Khi tấm thiệp Giáng Sinh đầu tiên được in vào tháng 12-1843 theo yêu cầu của ngài Henry Cole, một quý ông người Anh sống dưới thời của Nữ hoàng Victoria, ai có thể tưởng tượng được rằng gần 170 năm sau, ước tính hằng năm có 5 tỉ tấm thiệp Giáng Sinh được gửi đi khắp thế giới!
Tấm thiệp Giáng sinh đầu tiên vào năm 1843
Không chỉ doanh thu bán thiệp tăng vọt. Số tiền khổng lồ được chi cho việc mua sắm vào dịp Giáng Sinh làm cho nó trở thành khoảng thời gian kiếm lời nhiều nhất trong năm đối với nhiều người bán lẻ. Sự thật là, mỗi một năm, có vẻ như Giáng Sinh bắt đầu sớm hơn, cho thấy chiều hướng tăng liên tục của lợi nhuận. Ở một số quốc gia, không lạ gì khi tìm thấy những món hàng Giáng Sinh giảm giá vào tháng 9.
Không bao giờ cạn kiệt ý tưởng về những món quà để tặng cho con cái, cha mẹ, người yêu, vợ chồng, bạn bè, đồng nghiệp… và lẽ dĩ nhiên ngay cả cho chính bản thân chúng ta. Chúng ta bị bao vây bởi những quảng cáo. Những công ty kinh doanh cẩn trọng lựa chọn thời điểm để tung ra những sản mới nhất của họ, giới hạn nguồn cung để bảo đảm nguồn cầu cao.
Mọi người tranh luận rằng, mua sắm vốn diễn ra trong suốt năm nhưng đạt tới mức cao nhất vào dịp Giáng Sinh, việc này rất cần thiết cho nền kinh tế. Nếu chúng ta không mua nhiều, những công ty sẽ đóng cửa và sẽ có thất nghiệp. Những người khác tranh luận rằng nó chỉ hợp lý khi tận dụng sự đa dạng với hàng loạt những sản phẩm được làm ra để cải thiện mức sống.
Nói cách khác, mua sắm là một điển hình của cuộc sống hiện đại, nhưng đừng để nó chi phối mọi mong muốn và thái độ của chúng ta hoặc ảnh hưởng quá nhiều đến cách chúng ta sử dụng tiền bạc và thời gian – hoặc những ngày nghỉ.
Đối với nhiều người trong chúng ta, việc mua gì, mua ở đâu, bao lâu mua sắm một lần, khoảng tiền mua sắm là bao nhiêu, và việc mua sắm của chúng ta ảnh hưởng đến cách nhìn của người khác đối với chúng ta là những điều rất quan trọng – trong nhiều trường hợp có thể là rất quan trọng.
Theo nhà tâm lý học người Anh Oliver James, “chúng ta trở nên nghiện muốn có được mọi thứ chứ không phải lúng túng trước những gì chúng ta cần với những gì chúng ta muốn. Những cuộc nghiên cứu chứng minh rằng nếu bạn đặt nặng giá trị lên những thứ ấy, bạn sẽ dễ bị thất vọng, lo lắng, nghiện và rối loạn tính cách. Chúng ta không thể thực hiện việc mua sắm với thái độ này và cảm thấy tự tin con cháu chúng ta có tương lai” (James, Oliver (2007), Affluenza, Vermillion).
Vấn đề không phải là chúng ta có 1 hay 3 chiếc xe hơi, hoặc chúng ta có sở hữu chiếc điện thoại đắt tiền, chiếc máy tính xách tay, hoặc chiếc ipod hiện đại nhất; không phải là liệu chúng ta có mua sắm tại cửa hàng thiết kế, hoặc săn lùng những món hàng đã qua sử dụng trên eBay; cũng không phải là những gì có trong tủ quần áo hoặc garage của chúng ta, nhưng chính là những gì trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta tích trữ những kho tàng dưới đất hay trên Trời?
“Mạng sống của một người không phải nhờ của cải mà được bảo đảm đâu” (Lc 12,15). “Đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi” (1 Ga 15,17). “Đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời” (Mt 6,19-20). “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Trong suốt mùa của những cám dỗ mua sắm, hãy giữ vững những điều ưu tiên của chúng ta và nhớ rằng những món quà giá trị nhất chúng ta có thể chia sẻ với những người khác chính là tình yêu, thời gian và sự quan tâm của chúng ta.
Nghi Ândịch