Sức nặng của gia tài giáo lý trên gia tài phụng tự, hay sức nặng của gia tài phụng tự trên gia tài giáo lý có thể thay đổi tùy theo các bối cảnh tôn giáo mà chúng tùy thuộc, nhưng trong mọi trường hợp, cả hai gia tài luôn luôn có tương quan rất chặt chẽ với nhau. Đôi khi, một cách đặc biệt trong trường hợp của các tôn giáo sơ khai nhất và ít cấu trúc hơn, sinh hoạt lễ nghi làm thành suối nguồn lớn nhất, nếu không nói là duy nhất cung cấp các tin tức liên quan tới các ý niệm và các giáo lý làm điểm tựa cho các hệ thống tôn giáo riêng rẽ. Mỗi một tôn giáo có thành phần nòng cốt là một tổng thể các cử chỉ lễ nghi và các cử hành có các biện minh khác nhau, thuộc trật tự nhân chủng, tâm lý, xã hội vv., nhưng trong bản chất điều ở nguồn gốc của sinh hoạt lễ nghi và điều chủ sự việc phát triển và cấu trúc của nó là ý niệm của tương quan tôn giáo Thiên Chúa – con người. Chính trên mức độ này mà sinh hoạt phụng tự kitô tìm thấy sự độc đáo của nó so với các tôn giáo khác. Nói chung phụng vụ của các tôn giáo khác được xây dựng trên một quan niệm vũ trụ của tương quan tôn giáo, một cách độc lập với tất cả mọi yếu tố huyền thoại hay ma thuật, có thể được hiểu ngầm trong sinh hoạt phụng vụ của các tôn giáo. Nghĩa là đây là một sinh hoạt lễ nghi diễn tả tương quan giữa một thần linh tạo dựng – là nguyên lý đầu tiên cần thiết của mọi thực tại, là quyền năng tuyệt đối và thống trị của mọi sự – và một con người thụ tạo, hoàn toàn tùy thuộc thần linh trong bản thể và mọi chuyện của nó. Trong dòng lịch sử tương quan này có thể có các mô thức khác nhau: chấp nhận nhau, tình bạn hay bẻ gẫy và chống đối nhau, nhưng trong mọi trường hợp nó luôn luôn và chỉ là tương quan người tạo dựng và thụ tạo. Nó là một liên hệ được thực hiện trong lịch sử, nhưng không có lịch sử, bởi vì nó tuyệt đối không thay đổi.
Kitô giáo, trái lại, có một quan niệm lịch sử của tương quan tôn giáo Thiên Chúa – con người. Nảy sinh từ sự can thiệp tạo dựng được niềm tin kitô đọc hiểu trong một viễn tượng tình yêu và cứu rỗi hơn là trong các phạm trù của hiệu lực thuần tùy, tương quan tôn giáo được chỉ định phát triển qua các can thiệp sau đó của Thiên Chúa cho tới khi đạt tột đỉnh của việc nhập thể.
Trong viễn tượng kitô các can thiệp của Thiên Chúa, ngoài việc xảy ra trong lịch sử chúng còn làm thành lịch sử, và kiểu duy nhất mà tín hữu kitô biết sống tương quan của mình với Thiên Chúa một cách có trật tự là kiểu để cho mình được lôi cuốn vào trong các biến cố cứu độ đó, trở thành diễn viên và kéo dài chúng trong thời gian theo cái luận lý của chính hành động của Thiên Chúa. Các lễ nghi và các cử hành kitô không bao giờ chỉ có nhiệm vụ thừa nhận một tương quan tùy thuộc đúng đắn, nối lại nó khi nó bị bẻ gẫy, hay duy trì nó trong một tình trạng quân bình để khiến cho nó trở thành một tương quan hòa bình và khoan dung với nhau. Nhiệm vụ của phụng vụ kitô trên hết là nhiệm vụ cử hành một lịch sử và làm cho nó trở thành thời sự. Nhưng ở đây nảy sinh ra một vấn đề đòi hỏi dấn thân hơn, mà nền thần học bí tích đã phải đương đầu: đó là làm thế nào để diễn lại một biến cố lịch sử của qúa khứ?
Như đã biết, trong nhiều thế kỷ nền thần học đã tìm giải quyết vấn đề này bằng cách chạy tới với các phạm trù nguyên do – hiệu qủa: các bí tích thực tại hóa sự cứu rỗi, bởi vì chúng là nguyên do của ơn thánh. Tuy có tính thuyết phục, nhưng giải pháp này đã không được miễn trừ khỏi các khó khăn đáng kể, và đã từ từ vén mở cho thấy hai hạn hẹp lớn. Thứ nhất, được miêu tả như là nguyên do của sự công chính hóa, các bí tích đã không thể được coi như các thời gian diễn lại các biến cố của lịch sử cứu độ, nhưng chỉ như là các hiệu qủa của chúng thôi. Chính vì thế nền thần học bí tích đã không thể phát triển trong nhiều thời gian mà không quy chiếu về các mầu nhiệm cuộc sống của Chúa Kitô. Thứ hai, được dẫn trở về vào trong lãnh vực của một tương quan nguyên do, các bí tích kitô khó định tính mình như các cử hành kiểu mẫu của một tình cảm tôn giáo lịch sử, bởi vì chúng lại trở về thích ứng với cái luận lý của một tâm tình tôn giáo vũ trụ.
Mối dây nối kết sâu xa giữa các cử hành bí tích và các mầu nhiệm cuộc sống của Chúa Kitô một cách may mắn đã được nêu bật bởi thánh Toma, tuy nhiên nó đã chỉ tìm thấy tầm quan trọng đúng đắn trong suy tư thần học trong thời gian khá mới đây. Kể từ khi học giả O. Casel đề nghị đọc hiểu việc cử hành bí tích như là việc ”tái diễn tả mầu nhiệm”, nền thần học đã tiến triển rất nhiều, nhưng trực giác của tu sĩ Biển Đức thuộc đan viện Maria Laach vẫn còn đáng ghi nhớ.
Để giúp nền thần học bí tích ra khỏi các ngõ cụt trong đó nó rơi vào, học giả O. Casel đã tin rằng có thể nói tới các bí tích bằng cách sử dụng từ vựng và cách riêng ý niệm cử hành mầu nhiệm đã được thế giới hy lạp ngoại giáo dùng. Ngoài ra, trên con đường này Casel đã tìm thấy các người đi trước tuyệt vời là các giáo phụ. Cả khi có lẽ các vị đã không đưa ra công thức thần học bí tích trong các phạm trù mầu nhiệm như Casel tin như thế, nhưng các giáo phụ đã dùng từ ngữ và các phạm trù mầu nhiệm một cách rộng rãi để công thức hóa dữ kiện kitô. Trong các mầu nhiệm ngoại giáo, qua một sinh hoạt lễ nghi con người cố ý tham dự vào các chuyện của một thần linh để bảo đảm cho mình một loại bất tử. Yêu sách ngoại giáo này là một yêu sách không thể nào ủng hộ được, bởi vì các thần linh của họ là các thần linh giả tạo, và trong mọi trường hợp bởi vì các chuyện của các thần linh chỉ là các thần thoại. Trái lại, các cử hành kitô có nền tảng của chúng là các can thiệp cứu rỗi hiệu lực của Thiên Chúa trong lịch sử. Vì thế học giả Casel nói: ”Bí tích có cùng ý nghĩa của mầu nhiệm, và trong các văn bản phụng vụ nó có một chiều kích rộng rãi giống như chiều kích của mầu nhiệm” (JLW VIII, 225).
”Trong các bí tích các cử chỉ cứu rỗi của Chúa Kitô được diễn lại. Trong các cử chỉ cứu rỗi ấy chính Thiên Chúa hành động; như thế chúng không qua đi như các hành động của con người. Chỉ có sự kiện bên ngoài và lịch sử là qua đi, còn yếu tố nội tại vượt thời gian, ý nghĩa cứu độ của chiều kích vĩnh cửu tồn tại. Các cử chỉ còn đó trong nghĩa là các cử chỉ cứu rỗi và chúng bước vào trong hiện tại qua mỗi bí tích. Như thế trong các bí tích được thực hiện chính hoạt động cứu độ của Thiên Chúa, được diễn tả ra trong các cử chỉ của Chúa Kitô bên Palestina. Như vậy cả các bí tích cũng có thể được gọi là các ”mầu nhiệm”, từ khi các mầu nhiệm có thể được định nghĩa là ”sự hiện diện của hoạt động cứu rỗi của Thiên Chúa dưới khăn trùm của các biểu tượng” (JLW VIII, 145-232).
Người ta biết rằng luận thuyết của học giả Casel cùng với nhiều người ca ngợi ông đã gặp nhiều chống đối. Vào mấy thập niên đầu thế kỷ XX tư tưởng trình bày một nền thần học bí tích bằng một tiếp cận chúng với các cử hành mầu nhiệm ngoại giáo là điều lạ lùng và nguy hiểm hơn là ngày nay rất nhiều. Nhưng các phê bình chỉ trích xác đáng nhất có một khuôn mẫu khác.
Trong khi từ một đàng người ta nhận xét rằng giải thích việc tái thời sự hóa các sự kiện của qúa khứ qua sự hiện diện khắp nơi của Ngôi Lời là một giả thuyết không thể chấp nhận được – như lập trường của học giả J.B. Umberg, thì mới đây hơn người ta ghi nhận rằng, nếu các bí tích là một việc cử hành mầu nhiệm, bởi vì chúng diễn tả lại một hoạt động cứu rỗi của Thiên Chúa đã nhập thể trong các biến cố của lịch sử cứu độ, thì khi đó chúng không phải là một việc diễn tả lại hoạt động siêu việt đã khơi dậy chúng. Trong nghĩa này các bí tích sẽ không phải là ”các mầu nhiệm được diễn tả” nữa, mà là các mầu nhiệm mới, cả khi chúng ở trong sự hài hòa hoàn toàn với các mầu nhiệm của lịch sử cứu độ. Để các bí tích có thể được hiểu như là sự diễn tả lại bí nhiệm, mầu nhiệm cứu độ cần được diễn tả lại phải tìm ra trong chiều kích xuyên lịch sử của nó, một yếu tố xuyên lịch sử có thể tái diễn tả được trong một cách thức nào đó.
Thần học gia E. Schillebeeckx đã hướng việc nghiên cứu của mình trong nghĩa này. Theo đó sự nhập thể là việc Đấng Cứu Thế vĩnh cửu len vào thời gian. Thời gian tự bản chất của nó là không thể quay trở lại đàng sau được, và vì thế Thiên Chúa, là Đấng không thể thay đổi bản chất của các sự vật, có thể diễn tả lại như thực tại, cả trong hình thái xuyên lịch sử, điều đã xảy ra trong lịch sử. ”Điều đã qua trong lịch sử, thì đã qua một cách không thể cải hồi và sẽ không bao giờ trở lại nữa”. ”Như vậy nếu Chúa Kitô đã là người một cách thực sự, thì cả hiến tế thập giá như là biến cố lịch sử, là một thực tại của qúa khứ, không còn có thể diễn tả cả trong mầu nhiệm như thực tại một cách mới mẻ được nữa”.
Chắc chắn có đúng thật là hành động lịch sử của một người, trong một cách nào đó, vượt cao hơn thời gian trần thế, bởi vì như là hành động cá nhân, nó là một cử chỉ của tinh thần và bởi vì nó tạo thành ít nhất một phần con người đó như nó là hiện nay. Nhưng điều này không ngăn cản thời điểm lịch sử của cử chỉ đó như cử chỉ nhân bản, thuộc về qúa khứ một cách không thể lay chuyển được, và như thế nó không thể được diển tả lại trong cái thời sự của nó, kể cả trong mô thức của mầu nhiệm. Cái qúa khứ các hành động của con người Đức Giêsu tham dự vào tính cách không trể trở lại của thời gian một cách không thể tránh được, nếu nó khác đi, thì chúng ta sẽ rơi vào một hình thức mới của lạc thuyết Docetismo, cho rằng Đức Giêsu chỉ có dáng vẻ thân thể bề ngoài, chứ không thật. ”Đàng khác, thần học gia Schillebeeckx ghi nhận rằng, các hành đông lịch sử của Đức Kitô là Thiên Chúa, là các hành động cá nhân của bản vị thứ hai của Thiên Chúa, cả khi có được làm qua nhân tính của Người. Như là hành động của bản vị Thiên Chúa, hiến tế của Đức Giêsu trên thập giá như vậy có một tính cách thời sự vĩnh hằng, không thể phá hủy được”.
Việc nhấn mạnh rằng trong các hành động lịch sử cứu rỗi của Chúa Kitô có bao gồm một yếu tố xuyên lịch sử, nhờ sự kiện chúng là các hành động của Thiên Chúa con người, cho phép thần học gia Schillebeckx vượt thắng các khó khăn, mà hệ thống của thần học gia Casel đã không tìm ra một câu trả lời thích đáng. Giải pháp do học giả Schillebeckx đề nghị đã thành công lớn hơn giải pháp của học giả Casel, nhưng dù sao đi nữa trực giác của đan sĩ tu viện Maria Laach đã là một trực giác may mắn.
Dầu vậy, sự thật là vấn đề hiệu lực của các bí tích vẫn là một vấn nạn thần học còn hoàn toàn rộng mở và rất có thể là lý do nền tảng được đưa ra bởi sự kiện cả bên trong nền thần học của việc tái diễn tả các mầu nhiệm, vấn đề hiệu lực bí tích tiếp tục được đặt ra theo một luận lý không thích hợp với luận lý nhiệm mầu.
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1188)
Linh Tiến Khải