Hôn nhân Kitô giáo đã được Thiên Chúathiết lập và thánh hóa. Chúa Kitô đã có mặt ở tiệc cưới Cana để chia vui với tân hôn và chúc phúc cho họ (x. Ga 2,1-12). Ngài cũng như bao nhiêu người khác đều mong muốn đôi bạn sống hạnh phúc và trung tín. Sự hiện diện của Ngài ở đám cưới Cana này với phép lạ biến nước lã thành rượu ngon chính là một dự báo về viễn ảnh Chúa sẽ luôn có mặt trong đời sống hôn nhân chúng ta để ban ơn thánh và thông chia sức mạnh thiêng liêng.
Khác với hôn nhân ngoài Kitô giáo, hôn nhân của Kitô hữu là một bí tích, một ơn gọi và một sứ mệnh.
Một bí tích để thể hiện tình yêu hiệp thông và dâng hiến giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, giữa Thiên Chúa và nhân loại, giữa Chúa Kitô và Hội thánh (x. Êp 5, 21-33).
Một ơn gọi để mỗi người nên thánh, để cả hai giúp nhau nên thánh, để sinh sản giáo dục con cái tốt lành và xây dựng một gia đình thánh thiện như gia đình Na-gia-rét.
Một sứ mệnh để làm chứng tá Tin Mừng Chúa Kitô cho xã hội, vì gia đình là một Hội thánh thu nhỏ và luôn được khuyến khích để loan báo Tin Mừng cho thế giới bên ngoài.
Vì hôn nhân Kitô hữu là một ơn huệ và ơn gọi từ Thiên Chúa, nên trong đời sống hôn nhân gia đình, mỗi người tín hữu phải trung tín sống lời Chúa: “Điều Thiên Chúa đã phối hợp, thì người ta không được phân ly” (Mt, 19,6).
Đức thánh GH Gioan Phaolô II trong Tông huấn về những bổn phận của gia đình Kitô cũng đã viết: “Nhờ tính cách bí tích của hôn nhân, đôi bạn được liên kết với nhau một cách chặt chẽ không thể tháo gỡ được. Khi người này thuộc về người kia, họ thực sự biểu lộ tương quan giữa Đức Kitô với Hội thánh Ngài, qua dấu chỉ bí tích” (ĐGH Gioan Phaolô II, sđd, số 13).
Vậy để sống bí tích hôn nhân một cách trọn vẹn và hiệu quả, người Kitô hữu sống đời vợ chồng cần dõi theo gương Chúa Kitô là Đấng đã yêu nhân loại đến cùng (x. Ga 13,1). Khi chấp nhận những cam kết trong giao ước hôn nhân, đôi bạn sẵn sàng chấp nhận một “tình thương của người hi sinh mạng sống mình cho bạn hữu”. Như Đức Kitô, vì yêu và vì hạnh phúc của chúng ta, Ngài đã hi sinh đến chết (x. Ga 10,17; Pl 2,8). Đó là bản chất của một Tình Yêu đích thực, tình yêu có sức mạnh cứu chuộc, thăng hoa và biến đổi…
Thực vậy, Công Đồng Vat II cũng đã khẳng định, “Còn bậc vợ chồng và cha mẹ Kitô giáo, khi theo đuổi lối sống riêng của mình, nhờ ơn Chúa, họ phải suốt đời nâng đỡ và trung thành yêu thương nhau; đối với con cái mà trong yêu thương họ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, họ phải làm cho chúng hấp thụ những học thuyết Kitô giáo và những nhân đức của Phúc Âm. Nhờ đó họ nêu gương cho mọi người về mặt tình thương bền vững và quảng đại, xây dựng bác ái huynh đệ, làm chứng và cộng tác vào việc sinh sản của Giáo hội, Mẹ chúng ta, trở nên dấu chỉ và thông phần vào tình yêu Chúa Kitô đối với Hiền thê Người: bởi yêu thương, Người đã hiến mạng sống vì Hiền thê…” (CĐ Vat II, Hiến chế Tín lý về GH, Ch. V)./.
Aug. Trần Cao Khải