉ có tai họa hay trừng đối với những kẻ sống vô đạo, làm điều gian ác, trái nghịch với đường lối của Thiên Chúa khi không tuân giữ những thánh chỉ của Người.
Chỉ những kẻ này mới không được chôn trong mồ sau khi chết, như Ngôn sứ Giê-rê-mia đã cảnh cáo vua Giơ-hô-gia-kim, (Jehoiakim) con vua Gio-si-gia (Josiah) vua xứ Judah, kẻ đã cai trị dân cách bạo tàn, không đẹp lòng Chúa, nên sau khi chết sẽ không được chôn cất xứng đáng mà sẽ bị quăng xác ra đường như một con vật :
“Nó sẽ được chôn cất như một con lừa. Người ta sẽ lôi, sẽ quẳng nó tận bên ngoài cổng thành Giêrusalem.” (Gr 22:19)
Tóm lại, chỉ những kẻ bị lên án khi còn sống mà không ăn năn hối cải thì khi chết sẽ không được chôn cất trong mồ như các bằng chứng Kinh Thánh trên đây. Nhưng việc chôn xác kẻ chết là một truyền thống lâu đời của Dân Do Thái. Cụ thể, ông Tôbia là người chuyên đi chôn xác kẻ chết như ta đọc thấy trong Sách Tobia sau đây :
“Nếu ai thấy trong số đồng bào tôi chết và bị quăng thây ra phía sau tường thành Ni-ni-vê thì tôi chôn cất người đó. Nếu có ai bị vua Xan-khê rip (Sennacherib) giết chết trên đường vua chậy trốn khỏi Giu-đê, trong những ngày Vua Trời trừng phạt vua về những lời phạm thượng đã thốt ra, thì tôi cũng chôn cất. Quả vậy, trong cơn thịnh nộ, vua đã giết chết nhiều người trong con cái Israel ,còn tôi cứ đi lấy trộm xác họ mà chôn.” (Tb 1 :17-18)
Chính nhờ những việc lành đạo đức và bác ái trên của ông mà Thiên Chúa đã thưởng công cho Tôbia khi sai Sứ Thần Ra-pha-en đến dẫn con ông đi tìm được mật cá để chữa cho ông khỏi bị mù lòa vì phân chim rơi trúng mắt, khi ông đang nằm nghi ngoài sân, bên bờ tường. .Ngoai ra, Sứ Thần Ra-pha-en còn dẫn Tobia con đến gặp Sara để cưới làm vợ hiền
Khi Chúa Giêsu đến trong trần gian, Người cũng không thay đổi truyền thống chôn xác kẻ chết, của người Do Thái. Và chính Chúa cũng đã chuẩn bị cho việc mai táng Người, khi Chúa đến nhà ông Simon để dùng bữa với nhiều người khác ở đây. Dịp này có một phụ nữ mang dầu thơm đến đế xức cho Chúa và Chúa đã nói với mọi người có mặt trong nhà như sau:
“… Điều gì làm được thì cô đã làm:cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi để chuẩn bị ngày mai táng.” (Mc 14 :8)
Và sau khi chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã được mai táng trong mồ đá .Nhưng vì nghèo khó, Chúa đã không thể mua cho mình một phần mộ sẵn, nên các môn đệ của Chúa đã phải mượn ngôi mộ trống của ông Giuse để cho Chúa nằm tạm trong 3 ngày chờ ngày Phục Sinh. (Mt 27:57-61; Lc 23:50-55; Ga 19:38-42
Như vậy, từ thời Cựu đến Tân Ước, truyền thống chôn xác kẻ chết đã được duy trì để cho xác kẻ chết được yên nghỉ trong mồ ngoài nghĩa trang chờ ngày được sống lại, kết hợp với linh hồn
để được vui hưởng hạnh phúc Nước Trời, nơi dành cho những ai khi còn sống đã quyết tâm yêu mến Chúa và sống theo đường lối của Người, từ bỏ tội lỗi và thực thi công bình,bác ái.
Giáo Hội từ lâu đời đã có nghi thức an táng cũng như làm phép nghĩa trang làm nơi an nghỉ cho những người quá cố chờ ngày được sống lại. Hàng năm, vào tháng 11, Giáo Hội khuyên khích các tín hữu viếng nghĩa trang và được ân xá (indulgences) nhưng phải dành ân xá này để xin ơn tha thứ cho những linh hồn mà xác đang an nghỉ ở nơi đây.
Vậy, nếu cứ thiêu xác kẻ chết và đem tro tàn về nhà hay gửi ở các nhà thờ, nhà nguyện thì dần dần các nghĩa trang sẽ không còn là nơi an nghỉ của các thân xác con người chờ ngày sống lại nữa Và đến tháng các linh hồn, thân nhân cũng không còn nơi để viếng xác người thân đã qua đời nữa, vì đã được hỏa thiêu và để tro tàn ở nơi nào rồi.. Mặt khác, Nhà thờ , nhà nguyện là nơi thờ phượng và cử hành các bí tích và nghi thức phụng vụ thánh, không phải là nghĩa trang để cất giữ tro tàn của người chết. Tư gia lại càng không phải là nghĩa trang nữa. Ấy là chưa nói đến một dịch vụ mới nẩy sinh do việc gửi tro người chết tại nhà thờ. Đó là vấn đề phí tổn của việc giữ các hộp tro kia.. Hiện nay có nơi người ta phải trả 2000 (hai ngàn) mỹ kim cho mỗi hộp tro muốn gửi ở nhà thờ nhận giữ các hộp tro này.Nhưng thử hỏi, các nơi nhận giữ tro của người hỏa thiêu có giữ mãi mãi các hộp tro này không, hay một ngày nào đó cơ sở thờ phượng phải đóng cửa vì lý do riêng nào đó. (nhà thờ Mỹ nào không đủ tiền để chi phí hoặc ít giáo dân tham dự sẽ được xáp nhập vào giáo xứ khác=consolidation of parishes) như vậy ai sẽ quản lý các hộp tro kia?
Nhưng nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn ở tư gia hay cả ở nhà thờ (nhiều nhà thờ Mỹ đã bị hỏa hoạn) thì đem các hộp tro kia đi đâu để tránh hỏa hoạn? Và nếu không kịp di chuyển đi, thì các hộp tro kia sẽ thành tro bụi thêm một lần nữa và thân nhân sẽ không thể nào tìm ra “tro”của thân nhân mình trong đống tro tàn chung đó được. Nhưng xưa nay, chưa hề xảy ra việc nghĩa trang bị hỏa hoạn. Có chăng là một số nghĩa trang bị tàn phá trong chiến tranh hay bị kẻ gian “đào mả” để lấy trộm quí kim chôn cất, chứ không lấy xác của người chết làm gì.
Đó là những là điều bất tiện phải suy nghĩ liên quan đến vấn đề hỏa táng người chết. Đành rằng Giáo Hội cho phép, tuy nhiên giáo luật vẫn đưa ra lời khuyến cáo sau đây:
“Giáo Hội tha thiết khuyên nhủ nên duy trì phong tục đạo đức chôn cất thi hài người quá cố .” (giáo luật số 1176, triệt 3)
Mới đây,Thánh Bộ Giáo lý Đưc tin của Tòa Thánh vừa ra thông cáo khuyến khích việc chôn cất kẻ chết theo truyền thống đã có lâu đời trong Giáo Hội, Và dù cho phép việc thiêu xác, nhưng việc này phải được làm với hai điều kiện sau đây:
1- Thiêu xác không có nghĩa là chối bỏ niêm tin xác (hay tro người chết) sẽ sống lại làm một với linh hồn trong ngày phán sét chung để cả hồn xác được vào Thiên Đàng hưởng phúc vĩnh cửu vởi Chúa, hay phải xa Chúa đời đời trong nơi gọi là hỏa ngục.
2- Nếu thiêu xác thì phải giữ tro trong nơi thờ phượng chứ không được đem trải ra ngoài sông , hồ hay biển như những người không có đức tin đang làm.
Tóm lại, dù chôn hay thiêu xác thì phải làm trong niềm tin “xác loài người ngày sau sống lại”như ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính đọc các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng.
Như vậy, người ta có nên hỏa táng xác người thân hay nên tiếp tục đem chôn cất ngoài nghĩa trang như Thánh Bộ vừa long trọng khuyến cáo?
Ở Mỹ thì không sợ nghĩa trang hết chỗ chôn,vì đất trống còn rất nhiều.
Riêng tôi, tôi không chọn hỏa táng cho mình cũng như cho thân nhân sau khi chết. Ai muốn hỏa táng thì tùy chọn lựa của người đó, xin miễn phê bình.
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn