Trong chương 7 tác giả thư gửi giáo đoàn Do thái khai triển rộng rãi điểm này bằng cách nhắc lại chức tư tế của ông Melkixêđê, có nghĩa là ”vua công chính”, đồng thời ông lại là vua Salem, có nghĩa là ”vua bình an”. ”Ông không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế ông giống Con Thiên Chúa: mãi mãi vẫn là tư tế” (Dt 7,2-3). Tiếp đến tác giả so sánh chức tư tế của ông Melkixêđê với chức tư tế Lêvi, và khẳng định rằng vị này đã trở nên tư tế không phải do Lề Luật quy định việc cha truyền con nối, nhưng do sức mạnh của một đời sống bất diệt (Dt 7,16). Rồi ông so sánh chức tư tế của các Lêvi với chức tư tế của Đức Giêsu. ”Các tư tế Lêvi đã trở nên tư tế mà không có lời thề; còn Đức Giêsu khi trở nên tư tế, thì lại có lời thề của Đấng nói với Người: Chúa đã thề ước, Người sẽ chẳng rút lời, rằng: Muôn thuở Con là Thượng Tế. Do đó, Đức Giêsu đã trở nên Đấng bảo đảm cho một giao ước tốt đẹp hơn. Lại nữa, trong dòng tộc Lêvi, có mhiều người kế tiếp nhau làm tư tế, bởi vì họ phải chết, không thể giữ mãi chức vụ đó. Còn Đức Giêsu, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ”. (Dt 7,20-25).
Từ đó tác giả Diễn từ về chức linh mục của Đức Giêsu Kitô khẳng định: ”Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến; một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời. Đức Giêsu không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ. Vì Luật Môshê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời” (Dt 7,26-28).
Lời sấm của Thánh vịnh 110 xác định rằng chức tư tế cứu thế ”theo phẩm trật Melkixêđê”. Trong kiểu trình bầy nhân vật Melkixêđê, Thánh Kinh không nhắc đến ngồn gốc gia đình ông cũng như việc sinh ra và cái chết của ông. Và tác giả phân định một việc ngầm diễn tả trước chức tư tế của Chúa Kitô vinh hiển, là Đấng không tùy thuộc một gia phả tư tế nhân loại, và không có các hạn hẹp thời gian, bởi vì đó là chức tư tế của Con Thiên Chúa, Đấng đã chiến thắng cái chết và sống mãi mãi (Dt 7,3.16 tt. 24 tt).
Để hoàn thành lý luận tác giả duyệt xét giai đoạn đi lên trong chức tư tế của Chúa Giêsu Kitô, nghĩa là biến cố đã đưa Người lên địa vị tư tế hiện nay.
Sự kiện Đức Kitô từ luôn mãi đã là Con Thiên Chúa đã không đủ bảo đảm cho Người chức tư tế. Đã cần phải có một việc hiệp nhất khắng khít với loài người để khiến cho Đức Kitô trở thành Đấng trung gian thiện toàn. Như vậy Đức Kitô ”đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện”, lãnh nhận trên chính mình các thử thách, các khổ đau và cái chết của họ ”để trở thành Thượng Tế” (Dt 2,17). Cuộc khổ nạn vinh quang của Đức Kitô trở thành một hiến lễ thánh hiến tư tế đối với Người. Dĩ nhiên, đây không phải là một lễ nghi bề ngoài như lễ nghi thánh hiến tư tế cũ, như miêu tả trong chương 8 sách Lêvi, nhưng là một sự biến đổi triệt để bản chất nhân loại của Đức Kitô. Việc biến đổi thực sự ấy đã xảy ra qua các đau khổ được chấp nhận trong thái độ ngoan ngoãn vâng phục Đối với Thiên Chúa và tình liên đới huynh đệ đối với loài người. Thiên Chúa đã khiến cho con người nơi Đức Kitô thành toàn thiện qua cuộc khổ nạn: ”Qủa thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ” (Dt 2,10). Đức Giêsu ”đã học sự vâng lời từ những đau khổ Người đã chịu”, và như thế ”đã được trở nên hoàn thiện” và đã được ”thánh hiến” là tư tế bởi cùng sự kiện đó. Tác giả viết trong chương 5: ”Dầu là Con Thiên Chúa Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho những ai tùng phục Người, vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Melkixêđê” (Dt 5,8-10).
Khi làm như thế, tác giả đào sâu giáo lý Kitô học trình bầy cuộc khổ nạn của Đức Giêsu như một hiến tế. Đức Kitô vừa đã trở thành vật bị sát tế vừa là tư tế được thánh hiến. Sự kiện Đức Kitô là Chiên Con bị sát tế và là Thượng Tế trở thành một trong những điểm Kitô học quan trọng, được thánh Phaolô nhắc tới để giáo huấn tín hữu các giáo đoàn. Qua đó thánh nhân cũng khích lệ chúng ta noi gương sống của Chúa Giêsu Kitô, Chiên Con bị sát tế, để trở thành hy lễ sống động dâng lên Thiên Chúa Cha, liên lỉ sát tế và biến cuộc đời mình trở thành của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa để cầu ơn cứu độ cho chính mình và cho người khác.
Trong chương 5 thư thứ I gửi tín hữu Côrintô thánh Phaolô khuyên họ như sau: ”Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Qủa vậy, Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ” (1 Cr 5,7-8). Trong chương 5 thư gửi tín hữu Êphêxô thánh Phaolô khuyến khích họ như sau: ”Vậy, anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” (Ep 5,1-2). Trong thư thứ I gửi tín hữu thánh Phêrô cũng nhắc nhở họ như sau: ”Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Chiên Con vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô” (1 Pr 1,19).
Trong biến cố cuộc khổ nạn và cái chết bị sát tế ấy Đức Kitô đã không thụ động, nhưng đã cộng tác tích cực vào công trình của Thiên Chúa, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, vì Người đã sẵn sàng chấp nhận tự hiến chính mình. Trong chương 9 tác giả đề cập tới hiến lễ Đức Giêsu Kitô Thượng Tế, và so sánh máu của các thú vật được sát tế trong lễ nghi cựu ước với máu của Đức Kitô Chiên Con bị sát tế. Ông viết: ”Đức Kitô đã tới làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này. Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã dành được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hóa được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9,11-14).
Hiến lễ của Đức Kitô không chỉ có gía trị thánh hiến tư tế, mà cũng có giá trị đền chuộc tội lỗi và giá trị của giao ước mới nữa. Tác giả viết tiếp trong chương 9: ”… vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình… Đức Kitô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xóa bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xóa bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người” (Dt 9, 26.28). Trong chương 10 tác gỉa khẳng định các hy lễ cũ với máu bò máu dê không xóa bỏ được tội lỗi, nhưng máu Đức Kitô thay thế tất cả mọi hy lễ cũ: ”vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lậy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con”.
Trước hết, Đức Kitô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: ”Này con đây, con đến để thực thi Ý Ngài”. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Dt 10,5-10). Như vậy, từ một việc phụng tự lễ nghi bề ngoài không hữu hiệu, Đức Kitô đã khiến cho chúng ta bước sang một việc phụng tự bằng đời sống khiến cho toàn con người kết hiệp với Thiên Chúa và với tha nhân.
Kết luận, thật hiển nhiên là cuộc khổ nạn của Đức Kitô không chỉ là một hiến tế đích thật, mà còn là hiến tế duy nhất đích thật thành công hoàn toàn. Tất cả các hiến tế khác thời cựu ước đã chỉ là các lần thử nghiệm không hữu hiệu. Cũng vậy, Chúa Kitô không chỉ được thừa nhận như là tư tế, mà là vị Tư tế duy nhất đích thật, Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người (1 Tm 2,5). Các tư tế cũ đã chỉ diễn tả trước Chúa Kitô một cách hết sức bất toàn.
(Thần Học Kinh Thánh bài 1130)
Linh Tiến Khải