1. Chúa Giêsu đã Phục sinh.
Tuyên xưng Chúa đã Phục sinh là việc dễ.
Nói về sự Chúa đã Phục sinh cũng có thể là việc không khó.
Nhưng gặp gỡ Chúa Phục sinh là việc không dễ chút nào.
Để Chúa Phục sinh biến đổi bản thân ta nên giống như Người lại là việc hết sức khó.
Nhưng những gì không dễ đó và rất khó đó đã được thực hiện nơi Đức Mẹ Maria. Mẹ đã vượt qua mọi khó khăn, để tới Phục sinh.
Thực vậy, cuộc đời Đức Mẹ là một cuộc hành hương đến Phục sinh. Cuộc hành hương đó rất gian nan khổ cực. Càng gần đến Phục sinh, cuộc hành hương của Mẹ càng cô đơn trong tăm tối đớn đau. Trong bóng đêm hãi hùng, Mẹ vẫn như ngọn đèn chờ đợi Phục sinh.
2. Cái nhìn thoáng qua trên đây về cuộc đời hành hương của Mẹ đến Phục sinh là một mời gọi.
Tôi nghe tiếng gọi đó. Tôi cầu nguyện. Tôi đến bên Mẹ. Mẹ dạy tôi về cuộc hành hương của Mẹ xưa, để nhờ đó, tôi có thể biết cách làm cho cuộc hành hương của tôi hôm nay cũng tới được Phục sinh như Mẹ.
Trước hết, Mẹ chỉ cho tôi những chi tiết lớn đã làm cho cuộc hành hương của Mẹ trở thành những chuỗi dài thử thách. Những thử thách đó đã gây nên bao sầu khổ trong lòng Mẹ. Thí dụ:
Tại sao những người có địa vị trong Đạo như các thượng tế, các luật sĩ, các biệt phái là những người hiểu biết các tiên tri đã nói trước về Đấng Cứu Thế, nhưng khi gặp được chính Đấng Cứu Thế, họ lại không nhận ra Người? Hơn thế nữa, họ còn loại trừ Người bằng một bản án khủng khiếp là phải giết Người trên thập giá? Sự kiện đó làm cho Mẹ hết sức đau đớn.
Tại sao quần chúng từng trăm ngàn người đã được thấy Đấng Cứu Thế tận mắt, đã được nghe Người tận tai, đã được tham dự trực tiếp những phép lạ Người làm, thế mà đã không tin Người một cách vững vàng. Hơn thế, quần chúng đông đảo đó đã mau lẹ thay lòng đổi dạ, nghe theo quyền đạo, hô lên những lời căm ghét và xỉ nhục, và lên án Người. Sự kiện đó làm cho Mẹ tan nát trong lòng.
Tại sao 12 tông đồ là những người được Chúa Giêsu chọn cách riêng, được đào tạo cách đặc biệt, đã cam kết theo Chúa đến cùng, thế mà các ngài đã bỏ Người, khi Người bị bắt? Hơn thế, có kẻ đã bán Người, có kẻ còn dám chối Người? Sự kiện đó làm cho Mẹ sầu khổ đắng cay.
Tại sao chính Con Mẹ là Chúa Giêsu lại trở thành một kẻ bị mọi người chê bỏ, hành hạ như một tội nhân ghê tởm, thế mà Người cứ một mực nhịn nhục. Hơn nữa, Người còn tha thứ cho những kẻ làm khổ Người. Sự kiện đó đưa Mẹ vào một tình trạng chỉ phải nhắm mắt vâng phục.
Tại sao Thiên Chúa Cha lại trao Chúa Giêsu cho những kẻ dữ hành hạ một cách quá độc ác, tại sao Chúa Cha giữ thái độ thinh lặng, tại sao Chúa Cha để cho tình hình rơi vào tay kẻ gian ác, như thể quỷ địa ngục đã thắng được chính Chúa Cứu Thế? Sự kiện đó khiến Mẹ chỉ phải nói lời xin vâng một cách phó thác tuyệt đối.
3. Những sự kiện dữ dằn trên đây đã tra tấn tâm hồn Đức Mẹ, đẩy Đức Mẹ vào cõi cô đơn sâu thẳm, trong đó đủ mọi thứ cám dỗ thi nhau gây rối.
Mẹ như bị chìm vào cõi tối tăm bàng hoàng. Mẹ như cảm thấy chương trình cứu độ đã sụp đổ tan tành. Nhưng Mẹ đã vững vàng. Mẹ đã làm gì để vẫn bước đi được một cách chắc chắn trong chuyến hành hương đầy thử thách đó? Mẹ cho tôi biết là cuộc hành hương của Mẹ đúng là đầy bóng tối, và chính Mẹ phải mang rất nhiều đau khổ. Nhưng Mẹ đã bước từng bước nhỏ, âm thầm mà vững chắc, nhờ luôn nương tựa vào hai nhân đức sau đây:
4. Nhân đức thứ nhất đã nâng đỡ Đức Mẹ chính là đức tin.Trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong thử thách, Mẹ luôn bám chặt vào Lời Chúa hứa. Chúa hứa sẽ thưởng công cho những ai từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Chúa. Chúa hứa sẽ đón nhận những ai đi vào cửa hẹp, đường hẹp để vào Nước Trời. Chúa hứa sẽ ban hạnh phúc cho những ai chịu những nỗi khổ, mà Chúa nói trong Tám mối phúc. Chúa hứa sẽ có Phục sinh, chỉ sau khi qua cuộc tử nạn. Mẹ tin vào Lời Chúa để hy vọng, một hy vọng không hề mệt mỏi.
5. Nhân đức thứ hai đã nâng đỡ Đức Mẹ chính là đức ái.Trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong thử thách, Mẹ luôn luôn sống bác ái một cách quảng đại. Nếu hy vọng của Mẹ hướng về tương lai, thì bác ái của Mẹ luôn giàn trải khắp hiện tại. Bác ái trong lời nói, trong việc làm, trong tư tưởng, trong thái độ. Bác ái với gia đình, với xã hội, với tất cả mọi người.
Khi sống bác ái, Mẹ hiệp thông sâu sắc với của lễ yêu thương, mà Chúa Giêsu hiến dâng trên thánh giá, để cứu chuộc nhân loại.
Nhờ đức ái và đức tin, Mẹ chịu mọi thử thách một cách bình an. Sự bình an ấy toả ra một ánh sáng linh thiêng giữa mênh mông tăm tối.
6. Mẹ dạy tôi, để tôi bắt chước Mẹ.
Nhìn vào đời mình, tôi nhận thấy Phục sinh vẫn là một đích điểm tôi luôn nhắm đi tới. Đích điểm đó đôi khi tưởng đã gần, mà thực sự vẫn còn xa. Để đến đó tôi sẽ phải băng qua một khoảng cách. Khoảng cách ấy có nhiều thử thách. Có những thử thách có thể dự đoán được. Và cũng có những thử thách rất bất ngờ.
Thử thách không hẳn từ bên ngoài Hội Thánh, mà ngổn ngang ngay trong chính Hội Thánh.
Thử thách không hẳn ở ngoài bản thân, mà chồng chất ngay trong chính bản thân.
Vì thế, chuyến đi của tôi tới Phục sinh sẽ là một cuộc hành hương. Hành hương, bởi vì có Đức Mẹ cùng đi. Hành hương, bởi vì sẽ bước đi với đức tin và đức ái. Xin nói thêm là: đức tin ấy phải rất khiêm nhường, cũng như đức ái ấy phải rất tự hạ.
7. Với đức tin khiêm nhường và đức ái tự hạ, tôi cầm lấy tay Mẹ nhân lành mà bước đi. Có lúc tôi được gặp Chúa phục sinh. Nhưng rồi Người lại như xa vắng. Có lúc tôi như được tràn đầy an ủi. Nhưng rồi những an ủi ấy lại biến đi. Cuộc hành hương vẫn tiếp tục với những khúc nguy hiểm, với những đớn đau, với những cô đơn. Nhưng dù nguy hiểm đến mấy, cuộc hành hương tới Phục sinh vẫn mang những hy vọng trong sáng. Hy vọng ấy luôn là một đợi chờ dạt dào sức sống. Bởi vì hy vọng ấy tuyệt đối dựa vào Thiên Chúa giàu lòng thương xót và quyền năng vô cùng.
Thực sự, Chúa Phục sinh đã đến trong tôi một cách nào đó. Chính Người đang biến đổi tôi. Biến đổi đó là một hành trình dài. Hành trình ấy có ánh sáng và cũng có bóng tối.
Tôi đón nhận tất cả với lòng cảm tạ. Để rồi, tôi sẽ coi đời mình là một cuộc hành hương không ngơi nghỉ đi về Phục sinh viên mãn đời đời.
+ Gm. G.B. Bùi Tuần