Nếu qui luật của Thánh Biển Đức thành Norcia (480-547) có từ thế kỷ thứ VI vẫn còn được tuân giữ trong rất nhiều đan viện rải rác khắp nơi trên toàn thế giới thì có lẽ vì nó chú ý đến đặc tính mỏng giòn của con người. Vị thánh sáng lập đã chẳng xin toàn thể cộng đoàn thích ứng với những ai yếu kém nhất, đi theo bước chân của những ai chậm chạp nhất và lắng nghe tất cả nhưng dành ưu tiên cho những ai trẻ tuổi nhất, và những kẻ bề ngoài xem ra chả có chút uy quyền nào, đó sao?
Trong Kinh Thánh nơi Sách Khôn Ngoan, có sự tự vấn về thái độ của THIÊN CHÚA, lý do nào khiến Chúa nương tay: ”Quyền năng Chúa luôn luôn vĩ đại, ai chống nổi cánh tay dũng mãnh của Ngài? Nhưng Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải. Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên”(11,21/23-24).
Như thế có nghĩa là Chúa xét xử khoan hồng đối với những trệch đường, những yếu đuối và các tội lỗi của chúng ta. Một cách tương phản thì xem ra Chúa tự làm cho mình thành mỏng giòn!
Riêng đối với đứa bé thì nó là kẻ lệ thuộc tuyệt hảo nhất. Trước tiên nó sống nhờ người khác, nhờ những gì không phải là nó. Thật vậy, mỗi người vay mượn muôn vạn kẻ đi trước mình. Càng tiến bước, hữu thể con người càng nhận ra rằng mình chả là bao trong thế giới. Và mặc dầu thế, trọn lịch sử thế giới là hành trình của con người tiến về THIÊN CHÚA.
Nhân tính con người phát triển nhờ cái trở thành của cộng đoàn nhân loại tự nhận biết mình yếu ớt mỏng giòn. Có cái gì khác nữa trong cuộc sống hơn là sự hiệu nghiệm kìa! Nụ cười chẳng hạn, trong nét kiêu sa kiều diễm của nó, chẳng phải là sắc đẹp thành tựu của nhân loại đó sao?
Yêu, chính là trở nên nhược điểm và giá trị của một nền văn minh được đo lường bằng sự quan tâm chú ý nó dành cho những kẻ yếu ớt nhất. Một cộng đoàn đan tu giữ vững sức mạnh của khả năng mình khi tiếp nhận không phải những kẻ hoàn hảo mà là những người yếu ớt cần sự nâng đỡ chịu đựng lẫn nhau. Giống như thánh nữBernadette Soubirous (1844-1879) vào cuối đời bị bệnh hoạn và suy nhược đã nhìn lên chiếc đồng hồ lớn treo trên tường và nói:
– Phải chăng Em là gánh nặng buộc cộng đoàn ở lại vào giờ của THIÊN CHÚA?
Thánh Phaolô tông đồ cũng nhắc chúng ta nhớ rằng THIÊN CHÚA luôn luôn chọn những người yếu ớt nhất để biểu lộ sức mạnh quyền năng của Ngài. Và ngày nay, Đức Chúa Thánh Thần đến trong chúng ta không phải bằng sức mạnh nhưng với sự êm ái nhẹ nhàng. Dịu hiền là dấu chỉ của một sức mạnh lớn lao cao cả dấu ẩn bên trong, được kín múc trong thinh lặng và cầu nguyện.
… Cha Jean-Marie Couvreur, Viện Phụ đan viện Xitô Sainte-Mère-du-Désert, nói về vai trò của các cộng đoàn tu trì trong công cuộc Tân Phúc Âm Hóa (Tái Truyền Giảng Tin Mừng).
Khi nghe đặt câu hỏi: Các cộng đoàn tu trì giữ “vai trò” nào trong công cuộc tân phúc âm hóa, tôi cảm thấy hơi khó chịu, bởi lẽ với từ ”vai trò” tôi như nghe một câu hỏi khác mang chút nghi ngờ khinh khi: ”Một đan sĩ thì có ích lợi gì?” hoặc câu hỏi khác: ”Quý vị làm gì thế?” Tôi thích trả lời cho các loại câu hỏi này dưới một hình thức hơi ngộ nghĩnh:
– Một đan sĩ không ích lợi gì hết, nhưng lại có một chút gì đó giống như tình yêu, bởi vì, mặc dầu không giúp được gì hết, nhưng nếu không có tình yêu, thì người ta không thể nào sống khác hơn được!
Hình như tôi cũng có thể nói như thế đối với đời sống tu trì nói chung, và đối với đời sống đan tu chiêm niệm nói riêng. ”Vai trò” của đời sống tu trì, đặc biệt là đan tu, nằm trên bình biện ”dấu chỉ”. Vậy thì, dấu chỉ nào mà chúng tôi – những kẻ tu hành – có thể cống hiến cho thế giới?
Thưa trước hết là dấu chỉ của Tình Yêu THIÊN CHÚA chúng ta. Vâng đúng thế, nơi chúng tôi có tình yêu cư ngụ, tình yêu là hoa quả cuộc gặp gỡ của chúng tôi với THIÊN CHÚA Tình Yêu. Tất cả bắt đầu từ đó. Và sự kiên trì của chúng tôi là hoa trái của Tình Yêu nhận được, ngày qua ngày, trải dài theo dòng thời gian năm tháng. Chúng tôi có thể nói bằng trọn con người chúng tôi rằng THIÊN CHÚA là Tình Yêu. Nếu quả thật chúng tôi được yêu thương và nếu quả thật chúng tôi yêu thương thực sự thì điều này phải được đọc thấy nơi ánh mắt của chúng tôi và trên gương mặt của chúng tôi. Điều này cũng được biểu lộ trong cung cách cư xử của chúng tôi, ngay giữa lòng cộng đoàn chúng tôi, cũng như phải được tỏ lộ với những người Chúa đặt trên đường đi của chúng tôi.
Trong thế giới hiện nay đang lo âu và càng ngày càng tự vấn về tương lai, thì thật là điều tốt lành khi chúng tôi, các nam nữ tu sĩ, chúng tôi có thể mang đến một ánh lửa hy vọng, không phải là hoa quả của chúng tôi. Hoàn toàn không. Niềm Hy Vọng, Niềm Vui sống của chúng tôi đến từ một Đấng trên Cao, đến từ cuộc gặp gỡ của chúng tôi với THIÊN CHÚA là Tình Yêu!
… Này các thiếu nữ Giêrusalem, tôi van nài các bạn: xin đừng lay vội, đừng đánh thức tình yêu, cho đến khi tình yêu ưng thuận .. Kìa ai đang tiến lên từ sa mạc, nép mình vào người yêu? Anh đã đánh thức nàng dưới gốc cây táo. Chính nơi đây, thân mẫu sinh ra nàng, chính nơi đây, nàng đã lọt lòng mẹ .. Xin đặt em như chiếc ấn trên trái tim anh, như chiếc ấn trên cánh tay anh. Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ. Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng. Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp. Ai đem hết gia tài sự nghiệp mà đổi lấy tình yêu, ắt sẽ bị người đời khinh dể(Diễm Ca 7,4-7).
(”FOI & VIE” Mensuel des catholiques du diocèse de Toulouse, 153è Année, No 87, Février 2013, trang 12-13)