Thực hiện theo luật Môsê. Luật Môsê cho biết Thiên Chúa yêu cầu rằng “mỗi đứa con đầu lòng trong số con cái Israel, dù là người hay súc vật, nó thuộc về Ta” (Xh 13,2). Mỗi người đều thuộc về Thiên Chúa và phải được trả lại – phải trình diện – cho Thiên Chúa.
Chúa Giêsu muốn được trở nên một con người hoàn toàn giống chúng ta. Trong thư gửi Tín hữu Do Thái, Thánh Phaolô đã viết rất hay về vấn đề này. Ngài viết như sau: “Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các Thiên Thần, nhưng là con cháu Apraham. Bởi thế Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện để trở thành một vị Thương Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa để đền tội cho dân.” (Dt 2,16-17)
Tuân thủ Luật Mô-sê, Giu-se và Ma-ri-a đem Con lên Đền Thờ dâng lên Thiên Chúa. Trong Đền Thờ hôm ấy, chắc hẳn cũng có đông dân chúng; và cả những tư tế, những người Pha-ri-sêu, những thầy thông luật… nữa. Họ cũng đã nhìn thấy Hài Nhi Giê-su trong tay Mẹ Ma-ri-a, nhưng đã chẳng có ai trong số họ nhận ra Giê-su Bé Thơ đó là Ai! Bởi họ sống trong bóng tối!
Thực ra thì việc này là bổn phận của Đức Maria và thánh Giuse. Theo nghĩa vụ thì Thánh Giuse và Đức Mẹ phải làm như thế. Theo luật Môise cũng là tục lệ của người Do thái, thì những người con trai được sinh ra, nhất là con đầu lòng, sau 40 ngày, phải đưa đến Đền thờ, trước là dâng con cho Chúa, sau là bà mẹ phải làm lễ tẩy uế: Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môisê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa (Lc 2,22). Dù Đức Maria và thánh Giuse biết rằng trẻ Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng các ngài cũng vẫn chu toàn mọi lề luật: Như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa” (Lc 2,23). Dâng con trong đền thờ là để thánh hiến người con cho Thiên Chúa và cha mẹ có thể chuộc lại bằng cách dâng cúng của lễ như luật định.
Cả cuộc đời cụ Simêon chỉ mong ước khao khát có một điều: Được gặp Chúa. Đây là một khát vọng rất lớn và hôm nay thì cụ đã được mãn nguyện. Chúng ta thấy cụ sung sướng đến mức độ như thế nào! Sung sướng đến mức độ không còn tha thiết gì với cuộc sống trên đời nữa. Lý do, bởi vì cụ đã được thấy Đấng Cứu Thế và biết rằng, thời đại Cứu Thế đã khai mở.
Cụ Si-mê-on vì tin nên đã mong đợi, và cụ đã không mong đợi luống công. Hôm nay, cũng nhờ tin mà niềm mong đợi trở thành cuộc gặp gỡ kỳ diệu: cụ nhận ra Hài Nhi chính là Giê-su, Đấng Cứu Thế. Cụ bồng ẵm Hài Nhi trên tay và vui mừng tuyên xưng Đức Tin: “Xin cho tôi tớ được an bình ra đi. Vì chính mắt tôi đã được thấy ơn Cứu Độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân”.
Sau khi đã nhận ra nơi Đức Giêsu “ánh sáng soi đường cho dân ngoại” (Lc 2,32), ông Simêon đã loan báo cho Đức Maria biết về cuộc thử thách lớn lao dành cho Đấng Mêsia và sự thông phần của bà mẹ vào số phận đau thương đó.
Việc đề cập tới hy lễ cứu chuộc, điều mà trước đây thiên sứ không đả động đến vào lúc Truyền tin, cho thấy sấm ngôn của ông Simêon tương đương với “cuộc truyền tin thứ hai” (Thân mẫu Đấng Cứu thế số 16), đưa Đức Maria tới chỗ hiểu biết sâu xa hơn về mầu nhiệm của Con mình.
Cho tới lúc này, ông Simêon đã ngỏ lời với tất cả mọi người hiện diện, cách riêng ông đã chúc phúc cho ông Giuse và bà Maria; nhưng bây giờ ông chỉ loan báo cho Đức Maria rằng bà sẽ thông dự vào số phận của Con mình. Được Thánh Thần linh ứng, ông loan báo như sau: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy, dấu hiệu bị người đời chống báng – còn phần bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu hồn bà-, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra” (Lc 2, 34-35).
Ông Simêôn và bà Anna là gương mẫu cho chúng ta về cách sống hy vọng và trung thành. Sự trung thành của họ đã được ban thưởng. Mỗi khi chúng ta rước lễ, chúng ta cũng được nhận ân huệ ấy. Do đó, cần chuẩn bị với thái độ chờ đợi trung thành và nhận Thánh Thể với những tâm tình biết ơn.
Sau khi đã nhận ra Hài Nhi Giêsu là Đấng Cứu Thế, ông đã thốt lên bài ca chúc tụng: Tạ ơn Chúa đã cho ông trông thấy và bồng ẵm Đấng Cứu Thế trên tay; Tạ ơn Chúa đã sai Vị Cứu Tinh làm đèn soi cho thiên hạ và làm vinh danh cho nòi giống; Sau đó, ông Simêon chúc phúc cho Hài Nhi và báo trước những đau khổ mà Người và Mẹ Người sẽ phải chịu.
Ông Simêon mới được nhìn thấy và ẵm Chúa vào lòng mà ông đã cảm nghiệm được diễm phúc lớn lao như vậy; huống chi chúng ta được rước Chúa vào lòng khi hiệp lễ thì diễm phúc biết mấy!
Cụ già Simêon đã trông mong cả một đời mới được nhìn thấy Đấng Cứu Thế. Đó cũng là mẫu gương cậy trông và trung tín. Ai trung thành cậy trông như ông Simêon không bao giờ uổng công. Ông Simêon đã ẵm bế Hài Nhi, ẵm bế “Ánh Sáng muôn dân”, ẵm bế “vinh quang Israen”, là nắm chắc ơn cứu rỗi của mình. Ông Simêon biết chắc như thế nên ông thưa: “Lạy Chúa giờ đây xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an.”
Trang Tin Mừng hôm nay khơi lên trong chúng ta tâm tình biết ơn và cảm tạ. Qua bí tích Rửa tội, chúng ta được trở nên những người con trong đại gia đình của Thiên Chúa. Không dừng lại ở đó, qua bí tích Thánh Thể, không những chúng ta được chiêm ngắm, đụng chạm đến Chúa như tiên tri Simêon xưa, mà còn được diễm phúc rước chính Đấng Cứu Độ vào tâm hồn mình.
Ước gì vào giây phút cuối đời, mỗi người chúng ta cũng thưa được với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an” như một bảo chứng của lòng trung thành, trông cậy vào Chúa.
Huệ Minh