Thật vậy, trong Tin Mừng, thành ngữ “những kẻ bé mọn” (theo tiếng Hy Lạp là elachistoi, mikroi hay nepioi).Đôi khi có nghĩa là “trẻ nhỏ”, những lúc khác, nó có nghĩa là những kẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội.Rất khó mà phân biệt.Thỉnh thoảng chữ “bé nhỏ” trong Tin Mừng có nghĩa là “đứa bé” và không ai khác.Trẻ em bị xếp vào giai cấp “những kẻ bé mọn”, những kẻ ngoài lề. Cũng thế, chẳng dễ mà có thể phân biệt được nghĩa nào có nguồn gốc từ thời Chúa Giêsu và nghĩa nào bắt nguồn từ các cộng đoàn khi các sách Tin Mừng đang được viết ra.
Dù sao chăng nữa, điều rõ ràng là bối cảnh của việc loại trừ thì có thật vào thời ấy, và hình ảnh mà các cộng đoàn tiên khởi có về Chúa Giêsu là:Chúa Giêsu đứng về phía những kẻ bé mọn, những kẻ bị khinh khi, và bênh vực họ.Thật là cảm kích khi chúng ta nhìn vào tất cả những việc mà Chúa Giêsu đã làm để bênh vực đời sống của các trẻ em, của những kẻ bé mọn.
Và vào thời Chúa Giêsu, nhiều người bị hắt hủi và chịu thiệt thòi.Lấy ví dụ, trong mối quan hệ giữa vợ chồng, sự thống trị của nam giới chiếm ưu thế.Người vợ không thể dự phần, không có quyền bình đẳng với người chồng.Trong mối quan hệ của họ với các trẻ nhỏ, là những kẻ “nhỏ bé”, đã có lời “gièm pha” rằng đó là nguyên nhân gây ra mất lòng tin nơi nhiều người trong bọn họ (Mc 9, 42). Ngay cả tTrong mối quan hệ vợ chồng, Chúa Giêsu truyền phải có sự bình đẳng tối đa.Trong mối quan hệ giữa người mẹ và các trẻ nhỏ, Ngài dạy phải có sự trìu mến và dịu dàng nhất.
Đã hơn một lần, Chúa Giêsu khẳng định về việc đón tiếp những kẻ bé mọn, các trẻ nhỏ.“Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy” (Mc 9, 37).“Nếu ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật các con, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10, 42).Người yêu cầu chúng ta đừng khinh khi những kẻ bé mọn (Mt 18, 10).Vào ngày phán xét chung, công lý sẽ được chào đón bởi vì họ đã chia thức ăn cho “kẻ bé mọn nhất trong những anh em của Ta” (Mt 25, 40).
Khi thấy các cha mẹ lũ lượt đem con cái đến với Chúa Giêsu để được Chúa chúc lành, thì các ông bực tức, xua đuổi chúng! Ta thấy những cha mẹ tìm cách đem con cái đến với Chúa Giêsu để xin Ngài đặt tay và chúc lành cho chúng. Chúa Giêsu rất thương mến trẻ em, Ngài tỏ ra không hài lòng vì các Tông đồ ngăn cản không cho các cha mẹ đem các trẻ em đến với Ngài. Trái ngược với quan niệm coi khinh trẻ em của các tác giả đạo đức Do Thái, Chúa Giêsu đề cao trẻ em như kiểu mẫu đón nhận Nước Trời: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào”.
Và ở nơi khác, Ngài bảo vệ trẻ em một cách quyết liệt: “Ai làm cớ cho một trong những trẻ nhỏ này sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn”.Chúa Giêsu không bằng lòng trước thái độ đó nên Ngài đã khiển trách các ông và nói: “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng xua đuổi chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những người giống như chúng!” (Mc 10, 14.15) Các nhà giáo dục và các cha mẹ, phụ huynh của các trẻ nhỏ mà lơ là, ngăn cản không cho các trẻ em đến với Chúa Giêsu, không đưa các em đến với Chúa thì Chúa buồn lòng biết bao!
Cha mẹ là những người cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh dưỡng và giáo dục con cái, để chúng được hạnh phúc đời này, nhất là được hạnh phúc đời sau. Tuy nhiên, có những cha mẹ chỉ lo làm giàu, chứ không quan tâm xây dựng đạo đức cho con cái, cũng có những cha mẹ khoán trắng việc giáo dục đức tin của con cái cho các vị lãnh đạo tinh thần và thiêng liêng, mà quên rằng đó là nhiệm vụ trước tiên của cha mẹ do Bí tích Hôn phối và tình thương yêu đòi buộc. Con cái sống trong gia đình nhiều hơn các nơi khác, và cha mẹ cũng hiểu biết tính tình con cái hơn bất cứ ai khác, đó là những thuận lợi để cha mẹ góp phần vào việc giáo dục con cái.
Thật thế, nếu cha mẹ không để tâm giáo dục con cái, làm sao chúng có thể nên người, nhất là nên người con của Chúa được. Nhưng để có thể giáo dục con cái một cách hiệu quả, cha mẹ phải lo trau dồi kiến thức, cách riêng về tôn giáo, và sống đạo gương mẫu, sao cho con cái thực sự là nguồn hạnh phúc của gia đình và là triều thiên của chính cha mẹ.
Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu chỉ sống có 24 năm tại thế nhưng đã trở nên Đại Thánh, được Hội Thánh tuyên phong là Tiến Sĩ Hội Thánh vì chị đã sống hoàn toàn tinh thần bé thơ thiêng liêng đó mà đã tới bậc trọn lành tuyệt hảo. Chị Thánh gọi con đường nên Thánh đó là Con Đường Thơ Au Thiêng Liêng.
Hẳn ta còn nhớ câu chuyện dễ thương về Ðức Giáo Hoàng Piô X. Khi nhậm chức Giám mục giáo phận Mantova, Ngài đã nghĩ đến người mẹ hiền và trở về thăm mẹ như để nói lên lòng biết ơn. Trong câu chuyện thân mật với mẹ, Ngài vừa nói vừa khoe chiếc nhẫn Giám mục của mình: “Mẹ xem chiếc nhẫn Giám mục của con có đẹp không?” Người mẹ mỉm cười đưa chiếc nhẫn cũ kỹ trên bàn tay đầy vết nhăn cho con xem và nói: “Nếu không có chiếc nhẫn này, thì đâu có chiếc nhẫn Giám mục của con”.
Trên thực tế, hạnh phúc cho các gia đình biết quan tâm giáo dục để các trẻ nhỏ, ngay từ lúc ấu thơ đã được nghe nói về Chúa Giêsu để linh hồn trong trắng của các em giống như tờ giấy trắng được vẽ lên chân dung vô cùng đáng mến của Chúa Giêsu, và do đó, ngàn năm sau vẫn không phai nhoà! Các em sẽ trọn đời sống thân thiết với Chúa Giêsu là Nguồn Hạnh Phúc và là Kho Tàng Trân Quý tuyệt đối cho linh hồn!
Xin Chúa chúc lành cho tất cả các cha mẹ. Xin Ngài soi sáng để các cha mẹ hiểu biết và yêu mến Chúa nhiều hơn, đồng thời nhiệt tâm giáo dục con cái và dẫn đưa chúng đến với Chúa.
Huệ Minh