Có một câu chuyện kể về vị Giáo sư Triết Học, từng dạy tại nhiều trường đại học như sau:
Ông là người tôn thờ Đạo Ông Bà. Tuy nhiên, ngay từ khi còn nhỏ đến lúc lấy học hàm tiến sĩ Triết Họcvà thạc sĩ Thần Học, ông đã được ảnh hưởng rất nhiều từ nền giáo dục cũng như nơi ở của Đạo Công Giáo qua các dòng tu. Vì thế, ông luôn dành tình cảm đặc biệt đối với Giáo Hội Công Giáo nói chung và với giới nhà tu nói riêng.
Trong những lần tiếp xúc với người Công Giáo, ông thường hay kể: trong thời gian đi du học tại nước ngoài, sau khi đã lấy xong học hàm tiến sĩ Triết tại đại học Harvard, ông đã quyết định học thêm để lấy bằng thạc sĩ Thần Học. Tuy nhiên, cái khó của ông, đó là: muốn học Thần Học, phải có Đức Tin. Không có Đức Tin là một điều vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là vô lý! Lúc đó, ông cảm thấy bế tắc!
Tuy nhiên, nhớ đến vai trò của Chúa Thánh Thần mà đã nhiều lần ông được nghe biết đến! Nên ông đã quỳ gối để cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng và giúp ông hiểu được những chân lý, mầu nhiệm của Thiên Chúa qua các môn học Thánh Khoa. Quả thật, khi cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, mọi vấn đề được khai sáng. Vì thế, ông không ngần ngại xác nghiệm vai trò của Chúa Thánh Thần bằng câu nói rất dí dỏm nhưng đầy xác quyết như sau: “Mỗi khi khó khăn, hãy cầu xin với ‘Đồng Chí Thánh Thần’ là mọi chuyện sáng ra hết”. Ông còn nói thêm: “Tuy nhiên, khi cầu xin ‘Đồng Chí Ý’ là phải quỳ gối”, ý muốn nói về sự khiêm nhường.
Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ trọng kính Chúa Thánh Thần. Khi mừng lễ này, Giáo Hội muốn xác tín mạnh mẽ về vai trò tác sinh mọi sự của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội và xã hội mọi thời.
Vì thế, chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem Chúa Thánh Thần là Đấng nào?
Khi nói đến Chúa Thánh Thần, Giáo Hội luôn khẳng định Người là: Thiên Chúa Ngôi Ba; Đấng Quyền Năng (x. Lc 1,35; Mt 12,28; Mt 4,23); Tác Sinh; Thánh Hóa và Biến Đổi; Thần Khí Sự Thật của Đức Giêsu Phục Sinh; là Sức Mạnh (x. Mt 4,1-10); Nguồn Bình An (x. Ga 20,19); là Sự Sống Thần Linh (x. Ga 20,22); Đấng An Ủi, Bào Chữa và Tha Tội (x. Ga 20,23).
Với những tước hiệu khác nhau như vậy, chúng ta sẽ hiểu về vai trò Chúa Thánh Thần qua các hoạt động của Người trong Giáo Hội, như:
Khởi đi từ ngày Lễ Ngũ Tuần, “mọi người được tràn đầy ân huệ của Chúa Thánh Thần qua việc đón nhận hình lưỡi giống như lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (x. 1 Cr 12,4-11). Khi nhận được ơn sốt mến và biến đổi qua biểu tượng hình lưỡi lửa, Chúa Thánh Thần đã tác động trực tiếp đến các mục tử đầu tiên của Giáo Hội là các Tông đồ qua việc ban cho các ông một sức mạnh phi thường, lòng can đảm vô biên, nên các ông không còn hèn nhát, sợ sệt và tối trí như trước kia nữa (x. Cv 2,14-36); mà ngược lại, các Tông đồ đã mở toang cánh cửa của sự sợ hãi, sẵn sàng ra đi hiên ngang làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng mà trước đó, các ông rất lo sợ bị liên lụy!
Với những lời lẽ đầy khôn ngoan và hết sức thuyết phục (x. Ga 16,12-13), các Tông đồ đã loan báo về Đức Giêsu – Đấng đã chết và phục sinh một cách hùng hồn và đầy xác tín. Hơn nữa, ngọn lửa yêu mến đã thâm nhập vào trong tâm trí và con tim các ông, khiến các ông sẵn sàng chấp nhận thí mạng để làm chứng cho những điều mắt thấy, tai nghe. Kết quả: biết bao nhiêu người đã được ơn nhận biết Thiên Chúa (x. Cv 2,41).
Điều đặc biệt ngay trong thời kỳ đầu của Giáo Hội và mãi cho đến ngày nay, vai trò của Chúa Thánh Thần rất quan trọng trong việc quy tụ mọi người thuộc mọi dân nước và ngôn ngữ trong sự hiệp nhất (x. Cv 2,5-8) (x. Cv 2,42-47).
Khi mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay, Giáo Hội muốn mời gọi con cái mình không chỉ biết về Chúa Thánh Thần cũng như vai trò của Người không mà thôi, nhưng Giáo Hội còn đi xa hơn nữa khi kêu gọi con cái mình hãy cộng tác với Chúa Thánh Thần để làm cho ơn thánh của Người được lớn mạnh trong lòng mỗi chúng ta cũng như triển nở trong nhân loại hôm nay.
Muốn được vậy, trước tiên, mỗi người hãy trở nên ngoan hiền, khiêm tốn, giống như một dụng cụ vừa tay Chúa Thánh Thần, để Người tự do biến đổi và sử dụng chúng ta, ngõ hầu mỗi người trở thành muối thành men và ánh sáng soi trần gian.
Thành men, thành muối và ánh sáng cho trần gian, đó là: chúng ta phải sống những đặc tính của người thuộc về Thiên Chúa, là lan tỏa nét đẹp của Đạo Công Giáo bằng chính đời sống tốt lành, gương mẫu của mình, một mặt để ướp con người và thế giới này khỏi hư thối bởi sự vô cảm, dửng dưng, bất nhân, ác thú, gian dối, hình thức, lễ nghi, ăn chơi trác táng…. Mặt khác, cần chiếu tỏa nhân đức như: bác ái; vui vẻ; bình an; kiên nhẫn; nhân từ; hòa nhã; nhẫn nại; hiền lành; tin tưởng; tiết độ; trong sạch, khiêm tốn, liên đới, cảm thông….
Làm được điều đó, mỗi người cần bén rễ sâu và đắm chìm mình trong đời sống cầu nguyện với Thiên Chúa, để nhạy bén với tác động của Chúa Thánh Thần ngang qua các dấu chỉ nơi những sự kiện, biến cố trong cuộc sống của riêng ta, cũng như của xã hội và Giáo Hội.
Có thế, chúng ta mới thực sự làm cho ơn của ChúaThánh Thần tác sinh trong ta và nơi mọi người.
Mong sao, lời tuyên tín đầy xác quyết: “Mỗi khi khó khăn, hãy cầu xin với ‘Đồng Chí Thánh Thần’ là mọi chuyện sáng ra hết” của vị Giáo sư trong câu chuyện trên sẽ là nguồn động lực thúc đẩy chúng ta xác tín rằng: Chúa Thánh Thần chính là Chủ Tể mọi sự trong Giáo Hội và nơi từng người chúng ta hôm nay.
Qua đó, xin cho chúng ta thêm lòng yêu mến và gắn bó mật thiết với Người trong sự khiêm tốn, để Người biến đổi và ban ơn cho ta, ngõ hầu mỗi người trở nên chứng nhân của Đức Giêsu trong thế giới hôm nay. Amen.
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.