Câu trả lời của Chúa Giêsu vẫn là, và phải là câu trả lời của Hội Thánh: đối với “thế hệ gian ác và ngoại tình”, sẽ chỉ có một dấu lạ duy nhất, dấu lạ Giôna.
Những người biệt phái không nhận Chúa Giêsu là Đấng Messia vì họ cố chấp, nhưng họ viện cớ là vì họ không thấy dấu lạ. Thực ra Chúa Giêsu đã cho họ biết bao nhiêu dấu lạ mà họ có chịu thấy đâu. Vì thế Ngài nói chẳng cần cho họ dấu lạ nào khác ngoài dấu lạ Giôna, tức là ám chỉ Ngài sẽ chết và sống lại. Nhưng Ngài cũng biết là dấu lạ đó cũng chẳng thể mở mắt họ nổi, cho nên Chúa Giêsu bảo đến ngày phán xét tội của họ sẽ rất nặng.
Thật vậy, Chúa ít khi làm dấu lạ, nhưng thích ban dấu chỉ. Những dấu chỉ kín đáo, đơn sơ là những tiếng mời gọi nhẹ nhàng và yêu thương. Và những dấu chỉ như thế có rất nhiều. Chỉ cần ta biết mở mắt mở lòng ra là có thể thấy ngay.
Câu chuyện ông Giôna không muốn đến Ninivê rao giảng phản ảnh não trạng cho rằng ơn cứu độ chỉ dành cho dân Israel. Trái lại, việc dân Ninivê mau chóng nghe lời rao giảng là lời nhắc nhở rằng Thiên Chúa không đóng khung ơn cứu độ chỉ nơi con cái Israel và hơn nữa, mọi người không trừ ai đều cần phải sám hối để được hưởng ơn cứu độ. Đáng buồn thay khi Đấng Cứu Thế đến thì chính người nhà của Ngài – dân Israel – lại không muốn sám hối để hưởng ơn cứu độ. Chúa Giêsu đem chuyện Giôna và nữ hoàng Phương Nam ra làm bằng chứng để trách khéo họ: Giôna chỉ đến giảng; còn Chúa Giêsu không chỉ dạy cho họ con đường trọn lành… mà còn làm bao nhiêu phép lạ, thế mà họ không chịu nghe.
Thực ra Chúa thừa sức làm những phép lạ như thế. Nhưng những dấu lạ như thế sẽ là một áp lực, một bó buộc khiến người ta phải tin thờ Ngài, không cách nào khác được. Và như thế con người không còn được tự do, Chúa không phải là một Thiên Chúa yêu thương mời gọi nữa.
Chúa Giêsu như muốn nói đến điều đó, khi Ngài mượn hình ảnh tiên tri Yôna để loan báo về chính cái chết của Ngài. Cũng như Giôna đã vâng phục Thiên Chúa đến rao giảng sự sám hối cho dân thành Ninivê, thì Chúa Giêsu cũng vâng phục Chúa Cha để sống kiếp con người và trở thành dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa cho con người.
Qua hình ảnh Giôna để loan báo sự vâng phục cho đến chết của Ngài, Chúa Giêsu muốn nói đến con đường mạc khải của Thiên Chúa, đó là con đường tình yêu. Ngài đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, nghĩa là có tự do và biết yêu thương, cho nên Thiên Chúa đã chọn con đường yêu thương để đến với con người. Ngài đã hóa thân làm người, sống trọn vẹn kiếp người, và cuối cùng chịu chết treo trên Thập giá, tất cả để trở thành lời mời gọi đối thoại yêu thương.
Vấn đề của chúng ta ngày nay không phải là không có dấu chỉ mà là không biết đọc ý nghĩa của những dấu chỉ đó. Có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có trí mà không hiểu. Chẳng hạn, tôi có hiểu ý nghĩa những dấu chỉ mà Chúa cho xảy ra nơi chính bản thân mình không: tôi bị bệnh…tôi bị người ta phê phán…tôi vừa gặp thất bại…Tại sao? Qua những điều ấy, Chúa muốn nói gì với ta?
“Chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ”. Nhiều lần chúng ta cũng mong Chúa làm phép lạ tỏ tường. Chẳng hạn hiện ra trước mặt nhiều người. Chúng ta nghĩ nếu có những dấu lạ ấy thì mọi người đều tin thờ Chúa.
Không ít người ngày nay giống như người Do Thái xưa đòi dấu lạ theo ý muốn vụ lợi của họ. Nhưng sứ điệp của Đức Kitô “Sám hối và tin vào Phúc Âm” vẫn còn nguyên giá trị. Vì thế người Kitô hữu trong sứ mệnh Phúc Âm hoá chẳng những phải đem Tin Mừng đến cho mọi người, “cho kẻ ở xa cũng như ở gần, cho người lành cũng như kẻ dữ” mà còn dùng đời sống mình làm chứng tá đức tin để nhiều người được cảm hoá, hoán cải và được cứu độ.
Mãi mãi Thiên Chúa chỉ đến với con người qua dấu chỉ của tình yêu. Người Kitô hữu luôn được mời gọi để nhận ra những dấu chỉ yêu thương ấy trong cuộc sống của mình, không những qua những chúc lành và may mắn, mà còn qua những mất mát, khổ đau thua thiệt nữa.
Nhận ra những dấu chỉ yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc sống, người Kitô hữu cũng được mời gọi để trở thành những dấu chỉ yêu thương của Ngài cho mọi người chung quanh. Trở thành dấu chỉ yêu thương có nghĩa là chấp nhận sống vâng phục và vâng phục cho đến chết như Chúa Giêsu. Trở thành dấu chỉ yêu thương giữa tăm tối của cuộc sống, giữa đọa đày bách hại, người Kitô hữu vẫn tiếp tục chiếu sáng trong tín thác, yêu thương, phục vụ, tha thứ.
Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để chúng ta là dấu chỉ của sự hiện diện của Chúa trong trần gian này bằng cách ăn nết ở của mỗi người chúng ta.
Huệ Minh