Mẹ Giáo Hội Việt Nam: Hai chiếc thuyền hồng phúc của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy…”
Mẹ Giáo Hội Việt Nam ơi, con suy gẫm về hai chiếc thuyền hồng phúc của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy…”, mà thương Mẹ thuở hàn vi quá! Thuở ấy Mẹ không có những ngôi nhà Chủng Viện đồ sộ, không có những Tòa Nhà Giám Mục nguy nga, không có những Thánh Đường và Tu Viện to lớn bằng đá, bằng gạch và bằng bêtông cốt sắt, nhưng Mẹ sống đời lữ hành trong niềm vui đơn sơ của TIN-YÊU-HY VỌNG với tấm lòng kiên vững, sắt son, trung thành với Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô nghèo khó và chịu đóng đinh. Thương Mẹ, con muốn trở nên giống Mẹ, nhưng bằng cách nào đây?
Bên trái: Đức cha François Pallu (1626-84).
Bên phải: Đức Cha Pierre Lambert de la Motte (1624-1679)
Ngày 09.09.2009 Giáo Hội Việt Nam kỷ niệm 350 năm ngày thành lập hai Miền Truyền Giáo – mà một số tác giả gọi chưa chính xác lắm là hai “Giáo Phận” – Đàng Ngoài và Đàng Trong, với sự bổ nhiệm hai vị Giám Mục đại diện Tông Tòa đầu tiên cho hai Miền Truyền giáo ấy là Đức Cha Phanxicô Pallu và Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte, do quyết định của Đức Giáo Hoàng Alexander VII qua đoản sắc “Trên ngai tòa Phêrô” (“Super cathedram”) ban hành ngày 09.09.1659. Để ôn lại “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy…” và cũng để rút tỉa những bài học kinh nghiệm lịch sử cho ngày hôm nay, chúng tôi xin chia sẻ một vài khám phá nho nhỏ về sinh hoạt của Mẹ Giáo Hội Việt Nam thuở hàn vi…
*
Thuở ấy Mẹ Giáo Hội Việt Nam có hai chiếc thuyền hết sức độc đáo: Chiếc thuyền-Chủng viện, đã được một số sử gia giới thiệu cách trân trọng[1], và chiếc thuyền-Nhà Thờ Chính Tòa, hầu như chưa hề nghe ai nói tới bao giờ. Sự kiện này xảy ra trong thập kỷ 60 của thế kỷ XVII, vào thời Hội Thừa Sai Paris, thừa lệnh Tòa Thánh, đến Đông Á và Việt Nam nhận nhiệm vụ tổ chức và điều khiển công cuộc truyền giáo tại đây, thay thế nhóm thừa sai (chủ yếu là các tu sĩ Dòng Tên) đã hoạt động dưới trướng của quốc vương Bồ Đào Nha trên cơ sở chế độ “Bảo trợ truyền giáo” (Padroado). Sau đây chúng tôi trưng dẫn một vài sử liệu nguồn để giới thiệu hai chiếc thuyền dễ thương ấy cho độc giả Việt Nam.
Chủng viện đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam là một chiếc thuyền mành to thuộc quyền sở hữu của nhóm Kẻ Giảng trẻ do Thừa sai Phanxicô Deydier thuộc Hội Thừa Sai Paris quy tụ để đào tạo thành linh mục. Chính ngài đã để lại những trang Nhật Ký[2] quý báu, từ đó chúng tôi rút ra một số thông tin về những bước đầu của vị thừa sai hết sức nhiệt thành và năng động này và về chiếc thuyền-Chủng viện độc nhất vô nhị ấy. Ngày 22.08.1666 Cha Deydier tới Thăng Long trong tư cách Tổng Đại Diện của Đức Cha Pallu – và trực tiếp của Đức Cha Lambert de la Motte, vì Đức Cha Pallu đang ở Châu Âu. Ngài liên lạc ngay với ông Raphael Rhodes đang làm thông dịch viên cho Công Ty Đông Ấn của Hà Lan. Qua trung gian người học trò cũ này của giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), ngài bắt liên lạc với các thày giảng do các thừa sai Dòng Tên, đặc biệt Cha Đắc Lộ là vị sáng lập Hội Thày Giảng, đã dày công huấn luyện trong hơn 30 năm trời. Kể từ khi các Giêsu hữu bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài ngày 3 tháng 11 năm 1663, Giáo Hội tại đây không có linh mục nào hiện diện, và chỉ do các thày giảng cùng với các trùm trưởng điều hành về mọi mặt. Cha Deydier được thày Gioan Huệ, trưởng nhóm các thày giảng tại Thăng Long báo cáo cho biết: Giáo Hội Đàng Ngoài có khoảng 80.000 giáo hữu, với 10 thày giảng kỳ cựu từng tuyên khấn dưới thời các cha Dòng Tên, nay đã chết hai, còn tám. Trong số khoảng 45 đến 50 người đã cộng tác với các ngài trong tư cách Kẻ Giảng hoặc gia nhân, nay chỉ còn 15 bền đỗ, mà một ít người trong số đó lại không biết đọc biết viết. Chính ông Raphael đã cho họ vay tiền mua một chiếc thuyền mành to để chở thuê hàng hóa. Ngoài ra họ cũng có ít đất đai canh tác để nuôi nhau và lo việc chung.
Ngay từ đầu, 8 thày giảng kỳ cựu tỏ ra dè dặt, thậm chí nghi ngờ đối với Cha Deydier. Nhưng rồi cuối cùng, chắc hẳn do tiếng lương tâm thúc đẩy sau khi nghe những lời khuyên bảo chân tình và đầy uy tín của ông Raphael; họ chấp nhận đến gặp ngài vào chiều tối ngày 11.10.1666, trên chiếc thuyền của 15 Kẻ Giảng trẻ thường neo đậu trên sông Hồng không xa ngôi nhà của ông Raphael tại đất kinh kỳ Thăng Long. Cuộc tĩnh tâm bốn ngày ấy đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời các thày giảng già (gọi tắt là các “Thày già”, tức thày giảng bậc nhất) và các kẻ giảng trẻ (tức thày giảng bậc nhì), khi họ bị cuốn hút bởi bầu khí tĩnh niệm, thơ mộng của chiếc thuyền mành lênh đênh trên sông và nhất là bởi những lời huấn dụ xác tín và thánh thiện của cha tổng đại diện kiêm giám đốc Chủng Viện. Một thánh lễ kính Đức Chúa Thánh Thần, một giờ nguyện ngắm về ơn thiên triệu, rồi một bài huấn đức về lời Chúa hứa “Thày sẽ ban bình an của Thày cho anh em” trong ngày đầu tiên đã tác động đến tận chiều sâu mỗi tâm hồn, khiến mọi người ràn rụa nước mắt sám hối vì cảm thấy cần phải xin lỗi nhau và tha thứ cho nhau, rồi đoan hứa phục tùng các Đức Giám Mục đại diện Đức Giáo Hoàng và các Đấng thay mặt các ngài, đồng thời tạo sự bình an và hiệp nhất để phục vụ Dân Chúa đang trải qua muôn vàn khó khăn.
Sau bữa cơm trưa thân mật, “Đại Hội” đã thảo luận về chiếc thuyền mành và cư dân sống trong lòng nó. Mọi người biểu đồng tình với đề nghị của Cha Deydier mời gọi những Kẻ Giảng còn tương đối trẻ trung mà có khả năng dạy giáo lý, đi học thêm để hỗ trợ cho các thày giảng kỳ cựu. Cụ thể là những anh em nào có khả năng học chữ quốc ngữ và chữ La Tinh, mà đã quen phục vụ Miền Truyền Giáo, sẽ ưu tiên được nhận vào chủng viện trên thuyền. Cha Deydier chấm được 7 người trong số 15 Kẻ Giảng trung kiên ấy. Và các thày già hứa sẽ tuyển mộ thêm cho đủ số 12, như đoàn Tông Đồ xưa. Những Kẻ Giảng nào đã luống tuổi, mà lại không biết đọc biết viết, thì nhận nhiệm vụ bảo quản chiếc thuyền mành, canh tác ruộng đất của Nhóm và đi cõng những bệnh nhân từ nhà họ xuống thuyền để Cha Deydier ban các bí tích.
Chiếc thuyền-Chủng Viện ấy thật là tiện lợi và đa năng, vừa là nơi đào tạo các chủng sinh, vừa là phương tiện che giấu và chuyên chở vị thừa sai đi thăm viếng mục vụ tại các làng có đạo dọc hai bờ sông Hồng, lại thi thoảng có thể vào sông Ninh Cơ đi đến Bùi Chu, Kiên Lao. Thế nên Đại Hội quyết định không bán chiếc thuyền ấy.
Trong thực tế, ít ngày sau cuộc tĩnh tâm, các thày già đã gửi tới cho Cha Deydier tám ứng sinh mới, và ngài đã lập nên một tiểu chủng viện trên thuyền với 15 chứ không phải 12 chủng sinh. Và cũng trong thực tế, chiếc thuyền mành to ấy (mà Cha Deydier luôn gọi là “le grand bateau”) không chỉ là Tiểu Chủng Viện, mà còn là “Đại Chủng Viện” nữa, vì cha giám đốc cũng dạy kèm cho các thày già học thần học để tiến lên chức linh mục. Về việc đào tạo, cha giám đốc đã ứng dụng phương pháp “huấn luyện trong cuộc sống và qua cuộc sống” bằng cách tạo điều kiện cho các chủng sinh quan sát và tham gia trực tiếp các sinh hoạt mục vụ ngay trên thuyền và trên bờ, đồng thời ngài chia sẻ đời sống của các chủng sinh một cách đơn sơ, hòa đồng và gần gũi, nghĩa là huấn luyện bằng gương sáng.
Chúa đã chúc lành cho chiếc thuyền-Chủng Viện hồng phúc ấy, để nó trở thành lò đúc hàng giáo sĩ tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam. Hai linh mục đầu tiên của Đàng Ngoài là Gioan Huệ và Biển Đức Hiền, đã được đào tạo tại Chủng Viện nổi ấy, trước khi được Đức Cha Lambert phong chức năm 1668 tại Juthia, thủ đô Xiêm-la. Cha Deydier, vị thừa sai nhiệt thành và tận tụy, sẽ được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục đại diện Tông Tòa của Miền Truyền Giáo Đông Đàng Ngoài từ năm 1679, đã có công rất lớn trong việc đào tạo, chuẩn bị các tiến chức cho ngày trọng đại khó quên là lễ phong chức linh mục đầu tiên trên đất nước Con Rồng Cháu Tiên, do Đức Cha Lambert de la Motte cử hành trong tháng 1 năm 1670, cũng trên một chiếc thuyền, nhưng không phải thuyền-Chủng Viện, mà là thuyền-Nhà Thờ Chính Tòa như sẽ trình bày sau đây.
Một điều khá lạ, là nhiều sử gia đã sử dụng Nhật Ký của Đức Cha Phanxicô Deydier để giới thiệu chiếc thuyền-Chủng Viện hay “chủng viện nổi” độc đáo trên đây, nhưng không ai đã khai thác một tài liệu nguồn do Thừa Sai Giacôbê de Bourges để lại, trong đó ngài ghi rằng lễ phong chức linh mục đầu tiên trên đất nước Việt Nam đã diễn ra trên một chiếc thuyền. Sau đây chúng tôi xin trình bày các sử liệu có trong tay.
1. “Các tư liệu về hàng giáo sĩ Đàng Ngoài” (“Documents sur le clergé tonkinois”)
Do Đức Cha Louis Néez (1680-1764), thuộc Hội Thừa Sai Paris, viết vào khoảng năm 1750, nhưng chỉ được linh mục sử gia Adrien Launay xuất bản tại Paris năm 1925. Néez tới Đàng Ngoài năm 1715. Từ 1719 đến 1721 làm giáo sư Chủng Viện Vĩnh Trị. Năm 1738 được bổ nhiệm làm Giám Mục đại diện Tông Tòa Tây Đàng Ngoài. Các tư liệu của ngài về các thế hệ linh mục bản quốc của “thuở ban đầu” ấy rất quý báu. Riêng về cuộc lễ phong chức đầu tiên tại Đàng Ngoài, Đức Cha Néez viết như sau: “Tại thương điếm mà người ta phải xây dựng (dans la faiturie que l’on devait bâtir…) trên thửa đất do nhà vua đã hứa ban, Đức Cha hiệu tòa Bêrít (Lambert de la Motte), trong tháng 1 năm 1670, đã phong các chức thánh, kể cả chức linh mục, cho bốn thày giảng bậc nhất và ba thày giảng bậc nhì, đó là: Thày Martinô Mật 68 tuổi, Thày Antôn Quế 56 tuổi, Thày Philipphê Nhân 52 tuổi, Thày Ximong Kiên 60 tuổi, Thày Giacôbê Chiêu 52 tuổi, Thày Lêông Trụ 46 tuổi và Thày Vitô Trí chỉ mới 30 tuổi”[3] – Có tác giả, như Linh Mục Nguyễn Hữu Trọng, đã chấp nhận lời kể này mà không đưa ra bất cứ một nhận định phê bình nào. Chính Linh Mục Trọng viết lại câu văn của Đức Cha Néez như sau: “Cuộc lễ phong chức diễn ra trong tháng 1 năm 1670 tại ngôi nhà mà người ta đã bắt đầu xây dựng trên thửa đất do nhà vua nhượng cho tại Phố Hiến” (dans la maison qu’on avait commencé à bâtir sur le terrain concédé par le roi à Hiến)[4]. Đúng như Linh Mục Trọng đã xác định, thửa đất ấy nằm tại Phố Hiến, vì vua Lê chúa Trịnh chỉ cho phép người nước ngoài lập thương điếm tại đó, chứ không bao giờ cho phép lập tại thủ đô Thăng Long. Một câu hỏi cần giải đáp là: vào thời điểm tháng 1 năm 1670 ngôi nhà (hoặc thương điếm) ấy đã xây dựng xong chưa? Theo Đức Cha Néez, thì lúc đó “người ta phải xây”, có thể hiểu là còn phải xây nhưng chưa xây. Theo Linh Mục Trọng, “người ta đã bắt đầu xây”, và dĩ nhiên là chưa xong. Nếu đúng như thế, thì lời kể của cả hai tác giả đều có vẻ mâu thuẫn, vì nhà chưa xây, hoặc xây chưa xong, làm sao có thể tổ chức lễ phong chức tại đó? Đó là chưa tính đến khía cạnh an ninh trong bối cảnh của biết bao sắc lệnh cấm đạo do các chúa Trịnh, kể cả vị chúa đương kim Trịnh Tạc ban hành. Theo Đức Cha Lambert de la Motte, người trong cuộc, thì “trên thửa đất đáng kể (ấy) chúng tôi đã cho xây một ngôi nhà mà nay hai Cha Deydier và de Bourges đang ở”(…un fonds considérable, sur lequel nous avons fait bâtir une maison où demeurent MM. Deydier et de Bourges)[5]. Câu nói của Đức Cha Lambert trong thư đề ngày 20.10.1670 tại Xiêm-la gửi cho Cha Lesley đang ở Rôma không nhất thiết có nghĩa là khi diễn ra lễ phong chức trong tháng 1 năm 1670 tại Đàng Ngoài, ngôi nhà đã xây xong, vì rất có thể nó được xây giữa tháng 1 và tháng 9 hoặc tháng 10 năm ấy. Lá thư của Cha de Bourges viết cho Đức Cha Lambert ngày 09.10.1670 đã xác nhận khả năng thứ hai này: “Khi tàu buôn của ông Junet đã nhổ neo và căng buồm trở về Xiêm-la, Cha Deydier và con trở lại Phố Hiến để đốc thúc việc xây ngôi nhà mới của chúng con và chúng con lợi dụng cơ hội có nhiều thợ do chúng con phải thuê mướn để gọi các linh mục mà Đức Cha đã phong chức hầu có thể dạy thêm cho các ngài. Chúng con dành phần lớn thời gian ban đêm cho việc này và dâng thánh lễ vào khoảng 3 giờ sáng để các cha ấy có thể lui về các chiếc thuyền của mình trước khi trời sáng; rồi thời gian còn lại trong ngày Cha Deydier và con thay phiên nhau coi ngó công trình xây dựng”[6]. Đức Cha Lambert và Cha Bouchard đã lên chiếc tàu của ông Junet vào ngày 19.02.1670, ngay sau khi Đức Cha cử hành lễ khấn dòng cho hai nữ tu thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá là Anê và Paula sáng sớm hôm đó để trở về Xiêm-la. Như thế là quá rõ: ngôi nhà thương điếm mà chúa Trịnh Tạc đã ban phép cho phái đoàn thương gia Pháp do ông Junet dẫn đầu xây dựng tại Phố Hiến, chỉ hình thành sau khi Đức Cha Lambert rời Đàng Ngoài. Và để thực hiện phép ấy, hai Cha Deydier và de Bourges phải sắm vai “thương gia Pháp” trong một thời gian, mặc dầu trong thực tế “mặt hàng duy nhất” các ngài giới thiệu là “Phúc Âm được phân phối cho những người do lòng thương xót của Chúa lôi kéo tới”[7]. Đến đây chúng ta có thể vĩnh viễn loại trừ thông tin của Đức Cha Néez như là thiếu cơ sở thực tế. Nhưng để khẳng định sự kiện lịch sử: lễ phong chức đã diễn ra trên một chiếc thuyền, chúng ta phải khai thác thêm hai tư liệu nguồn mà cho đến hôm nay chưa ai chú ý tới.
Cần ghi nhận rằng trong các bút tích của mình, Đức Cha Lambert không hề nói lễ phong chức ấy đã diễn ra trong môi trường nào. Hơn ai hết, ngài biết rõ là trên một chiếc thuyền, nhưng phải chăng vì muốn bảo vệ an ninh cho các linh mục và thày giảng đang phải tiếp tục sử dụng những chiếc thuyền lớn, nhỏ cho hoạt động truyền giáo, nên ngài không tiết lộ chi tiết ấy? Và hiển nhiên Đức Cha Néez đã không biết hai tư liệu nguồn mà chúng tôi sắp khai thác. Dù sao thì tác phẩm của Đức Cha Néez cũng đã được viết ra 80 năm sau sự kiện. Nếu có những chứng từ hoặc nguồn thông tin đồng thời hoặc liền sau sự kiện thì vẫn đáng trân trọng hơn. Chúng tôi tình cờ tìm thấy hai chứng từ thuộc loại này, một của Linh Mục de Bourges thuộc Hội Thừa Sai Paris, một của Linh Mục Tissanier thuộc Dòng Tên, nay xin đưa ra ánh sáng để đính chính thông tin của Đức Cha Néez.
2. Bản Báo Cáo của Thừa sai de Bourges về những việc xảy ra tại Đàng Ngoài [8]
Linh Mục Giacôbê de Bourges (1630-1714) là một trong những người cộng sự sát cánh nhất của Đức Cha Lambert. Năm 1660-1662 ngài cùng đi với Đức Cha Lambert và Linh Mục Deydier từ Pháp sang Thái Lan. Năm 1669 ngài và Linh Mục Gabriel Bouchard tháp tùng Đức Cha Lambert từ Thái Lan sang Đàng Ngoài, tới Phố Hiến ngày 30.08.1669. Tại đây Đức Cha đã có ý định tấn phong ngài làm Giám Mục để gửi sang Trung Hoa, nhưng vì tình hình khó khăn không cho phép đi vào đế quốc Đại Minh nên Đức Cha không thực hiện ý định của mình. Cuối cùng vào năm 1679, Cha de Bourges được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục đại diện Tông Tòa Miền Truyền Giáo Tây Đàng Ngoài cùng một lúc với Cha Deydier làm Giám Mục đại diện Tông Tòa Đông Đàng Ngoài. Trở về lại với thời điểm đầu tháng 9 năm 1669, chúng ta biết Trịnh Tạc đã có những biện pháp siết chặt đối với “Đạo Hoa Lang”, vì vào tháng 4 năm ấy ba thừa sai Dòng Tên do Cha Fuciti dẫn đầu lén lút vào lại Đàng Ngoài “với một chiếc tàu chở đầy hàng hóa” từ Macao[9], trái lệnh cấm của vị chúa đương kim là thẩm quyền đã trục xuất các Giêsu hữu hồi năm 1663. Cha Deydier ở Thăng Long từ năm 1666, mà phần lớn thời giờ của ngài được dành cho nhóm chủng sinh trên chiếc thuyền-Chủng Viện, nay không còn được tự do đi lại hoặc tổ chức hội họp dễ dàng như trước nữa, nên đã đưa thuyền-Chủng Viện xuống Phố Hiến, cách thủ đô khoảng 50 cây số về phía đông nam, để dễ tiếp xúc hơn với Đức Cha Lambert và hai vị thừa sai mới tới. Vả lại chính Đức Cha muốn rằng việc chuẩn bị chịu chức thánh của các tiến chức phải kéo dài ít nhất ba tháng liên tiếp[10] với sự tiếp tay của hai cha mới tới và của chính Đức Cha.
Chính Cha de Bourges, trong Bản Báo Cáo nêu trên, khi kể lại những lần quan quân triều đình lùng sục, bắt bớ người có đạo, đã cung cấp thông tin quý hiếm sau đây: “Một giáo hữu ngoan đạo kia tên là Antôn bị một đầy tớ bên lương của mình phản bội nên bị bắt cùng với vợ và hai con gái nhỏ. Cả nhà bị điệu tới trước mặt quan Tổng Trấn. Thấy hai bé gái khóc lóc thảm thương, quan bèn ra lệnh tha cho chúng về nhà cùng với mẹ chúng. Còn Antôn bị đem vào tù giam chung với Cha Deydier. Ông bị ép buộc viết tờ khai chối bỏ đức tin, nhưng vốn là người đã sẵn sàng cho Đức Cha Lambert mượn chiếc thuyền của mình trong hơn hai tháng để ngài làm các việc đạo, thay vì giữ thuyền lại để buôn bán làm ăn, chính trong chiếc thuyền đó ngài đã phong chức cho các linh mục Đàng Ngoài, nên ông chẳng ngạc nhiên chút nào khi thấy mình bị đe dọa đủ cách. Vì bị dồn ép, nên ông đã viết lời khai sau đây: “Tôi, Antôn, khai nhận rằng mình đã bị bắt và đưa vào tù chỉ vì lý do là người có đạo và đã chưng bày tượng ảnh trái lệnh cấm của nhà vua. Nếu tôi còn bị bắt lần nữa vì những chuyện tương tự, thì tôi sẵn lòng chịu quan trừng phạt tùy ý quan, kể cả bị giết. Tôi tuyên bố: tôi sẵn lòng chấp nhận tất cả”[11].
Chứng từ của Linh Mục de Bourges có giá trị thuyết phục đặc biệt vì chính ngài đã có mặt tại cuộc lễ truyền chức; và các thông tin ngài cung cấp quý giá vô cùng. Thông tin thứ nhất là Đức Cha Lambert đã sử dụng chiếc thuyền của ông Antôn trong hơn hai tháng “để làm các việc đạo” (pour y faire les exercices de la religion). Trong lá thư đề ngày 9.10.1670 kính gửi Đức Cha Lambert, Cha de Bourges nhắc lại chuyện “người giáo hữu tốt lành đã cho Đức Cha mượn chiếc thuyền của mình lâu dài (longtemps) để Đức Cha dâng thánh lễ”[12]. Thời gian “hơn hai tháng”, được diễn tả lại cách khác là “lâu dài”, có thể hiểu là khoảng ba tháng, chắc kéo dài đến lúc Đức Cha Lambert rời Phố Hiến vào ngày Lễ Tro ngày 19.02.1670, sau khi ngài nhận lời khấn của hai chị nữ tu Mến Thánh Giá tiên khởi Anê và Paula để trở về Xiêm-la[13]. Như thế ông Antôn đã cho Đức Cha mượn thuyền từ khoảng giữa tháng 11 năm 1669. Thông tin thứ hai, quý giá nhất, chính là lễ phong chức linh mục trên chiếc thuyền hiếm có ấy. Cụm từ “làm các việc đạo” trong bản báo cáo, chắc chắn bao gồm việc “dâng thánh lễ” được đề cập trong lá thư, và chắc chắn việc “phong chức cho các linh mục Đàng Ngoài” trong chiếc thuyền của ông Antôn cũng gắn liền với thánh lễ. Ít nhất chứng từ của Đức Cha de Bourges đủ để cho mọi người biết chắc chắn hai sự thật lịch sử: Đức Cha Lambert đã thường xuyên dâng thánh lễ trong khoảng ba tháng trời trên chiếc thuyền của ông Antôn, và nhất là đã phong chức cho bảy linh mục Việt Nam trên chiếc thuyền ấy vào một ngày đẹp trời của tháng 1 năm 1670, và vì thế chiếc thuyền ấy đáng được gọi là Nhà Thờ Chính Tòa của Đức Cha Lambert de la Motte, Nhà Thờ Chính Tòa đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam.
3. Lá thư của cha Dòng Tên Tissanier
Trong một lá thư viết tại Xiêm-la ngày 7 tháng 11 năm 1670, Cha Tissanier đưa tin như sau: “Năm ngoái, Đức Cha Bêrít (tức Lambert de la Motte) đã đến Đàng Ngoài với hai linh mục của mình (là Cha de Bourges và Cha Bouchard). Tại đó ngài gặp Linh Mục Deydier là con người đang làm nhiều điều lố lăng (beaucoup d’extravagances) và muốn cải tổ những gì (Dòng Tên) chúng ta đã làm. Hai linh mục kia ăn mặc như thương gia thì có được đôi chút tự do, còn Đức Cha Bêrít không bao giờ ra khỏi thuyền; chính trên chiếc thuyền ấy ngài ban phép Thêm Sức cho nhiều giáo hữu và truyền chức Thày cả cho bảy linh mục Đàng Ngoài đã một thời là những thày giảng hoặc người giúp việc của chúng ta; họ chẳng mấy ngang tầm với thừa tác vụ cao cả ấy”[14].
Đức Cha de Bourges đã dùng từ tiếng Pháp “bateau” để nói về chiếc thuyền do ông Antôn cho Đức Cha Lambert mượn, còn Cha Tissanier dùng từ “vaisseau” mà không xác định là tàu hoặc thuyền của ai cho Đức Cha sử dụng. Có thể ngài nghĩ tới chiếc tàu buôn (vaisseau) của ông thương gia Pháp Junet neo đậu 6 tháng tại Phố Hiến, trong chiếc tàu đó, đôi lúc các thừa sai Pháp đến tá túc và tiếp giáo dân?[15]. Nhưng đối với sinh hoạt của Đức Cha Lambert tại Phố Hiến, thì chứng từ của Cha de Bourges là chắc chắn và đáng tin nhất: Đức Cha “làm các việc đạo” trên chiếc thuyền do ông Antôn cho ngài mượn, chứ không phải trên tàu buôn của ông Junet. Ngoài chi tiết từ ngữ đó ra, hai hành động của Đức Cha do Cha Tissanier kể lại là ban bí tích Thêm Sức (thường diễn ra trong thánh lễ) và truyền chức linh mục, thì rõ ràng khớp hoàn toàn với chứng từ của Đức Cha de Bourges, vì hai hành động ấy đều là “làm việc đạo”. Như thế lá thư của Cha Tissanier cung cấp thêm một bằng chứng quý giá cho sự kiện lịch sử: Đức Cha Lambert đã cử hành lễ phong chức linh mục đầu tiên tại Đàng Ngoài trên một chiếc thuyền, mà bây giờ chúng ta biết chắc chắn là thuyền của ông giáo dân ngoan đạo Antôn. Hẳn nhiên chính các thày giảng do các cha Dòng Tên đào tạo trước đây mà nay tỏ thái độ không phục tùng các Đức Giám Mục đại diện Tông Tòa và các linh mục của Hội Thừa Sai Paris đã cung cấp thông tin khá chính xác trên đây cho Cha Tissanier.
Thay lời kết
Thuyền-Chủng Viện và thuyền-Nhà Thờ Chính Tòa là hai chiếc thuyền “đầu não” đã đóng một vai trò quyết định trực tiếp đối với tương lai của Miền Truyền Giáo Đàng Ngoài, và gián tiếp đối với Miền Truyền Giáo Đàng Trong. Sử gia Launay đã không ngần ngại ví von các chiếc thuyền Đàng Ngoài ấy với các Hang Toại Đạo của Giáo Hội Roma thời cấm cách[16].
Nếu ai thắc mắc: làm thế nào tổ chức được lễ phong chức trên một chiếc thuyền, không những cho 7 linh mục, mà còn phong các chức nhỏ cho 48 thày giảng nữa, thì chúng ta có cơ sở thực tế để giải đáp: chắc hẳn chiếc thuyền của ông Antôn là loại thuyền mành to – loại thuyền dùng vào việc buôn bán làm ăn, vì ông thuộc hạng khá giả, có nhiều đầy tớ, cả bên lương lẫn bên giáo, và còn có thêm chiếc thuyền-Chủng Viện cũng là thuyền mành to nữa. Hai thuyền ấy cặp kè nhau tại một góc vắng nào đó của sông Hồng chắc hẳn có đủ chỗ cho khoảng 100 người có thể tham dự thánh lễ một cách an toàn, đó là chưa kể những thuyền nhỏ hơn mà các thày giảng thường dùng để đi lại và ban tổ chức có thể điều động dễ dàng theo lô gích của “cái khó làm ló cái khôn”, được củng cố bởi ơn khôn ngoan của bí tích Thêm Sức đối với con nhà có đạo.
Chứng từ của Đức Cha de Bourges và Cha Tissanier cho chúng ta biết chắc chắn: ít nhất lễ truyền chức linh mục đầu tiên ở Đàng Ngoài đã diễn ra trên chiếc thuyền của ông giáo dân Antôn suýt được phúc Tử Đạo ấy. Chúng tôi lý luận thêm rằng lễ khấn dòng đầu tiên tại đất nước Con Rồng Cháu Tiên vào ngày Lễ Tro 19.02.1670 cũng đã diễn ra trên chiếc thuyền đó, và nhất là Công Đồng đầu tiên của Miền Truyền Giáo Đàng Ngoài cử hành ngày 14.02.1670 tại Phố Hiến cũng diễn ra trên chiếc thuyền hồng phúc độc nhất vô nhị ấy, vì cử hành một Công Đồng địa phương cũng là “làm việc đạo”. Như đã trình bày trên đây, vào thời điểm tháng 1 và cả tháng 2 nữa của năm 1670, lúc mà thương điếm của người Pháp chưa xây xong, thậm chí chưa khởi công xây, thì chiếc thuyền của ông Antôn, đã từng là nơi cử hành lễ phong chức, phải là nơi thuận tiện nhất để cử hành Công Đồng và lễ khấn dòng nói trên. Theo Cha Tissanier, Đức Cha Lambert không bao giờ rời khỏi chiếc thuyền của mình, chủ yếu vì lý do an ninh, thì hẳn nhiên các thánh lễ phong chức, khấn dòng và “các việc đạo” như cử hành Công Đồng Đàng Ngoài, do ngài chủ trì, chỉ có thể diễn ra trên chiếc thuyền-Nhà Thờ Chính Tòa ấy thôi. Hầu hết các sử gia, cũng giống như Đức Cha Lambert, chỉ ghi lại điều chính yếu là sự kiện lịch sử, mà không mô tả nhiều hoặc tí nào các chi tiết tạo nên bối cảnh sinh động của sự kiện ấy. May thay, có những người như Đức Cha de Bourges và Cha Tissanier cung cấp cho chúng ta một vài chi tiết thú vị, mang nhiều ý nghĩa nhân văn và linh đạo, gắn liền với cuộc lễ phong chức linh mục đầu tiên tại đất nước chúng ta.
Chiếc thuyền đơn sơ mộc mạc của một giáo dân, cũng mộc mạc đơn sơ và rộng lòng như chiếc thuyền của mình, đã được vinh dự trở thành Nhà Thờ Chính Tòa của Đức Cha Lambert, vị Giám Mục thực thụ đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam, vì Đức Cha Pallu là Giám Mục đầu tiên của Đàng Ngoài trên danh nghĩa và trên văn bản. Chính Đức Cha Lambert là người cha đã sinh ra hàng giáo sĩ Việt Nam cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong, đã thành lập dòng Mến Thánh Giá là dòng nữ đầu tiên tại đất nước này, và, thông qua Công Đồng Phố Hiến, đã tổ chức Giáo đoàn Việt Nam, do Dòng Tên khai sinh, thành Giáo Hội với đầy đủ cơ cấu phẩm trật, theo đúng ý muốn của Tòa Thánh.
Mẹ Giáo Hội Việt Nam ơi, con suy gẫm về hai chiếc thuyền hồng phúc của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy…”, mà thương Mẹ thuở hàn vi quá! Thuở ấy Mẹ không có những ngôi nhà Chủng Viện đồ sộ, không có những Tòa Nhà Giám Mục nguy nga, không có những Thánh Đường và Tu Viện to lớn bằng đá, bằng gạch và bằng bêtông cốt sắt, nhưng Mẹ sống đời lữ hành trong niềm vui đơn sơ của TIN-YÊU-HY VỌNG với tấm lòng kiên vững, sắt son, trung thành với Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô nghèo khó và chịu đóng đinh. Thương Mẹ, con muốn trở nên giống Mẹ, nhưng bằng cách nào đây?
Phi Khanh Vương Đình Khởi, OFM
————
[1] Xem – Adrien Launay, Histoire générale de la Société des Missions-Eùtrangères, tome I, Paris 1894, trang 132; – Henri Chappoulie, Aux origines d’une Église. Rome et les Missions d’Indochine au XVIIe siècle. Tome I, Paris 1943, trang 218-219; -Jean Guennou, Missions Étrangères de Paris, Le Sarment Fayard, 1986, trang 146; – Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công Giáo Việt Nam. Tập I: Thời kỳ khai phá và hình thành. Chuong XV: Công Giáo Đàng Ngoài những năm bắt đầu của Hội Truyền Giáo Nước ngoài Paris (1666-1698), đăng trong nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc, số 66, Tháng 5.2000, trang 109- 128, đặc biệt trang 113-116; – Lê Ngọc Bích, Nhân vật Công Giáo Việt Nam. Tập I: Giáo Dân, Tu Sĩ, Linh Mục Thế Kỷ XVII, Tp.HCM năm 1998, trang 277.
[2] Xem Journal de M. Deydier, AMEP (= Archives des Missions Étrangères de Paris), tập 666, trang 26, xuất bản trong Adrien Launay, Histoire de la Mission du Tonkin. Documents Historiques I (1658-1717), Paris 1927, trang 25-35.
[3] Xem Documents sur le clergé tonkinois, par Mgr. Néez, AMEP, tập 670, trang 10, trích dẫn trong Adrien Launay, Sđd Histoire de la Mission du Tonkin, trang 89.
[4] Xem Nguyễn Hữu Trọng, Les origines du clergé Vietnamien (luận án tiến sĩ thần học trình tại Đại Học Công Giáo Paris năm 1955), xuất bản tại Sàigòn năm 1959, trang 206.
[5] Xem Đức Cha Lambert De La Motte, Thư gửi Cha Lesley ngày 20.10.1670, nguyên bản tiếng Pháp trong Adrien Launay, sđd Histoire de la Mission du Tonkin, trang 111; bản dịch tiếng Việt của Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá trong Tiểu sư û- Bút tích Đức Cha Phêrô-Maria Lambert de la Motte, Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá, tái bản lần thứ nhất 1998, câu 2, trang 135-136.
[6] Xem Thư Cha de Bourges kính gửi Đức Cha Lambert de la Motte ngày 09.10.1670, AMEP tập 650, trang 197, do A. LAUNAY xuất bản trong Sđd Histoire de la Mission du Tonkin, trang 120.
[7] Xem thư Cha de Bourges gửi anh trai của mình ngày 17.02.1670, AMEP tập 650, trang 194, 227 do A. Launay xuất bản trong Sđd L’histoire de la Mission du Tonkin, trang 119.
[8] Xem Relation de ce qui s’est passé au Tonkin par M. de Bourges trong AMEP, tập 677, trang 231, do A. Launay xuất bản trong Sđd Histoire de la Mission du Tonkin, trang 126-133, chính xác là trang 132.
[9] Xem thư Đức Cha Lambert de la Motte đệ trình Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX ngày 12.10.1670, trong Archivio Storico, S.O.C.P. Indie Orientali, bản dịch của Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo MTG, Sđd, câu 6-10, trang 129.
[10] Xem Sđd. Thư đệ trình ĐGH Clêmentê IX, câu 18, trang 130.
[11] Xem A. Launay, Sđd Histoire de la Mission du Tonkin, trang 132.
[12] Xem AMEP, tập 650, trang 207, trích dẫn trong A. LAUNAY, Sđd Histoire de la Mission du Tonkin, trang 132, cước chú 1.
[13] Xem Bức tâm thư do Đức Cha Lambert viết ngày 26.02.1670 tại Cửa Khẩu Đàng Ngoài gửi cho hai Nữ tu Anê và Paula, xuất bản trong A. Launay, Sđd Histoire de la Mission du Tonkin, trang 104-105, bản dịch tiếng Việt của Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo MTG trong Tiểu sử – Bút tích Đức Cha Phêrô-Maria Lambert de la Motte, Đấng Sáng Lập Dòng MTG, 1998, trang-127, đặc biệt câu 3.
[14] Xem AMEP, tập 857, trang 223, do A. Launay xuất bản trong Sđd Histoire de la Mission du Tonkin, trang 111.
[15] Xem Relation du voyage de Mgr Lambert de la Motte au Tonkin, trong AMEP tập 677, trang 212, do A. Launay xuất bản trong Sđd Histoire de la Mission du Tonkin, trang 109-110.
[16] Xem A. Launay, sđd Histoire générale…, trang 126.
nguồn: Bản tin Hiệp Thông số 41 của HĐGMVN