Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser
Trong quyển sách bán chạy The Closing of the American Mind – Sự khép kín của đầu óc Mỹ, Allan Bloom mô tả một vị giáo sư đương thời, mang ảo tưởng giải phóng con người bằng cách phá bỏ các cấm kỵ:
Ông làm tôi nhớ lại thằng bạn hồi tôi bốn tuổi, nó trịnh trọng chạy đến nói với tôi là không có ông già Noel, nó muốn làm cho tôi thấy sự thật… Tôi chỉ thấy nó muốn khoe và tỏ ra hiểu biết hơn tôi… Hãy nghĩ đến tất cả những gì chúng ta học trên thế giới từ sự tin tưởng vào con người cũng như vào ông già Noel, và những gì chúng ta học về tâm hồn của những người tin vào đó. Ngược lại, sự cắt bỏ một cách có hệ thống tâm hồn khỏi tưởng tượng (óc tưởng tượng làm chúng ta tin vào những chuyện đó), thì không làm lợi cho sự hiểu biết của tâm hồn, nó chỉ làm trì trệ và phá hỏng sức mạnh của tâm hồn.
Phá vỡ các cấm kỵ, giết chết tính thơ ngây, dù nó ngây ngô như thế nào, thì đem được gì thêm cho tâm hồn?
Tôi lớn lên ở thời buổi người ta nhấn mạnh đến đức tính khiết tịnh. Có rất nhiều cấm kỵ lúc đó. Nhiều cái không được phép làm, những chuyện mà hồi đó cho là rất quan trọng như hẹn hò, kết bạn, hôn nhân, tình dục, có cả một thủ tục phải theo; cẩn thận, chờ đợi, cả một loạt các cấm kỵ và cách nào là đúng để làm chuyện này, chuyện kia.
Và đó là cái chúng tôi gọi là khiết tịnh. Đương nhiên không ai giữ được khiết tịnh, nhưng trên căn bản mọi người đều đồng ý với lý tưởng này.
Ngày nay điều này đã thay đổi. Nó không còn được cho là tích cực, là chìa khóa cho mọi kinh nghiệm, nó bị cho là hạn chế, kiềm nén, rụt rè và ngây thơ.
Họ vội vàng phá vỡ cấm kỵ, lao mình càng nhiều, càng sớm vào kinh nghiệm yêu đương.
Tôi tin chắc sẽ có ít người đồng ý chuyện này, và nếu tôi giải thích thêm thì sẽ có nhiều người không đồng ý; là một phần xáo trộn cảm xúc, cảm nhận phi lý và nỗi tuỵêt vọng sâu xa bóc trần tâm hồn của người phương Tây, xét cho cùng là do thiếu khiết tịnh. Tôi xin giải thích.
Khủng hoảng lớn nhất đập mạnh vào nền văn hóa chúng ta không phải về mặt kinh tế, mà về mặt tinh thần. Xáo trộn cảm xúc, bứt rứt sâu xa, tình dục bệnh hoạn, cảm nhận thiếu thốn, phi lý, sợ chết, đó là những ung nhọt sâu xa gặm nhắm xã hội phương Tây.
Lòng thiện của con người và tình yêu không điều kiện của Thiên Chúa, cuối cùng, sẽ thanh tẩy tất cả. Nếu tâm hồn chúng ta không suy yếu thì chắc chắn nó cũng sẽ chết trẻ, không còn ngây thơ, nhiệt huyết, đam mê.
Allan Bloom nói trong cuốn sách của ông, chúng ta có một tình yêu què quặt.
Khi cảm xúc chúng ta ngày càng xáo trộn và dao động thì tình yêu của tuổi thanh xuân và nhiệt huyết của một tình dục lành mạnh sẽ tắt ngủm.
Chúng ta không còn hăng say phóng mình vào cuộc sống, một hăng say nảy sinh từ thân phận không trọn vẹn của chúng ta, làm chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ tìm lại được con người trọn vẹn của mình trong vòng tay người khác, trong việc duy trì nòi giống và trong việc chiêm ngưỡng Chúa.
Thay vào đó chúng ta mệt mỏi, sức mạnh tình dục cạn kiệt, què quặt. Chúng ta đã làm tất cả rồi! Đã thấy tất cả rồi! Cái chết hằn lên tâm hồn người phương Tây.
Điều này liên hệ đến việc có hay không có khiết tịnh như thế nào?
Cách đây một thế hệ, Albert Camus, nhà văn vô thần đã phê bình: “Chỉ duy khiết tịnh mới liên hệ đến sự phát triển cá nhân. Có một thời gian bản năng giới tính là một chiến thắng – khi người ta rút nó ra khỏi các đòi hỏi của luân lý. Nhưng sau đó nó mau chóng thất bại – và chiến thắng duy nhất mà nó có được về phần nó: là khiết tịnh.” (P. Rieff, The Triump of the Therapeutic).
Những gì Albert Camus gợi ý là, cảm giác thất vọng về mặt cảm xúc, cái đang dìm sâu nền văn hóa chúng ta, đó là kết quả của sự thiếu vắng khiết tịnh. Tuy nhiên, để hiểu điều này, chúng ta cần hiểu rõ khiết tịnh là gì.
Thường thường, người ta định nghĩa khiết tịnh là cái gì đó liên hệ đến bản năng giới tính: một thơ ngây, trong sáng, một kỷ luật nào đó, hoặc độc thân không tình dục. Định nghĩa như thế thì quá hẹp hòi.
Khiết tịnh, trước hết, không nằm trong khái niệm tình dục. Nó bao gồm các giới hạn, dưới mọi hình thức kinh nghiệm, kể cả kinh nghiệm tình dục.
Giữ khiết tịnh, là tôn trọng kinh nghiệm của mọi sự và chỉ hưởng khi đã sẵn sàng. Chúng
ta thiếu khiết tịnh khi chúng ta trải nghiệm quá sớm hay thiếu tôn trọng. Bởi vì lúc đó kinh nghiệm này ức hiếp đến sự trưởng thành của người khác và của chính mình.
Đó là thiếu khiết tịnh trong kinh nghiệm sống, không tôn trọng và phiêu lưu quá sớm làm trì trệ tâm hồn.
Kinh nghiệm có thể tốt và cũng có thể xấu. Nó có thể hàn gắn tinh thần cũng như làm tan rã tinh thần. Nó có thể tạo ra niềm vui cũng như dao động. Các cuộc du lịch, các học hỏi, đời sống tình dục, các thử thch mới, phá bỏ các cấm kỵ, tất cả đều có thể tốt, với điều kiện chúng được tôn trọng và được làm đúng lúc.
Ngược lại chúng làm xâu xé tâm hồn (dù chính nó không có gì là sai) khi chúng không được nếm hưởng một cách khiết tịnh, có nghĩa là không tôn trọng nhịp trưởng thành của người khác và của chính mình.
Chúng ta phải cẩn thận với các cấm kỵ, dù nó như thế nào. Làm một liên kết giữa học hỏi và hội nhập, giữa khoa học luận với đạo đức học, giữa kinh nghiệm và khiết tịnh. Rất nguy hiểm nếu cho ông già Noel chết quá sớm.
Nguyễn Kim An dịch
Nguồn tin: Phanxico