Hỏi: Tôi và một bạn học đã thảo luận về các hình thức khác nhau của Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Cả hai chúng tôi đọc sách Các Giờ Kinh hàng ngày bằng tiếng Tây Ban Nha (phiên bản đã được Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha phê duyệt) để giúp chúng tôi học thêm về ngôn ngữ. Kinh nhật tụng này sử dụng sách các bài đọc Thánh Kinh trong hai năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây tôi đã xem sách bài đọc Giáo phụ trong hai năm, bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, cả hai đều tốt. Thưa cha, liệu một linh mục, hoặc bất cứ ai buộc đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ, vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình nếu người ấy bắt đầu sử dụng chu kỳ hai năm đọc sách các Giáo phụ không, bởi vì tôi được nghe rằng điều này không hề được chấp thuận bởi bất cứ Hội Đồng Giám mục nào? – J. G., Bethlehem, Pennsylvania, Mỹ.
Đáp: Bạn thân mến, thật ra không có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này.
Tông hiến Laudis Canticum (Bài ca chúc tụng Thiên Chúa) đưa ra các qui tắc phổ quát liên quan đến bài đọc thay thế như sau:
“145. Các bài đọc Kinh thánh chia làm hai chu kỳ: một chu kỳ trong sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ chỉ gồm một năm, và một chu kỳ trong phần phụ lục có thể sử dụng tự do gồm hai năm, cũng như các bài đọc theo chu kỳ trong thánh lễ ngày thường mùa Thường Niên.
“146. Đã sắp xếp một cách gọn ghẽ chu kỳ hai năm, để năm nào cũng có thể đọc hầu hết các sách Kinh Thánh, hoặc trong thánh lễ hoặc trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Những bài nào dài hay khó hiểu không thể để trong thánh lễ được thì xếp vào Các Giờ Kinh Phụng vụ. Nhưng Tân Ước thì năm nào cũng đọc hết, một phần trong thánh lễ, một phần trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Còn các sách Cựu Ước thì đã chọn những đoạn nào quan trọng hơn cả, để giúp hiểu lịch sử cứu độ và nuôi dưỡng lòng đạo đức […]
“159. Theo truyền thống trong Giáo Hội Rôma, thì trong giờ Kinh Sách, sau bài Kinh Thánh, có một bài đọc sách các Giáo phụ hay các văn sĩ của Hội thánh, kèm theo câu Xướng Đáp, trừ khi phải đọc bài về hạnh các thánh (xem số 228 và 239).
“160. Bài này, có thể dùng trong những bản văn lấy trong sách các Giáo phụ, các thánh tiến sĩ và các văn sĩ khác của Hội Thánh Đông phương cũng như Tây phương, nhưng phải dành ưu tiên cho các Giáo phụ nào có uy tín đặc biệt trong Hội Thánh.
“161. Ngoài các bài đọc dành cho mỗi ngày trong sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, lại có một cuốn các bài đọc tùy nghi, trong đó có rất nhiều bài có thể giúp người đọc kinh nhật tụng hưởng nhờ kho tàng truyền thống phong phú của Hội thánh. Mỗi người được tự ý lựa chọn bài đọc thứ hai, hoặc trong sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, hoặc trong sách các bài đọc được tùy ý lựa chọn.
“162. Hơn nữa, Hội Đồng Giám Mục có thể soạn những bài thích hợp với truyền thống và tinh thần của địa phương thuộc quyền mình coi sóc, và điền thêm vào cuốn các bài đọc được tùy ý lựa chọn như là phần phụ lục. Những bản văn này mượn trong các tác phẩm của những nhà văn Công Giáo nổi tiếng về đạo lý và đời sống thánh thiện.
“163. Tác dụng cốt yếu của bài đọc là làm cho ta suy niệm Lời Chúa đúng như Hội Thánh đã nhận được và truyền lại cho ta theo truyền thống. Quả vậy, Hội thánh thấy cần phải lấy Lời Chúa soi sáng cho tín hữu một cách chắc chắn, để “giữ vững lối giải thích theo đường hướng ngôn sứ và tông truyền, như Hội Thánh Công Giáo đã đề ra làm qui tắc”.
“164. Nhờ ân cần và siêng năng đọc các văn kiện mà truyền thống chung của Hội Thánh trình bày, người đọc đi tới chỗ nghiền ngẫm sâu sắc hơn và do đấy nếm cảm được hương vị ngọt ngào và sống động của Kinh thánh. Quả vậy, những bản văn của các Giáo phụ minh chứng cho thấy Hội Thánh, hiền thê của Ngôi Lời nhập thể trung thành với ý định và tinh thần của Đấng Phu Quân mình, đã từng nghiền ngẫm Lời Chúa từ đời này qua đời khác, và hằng nỗ lực để đạt tới một tri thức sâu sắc hơn về Kinh thánh.
“165. Đọc bản văn của các giáo phụ cũng giúp người Kitô hữu hiểu ý các mùa và lễ phụng vụ. Ngoài ra việc đó còn mở lối cho họ đạt tới kho tàng thiêng liêng vô giá, một gia sản vô cùng quý báu của Hội Thánh, đồng thời cung cấp cho họ một nền tảng xây dựng đời sống thiêng liêng vững chắc và một thức ăn phong phú nuôi dưỡng lòng đạo đức. Các nhà giảng thuyết Lời Chúa, nếu hàng ngày chuyên cần, sẽ tìm được ở đó những mẫu giảng đặc sắc.
“248. Giờ Kinh Sách bao giờ cũng đọc bài Kinh Thánh theo tuần lễ chỉ định. Khi đọc kinh nhật tụng cũng phải nhớ lời của Hội thánh là ‘trong khoảng thời gian mấy năm nhất định phải đọc cho giáo dân phần Kinh Thánh quan trọng hơn cả’.
“Vì thế, Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, không được bỏ đứt quãng các bài Kinh Thánh dành cho giờ Kinh Sách. Mùa Thường Niên, khi có lý do chính đáng như tĩnh tâm, hội học về mục vụ, cầu nguyện cho Hội Thánh được hiệp nhất và những trường hợp tương tự, thì một ngày nào đó, hay nhiều ngày liên tiếp, có thể chọn những bài Kinh Thánh trong số những bài khác hay dành cho các ngày khác.
“249. Nếu gặp lễ trọng, lễ kính hay lễ nào đặc biệt mà phải gián đoạn các bài đọc liên tiếp, thì trong tuần lễ đó được phép đọc thêm các phần đã bỏ, hay tùy ý lựa chọn.
“250. Giờ Kinh Sách, thay vì đọc bài thứ hai ngày hôm đó, thì khi có lý do chính đáng, có thể chọn một bài khác thuộc cùng một mùa. Có thể tìm bài đọc trong sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ hay trong sách các bài đọc được tùy ý lựa chọn (số 161). Ngoài ra các ngày Mùa Thường Niên, và ngay cả trong Mùa Vọng, Mùa Giáng sinh, Mùa Chay và Mùa Phục sinh, có thể tùy nghi đọc gần như liên tục tác phẩm của một giáo phụ nào hợp với tinh thần Kinh Thánh và Phụng Vụ” (Bản dịch Việt ngữ của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ).
Đáng tiếc là các bản văn thay thế được đề cập trong các số 145, 146 và 161 vẫn chưa được công bố chính thức. Một danh sách các bản văn Thánh Kinh thay thế đã được cung cấp bởi Thánh Bộ Phượng tự, và điều này tạo cơ sở cho chu kỳ thứ hai của các văn bản Thánh Kinh được tìm thấy trong phiên bản châu Mỹ Latinh của kinh Nhật tụng.
Đối với cuốn sách tùy chọn cho các bản văn của các Giáo phụ, cách đây vài năm, vị thư ký của Thánh Bộ Phượng Tự đã gửi một báo cáo cho các Giám mục thành viên, vốn sau này đã được xuất bản một phần trong báo Notitiae chính thức. Chủ yếu ngài giải thích rằng dự án này đã gặp trở ngại do việc thay đổi các người phụ trách, nên có nhiều dự án song song, nhưng không dự án nào hoàn thành cả. Thánh Bộ cố gắng thiết lập một dự án duy nhất và một bộ tiêu chuẩn duy nhất, nhưng công việc không tránh khỏi sự chậm trễ do thiếu người làm. Đã có nhiều sự tiến triển, nhưng dự án chưa hoàn thành.
Trong khi đó, có lẽ nhờ tín hiệu từ các tùy chọn được đưa ra trong số 250, nhiều nhóm cá nhân, tổ chức và thậm chí cả các tu viện, đã đề xuất các chu kỳ tùy chọn của các bài đọc Giáo phụ. Các bài này chưa được chính thức phê duyệt, nhưng có thể được sử dụng như là một nguồn, miễn là chúng đáp ứng các điều kiện của các số 160, 163-165 và 250.
Tại Ý, một sách có chu kỳ hai năm đã được xuất bản vào năm 1997 với tên gọi “L’ora dell’Ascolto” (Giờ đọc Sách). Cuốn sách này là kết quả của một tổ chức gọi là Liên minh Đan tu vì Phụng Vụ. Trong khi chính thức được nhắm tới các tu viện và đan viện, nó cũng đã được chấp nhận bởi nhiều giáo sĩ và giáo dân. Nó có lợi thế là đã được sự phê duyệt của Tòa Thánh cho việc sử dụng trong các đan viện.
(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 3-12-2014)