Hỏi: Làm thế nào giải thích việc đưa tên “vị thánh kính trong ngày” như đã nêu ra trong Kinh Nguyện Thánh Thể III? Thí dụ, tại Mỹ, ngày 5-1 là lễ thánh Gioan Neumann, mặc dù ngày 5-1-2014 là lễ Hiển Linh: liệu có là không thích hợp để chèn tên của thánh nhân trong Kinh Nguyện Thánh Thể III như là “vị thánh kính trong ngày” chăng? Nhóm linh mục của tôi thảo luận sôi nổi điều này trong bữa ăn tối, và chúng tôi không thể tìm ra một câu trả lời hoặc tài liệu dứt khoát và rõ ràng. Một linh mục giải thích nó cách nghiêm nhặt, nói rằng nếu ngày ấy là ngày Chúa Nhật, thì lịch phụng vụ của ngày Chúa Nhật thay thế và cản trở bất cứ vị thánh nào trong danh mục các thánh. Do đó, không nhắc đến “vị thánh kính trong ngày” khi một lễ trọng hoặc lễ Chúa Nhật rơi vào ngày ấy. Tuy nhiên, tôi tin rằng nếu ngày ấy là ngày Chúa Nhật, nhưng trùng vào ngày lễ của vị thánh kính trong ngày đó, Kinh Nguyện Thánh Thể III cho phép nhớ đến vị thánh này, chứ đừng để quên hoàn toàn. – R. F., Chicago, Mỹ.
Đáp: Tôi nghiêng về sự giải thích ít nghiêm nhặt này, và cho phép nhắc đến tên của vị thánh kính trong ngày.
Một trong các lý do giải thích cho việc này là rằng chữ đỏ trong Kinh Nguyện Thánh Thể III đã nói: “…các thánh tông đồ, và các thánh tử đạo hiển vinh, (cùng với thánh T. : tên thánh kính trong ngày hoặc bổn mạng), và toàn thể các thánh…”
Việc một linh mục đề nghị giải thích nghiêm nhặt là đúng, khi nói rằng ngày Chúa Nhật thay thế bất kỳ vị thánh nào trong lịch (trừ vị thánh được mừng như một lễ trọng). Nhưng chữ đỏ này, bởi vì nó cũng cho phép nhắc đến tên vị thánh bổn mạng của giáo xứ trong bất cứ Thánh lễ nào dùng Kinh Nguyện Thánh Thể III, hình như không được gắn kết với lịch. Vì vậy, tôi thấy không có lý do gì để hạn chế việc sử dụng nó.
Tương tự như vậy, ngay cả những người theo cách giải thích nghiêm nhặt, dường như không loại trừ việc nhắc đến tên của vị thánh kính trong ngày, vào mọi dịp khác, ngay cả khi vị thánh không được mừng lễ. Vì vậy, ngay cả khi một lễ nhớ bắt buộc không được cử hành, do một thánh lễ an táng hoặc một lễ kỷ niệm đặc biệt, hoặc khi linh mục chọn không cử hành một lễ nhớ tùy chọn, tên của vị thánh kính trong ngày vẫn có thể được nhắc đến trong Kinh Nguyện Thánh Thể III.
Sắp tới, chúng ta sẽ sớm có một sự trùng hợp bất thường của hai ngày lễ nhớ bắt buộc. Ngày 13-6-2015, lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ trùng với lễ Thánh Antôn Pađua. Mặc dù cả hai lễ có thể được cử hành, nhưng thường cử hành lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, trong khi nhắc đến thánh Antôn Pađua trong Kinh Nguyện Thánh Thể III.
Tôi thậm chí sẽ đi xa như vậy, để nói rằng nếu ngày nào không có tên một vị thánh trong lịch phổ quát, linh mục có thể chọn nhắc đến tên một vị thánh từ Sổ các thánh, nếu ngài có một lý do mục vụ tốt để làm như vậy.
Cũng đáng để nói rằng khả năng đưa tên một vị thánh là không phải độc quyền cho Kinh Nguyện Thánh Thể III. Nó cũng có trong Kinh Nguyện Thánh Thể sử dụng trong Thánh lễ cho các Nhu cầu Khác nhau. Điều thú vị ở đây là rằng các Kinh Nguyện Thánh Thể này chỉ có thể được sử dụng khi cử hành một trong các Thánh Lễ cho các Nhu cầu Khác nhau và các dịp (Thí dụ: Thánh lễ cầu cho Giáo Hội, cho một Công đồng hay Thượng Hội đồng, cho ơn thiên triệu, cho các giáo dân, cho các nhà lãnh đạo dân sự, cho hòa bình và công lý). Do đó, các Kinh Nguyện Thánh Thể này chỉ có thể được sử dụng cho các Thánh Lễ, mà trong đó việc mừng một vị thánh là được loại trừ một cách tích cực. Vì vậy, sự việc rằng các Kinh nguyện Thánh Thể này bao gồm khả năng nhắc đến tên một vị thánh kính trong ngày, chứng thực việc giải thích rằng chữ đỏ trên không được gắn chặt với ưu tiên của lễ mừng được tìm thấy trong lịch phụng vụ.
Nếu đúng như vậy, thì bất cứ khi nào Kinh Nguyện Thánh Thể III được sử dụng vào một Chúa Nhật, tên vị thánh kính trong ngày có thể được đọc lên.
Hỏi: Sau khi chúng tôi trả lời ngày 26-5 về các thừa tác viên khi đọc các Giờ Kinh Phụng Vụ, một bạn đọc hỏi: “Trong khung cảnh một chủng viện, nếu người chủ sự giờ kinh là một chủng sinh, nhưng một linh mục hiện diện ở đó, việc đọc câu giáo đầu khai mạc Giờ Kinh và kết thúc Giờ Kinh là thuộc về chủng sinh chủ sự hay vị linh mục? Tương tự như vậy, với giờ Kinh Tối, khi đọc: “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp chúng con…’?”
Đáp: Như chúng ta đã thấy trong câu trả lời trước của chúng tôi, nếu có mặt một linh mục, và ngài thực sự tham gia vào việc đọc chung Giờ Kinh, ngài nên thường chủ sự Giờ Kinh, ngay cả trong khung cảnh một chủng viện. Trong trường hợp này, câu giáo đầu khai mạc, lời nguyện kết thúc và việc giải tán luôn được linh mục đọc hoặc, khi ngài vắng mặt, được một phó tế đọc.
Tuy nhiên, nếu linh mục tình cờ có mặt tại chỗ, và Giờ Kinh được các chủng sinh tổ chức luân phiên nhau làm chủ sự (chứ không chủ tọa, vì nói cho ngay, chỉ một thừa tác viên có chức thánh chủ tọa mà thôi), thì tôi tin rằng không buộc ngưng các tập tục bình thường, mặc dầu việc nên mời linh mục chủ tọa là tốt hơn.
Tương tự như vậy, nếu một linh mục là thường hiện diện, nhưng có thể được xem như là bị ngăn trở theo luật (thí dụ, ngài có mặt ở đó để sẵn sàng giải tội), thì Giờ Kinh cũng có thể được dẫn dắt bởi một chủng sinh.
(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 9-6-2015)