Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Gioan Tông Đồ, “người môn đệ Đức Giêsu thương mến” và là tác giả sách Tin Mừng thứ IV. Trong Tin mừng này, thánh nhân đã đọc lại các biến cố cuộc đời Chúa Giêsu dưới ánh sáng đức tin. Qua sự kiện ngôi mộ trống, ngài đã đi từ cái “thấy” bằng đôi mắt thể lý đến cái “thấy” bằng đôi mắt đức tin. Từ “ngôi mộ không còn xác Thầy”, thánh Gioan đã tin rằng Thầy mình đã sống lại.
Dưới ánh sáng đức tin chúng ta nhận ra bàn tay Thiên Chúa đang ôm ấp, chở che, nâng niu và dẫn dắt chúng ta từng bước trên đường sự thật để đến sự sống.
Gioan cũng được kêu gọi như bao nhiêu người khác, đang vá lưới cùng với anh và cha là Giêbêđê thì hai anh em được kêu gọi trở thành kẻ chài lưới người. Hai người đã từ giã cha mà đi theo Ngài. Ông cũng không phải là kẻ ôn nhu nhưng là kẻ nóng nảy và được biệt danh là con của “sấm sét” được gán cho hai anh em khi hai người xin lửa bởi trời thiêu đốt dân thành Samaria, vì họ không chịu tiếp đón Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu đã quở trách hai ông và có lẽ nhờ vào lời quở trách này mà Gioan biết nhìn vào Chúa Giêsu hơn, vì Ngài là Ðấng đến để cứu chữa chứ không phải để trừng phạt. Càng nhìn vào Chúa Giêsu, Gioan lại càng yêu mến Ngài hơn. Nhưng rồi sau khi đã thưa được trước chén đắng Ngài trao cho thì Gioan đã sẵn sàng cất bước theo Ngài trên con đường tử nạn. Dù rằng lúc này quanh ông chỉ còn đầy những khuôn mặt sát khí muốn giết chết cả Thầy lẫn trò, nhưng Gioan vẫn kiên trung theo Thầy dù các bạn đồng môn đã bỏ trốn và người anh cả Phêrô đã chối Thầy.
Tin mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta thấy hình ảnh vị tông đồ được Đức Giê-su thương mến – tông đồ Gioan – đầy tình yêu, sự nhanh nhẹn, năng nổ và nhiệt huyết. Những yếu tố đó đã khiến cho vị tông đồ trẻ khi nghe nói: “Người ta đã lấy mất xác thầy!” thì liền tức tốc cùng với tông đồ trưởng chạy ra mộ. Tuy nhiên, vị tông đồ trẻ cũng thật dễ thương trong thái độ khiêm tốn, biết kính trọng cương vị của tông đồ trưởng Phê-rô nên cho dù chạy tới trước, ngài vẫn biết khép mình để cho huynh trưởng bước vào rồi mới vào theo sau.
Cả hai tông đồ Phê-rô và Gioan đều thấy – Họ đã thấy những gì? Họ thấy không còn xác Chúa đúng như lời bà Maria Madalena đã nói; họ chỉ thấy khăn liệm và băng vải; nhưng Gioan đã tin – Ông tin không phải xác thầy bị đánh cắp như trí tưởng thường tình của con người suy nghĩ, mà tin rằng Thầy đã phục sinh. Làm sao Gioan lại tin Đức Giê-su đã phục sinh? Ông tin là do cả một tiến trình sống gần gũi cùng thầy, hấp thụ lời thầy giảng dạy, và đồng thời trong sự nhạy bén của tình yêu; Gioan đã nhận ra dấu chỉ thầy đã sống lại trong cách thầy xếp gấp những băng vải, khăn liệm vàdựa vào lời thầy đã nói khi còn sống – Đó là những tín hiệu mà nếu không phải là người tinh tế, quan tâm, có mối thâm tình với Đấng mình yêu mến thì khó có thể nhận ra. Gioan đã thấy và đã tin! Còn tôi, tôi có thấy những dấu hiệu của Thiên Chúa và tin không?
Tình yêu đáp đền tình yêu. Tình yêu đặc biệt mà Gioan dành riêng cho Đức Giê-su đã khiến ông nhận ra những điều mà người khác không nhận ra; khiến ông thấy được những điều mà người khác không thấy, đó là: Đức Giê-su đã Phục sinh! “Ông đã thấy và ông đã tin.” (c. 8b) Ông đã thấy gì? Thấy những tấm khăn liệm được xếp lại, khăn che đầu Đức Giê-su được xếp riêng ra một nơi… Phê-rô cũng thấy thế, nhưng trong cái nhìn tinh tế của tình yêu, Gioan đã nhận ra cách sắp xếp của Thầy, nhớ lại những lời Thầy đã nói; ông đã nhận ra nơi những thứ đó như tín hiệu của sự phục sinh. Tình yêu đã chắp cánh phượng hoàng cho Tin mừng mà ngài loan báo – chất chứa mầu nhiệm cao siêu và ưu việt của Thiên Chúa.
Người tín hữu kitô hôm nay phải đối diện với nhiều thách đố trong đời sống đức tin, nhưlối sống thực dụng, coi nhẹ các giá trị thánh thiêng… hay khi tình yêu bị phản bội, hạnh phúc bị chia lìa, tâm hồn đang lún sâu trong vũng lầy tội lỗi, không tìm ra giá trị và ý nghĩa cho cuộc sống mình. Những thử thách này có thể làm cho đức tin chao đảo, suy yếu nhưng cũng là dịp để rèn luyện, củng cố đức tin. Trong những hoàn cảnh ấy, chúng ta hãy nhớ lại lời Thầy Giêsu mời gọi: “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33). Chỉ có sự can đảm trong đức tin mới giúp chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa đang hiện diện và yêu thương nhìn chúng ta. Chính Ngài lèo lái con thuyền đời ta ngang qua những lựa chọn và quyết định phù hợp với thánh ý Ngài.
Mừng mầu nhiệm Giáng sinh, chúng ta được mời gọi suy gẫm về mầu nhiệm Phục sinh, và được mời gọi dâng hiến tình yêu cho Thiên Chúa. Như tông đồ Gioan, mỗi người chúng ta cần thiết lập mối tương quan thân tình với Đức Giê-su Ki-tô – Đấng hằng yêu thương chúng ta. Người yêu thương chúng ta trước và mời gọi chúng ta đáp lại bằng cuộc sống đức tin trong việc thực thi lời Người truyền dạy. Mỗi người chúng ta cần phải thấm nhuần Lời Chúa để có được sự tinh tế, nhạy bén nhận ra ý muốn của Thiên Chúa trong mọi biến cố của đời sống; để mỗi ngày chúng ta biết sống quảng đại hơn, yêu thương nhiều hơn, kiên nhẫn, thứ tha, chia sẻ và phục vụ cách vô vị lợi.
Nhìn vào hang đá Be-lem, chúng ta nhìn thấy sự sống động của mầu nhiệm Tình yêu Nhập thể. Thiên Chúa không xa vời, nhưng Người hiện hữu, khóc, nói, cười và chung chia kiếp sống con người. Người đã chết, đã phục sinh và trở nên nguồn hy vọng cho con người. Ngôi Lời Thiên Chúa – Đức Giê-su Ki-tô đã làm người và trở nên mẫu mực cho đời sống con người trong tình yêu phục vụ không ngơi nghỉ, đầy lòng khoan dung, nhân hậu và xót thương. Ngài làm người để nâng chúng ta lên hàng con cái Thiên Chúa. Ngài đã trải qua kiếp sống con người, chịu chống đối, bách hại, khổ đau trong việc rao truyền và bảo vệ sự tinh ròng của ánh sáng chân lý Chúa. Ngài chết và đã phục sinh bởi vì Ngài là nguồn mạch sự sống của mọi sinh linh, mọi thọ tạo mà Thiên Chúa Cha đã đặt dưới chân Ngài.
Kính nhớ Thánh Gioan, vị Tông đồ của tình yêu, chúng ta xin thánh nhân giúp chúng ta biết noi gương người sống tương quan thân tình với Đức Giê-su để cảm nhận được tình yêu đích thực ngài dành cho mỗi người chúng ta – rất riêng và rất cá vị – cho dù con người chúng ta còn nhiều tội lỗi xấu xa và khuyết điểm.
Xin cho mỗi người chúng ta được đụng chạm cụ thể đến tình yêu Thiên Chúa, để như thánh Gioan, chúng ta có thể kêu lên: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là lời sự sống. Quả vậy sự sống đã được tỏ bày, Chúng tôi đã thấy và đã làm chứng, Chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời…”
Huệ Minh