1. Gia đình Kitô giáo là chiếc nôi của sự sống và tình thương
Đức Chúa là Thiên Chúa phán, “Con người (*) ở một mình thì không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.” (St 2,18), và Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người (St 2, 21-22).
Từ những đoạn sách Sáng thế trên đây, chúng ta nhận ra, Eva được tạo dựng từ Adam, giống Adam, và cả hai nên một (St 2, 24); (Mt 19, 5-6). Sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người…” – là Gia đình (Cđ. Vat. II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 12).
Sau khi Thiên Chúa sáng tạo nên con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ và Thiên Chúa phán với họ, “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” (St, 1,28).
Từ lời Chúa đã dẫn, chúng ta nhận ra Adam và Eva, cả hai cùng tham gia và cùng có trách nhiệm vào việc sinh sản khiến họ trở thành người cọng sự với Thiên Chúa trong kế hoạch yêu thương của Ngài đối với nhân loại.
Chính vì vậy, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông Huấn Christifideles Laici (Tông huấn về Ơn gọi và Sứ mệnh người giáo dân), số 40, khẳng định, “Gia đình là chiếc nôi của sự sống và tình thương”.
2. Gia đình Kitô giáo vượt trên các gia đình
Đức Giêsu được sinh ra và lớn lên trong một gia đình cụ thể, chấp nhận những đặc điểm của gia đình (ĐGH Phaolô VI, Diễn văn ngày 05/01/1964 tại Nazareth), và đem lại cho định chế gia đình phẩm giá cao quý nhất, đó là biến gia đình thành thành một bí tích của giao ước mới (Mt 19,3-9).
Do đó, Gia đình Kitô giáo vượt trên các gia đình bình thường vì những bậc làm cha mẹ đã thề hứa trước mặt Chúa và Giáo Hội rằng, họ sẽ yêu thương và kính trọng nhau suốt đời. Đặc biệt, lời hứa đón nhận, nuôi dưỡng con cái mà Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh.
Gia đình Kitô giáo với việc giáo dục con cái
Đã có nhiều Đấng bậc trong Giáo Hội, nhiều văn kiện của Giáo Hội nói đến gia đình, đặc biệt đến việc giáo dục con cái. Ở đây, chúng ta xét xem điều gì là tiên quyết của việc giáo dục con cái dưới một góc nhìn của Giáo huấn Xã hội Công giáo?
GHXHCG số 238, trích lời phi lộ trong Hiến chương về Quyền Gia đình, Vatican, 1983, gia đình chính là “cộng đồng yêu thương và liên đới, nơi duy nhất thích hợp để dạy dỗ và truyền đạt các giá trị văn hóa, đạo đức, xã hội, tâm linh và tôn giáo, rất cần cho các thành viên của gia đình và xã hội được phát triển và hạnh phúc”. Như vậy, để làm tốt việc giáo dục con cái điều tiên quyết là phải làm cho gia đình mình trở thành một cộng đồng yêu thương và liên đới vì đó là nơi duy nhất thích hợp cho việc giáo dục con cái.
Thật vậy,
1. Gia đình được xây dựng trên chính bản tính của tình yêu vợ chồng.
Gia đình đặt nền tảng trên sự lựa chọn tự do của hai vợ chồng muốn kết hợp với nhau trong hôn nhân, đồng thời trên sự tôn trọng ý nghĩa và các giá trị của định chế hôn nhân, tức là sự cọng tác thân mật trong sự sống và tình yêu, do Thiên Chúa thiết lập.
Định chế hôn nhân không phải là kết quả của những thỏa thuận của con người, sự ràng buộc của luật pháp, nhưng ổn định là do quyết định của Thiên Chúa (Cđ Vat. II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 48). Nó được khai sinh do một hành vi nhân linh, qua đó hai bên trao phó bản thân mình cho nhau, và được xây dựng trên chính bản tính của tình yêu vợ chồng (GHXHCG, số 215).
2. Vợ, chồng là những nhân vị trong gia đình.
Chính nhờ tình yêu, vốn là thực tại căn bản để định nghĩa hôn nhân và gia đình, mà mỗi người, nam hay nữ, được nhìn nhận, được chấp nhận, và được tôn trọng theo đúng phẩm giá của mình – Nhân vị (GHXHCG số 221).
3. Gia đình là một cộng đồng các ngôi vị.
Vì tình yêu vợ chồng, khiến hai bên dứt khoát dấn thân cho nhau (GLCG 1639), điều đó nói lên mối quan hệ giữa vợ – chồng, cha mẹ – con cái, rộng hơn mọi thành phần trong gia đình in đậm sự tôn trọng quyền lợi, nghĩa vụ của nhau, sự bổ trợ lẫn nhau, và tính liên đới giữa mọi người trong gia đình (GHXHCG, số 215).
Đến đây, có thể nói, gia đình là một cộng đồng các ngôi vị, do đó về phương diện giáo dục, cha mẹ cần phải quan tâm đặc biệt tới con cái – là những nhân vị, hồng ân của Thiên Chúa, bằng cách phát triển lòng quý mến sâu xa phẩm giá riêng của chúng, tôn trọng và quảng đại lưu tâm đến các quyền lợi của chúng, … (GHXHCG, số 244).
Có thể nói ?
Tình yêu vợ chồng, con cái làm cho mọi thành viên trong gia đình tôn trọng nhau như những nhân vị, biết bổ trợ nhau và liên đới với nhau; ngược lại, điều mà nhiều người trong chúng ta không dễ nhận ra, là nhờ biết tôn trọng, bổ trợ nhau, liên đới với nhau, mà gia đình trở thành cộng đồng yêu thương và liên đới – môi trường sống (GHXHCG, số 212), trong đó con cái “phát triển các tiềm năng của mình, ý thức về phẩm giá của mình, và chuẩn bị đối mặt với định mệnh độc nhất và duy nhất của mình” (Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus – Bách Chu niên, số 39).
————————————–
(*) “con người” ở đây có thể hiểu là Ađam.
Tôma Hoàng Kim Khánh