Ai cũng biết rằng, trong hôn nhân giữa người nam và người nữ, tình yêu là điều cốt lõi nhất, không gì có thể thay thế được. Do đó, không thể là một cuộc hôn nhân đích thực nếu cuộc hôn nhân đó không-tình-yêu. Tình yêu trong hôn nhân được ví như một nguồn năng lượng vĩ đại, nó hâm nóng hạnh phúc, chiếu sáng niềm tin, lan tỏa sự sống. Nó cũng đồng thời đốt cháy những dị biệt và hóa giải những mâu thuẫn giữa người nam và người nữ.
Tuy nhiên, không phải tình yêu nào cũng giúp hôn nhân được hạnh phúc và bền vững lâu dài, bởi vì tình yêu có nhiều cấp độ, chẳng hạn:
“Triết học Hy Lạp đã phân chia thành ba loại tình yêu. Tình yêu ở cấp thấp nhất được gọi là Eros, có ý nói đến tình yêu theo kiểu tính dục, khi người này muốn sở hữu người kia như là cái của riêng mình.
Tình yêu ở cấp cao hơn là Philia, một kiểu tình yêu đặt nền trên tương quan tự do, ngang hàng, hoà nhã chứ không có ý chiếm hữu.
Tình yêu ở cấp độ cao nhất gọi là Agape, một tình yêu trao hiến hoàn toàn chính mình cho người khác.
Ba loại tình yêu này dường như cũng muốn nói đến ba cấp độ hoàn thiện của tình yêu. Cả ba đều tồn tại, chứ không loại trừ nhau, nhưng lý tưởng là đạt đến cấp Agape, là kiểu mẫu tình yêu trong Ba Ngôi Thiên Chúa và tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại”. [1]
Về vấn đề này, ĐGM Geoffrey Robinson, người Úc, đã về hưu, cũng diễn giải ngắn gọn thế này: “Mọi tình yêu chân thật đều bắt đầu bằng sự ham thích, rồi tiến đến sự cảm mến, và sau đó vuơn lên tới đỉnh cao là dâng hiến. Chẳng hạn như một căp trai gái ham thích có đứa con (Eros), cả hai trào dâng niềm cảm mến và dịu dàng khi bồng đứa con trong tay (Philia). Thế rồi nhanh chóng khám phá ra rằng tình yêu này đòi đến sự dâng hiến kỳ diệu (Agape)”. [2]
Thánh Gio-an tông đồ đã mạc khải cho ta biết chính Thiên Chúa là Tình Yêu (x. 1Ga 4, 8). Tình Yêu Agape. Thánh sử nói rõ hơn: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4, 9). Vậy tình yêu nơi Thiên Chúa chính là mẫu mực cho ta về sự dâng hiến, trao ban, vị tha, quảng đại.
Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II, trong Tông huấn về những bổn phận của gia đình Ki-tô hữu đã viết: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Người, giống như họa ảnh của Người. Khi vì yêu thương mà kêu gọi con người bước vào cuộc sống, Người cũng đồng thời mời gọi họ sống cho tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu và nơi chính mình Người, Người đang sống mầu nhiệm hiệp thông yêu thương giữa các ngôi vị. Khi tạo dựng nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh Người và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu. Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông. Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người ”. [3]
Như vậy, tình yêu trong hôn nhân Ki-tô hữu không còn dừng lại trên bình diện nhân bản, tự nhiên mà được nâng lên bậc siêu nhiên. Tình yêu của đôi bạn dành cho nhau lúc đó sẽ dõi theo tình yêu Thiên Chúa dành cho con người và tình yêu của Chúa Ki-tô đối với nhân loại nói chung và với Hội thánh của Ngài nói riêng.
Thánh Phao-lô đã nhắn nhủ các tín hữu thế này: “Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội thánh, thân thể của Người. Và như Hội thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh” (Ep 5, 21-25).
Hôn nhân Ki-tô giáo đã được Thiên Chúa thiết lập và thánh hóa. Chúa Giê-su đã có mặt tại tiệc cưới Cana để chia vui với đôi tân hôn và chúc phúc cho họ (x. Ga 2, 1-12). Ngài cũng như bao nhiêu người khác đều mong muốn đôi bạn sống hạnh phúc, yêu thương và trung tín. Sự hiện diện của Ngài ở đám cưới Cana với phép lạ biến nước lã thành rượu ngon chính là một dự báo về viễn ảnh Đức Ki-tô sẽ có mặt trong đời sống của tín hữu chúng ta, để ban cho chúng ta đủ ơn thánh và sức mạnh thiêng liêng hầu chu toàn bổn phận hôn nhân gia đình mình.
Đức Ki-tô đã tuyên bố: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Chúa đã dạy chúng ta hiểu thế nào là tình yêu Agape và phải thực hành tình yêu ấy ra sao trong đời sống hôn nhân gia đình. Tình yêu ấy là hi sinh tính mạng, là yêu đến cùng (x. Ga 13,1). Chính Ngài đã làm gương cho chúng ta trước. Vì yêu và vì hạnh phúc của chúng ta, Đức Ki-tô đã hi sinh đến chết (x. Ga 10, 17 ; Pl 2, 8). Đó là mẫu mực của tình yêu đích thực, tình yêu có sức mạnh cứu chuộc, thăng hoa và biến đổi. Vậy khi cam kết giao ước hôn nhân, đôi bạn sẽ dõi theo tình yêu của Chúa Ki-tô mà sẵn sàng chấp nhận một tình thương của người hi sinh mạng sống mình cho bạn.
Một cách cụ thể, thánh Phao-lô cũng đã khuyên nhủ chúng ta sống bí tích và mầu nhiệm hôn nhân dựa trên mẫu mực tình yêu và mối tương quan gắn bó giữa Chúa Ki-tô và Hội thánh. Đức Ki-tô đã yêu thương Hội thánh, đã hiến mình vì Hội thánh, đã chăm sóc, nuôi dưỡng Hội thánh, đã hy sinh cứu chuộc Hội thánh thế nào thì vợ chồng cũng phải sống và đối xử với nhau như vậy.
Một cách cụ thể, thiết thực hơn, tình yêu trong hôn nhân Ki-tô hữu cũng phải phỏng theo lòng mến Ki-tô giáo, là điều mà thánh Phao-lô đã nhắc nhở trong thư 1Cor:
“Lòng mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Lòng mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả…” (x. 1Cor 13, 4-7).
Thiết nghĩ, sống trọn vẹn lòng mến như thế, tức là phải hi sinh, phải từ bỏ chính mình, phải quảng đại bao dung, phải chấp nhận cái chết-vì-yêu như Đức Ki-tô. Xây dựng trên nền tảng tình yêu ấy, cuộc hôn nhân của chúng ta sẽ bền vững và hạnh phúc lâu dài ./.
Aug. Trần Cao Khải