Trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước cũng có những phép lạ sống lại như trường hợp tiên tri Elia (1V 17,19), Eliseu (2V 4,34), thánh Phêrô (Cv 9,40) chữa cho bà Yophê sống lại. Nhưng tất cả họ đều phải cầu khẩn thiết tha và nhân danh Thiên Chúa. Còn đây Chúa Giêsu chỉ phán có một lời không nhân danh ai cả. Trường hợp hỏi các thầy thuốc từ ngàn xưa đến nay có ai chữa bệnh cho kẻ chết rồi sống lại. Người ta vẫn nói “chữa bệnh chứ không ai chữa được mệnh.” Thế mà Chúa Giêsu đã làm được tất cả. Chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa hằng sống, toàn thắng trên cả thần chết. Thần chết là kẻ thù cuối cùng của nhân loại, theo Phaolô. Trang Tin Mừng này tổng hợp hai truyện về chữa lành (con gái ông Gia-ia [Mc 5,21-24.35-43] và bà băng huyết [Mc 5,25-43]). Đây là một ví dụ nữa về cấu trúc “tháp ghép của tác giả (x. 1,21-28; 2,1-12; 3,21-35; 6,7-33; 11,11-21; 14,1-11). Và ta thấy Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu làm hai phép lạ, một là chữa lành người đàn bà bị bệnh băng huyết và hai là cứu sống con gái ông Giaia. Trường hợp thứ nhất là chạm đến Chúa, trường hợp thứ hai là được Chúa chạm đến. Đọc xong, ta thấy hai truyện này có nhiều điểm chung: những người đau khổ là những người nữ; con số 12 (5,25.42); và từ vựng “lòng tin”, “sự sợ hãi”, “khỏi/lành mạnh”, “con gái…”. Tuy nhiên, giọng văn của hai truyện này không giống nhau, khiến phải cho rằng đây là hai truyện lúc đầu độc lập với nhau: Truyện con gái ông Gia-ia được kể bằng những câu ngắn, với ít phân từ (participles) và các động từ ở thì hiện tại lịch sử; còn truyện bà băng huyết được kể bằng những câu dài, dùng nhiều phân từ và ở thì quá khứ aorist và vị-hoàn. Chúa Giêsu đào tạo các môn đệ không những bằng lời nói mà còn bằng các hành động nữa. Một vài hành động nổi bật hẳn, bởi vì Người chỉ cho Phêrô, Giacôbê và Gioan tham dự thôi. Trong truyện cho con gái Gia-ia sống lại, tác giả nói hai lần là Chúa Giêsu chỉ đưa ba môn đệ ấy theo thôi. Họ không có nhiệm vụ nào cả; họ chỉ phải có mặt mà trực tiếp chứng kiến một hoàn cảnh bế tắc về phương diện con người, nhưng cũng thấy sự tin tưởng người ta đặt vào Chúa Giêsu và thấy quyền lực siêu phàm của Người. Trong sự cố bà băng huyết được lành, họ đã thấy: bà hoàn toàn không mong dựa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã xác nhận điều đó, và Mc diễn tả qua một sự chuyển dịch từ ngữ đầy ý nghĩa: ông trưởng hội đường khẩn xin Chúa Giêsu cho “con gái mình”, nhưng khi đối diện với người phụ nữ đã được chữa lành, Chúa Giêsu lại nói: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con”, y như thể Người là cha của người phụ nữ ấy, là người cho đến nay không được một người nam nào che chở bảo vệ (đây là người phụ nữ duy nhất mà Chúa Giêsu gọi như thế). Còn Gia-ia thì hy vọng là nhận được sự trợ giúp cho con gái ông đang hấp hối. Nhưng trên đường về có Chúa Giêsu cùng đi, ông đã được tin chẳng lành. Đây là điểm gay cấn. Có tương quan nào giữa Chúa Giêsu và cái chết? Phải chăng Chúa Giêsu có là thầy thuốc tài giỏi nhất, cũng phải bó tay trước cái chết? Người đã kêu mời Gia-ia đừng sợ hãi và thất vọng, nhưng hãy đứng vững trong niềm tin (c. 36). Giữa lời khuyên của các sứ giả (c. 35) và lời khuyến khích của Chúa Giêsu, ông đã nghe theo Chúa Giêsu và đi với Người đến với đứa con gái vừa tắt thở. Chúa Giêsu không rút lại sự giúp đỡ đã hứa và tiếp tục tiến bước, dù bây giờ là tiến bước đến với một người đã chết. Đến đây, Chúa Giêsu muốn ba môn đệ chọn lọc có mặt, không phải để họ tích cực làm việc gì, nhưng để họ tham dự vào sự cố thật gần gũi. Khi Chúa Giêsu nói rằng em bé chỉ “ngủ” thôi, mọi người đều chế nhạo Người, bởi vì họ chắc chắn em đã chết. Bây giờ, Người lại làm một cuộc phân rẽ nữa: chỉ cha mẹ em bé và ba môn đệ được đi với Người vào gặp em bé đã hết. Họ đã chứng kiến hành động hết sức đơn giản của Người: Người chỉ cầm lấy tay em và gọi em dậy. Thế là chuyện không thể tin nổi đã xảy ra: em đứng dậy và đi lại được. Tác giả còn ghi lại một chi tiết cho thấy Chúa Giêsu rất tinh tế: Người bảo họ “cho con bé ăn”. Phép lạ một người đàn bà bị băng huyết được chữa lành nhờ chỉ chạm đến áo của Chúa Giêsu, và phép lạ một em bé gái chết được Chúa Giêsu cho sống lại; cả hai phép lạ đều phát xuất từ lòng tin của con người. Ông trưởng hội đường đã biểu lộ lòng tin bằng cách lặn lội tìm đến với Chúa Giêsu xin Ngài tới đặt tay trên con gái của ông; người đàn bà băng huyết tin một cách mãnh liệt nơi sức mạnh phát xuất từ con người Chúa Giêsu. Nơi ông trưởng hội đường, lòng tin được tuyên xưng tỏ tường; nơi người đàn bà băng huyết, niềm tin rụt rè kín đáo. Nhưng dù tỏ tường hay kín đáo, chính lòng tin đã giúp cho phép lạ xảy ra, như Chúa Giêsu đã nói với người đàn bà: “Lòng tin của con đã cứu chữa con”. Cả hai trường hợp được cứu sống đều nhờ đức tin: đức tin của người phụ nữ bị bệnh băng huyết và đức tin của ông Giaia. Cả ông Giaia lẫn người phụ nữ bị bệnh băng huyết đã được thôi thúc vì tin tưởng nơi lòng thương xót và quyền năng của Chúa Giêsu. Họ đã vượt thắng sự sợ hãi để đến với Ngài. Chúa Giêsu khen họ đã biết tin nơi Ngài: “Lòng tin của con đã cứu chữa con,” “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” Niềm tin làm cho con người được sống, điều này vẫn thường xảy ra trong đời sống con người. Tất cả những thành công trong cuộc sống đều nhờ ở niềm tin, nhưng niềm tin tôn giáo thì quan trọng hơn, bởi vì chính sự sống tinh thần và tâm linh mới là điều cần thiết cho con người đạt được thành công. Có tất cả, nhưng thiếu đời sống tâm linh, con người vẫn như sống dở. Sống sung mãn, sống dồi dào, chính là sống nội tâm. Chỉ có một đời sống nội tâm sung mãn mới giúp con người thấy được, cảm nhận được những gì mà giác quan và lý trí không thể đạt được. Cuộc sống vốn là một phép lạ, từng hơi thở con người là một phép lạ, mỗi ngày là một phép lạ, mỗi phút giây là một phép lạ. Chỉ có đôi mắt nội tâm mới cho con người cảm nhận được phép lạ triền miên ấy. Sống đích thực, sống dồi dào, là biết chiêm ngưỡng để đón nhận phép lạ từng ngày ấy. Trong đời sống Kitô hữu, chúng ta đã nhiều lần chạm vào Chúa và được Chúa chạm đến. Chạm đến Lời Ngài, đến Mình Máu Thánh Ngài. Ðụng chạm bằng tay, bằng miệng, bằng rung động của trái tim. Có những lần đụng chạm hời hợt, máy móc vì thói quen, thiếu lòng tin, thiếu tình yêu nên chúng ta chưa cảm được một cách rõ nét về những ơn lành của Chúa trong đời mình, không để lại một âm vang nào, không đem lại một biến đổi nào trong cuộc sống của chúng ta. Quyền năng của sự sống đến từ Thiên Chúa tiếp tục hoạt động nơi Chúa Giêsu. Ngày nay cũng còn như thế, Đức Kitô vẫn có thể chữa lành tất cả những thương tích: những vết thương thể lý ( không thường xuyên, nhưng có thể ), những vết thương tâm lý và luân lý ( điều đó xảy ra mỗi ngày ). Ngài có thể lại trao ban sự sống. Đôi khi, ngài trao ban những dấu chỉ chữa lành và tìm lại được sự sống rõ ràng. Tuy nhiên, cần phải có đức tin, để có thể đọc được chúng một cách đúng đắn. Đức tin làm cho con người nhận ra quyền năng của Thiên Chúa trong sự yếu đuối và bất lực của mình; đức tin làm cho con người nhìn thấy được Thiên Chúa trong những nỗi bất hạnh nhất. Bởi vì khi đối diện với đau khổ và thất vọng, con người thường có khuynh hướng nhìn lên trời cao. Huệ Minh