Việc “trẻ hóa” hay chọn người có kinh nghiệm cho Hội đồng Mục vụ giáo xứ (HÐMVGX) vẫn luôn là ưu tư của nhiều giáo xứ. Tuy nhiên, mỗi nơi, mỗi người…lại có những suy nghĩ khác nhau về độ tuổi của các thành viên.
Đối với ông Lê Văn Nam – Chủ tịch HĐMVGX Nữ Vương Hòa Bình (hạt Xóm Mới, TGP. TPHCM) thì những người ở tuổi trung niên trở lên rất có kinh nghiệm trong các hoạt động của xứ. Nhiều người đã từng cộng tác với giáo xứ lâu năm sẽ có được vốn hiểu biết nhất định và điều này chỉ có thể tích lũy qua thời gian. “Để hoạt động trong HĐMVGX, ngoài kiến thức, khả năng lãnh đạo ra thì còn phải am tường về phụng vụ. Cho nên tôi nghĩ những vị lâu năm có lẽ sẽ thuận lợi hơn khi đảm đương những trách nhiệm này”, ông Nam nhận xét. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng nhân tố trẻ sẽ tạo nên sự năng động và mang đến những góc nhìn, hướng giải quyết mới cho một số công việc. “Đồng ý là người lớn tuổi có nhiều ưu điểm, ‘gừng càng già càng cay’ thật nhưng với riêng tôi, ở thời đại này, nên tạo điều kiện để người trẻ được làm. Họ có sức khỏe, thông minh, chịu tiếp thu thì sẽ mang đến sức sống và sự tươi mới cho cộng đoàn”, ông Nguyễn Ngọc Thơ – Chủ tịch HĐMVGX Suối Dây (hạt Tây Ninh, giáo phận Phú Cường) bày tỏ ý kiến của mình.
Không nghiêng về người phía trẻ hay lớn tuổi, bằng kinh nghiệm phục vụ lâu năm, không ít người cho rằng nên có sự dung hòa về độ tuổi của các thành viên. Theo ông Phạm Văn Lân – Chủ tịch HĐMVGX Fatima Bình Triệu (hạt Thủ Đức, TGP.TPHCM) thì: “Người cao tuổi ngoài kinh nghiệm, còn có ưu thế là đời sống gia đình ổn định, họ không vướng vào công ăn việc làm nên có thời gian phục vụ giáo xứ nhiều hơn. Nhưng một cái cây đẹp thì phải vừa có lá, hoa, trái, chứ đâu phải hoa không hay trái không. Những người thuộc tuổi trung niên hoặc trẻ hơn, tuy gặp nhiều hạn chế như phải mưu sinh, còn non kinh nghiệm so với cao niên, nhưng lại có sự năng nổ, nhiệt tình bù lại. Thiết nghĩ nếu Hội đồng mà có thành viên thuộc các độ tuổi khác nhau thì có thể phát huy được tất cả các thế mạnh”.Có một thực tế là ở các giáo xứ hiện nay, muốn dung hòa về độ tuổi là việc tương đối vất vả. Đi một vòng hỏi thăm các xứ đạo, chúng tôi được biết, đa số những người đang cộng tác đều đã trọng tuổi. Ông Lê Công Chính – Chủ tịch HĐMVGX Bắc Hà (hạt Phú Thọ, TGP.TPHCM) nói về tình hình xứ mình: “Ở Bắc Hà có nhiều việc nhưng để kêu gọi sức trẻ thì khó lắm. Dân ở đây đa số đi làm, thời gian của họ rất hạn chế nên chỉ có giới trung, cao niên mới bền bỉ phụ giúp”. Ông cho biết thêm 2 năm nay, giáo xứ đã nỗ lực quy tụ một đội ngũ người trẻ chuyên lo việc nhà thờ mà chưa được. “Người trẻ ở xứ thì chỉ mang tính chất ‘chữa cháy’. Ví dụ có việc gì thì họ rất nhiệt tình lăn xả vào làm ngay chứ gắn bó dài lâu thì hơi hiếm. Chung quy là họ không có thời gian, vì vướng công ăn việc làm thôi”, ông tiếp lời. Ở giáo xứ Suối Dây cũng vấp phải vấn đề này khi nhìn lại cơ cấu này nhiều năm nay vẫn ít thấy bóng dáng người trẻ. “Người trẻ dưới 40 ít lắm, họ không tham gia. Xứ này dựa vào cây cao su mà sống, đời sống cũng vất vả. Người đang tuổi lao động cứ sáng sớm là đi làm hết cả nên để hỗ trợ cho giáo xứ với tính cách lâu dài thực sự khó”, ông Chủ tịch HĐMV nỗi niềm.
Dù còn nhiều vướng mắc như vậy nhưng các giáo xứ vẫn cố gắng đa dạng các giới bằng cách mời gọi thêm thành phần trẻ tham dự. Ông Lân nói giáo xứ Fatima Bình Triệu luôn khuyến khích, động viên những người trẻ vào giúp, “xứ đạo luôn tạo điều kiện cho lớp trẻ kế thừa bằng cách hun đúc tinh thần, người lớn sẽ truyền đạt lại kinh nghiệm cho người nhỏ hơn. Bây giờ, thành phần trẻ đã có một số. Trong Hội đồng hiện nay cũng có đủ từ cao niên, trung niên và người trẻ. Thực ra khi được trọng dụng thì người trẻ vẫn sẵn sàng hợp tác vì bản thân họ cũng mong muốn phục vụ giáo xứ, phục vụ Nhà Chúa”. Còn riêng ở xứ Nữ Vương Hòa Bình, ông Nam tiết lộ nhiệm kỳ nào giáo xứ cũng hướng đến thành phần trẻ, nhắm vào một vài nhân tố mới và đào luyện cho họ để có thể trở thành lớp kế thừa trong tương lai.
TRẦN CHÂN
Theo Báo Công giáo và Dân tộc