Và rồi ta thấy trong trang Tin Mừng hôm nay, sau khi Lêvi, người thu thuế, được Thầy Giêsu mời gọi đi theo, ông đã tổ chức bữa đại tiệc khoản đãi Thầy và các môn đệ. Ông còn mời các bạn đồng nghiệp đến dùng bữa để từ giã. Ăn uống vui vẻ, hòa đồng cả với những người bị xã hội tránh xa, đó là một nét đặc biệt của nhóm Thầy Giêsu. Đừng quên chính Thầy cũng bị mang tiếng là tay ăn nhậu (Lc 7, 34).
Nếu hành xử như vậy, rõ ràng nhóm của Chúa Giêsu và các môn đệ không có nét khắc khổ, như các nhóm môn đệ của Gioan hay của người Pharisêu. Các nhóm này thường hay ăn chay và cầu nguyện. “Còn môn đệ Thầy thì ăn với uống !” (c. 33). Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo hỏi Thầy về lý do có sự khác biệt đó.
Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để biện minh cho thái độ ấy.
Trước tiên, ta thấy Chúa Giêsu gợi lên hình ảnh, sự hiện diện của Tân Lang: bao lâu Tân Lang còn đó, thì việc chay tịnh được miễn chuẩn. Trong Cựu Ước, việc giữ chay gắn liền với việc mong đợi Ðấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi. Gioan Tẩy giả đã lấy chay tịnh làm qui luật cơ bản cho cuộc sống của ông và của các môn đệ. Như vậy khi miễn chước cho các môn đệ của Ngài khỏi chay tịnh, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, họ không còn phải mong đợi gì nữa; thời cứu thế đã đến, con người không còn phải chay tịnh, trái lại, họ phải vui mừng hoan hỉ.
Thật ra, Chúa Giêsu muốn nói rằng Chú rể chính là Chúa Giêsu, còn các môn đệ là những khách dự tiệc. Chẳng ai dự tiệc cưới mà lại ăn chay. Chẳng ai buồn khi chàng rể còn đang ở bên cạnh (c. 34). Bởi đó thật là dễ hiểu nếu các môn đệ không ăn chay một tuần hai lần, nếu họ có nét mặt tươi tắn và sẵn sàng chung vui với người khác. Chuyện Thầy Giêsu ăn uống hồn nhiên với những tội nhân cho thấy Thiên Chúa không khinh, nhưng quý họ và mời họ trở về. Thầy cho thấy mình đang rao giảng Tin Mừng, loan báo Tin Vui. Đến với Thầy là gặp được niềm vui cứu độ. Thầy Giêsu và các môn đệ đều mời gọi người ta hoán cải (Mc 1,15; 6,12) Nhưng hoán cải ở đây không phải là chuyện buồn, mà là chuyện vui, bởi lẽ hoán cải là thay đổi tận căn cái nhìn về Thiên Chúa và người khác. Chẳng ai vui bằng người thoát ra khỏi được cảnh nô lệ tội lỗi. Cả thiên đàng cũng mừng vui khi một người hoán cải (Lc 15, 7. 10).
Thầy Giêsu đã trao cho các môn đệ niềm vui của chính mình. Ba lần Ngài nói đến niềm vui trọn vẹn (Ga 15,11; 16,24; 17,13). Kitô giáo bắt nguồn từ niềm vui phục sinh và sống mãi nhờ niềm vui ấy. Các tông đồ bị đánh đòn mà lại vui, bởi họ chịu vì Chúa Giêsu (Cv 5,41). Niềm vui là đặc nét của người Kitô hữu qua mọi thách đố. Niềm vui là quà tặng lớn của chúng ta cho một thế giới muộn phiền. Chàng rể Giêsu đang ở với chúng ta cho đến tận thế và mãi mãi, nên “anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4, 4). Chúng ta chỉ có thể là sứ giả của Tin Mừng nếu ta có niềm vui nội tâm. Niềm vui này phải tỏa ra như hương thơm làm mọi người ngây ngất.
Dụ ngôn thứ hai Chúa Giêsu đưa ra để giải thích tại sao các môn đệ Ngài không phải giữ chay, đó là hình ảnh chiếc áo mới và rượu mới: Không nên lấy áo cũ mà vá vào áo mới, không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ.
Hẳn nhiên ở đây ta thấy Chúa Giêsu không có ý bảo rằng cái mới thì đương nhiên tốt hơn cái cũ; Ngài không có ý so sánh cho bằng đưa ra một sự bất tương hợp. Chúa Giêsu là Lời, là “rượu mới” của Thiên Chúa, mà muốn đón nhận, tâm hồn con người phải hoàn toàn là mới, là rỗng; hay nói khác đi, con người cũ với đầy những thành kiến, quan điểm, tri thức, sự khôn ngoan thế tục – con người với cái tôi bành trướng thì không thể thu nạp, tiếp nhận được Lời – sự khôn ngoan của Thiên Chúa được, và Lời Chúa sẽ ra vô ích, như chiếc bầu da cũ kia bị vỡ làm rượu chảy mất và bầu cũng hư.
Và rồi, ta thấy bài học hết sức rõ ràng: không nên có thái độ nước đôi hoặc thỏa hiệp, mà phải dứt bỏ tận căn. Bài học này được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần khi nêu ra những điều kiện để vào Nước Trời: “Hãy bán tất cả, bố thí cho người nghèo, rồi đến theo Ta”, “Ai cầm cày mà còn ngó lại sau, thì không xứng với Nước Thiên Chúa”, “Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không xứng đáng làm môn đệ Ta”. Tóm lại, vì Ngài mà con người phải chấp nhận hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống mình.
Ai nào đó cố chấp trong cái cũ, bảo thủ trong cái tôi, coi mình là nhất, là hoàn hảo, người ta dừng lại và không khám phá được những cái mới, những điều hay, điều mới mẻ, điều tuyệt diệu của vũ trụ, vạn vật, của tâm hồn, của con người luôn biến thiên chuyển động và phát sinh phong phú nhờ tình yêu của Lời tác động. Phép lạ nơi tiệc cưới Canaan của Chúa Giêsu như một minh họa cho dụ ngôn hôm nay: Chúa Giêsu là “rượu mới” đã phá tan quan điểm bảo thủ của người Do Thái: “rượu cũ ngon hơn”, bởi ai cũng ngạc nhiên vì những chum rượu ngon tràn trề mà Chúa Giêsu ban tặng.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại niềm tin cơ bản trong cuộc sống hàng ngày. Thỏa hiệp vốn là cơn cám dỗ triền miên trong cuộc sống đạo của chúng ta: Muốn làm môn đệ Chúa Kitô, nhưng lại đeo đuổi những gì nghịch với Tin Mừng; đi theo Chúa Kitô, nhưng lại không muốn sống theo giáo huấn của Ngài; muốn là thành phần của Giáo Hội, nhưng lại chống báng Giáo Hội. Thỏa hiệp để được cả đạo lẫn đời như thế cũng chỉ là đánh mất bản thân mà thôi. Lời sách Khải huyền đáng được chúng ta suy nghĩ: Thà ngươi nguội lạnh hay nóng hẳn đi; nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta mửa ngươi ra khỏi miệng.
Nhìn lại đời ta, ta không có cái nhìn từ bi như Chúa, ta thường nhìn anh em bằng ánh mắt dò xét, khắt khe hẹp hòi. Và không chỉ thế, ta thường kết án nhau và ít bao dung tha thứ cho nhau. Ta thường xét nét với nhau và thiếu cảm thông trước những thiếu sót của anh chị em đồng loại. Ta xin Chúa tha thứ và giúp ta sửa đổi lại cung cách sống cho phù hợp với giới răn Chúa. Xin cho ánh mắt của ta nhìn tha nhân trong yêu thương, tôn trọng trong bao dung và tha thứ. Xin cho tình người của ta luôn được chan hòa sự bác ái và vị tha để mang lại hạnh phúc cho nhau, hơn là những sự hận thù và đầy đọa làm khổ lẫn nhau.
Xin Chúa nâng đỡ đức tin của ta để ta tiến bước theo Chúa, làm môn đệ Chúa với một đức tin tinh tuyền và làm chứng cho mọi người xung quanh.
Huệ Minh