Chúa Giêsu đến trần gian để đem an bình và hạnh phúc cho nhân loại. Ngài luôn chạnh thương những người đau yếu, bệnh tật, những người bị ma quỷ ám hại và những người thấp cổ bé họng. Đức Giêsu Kitô quả thực là Đấng cứu thế đến để phục vụ, chứ không phải để được hầu hạ. Do đó, tình thương của Ngài thật bao la, Ngài thương yêu mọi người và muốn con người được hạnh phúc. Ngài đã làm nhiều phép lạ chữa lành. Những người đón nhận phép lạ của Ngài là những người có lòng tin. Chính nhờ lòng tin của người bệnh mà Chúa Giêsu ra tay chữa lành. Phép lạ Chúa chữa cho người bại liệt hôm nay là một minh chứng đặc biệt Chúa làm cho ai có lòng tin. Bệnh tật theo đuổi con người như hình với bóng. Có những căn bệnh mà người Do Thái cho rằng đó là hình phạt của Thiên Chúa giáng xuống trên bệnh nhân vì họ tội lỗi. Ta còn nhớ người xưa vẫn quan niệm bệnh tật là do tội, cho nên người ta luôn bị ám ảnh bởi mặc cảm tội lỗi trong quá khứ và tìm cách xa lánh người khác. Nhưng Thiên Chúa lại có cái nhìn khác nên Ngài đã xác quyết: ” Chính vì Ta mà Ta xóa bỏ mọi gian ác của ngươi và sẽ không còn nhớ đến tội ngươi nữa – Ta sẽ làm những cái mới” (Is 43,18-25). Đây cũng là tâm tình của người bất toại trong Tin Mừng hôm nay: Chúa Giêsu đã tha tội và chữa cho anh (Mc 2,1-12). Tin Mừng hôm nay cho thấy người bất toại bất lực không làm gì được, anh ta phải cần đến người khác giúp đem mình đến gần Chúa Giêsu để xin Ngài chữa lành. Từ một đôi chân tưởng chừng như không bao giờ anh đi được, nhưng với lòng tin tưởng vào Chúa Giêsu, anh đã được chữa trị cả bệnh tật thể xác lẫn tâm hồn: “Tội con đã được tha rồi!” và “Hãy đứng dậy, vác chõng của con mà đi về nhà!”. Anh trút được cái ách nặng nề. Cuộc sống của anh bắt đầu tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Trong khi Chúa giảng dạy tại thành Caphácnaum thì dân chúng tuốn đến vây quanh Người tại nhà một người kia. Nghe biết Chúa làm nhiều phép lạ chữa nhiều người, người ta tụ họp vây quanh Chúa cả trong nhà lẫn ngoài sân để nhìn xem Chúa hay để xin ơn. Rồi có bốn người khênh đến một người bất toại để xin Chúa chữa. Vì dân chúng đứng đông nghẹt, họ không thể đem người bất toại đến gần Chúa được. Họ bèn dỡ mái nhà để thả người bất toại nằm trên chõng xuống gần chỗ Chúa ngồi. Trèo lên mái nhà, dỡ mái để hạ người bất toại xuống là một việc làm quyết tâm và tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa. Phúc âm hôm nay ghi lại Chúa Giêsu động lòng trắc ẩn vì đức tin quả quyết của người bất toại và của bạn hữu anh ta. Tuy nhiên Chúa lại chưa chữa trị chứng bất toại ngay cho anh ta. Tại sao lại như vậy? Thưa rằng Chúa dùng cơ hội này để dạy đám đông bài học, cho họ cái nhìn sâu hơn về sứ mệnh của Chúa giữa loài người. Nói cách khác Chúa dùng cơ hội này để nói về việc tha tội hầu gây chú ý trong đám đông. Chúa dùng lời quyền thế mà nói với người bất toại: Này con, tội con được tha rồi (Mc 2, 5). Bằng lời ban ơn tha tội, Chúa Giêsu đồng hoá với Thiên Chúa. Người bất tọai đã tin tưởng vào Chúa, lòng trông cậy của anh không bị rơi vào quên lãng mà còn được Chúa tuyên dương ” người thu thuế và đĩ điếm sẽ vào Nước Trời trước các ngươi”. Để minh chứng điều này Chúa Giêsu đã nói với người bất toại, bạn bè và những người kết án anh rằng: sự bất hạnh không phải là hình phạt của tội, vì đối với Nước Thiên Chúa điều căn bản là cống hiến phần rỗi. Người bất toại tưởng chừng cuộc đời mình như khép lại, nhưng lúc này đây ” tội con đã được tha”, làm anh cảm thấy như có một sức sống mới đang dâng tràn trong lòng vì anh trút được gánh nặng tội lỗi, nó là nguyên nhân đưa đến bệnh bất toại, và hơn thế nữa ” hãy đứng dậy…”. Việc được chữa lành chính là bằng chứng cho việc được tha tội. Đám đông ngạc nhiên và ca tụng Thiên Chúa vì Người đã làm một việc lạ lùng qua Người Con Một. Bất cứ khi nào làm phép lạ, Chúa đều nại đến đức tin: đức tin đưa đến phép lạ, đức tin đem ơn chữa lành. Khi người Pharisêu xin Chúa một dấu lạ trên trời để thử Người, thì Chúa từ chối vì họ thiếu lòng tin. Theo Phúc âm Maccô, Chúa thở dài và thắc mắc tại sao họ lại xin dấu lạ và Người bảo họ: Thế hệ này sẽ không được một phép lạ nào (Mc 8, 12). Như vậy ta thấy, nếu thiếu lòng tin, sẽ không có phép lạ, cũng không được ơn chữa lành. Ðám đông càng lấy làm sửng sốt hơn nữa, bởi vì ngoài việc chữa bệnh phần xác, Chúa còn chữa trị bệnh phần hồn, ban cho anh ta được ơn tha tội, một đời sống mới trong ơn thánh, hơn cả điều anh ta xin được lành bệnh. Không những Chúa ban cho người bất toại điều anh ta xin, mà còn ban cho anh ta điều anh ta cần, không những ban cho anh ta được phục hồi khỏi bệnh phần xác, mà còn ban cho anh ta được phục hồi khỏi bệnh phần hồn. Như thế Chúa Giêsu làm cho người bất toại đứng lên được, thì cộng đồng lại trở nên bất động, người bất toại nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Messia, là Thiên Chúa nên anh ” sửng sốt mà ngợi khen Thiên Chúa” nhưng những người Biệt phái, những kẻ bảo vệ trật tự tôn giáo lại không nhận ra và cho Chúa Giêsu là ” Nó nói phạm thượng!”. Một sự đổi ngôi thật khốc liệt, người tưởng mình là lành mạnh (công chính) thì giờ đây lại tê liệt, mù tối. Còn người bệnh hoạn lại trở nên tinh tường nhờ lòng tin và trông cậy. Từ chỗ ngạc nhiên, thán phục anh đã dễ dàng bước tới việc tin nhận và tín thác vào Chúa. Vì có lòng tin, Chúa ban cho người bất toại không những điều anh ta xin là chữa lành phần xác, mà còn ban cho anh điều anh ta cần là chữa phần hồn. Việc Chúa chữa trị người bất toại trong Phúc âm hôm nay khỏi bệnh thiêng liêng mặc dầu anh ta không xin phải nhắc nhở cho ta cần tìm đến thầy linh dược. Qua trang Tin Mừng hôm nay, ta học được bài học là khi đau yếu, bệnh tật ta cần đi bác sĩ và uống thuốc chữa trị. Chúa dùng bác sĩ, nha sĩ cùng với thuốc men như là dụng cụ chữa trị. Ðồng thời ta cũng cần cầu nguyện xin Chúa ban cho được khỏi bệnh. Bài học thứ hai là nếu bị đau yếu về phần hồn, ta cũng cần tìm đến thầy thuốc thiêng liêng để được chữa lành trong bí tích cáo giải. Huệ Minh