Mở đầu bài nói chuyện ĐTC cám ơn sơ Kafka và sơ Bottani về lời chào mừng cũng như giới thiệu về mạng lưới “Talitha Kum”, một tổ chức toàn cầu của Đời sống Thánh hiến, dấn thân chống nạn buôn người. ĐTC nói: “Talitha Kum được hình thành vào năm 2001, từ một trực giác truyền giáo của Liên hiệp các Bề trên Thượng cấp Quốc tế, và hôm nay nó trở thành một mạng lưới trên toàn thế giới, điều phối các nỗ lực của các hội dòng chống lại nạn buôn người. Chỉ trong mười năm, tổ chức này đã phối hợp 52 mạng lưới tôn giáo trên 90 quốc gia ở khắp các châu lục. Các con số liên quan đến mạng lưới này tự nó nói lên tầm quan trọng công việc chị em đang dấn thân: 2 ngàn nhân viên, hơn 15 ngàn nạn nhân của nạn buôn người được hỗ trợ và hơn 200 ngàn người đã tiếp cận với các hoạt động phòng ngừa và nâng cao nhận thức”.
Tiếp đến ĐTC nhận định về đề tài mà các nữ tu đang thảo luận trong những ngày này. Trước hết, đó là sự khác biệt lớn về tình trạng phụ nữ trên thế giới, do các yếu tố văn hóa xã hội. Tiếp đến là các giới hạn của mô hình phát triển mới. ĐTC nói: “Chắc chắn đây là những thách thức phức tạp và cấp bách đòi hỏi câu trả lời đầy đủ và hiệu quả. Tôi biết trong những ngày này, các chị em đã làm việc để tìm ra các giải pháp cho vấn đề. Tôi đánh giá cao kế hoạch mục vụ của chị em nhằm giúp đỡ các Giáo hội địa phương cách hiệu quả hơn”.
Sau khi ca ngợi những việc làm của các nữ tu, nhân dịp này ĐTC cũng khuyến khích các hội dòng khác, các dòng nam, các tổ chức khác tham gia vào hoạt động bác ái này. ĐTC nói: “Trong cuộc chiến chống buôn người, các nữ tu là mẫu gương cho các Giáo hội địa phương. Trực giác và các sáng kiến mục vụ của chị em đã mở đường cho một đáp ứng của Giáo hội khẩn cấp và hiệu quả. Tuy nhiên, tôi muốn nhắc lại rằng hành trình của đời sống thánh hiến phải được thực hiện trong Giáo hội. Bên ngoài Giáo hội và song song với Giáo hội địa phương, mọi thứ không hiệu quả”.
Ngọc Yến – Vatican