Trăm năm hạnh phúc là lời chúc không thể thiếu trong các tiệc cưới. Tình duyên mãi sắt son và mặn nồng là điều ai cũng ước mong khi bước vào đời sống hôn nhân. Theo Đức Bênêđictô XVI, khi nói về chữ tình, có lẽ tình hôn nhân đứng hàng đầu so với các thứ tình nhân loại khác như tình mẫu tử, phụ tử, bằng hữu…(x.TĐ Thiên Chúa Là Tình Yêu, số 2).
Tình yêu hôn nhân được đề cao không chỉ vì sự hết lòng và tính vô cầu nơi tình yêu này, mà còn vì tầm quan trọng là làm nên gia đình vốn là tế bào của xã hội. Thánh Tông đồ dân ngoại đã dùng tình yêu đôi lứa làm dấu chỉ cho tình yêu của Đức Kitô dành cho Hội Thánh. Nhiều Ngôn sứ như Hôsê, Isaia cũng dùng hình ảnh tình yêu hôn nhân để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Người. “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Chúa ngươi thờ” (Is 62,5).
– Luôn có nhiều sự kiện hay biến cố dù không mong vẫn cứ đến, dù chẳng muốn vẫn cứ xảy ra. Đã tổ chức tiệc cưới thì cần chuẩn bị rượu cách đủ đầy hoặc có dư. Với người Do Thái thời bấy giờ, đây là chuyện hẳn nhiên, vì theo phong tục tập quán, tiệc cưới có thể kéo dài nhiều ngày. Tiệc cưới tại Cana có thể nói là đám tiệc không nhỏ, vì có người quản tiệc và có đến sáu chum nước lớn dùng cho việc thanh tẩy. Tiệc lớn, ắt gia đình phải khá giả. Nhà khá giả thì chuyện chuẩn bị rượu cho khách không phải là chuyện quá sức và dĩ nhiên ít khi bị xao lãng. Thế mà tiệc chưa tàn thì rượu đã hết! Nhìn nhận hiện thực cuộc sống để rồi chủ động tìm cách giải quyết, khắc phục, trong trường hợp này là để duy trì và phát triển sự mặn nồng của tình yêu.Con Thiên Chúa đã làm người, chào đời trong một gia đình. Khởi đầu công cuộc rao giảng Tin Mừng và trong lần đầu tiên thể hiện quyền năng, Chúa Giêsu đã cứu giúp một đôi tân hôn khỏi bẽ mặt trước quan khách trong một tiệc cưới. Qua bài tường thuật của Tin Mừng Thánh Gioan về phép lạ hóa nước thành rượu ngon của Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana, chúng ta có thể rút ra đôi điều nhận định về đời sống hôn nhân gia đình:
– Ngoài nỗ lực của bản thân người trong cuộc là đôi bạn, rất cần đến sự giúp đỡ của người thân và cả những người hữu quan, miễn là có tấm lòng và sự bén nhạy với các tình huống. Mẹ Maria đã nhận ra sự cố “rượu vơi mà không được rót thêm đầy” và Mẹ đã xin Chúa Giêsu ra tay can thiệp, cứu giúp.
“Chuyện mình thì quáng, chuyện người thì sáng”. Sự thường, người ngoài cuộc dễ có sự bình tâm để nhìn nhận vấn đề hơn. Tuy nhiên, người ở ngoài phải có cái tâm, cái tình và cái nhìn cách nào đó như người trong cuộc, nghĩa là xem chuyện người như chuyện của mình. Để cho tình yêu hôn nhân vững vàng trước những sóng gió bể đời, sự góp phần của mẹ cha, ông bà, thân bằng quyến thuộc là điều đáng trân trọng và đáng cầu mong. Xin đừng quên vai trò thiết yếu và hữu hiệu của người Mẹ đã nhận nhân loại chúng ta làm con khi đứng dưới chân thập giá năm nào (x.Ga 19, 26-27). Đến với Mẹ, chắc chắn chúng ta sẽ được Mẹ dẫn đến với Giêsu, Con của Mẹ là Đấng mà không có sự gì là không thể làm được.
– Đã yêu thì không chờ cơ hội, cũng chẳng đợi đến thời đến buổi. Dù chưa đến giờ bày tỏ vinh quang, nhưng vì yêu thương Chúa Giêsu đã ra tay giáng phúc cho đôi tân hôn hôm ấy. Tình yêu đòi hỏi chúng ta phải làm ngay hôm nay những gì ở trong tầm tay. Thiên Chúa là Tình Yêu và với Người thì mọi sự đều là hiện tại. Đã yêu hay sẽ yêu thì chưa hẳn là yêu. Động từ yêu cần phải luôn ở trong thì hiện tại.
– Sự kiện Chúa Giêsu làm cho sáu chum nước tức khoảng sáu đến bảy trăm lít nước lã hóa thành rượu ngon hảo hạng khiến chúng ta nhận ra một quy luật của tình yêu, đó là phải nhiều và mặn nồng hơn mãi. Tương tự như sự học, chuyện tình yêu như con thuyền đi dòng nước ngược. Không tiến thì ắt lùi.
– Để mặn nồng trong tình yêu thì lời căn dặn của Mẹ Maria quả là rất đáng lắng nghe và tuân giữ: “Người bảo gì thì hãy làm theo”. Thực thi lời Chúa dạy là điều tất yếu, nếu muốn vẹn chữ tình. Vẫn có đó nhiều lứa đôi than vãn rằng con cầu xin mãi mà Chúa chưa ban cho gia đình ấm êm, thuận hòa. Trong nhiều lý do, thường có lý do là họ vẫn mãi cố chấp biện minh cho mình mà không thực thi điều Chúa phán trong lương tâm, qua sự hướng dẫn của các mục tử hay qua sự khuyên bảo của những người khôn ngoan và đầy thiện ý.
– “Hãy đổ nước đầy các chum!”. Đây là nước dùng cho việc thanh tẩy theo tục lệ của người Do Thái thời bấy giờ. Để giữ sự mặn nồng tình yêu, Chúa Giêsu ra lệnh làm một việc của sự thanh tẩy. Điều này nhắc nhớ chúng ta sự thật này: những bất hòa, bất ổn trong tình yêu hôn nhân gia đình thường có nguyên nhân là lỗi hay tội của ai đó hay của cả đôi bên. Thanh tẩy tâm hồn là điều cần thực hiện liên lỉ. Thanh tẩy không nguyên chỉ để cho tâm hồn mình trong sáng, tinh sạch mà còn vì hạnh phúc của người mình yêu thương.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – GP Ban Mê Thuột