Triết lý sống “hòn đất ném đi hòn chì ném lại” không chỉ là của riêng người Việt nhưng dường như nó nằm trong suy nghĩ của con người mọi nơi, mọi thời. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy chính các môn đệ Chúa Giêsu cũng mang tư tưởng ấy.
Sau khi các môn đệ chứng kiến khát vọng được sống đời đời của người thanh niên giàu có, lắng nghe lời Chúa Giêsu dạy về số phận những người cậy dựa vào của cải, họ liền nghĩ ngay đến mình và Phêrô đã lên tiếng. Lời thân thưa của Phêrô: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” như ngầm đặt cho Chúa Giêsu một câu hỏi: chúng con sẽ được gì đây? Ông muốn tìm một phần thưởng bù đắp hy sinh “bỏ mọi sự” của chính ông và các bạn đồng môn. Phêrô đã tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô!” (Mc 8, 29) nhưng ông vẫn còn tính toán khi bước theo Thầy Giêsu. Thấu hiểu tư tưởng ấy, Chúa Giêsu trả lời Phêrô bằng một lời hứa rất giá trị: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”.
Đó là bảo chứng phần gia nghiệp cho những người dám sống vì Chúa và vì Tin Mừng. Nhưng lời hứa ấy cũng còn kèm theo “cùng với sự ngược đãi”. Quả thật, phần thưởng Nước Trời chỉ dành cho những ai chấp nhận gia nhập gia đình Thiên Chúa và bước qua con đường đau khổ của thập giá.
Con người trong cách cư xử thường có những tính toán “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”, hay nói theo những Nhà Xã Hội Học là “động cơ” để làm một việc gì đó. Động cơ có thể cho bản thân, cho gia đình, cho một ai đó, ít hay nhiều, vật chất hay tinh thần, hiện tại hay tương lai, đời này hay đời sau…
Vì thế, không lạ gì, khi Thánh Phê-rô đã rất chân thành và búc xúc thưa với Chúa rằng “chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy…chúng con sẽ được gì…?” Xem ra vấn đề thiết thực đặt ra của Thánh Phê-rô cũng là vấn nạn của không ít người bước theo Chúa Giê-su. Một cách thẳng ruột ngựa hay một cách khéo léo tế nhị hơn, nhiều người môn đệ của Chúa Giê-su cũng đã so đo tính toán với Chúa như thế.
Tin Mừng hôm nay tiếp liền những lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ về sự nguy hiểm của tiền của. Sau khi người thanh niên rời lìa Chúa, vì anh ta không thể từ bỏ của cải, Chúa Giêsu đã nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. Ở đây rõ ràng Chúa Giêsu sử dụng kiểu nói khuyếch đại như người Ðông phương thường dùng để kích thích sự chú ý. Hình ảnh con lạc đà chở nặng trên mình cho thấy sự say mê dính bén tiền của là một ngăn trở không cho con người trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.
Trước sự sửng sốt của các môn đệ: “Thế thì ai có thể được cứu?”, Chúa Giêsu xác quyết rằng ơn cứu độ hoàn toàn vượt quá những khả năng của loài người; đó là một ơn nhưng không của Thiên Chúa, vì chỉ mình Ngài mới có thể cứu độ con người. Nhưng quan điểm này còn khiến các môn đệ hoang mang hơn. Bằng chứng là phản ứng của Phêrô. Nhân danh Nhóm Mười Hai, ông thắc mắc muốn biết sự dấn thân của các ông có được thưởng gì không? Chẳng lẽ lòng quảng đại của các ông lại vô ích sao? Nếu những người giàu có, mặc dù nhiều của cải không thể vào Nước Thiên Chúa đã đành, còn những người đã từ bỏ những của cải hợp pháp nhất, liệu họ không có cơ may được vào đó được sao?
Trả lời cho câu hỏi của Phêrô, Chúa Giêsu hứa ban gấp trăm ngay ở đời này và đời sau được hưởng sự sống đời đời. Kiểu nói “gấp trăm ở đời này” cần được hiểu theo nghĩa phẩm chất hơn là theo nghĩa số lượng: từ bỏ cha mẹ không có nghĩa là để được một trăm cha mẹ ngay ở đời này, nhưng là để được điều quý giá hơn cha mẹ, đó là cộng đoàn anh em sống hiệp nhất với nhau trong đức tin. Trong câu trả lời của Chúa, cần lưu ý một chi tiết, đó là ngoài những gì nhận được bây giờ, còn có sự bách hại nữa. Bị bách hại, bị ngược đãi là vận mệnh của người môn đệ; bước theo Chúa là chấp nhận phiêu lưu với Ngài trên con đường sống đức tin với những đau khổ, thử thách không thể tránh được.
Như hai mặt của cuộc sống, Chúa Giê-su thẳng thắn không úp mở, và rõ ràng khẳng địnhcho các môn đệ hay những người đi theo Chúa là họ sẽ đương đầu với một thực tế của sự từ bỏ và bước theo Chúa là: sự bách bớ, chống đối, ngược đãi, vác thập giá…đồng thời những người dám từ bỏ theo Chúa sẽ có cảm nghiệm thực thế sự từ bỏ của họ không thể sánh bằng những gì họ được lại: “gấp trăm” ngay ở đời này. Chắc chắn đây không phải là số lượng đếm được…mà là một cảm nhận của sự được trao ban, sự cảm nhận của việc được bù đắp và tình thương an bài lo liệu của Cha trong mọi sự. Sự sắp xếp và lo liệu của Cha nhiều khi còn quá sự suy nghĩ và mong ước hay cầu xin của mỗi người.
Có lẽ những người bước theo Chúa đều có cảm nghiệm sâu sắc về chân lý mà Chúa Giê-su đã kinh qua này. Một khi họ từ bỏ gia đình bé nhỏ, và môi trường hạn hẹp của họ…để theo Chúa Giê-su, họ có gia một gia đình lớn hơn, đông anh chị em hơn trong cùng một đức tin là cùng một Cha. Bất cứ nơi đâu họ phục vụ, nơi đó là nhà và là những anh chị em của họ. Cảm nhận về thế giới quan được mở ra, không hạn hẹp trong “cái tôi” mà là cái của “chúng ta”.
Mỗi người chúng ta hẳn đã có lần tự hỏi: tôi sẽ nhận được gì sau một đời sống đạo, liệu tôi có được vào Nước Trời? Lời Chúa hôm nay củng cố niềm tin cậy của chúng ta. Như xưa Chúa Giêsu đã phải trải qua cuộc Thương Khó, chịu chết rồi mới bước vào vinh quanh Phục sinh thì nay người môn đệ cũng phải chấp nhận những thiệt thòi, hy sinh và bách hại khi sống Tin Mừng. Tại sao lại thế? Vì họ thuộc về Chúa nên “không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36).
Hơn nữa, họ “rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,23). Như thế, người kitô đích thực là người dám chấp nhận từ bỏ mọi sự gắn bó, phụ thuộc vào những quyền lực trần thế để được phần thưởng không gì sánh bằng là chính Thiên Chúa, gia tài vĩnh hằng. Các thánh là những chứng nhân sống động cho sự chọn lựa này.
Dứt bỏ mọi sự để trở thành môn đệ của Chúa Giê-su, chính là để yêu mến nhau như Chúa yêu mến chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ không “đánh mất nhau”, nhưng ngược lại, chúng ta sẽ “tìm lại được nhau” và nhận lại “gấp trăm” trong tương quan tình yêu đích thật và muôn đời. Bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
Huệ Minh