Những đứa trẻ chắc chắn sẽ đối mặt với đủ loại khó khăn trong cuộc sống của chúng, và đó là một phần trong quá trình trưởng thành. Thông qua việc giải quyết những khó khăn, chúng học được những kỹ năng giải quyết vấn đề, những kỹ năng rất cần thiết để thành công trong cuộc sống. Trẻ con có khả năng tiềm ẩn lớn lao trong việc tìm kiếm những giải pháp tốt cho vấn đề của chúng. Thật khôn ngoan khi dành thời gian giúp đỡ con cái bạn phát triển những kỹ năng giải quyết vấn đề.
Việc dạy con cái cách giải quyết vấn đề là một kỹ năng cần thiết rất đáng học khi còn nhỏ, vì nó giúp ích rất nhiều cho chúng trong tương lai.
Tuy nhiên, một khuynh hướng thường thấy ở những bậc cha mẹ chính là quá vội vàng sửa chữa vấn đề hoặc đưa ra cách giải quyết vấn đề quá dễ dàng. Nếu bạn cố gắng giải quyết tất cả những vấn đề của con cái, bạn sẽ làm giảm khả năng tự giải quyết vấn đề của trẻ. Đừng thay trẻ giải quyết mọi vấn đề trừ trường hợp bạn bắt buộc phải làm như thế. Thay vào đó, hãy giúp trẻ tìm kiếm giải pháp thích hợp. Điều này chứng tỏ bạn tin tưởng trẻ có khả năng học cách giải quyết vấn đề.
Ban đầu, bạn sẽ phải hướng dẫn trẻ từng bước một trong quá trình giải quyết vấn đề, việc này có thể mất rất nhiều thời gian để hoàn tất quá trình so với việc bạn giải quyết vấn đề cho trẻ và nói cho trẻ biết câu trả lời. Khi bạn giải quyết vấn đề giúp trẻ là chính bạn đang lấy đi cơ hội quý giá để trẻ học hỏi. Quá trình học hỏi tuy chậm nhưng chính là một phần trong quá trình trưởng thành và phát triển của trẻ.
Bạn thử tưởng tượng trường hợp sau. Little Sara mượn búp bê của bạn, nhưng trong lúc chơi, cô bé đã làm rách chiếc áo của búp bê.
Hai tình huống có thể xảy ra. Thứ nhất, Sara khóc thút thít và nói với bạn: “Mẹ ơi, con làm rách chiếc áo rồi!”
Người mẹ vội vàng nói với Sara: “Đừng lo, Sara. Tối nay, mẹ sẽ may lại và con có thể trả lại cho bạn”. Người mẹ đã giải quyết vấn đề và Sara vui sướng. Nhưng Sara đã học được gì từ tình huống này?” “Nếu tôi gặp vấn đề, tôi sẽ nhờ mẹ, và mẹ sẽ giúp tôi giải quyết”. Như thế, lần sau, khi có vấn đề gì xảy ra, cô bé chắc chắn sẽ lại đến nhờ mẹ giải quyết.
Tình huống thứ hai, khi thấy chiếc áo bị rách, Sara hỏi mẹ: “Mẹ ơi, con làm rách chiếc áo của con búp bê mà con vừa mới mượn của bạn Melissa”.
“Ồ, chỗ rách khá to đấy. Hmm, con nghĩ chúng ta nên làm gì đây?”
“Con không biết nữa. Hay là con nói xin lỗi với Melissa?”
“Um, điều đó tốt đấy. Nhưng con nghĩ bạn ấy sẽ cảm thấy thế nào khi nhận lại con búp bê với chiếc áo bị rách?”
“Chắc là bạn ấy buồn lắm”.
“Con nghĩ chúng ta có thể làm gì để giải quyết việc này không?”
“Chúng ta có thể sửa lại? Chúng ta có thể vá lại nó không mẹ?”
“Giải pháp tuyệt vời! Con nghĩ thế nào nếu tối nay mẹ và con cùng may lại chiếc áo búp bê?”
“Dạ được ạ!”
Người mẹ đã dạy cho Sara biết tìm giải pháp cho vấn đề của cô bé. Bằng việc cùng giúp mẹ may lại chiếc áo, Sara cũng đóng góp một phần vào giải pháp. Lần sau, khi Sara gặp một vấn đề, có thể cô bé vẫn đến nhờ mẹ giúp đỡ, nhưng cô bé biết sẽ có một giải pháp cho vấn đề và cô bé nhận ra mình có thể và sẽ đóng một phần trong việc tìm ra giải pháp đó. Khi Sara thực hành cách giải quyết vấn đề mỗi ngày, cô bé sẽ học được cách tự tìm ra giải pháp và rèn luyện kỹ năng đó trong hành trình cuộc đời.
Không phải tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống đều được giải quyết một cách dễ dàng, và bạn sẽ phải truyền đạt điều ấy cho con cái khi chúng đối mặt với những thử thách lớn hơn. Nhưng những bước nhỏ hằng ngày mà bạn thực hiện để khuyến khích kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ sẽ giúp trẻ có những sáng kiến cá nhân tốt hơn để đối phó với những vấn đề khó khăn và thử thách hơn trong cuộc sống khi chúng lớn lên từng ngày.
Hãy dạy cho con cái bạn có trách nhiệm trong việc tìm ra giải pháp cho những vấn đề của chúng, và bằng cách làm này, bạn sẽ dạy trẻ một kỹ năng quan trọng có thể giúp ích cho trẻ trong suốt cuộc đời.
Thiên Ândịch