Dụ ngôn này phù hợp với chủ đề của Thánh Mattthêu về sự ppân biệt giữa kẻ ác và người lành cũng như về sự phán xét tối hậu.
Ý nghĩa của dụ ngôn này là không đơn giản: Dụ ngôn không được trình bày với mục đích kêu gọi con người ăn năn hầu có thể tránh khỏi hỏa ngục mà hưởng nước thiên đàng, nhưng được dùng để miêu tả sự nhẫn nại của Thiên Chúa đối với lòng vô tín của thế gian.
Và rồi dụ ngôn cũng là câu chuyện giàu hình ảnh thể hiện sâu sắc tình trạng đạo đức giả trong vòng hội thánh. Cỏ lùng và lúa mì trông rất giống nhau, và khi cỏ lùng mọc lên lẫn lộn giữa lúa mì thì sự phân biệt bằng mắt thường càng khó khăn hơn.
Vì những lý do khác nhau, nhiều người không thực sự chấp nhận đức tin khoác lên mình chiếc áo đạo đức và hoạt động tích cực trong hội thánh. Dù khéo léo ẩn mình trong lớp vỏ công chính, hành vi và thái độ của họ cũng sẽ chỉ ra rằng họ không phải là những tín hữu chân chính.
Ở đây, ta nói đến một dụ ngôn, dụ ngôn cỏ xấu mọc xen với lúa tốt. Lời Chúa ở đây rất sống động. Ðó là một màn kịch nhỏ, mau lẹ nhưng đầy ý nghĩa. Người ta thấy thái độ nông nổi của tôi tớ. Còn ông chủ thì chín chắn và thực tình muốn xây dựng. Ông chỉ đích danh tác giả gây ra cỏ lùng; nhưng đồng thời ông cũng muốn tôi tớ phải khiêm cung: này, ý tứ khi nhặt cỏ lùng, lỡ ra các anh lại nhổ lúa cả rễ một thể. Nghĩa là phán đoán của các anh chưa bảo đảm như những gì anh suy nghĩ và nhận định.
Hơn nữa các anh đừng quên bổn phận của các anh vì “hãy cứ để chúng mọc lên cả hai cho đến mùa gặt”. Giống tốt cũng phải mọc lên và sinh bông trái; nếu không, đến mùa gặt là ngày tận thế, giống tốt cũng chỉ là cỏ và khi ấy cũng sẽ bị bó lại để thiêu đi. Thật ra người ta không thu cỏ lùng trước đâu. Người ta thường chỉ gặt lúa mang về nhà và sau đó rơm rạ sẽ cắt sau. Thế nhưng ở đây vì tôi tớ đang muốn biết về số phận của cỏ lùng, nên buộc lòng người chủ phải nói đến nó trước.
Nhưng ý tưởng của phần giải thích dụ ngôn dường như lại nhấn mạnh đến hình phạt dành cho kẻ dữ. Chúng ta không nên lấy làm lạ vì sự chuyển hướng này. Nó cho chúng ta thấy ở mỗi thời Lời Chúa muốn mạc khải một khía cạnh riêng biệt. Vì người khôn trong Nước Trời phải biết bắt chước người gia chủ “rút ra cả cái mới cũ” mà xây dựng cuộc đời.
Thiên Chúa là Đấng Chân Thiện Mỹ, Ngài đã tạo dựng ra loài người và khởi đầu con người là sự tốt đẹp. Ngài để cho con người tự do trong cuộc sống. Tâm tính của mỗi người phát triển theo tâm sinh lý và môi trường chung quanh cùng với thời gian. Các tâm hồn ấy là những mảnh ruộng chờ sinh lợi hoa trái. Nhưng theo dòng đời trong tâm hồn có thể bị biến đổi, bị biến dạng bởi những điều xấu, như cây lúa tốt lành đã được gieo trồng bị giống cây cỏ lùng chen lấn.Thế nên, trong xã hội có những người có tâm tính tốt lành, nhưng đồng thời có những kẻ thâm hiểm, độc ác.
Mặt khác, trong lời thuật dụ ngôn Thánh Matthêu cho thấy, cỏ lùng được gieo trong lúc mọi người đang ngủ, điều này nhắc nhở chúng ta luôn cần khiêm nhường nhìn lại mình, vì sự chủ quan của mình không dễ gì nhận ra khiếm khuyết của bản thân, hoặc có nhận ra, thì lại tìm những lý lẽ tự bào chữa, quên đi mảnh ruộng tâm hồn mình đã dần nhiều cỏ hơn lúa. Về khía cạnh giáo dục cũng thế, các bậc phụ huynh, bấy lâu nay có quan tâm chặt chẽ đến các trẻ thơ, thiếu nhi ? Đấy là những mảnh đất màu mỡ mà những điều xấu xa luôn được lén lút gieo trồng và phát triển nếu cha mẹ lơ đãng, kém tỉnh táo thì hậu quả thật khôn lường.
Và điều đặc biệt hơn cả là ta thấy Thiên Chúa luôn luôn nhẫn nại trong sự phán xét. Giống người chủ trong dụ ngôn không muốn tôi tớ của mình do lẫn lộn mà nhổ cả lúa mì, Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ chớ vội vàng phán xét mà săn đuổi những kẻ giả hình trong hội thánh.
Từ một góc nhìn khác, dụ ngôn Lúa mì và Cỏ lùng cũng có thể được hiểu như là một cách giải thích lịch sử thế giới. Thế giới là cánh đồng mà hạt giống tốt đã được gieo. Thế giới là sự sáng tạo của Thiên Chúa, và mọi điều tay ngài làm đều là trọn lành và tốt đẹp. Nhưng kẻ ác đã đến và gieo hạt giống xấu – dẫn dụ con người sa vào tội lỗi. Tình trạng của thế giới hiện nay là vẫn còn đó những hạt giống tốt – những người quay trở lại để chấp nhận ân điển của Thiên Chúa – và những hạt giống xấu – những người khước từ tình yêu của Thiên Chúa và tiếp tục chống nghịch ngài.
Lý do khiến Thiên Chúa không chịu hủy diệt những kẻ phản loạn này là vì sự hiện hữu của những người chấp nhận sự cứu rỗi của ngài, bởi vì những người này có thể bị tổn hại nếu mùa gặt đến sớm. Tuy nhiên, ngày phán xét rồi sẽ đến, khi người thiện kẻ ác được phân biệt rạch ròi – người công chính sẽ được tập hợp lại để hưởng sự sống đời đời và kẻ ác sẽ bị diệt vong.
Với trang Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy ta phải khiêm nhường hơn nữa. Ðừng dán nhãn hiệu cỏ lùng, cỏ xấu cho ai; và ai ai cũng phải cố gắng sinh hoa kết quả để khỏi trở thành cỏ dại bị thiêu trong ngày tận thế. Và nếu ta để ý trong phần giải thích dụ ngôn, ta đã thấy tác giả Thánh Kinh muốn ám chỉ rằng cỏ dại mọc ngay trong lòng Giáo Hội chứ không riêng gì ở giữa thế gian vì ông viết: Con Người sẽ sai các thiên thần của Ngài đi nhặt khỏi Nước của Ngài mọi cớ vấp phạm và hết thảy những phường tác quái.
Đứng trước tâm tình của Chúa, đặc biệt là lòng thương xót Chúa, ta phải khiêm nhường hơn, vì cỏ dại có thể mọc cả trong mảnh vườn nhà chúng ta và ngay trong lòng chúng ta. Mọi tâm tình bực tức với kẻ dữ không còn nữa. Ngược lại từ nay chúng ta phải cầu xin lòng nhân từ của Chúa nhiều hơn.
Huệ Minh