Dù muốn dù không thì cái thực tế ê chề này nó vẫn đúng bởi đơn giản con người dù mạnh, dù lớn, dù khỏe cỡ nào đi chăng nữa cũng khó đứng vững trước sức mạnh của đồng tiền. Đồng tiền không chỉ mua được nhiều thứ mà nó có một sức mạnh có thể phá tất cả các cửa mà người ta muốn vào.
Là người dân, ta vẫn thường quen với các thủ tục hành chính mà người ta cũng hay đùa “hành là chính”. Đúng như vậy, để có một tờ giấy nào đó thì người dân phải đi qua các cửa. Là một bệnh nhân, khá kinh nghiệm về chuyện qua các cửa. Nếu vào các bệnh viện hay các cơ quan mà không quen biết hay không có tiền thì sẽ chậm chạp biết là dường nào. Khi đó, muốn qua các cửa dù hẹp cỡ nào đi chăng nữa thì chỉ cần xì tiền ra là có thể qua được hết.
Đời là như vậy, xã hội trần thế là như vậy nhưng Thiên Đàng, Nước Trời lại là khác. Cửa vào Thiên Đàng như Chúa Giêsu nói ngày hôm nay muốn vào thì phải qua cửa hẹp. Cửa ở trần gian có thể mua bằng quyền, bằng tiền hay người ta gọi là nhất thân nhì thế nhưng cửa Thiên Đàng thì đừng trông mong. Dù có tiền, dù có quyền đi chăng nữa cũng không thể nào qua được. Cửa này phải qua bằng nẻo đường duy nhất là tự lực cánh sinh của mỗi người và như Chúa nói cửa hẹp nên phải phấn đấu để mà vào. Phấn đấu này, chiến đấu này không phải chiến đấu với người khác mà là chiến đấu với chính bản thân mình.
Và, người ta cũng thường hay nói chiến thắng ai cũng được, chiến thắng cái bên ngoài thì dễ nhưng chiến thắng chính bản thân của mình không phải là chuyện đơn giản. Tề gia – trị quốc – bình thiên hạ. Muốn tề gia thì phải tề chính cái bản thân của mình trước đã.
Với thao thức được cứu độ, ta thấy có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Phải nói rằng ta phải thán phục người này bởi lẽ người này vẫn có một nỗi lòng canh cánh về ơn cứu độ.
Nhìn lại xã hội, tôn giáo thời Chúa Giêsu, ta vẫn thấy man mác một cảm thức tôn giáo, một tâm thức được cứu độ. Chính vì lẽ đó nên người ta mới hỏi Chúa Giêsu.
Ngày hôm nay, thật tình mà nói, cảm thức về tôn giáo, cảm thức về ơn cứu độ dường như nó nhạt nhòa ngay trong chính những người có đạo và thậm chí lãnh đạo tôn giáo nữa. Nói ra xem có vẻ đụng chạm nhưng trong thực tế thì không thể nào phủ nhận được một sự thật phũ phàng như thế này.
Giữa một thế giới vật chất là hàng đầu, hưởng thụ là hàng thứ nhất thì xem ra ơn cứu độ bị nhạt nhòa, xem nhẹ và thậm chí chẳng cần quan tâm.
Có một thực tế nói ra có thể đụng chạm nhưng cũng phải nói rằng đó là khi nhìn vào những gia đình giàu có, gia đình có địa vị một chút thì các đấng các bậc thường xuyên lui tới hơn. Và, kèm theo đó là những bữa tiệc xem ra hoành tráng và chúc tụng nhau. Còn những người nghèo thì dường như gia đình của họ chẳng bao giờ thấy bóng dáng của một vị mục tử, của các đấng các bậc trong Giáo Hội.
Nhiều gia đình khá giả không ngần ngại khoe những tấm hình lẽ ra không cần khoe về những tấm hình chung với những bậc vị vọng, có khi những tấm hình đó được ghi lại nơi những bàn tiệc sang trọng.
Dù muốn dù không, dù lấp liếm, dù che đậy nhưng các đấng khó có thể trả lời được sự hiện diện của mình nơi những gia đìng giàu có.
Tôi đã từng chứng kiến một người phụ nữ tạm gọi là quyền lực, bà có số tất cả các đấng các bậc và có thể gọi bất cứ lúc nào ngay trong khi các linh mục muốn gặp hay phone cho các vị chủ chăn còn e ngại ! Vì sao mà lại lộng như vậy ? Không cần nói nhiều thì ai ai cũng biết nguyên nhân là vì sao ?
Và, chính các vị chủ chăn làm luật đã đạp lên luật khi giỗ của mẹ một vị nhà giàu có đến 8 giám mục và ngoài 100 linh mục ! Trong khi đó,đau đớn lòng mà nói những người nghèo thì đừng có mơ thấy hình dáng của các đấng.
Có người tự hào rằng quen gần hết các đấng trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Có người tự hào khoe rằng thích mời cha nào là cha đó phải đến nhà !!!??? Sự hiện diện như vậy dựa vào lý do nào ắt hẳn mọi người đã hiểu vì thật dễ hiểu. Nhà nghèo như nhà của tôi thì dù có nằm mơ 3 giấc cũng không thấy bóng dáng sự hiện diện của các đấng.
Chính vì thế, nhiều người đã lầm tưởng rằng nhà nào có các đấng hay đến, lễ nào các đấng đồng tế đông là người thân của mình sẽ được phần phước như người đời thường nghĩ. Nhưng không, trước mặt Chúa là phải vào cái cửa hẹp mới được vào chứ không phải chuyện là chết xong nhiều cha đồng tế là lên thiên đàng.
Nhiều người đã bé cái lầm khi nhìn và suy nghĩ rằng cửa thiên đàng sẽ rộng mở cho những người có quyền và có tiền. Người đời thì nghĩ vậy nhưng điều kiện vào Nước Trời của Chúa lại chính là sự hãm mình, là sự khổ chế bước theo Đức Kitô trên con đường thập giá.
Ngày hôm nay, người ta tục hóa đời tu, tục hóa tôn giáo để rồi cảm thức vào Thiên Đàng, cảm thức ơn cứu độ không còn nữa. Chính vì xem thường giá trị cứu độ nên rồi người ta ầu ơ ví dầu với việc đạo nghĩa, với việc tham dự Thánh Lễ, các bí tích.
Còn nhớ thời bao cấp, thời khó khăn thì nhiều nơi như Kỳ Đồng, Bình Triệu, Đền Thánh Martino Ba Chuông … tấp nập người đến đó để học giáo lý, để tìm hiểu, bồi đắp thêm kiến thức và bồi bổ đức tin. Nhưng rồi, dường như thời buổi kinh tế khá ổn người ta không bận tâm đến Giáo Lý, đến đức tin nữa. Có chăng đến những nơi đó để xin xỏ mà thôi.
Ngày hôm nay, người ta không còn cảm thức đức tin để không còn phấn đấu để bước vào cửa hẹp nữa. Chính vì đi theo chủ nghĩa tương đối cũng như lý luận rằng sao cũng được để rồi người ta không còn thao thức, không còn bận tâm cửa hẹp nữa.
Đó là quan niệm chung chung, đó là quan niệm tự do của mỗi người nhưng chúng ta nên chăng nhìn lại cuộc đời của chúng ta. Chúa Giêsu hơn một lần nói với chúng ta : “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn nào được ích gì ?”. Câu nói đó dường như vẫn còn đâu đó văng vẳng bên tai của ta để nhắc nhớ ta rằng khi ta nằm xuống cuộc đời ta chẳng còn gì cả, còn chăng là ơn cứu độ, còn chăng là Nước Trời mà ta phải phấn đấu để bước vào.
Trang Tin Mừng ngày hôm nay nhắc nhớ phận người chúng ta và đặc biệt nhắc nhớ thái độ sống, tâm tình sống của chúng ta trước ngưỡng cửa Thiên Đàng. Thiên Chúa vẫn mở ngỏ, Thiên Chúa vẫn để cho ta tự do bước vào hay không và ta nên nhớ cửa vào vẫn là cửa hẹp.
Nhớ lại hình ảnh của các cửa trong Kinh Thành Cố Đô Huế, ta thấy các cửa đều hẹp để rồi ai muốn qua đó mà trước giờ đóng cửa hay sát giờ đóng cửa thì mọi người phải chạy và tranh thủ ép mình để được vào bởi cánh cửa rất hẹp. Muốn qua đó, con người phải bỏ lại những thứ cồng kềnh bên mình.
Cũng vậy, muốn vào Thiên Đàng, ta phải thao thức, phải có tâm thức hướng lòng về Thiên Đàng để rồi từ đó ta vất bỏ cái tôi nặng nề của ta, cái lòng hận thù, tham sân si của ta. Khi và chỉ khi tâm hồn ta thanh thoát, nhẹ nhõm thì ta mới có thể bước vào và qua cửa hẹp như Chúa mời gọi mà thôi.
Và rồi nhìn lại mình, ta vẫn thấy ta là con người mỏng dòn và yếu đuối, ta lại xin Chúa thêm ơn cho ta nhất là ơn can đảm để ta từ bỏ những gì vướng víu ạnh ta như cái tôi, cái tính nóng nảy, cái tính ương ương dở dở của ta để ta thanh thoát bước vào cửa hẹp và vào Thiên Đàng như Chúa mời gọi.
Huệ Minh