Cho đến năm bốn mươi tuổi ông mới quay đầu nhìn về nhà thờ, lý do để ông quay đầu về nhà thờ nhờ một buổi lễ. Lễ bổn mạng của ông, nhưng nhà thờ tổ chức lớn, vì ông may mắn được nhận vị thánh bổn mạng cũng là vị thánh của các cha “áo trắng”, mà các cha ‘áo trắng” thì đã chăm sóc giáo xứ này từ ngày lập xứ đến giờ. Bài giảng thì dài lắm, nhưng ông chỉ nhớ được mỗi một câu. Về nhà ông suy nghĩ mãi về câu ấy, ông băn khoăn: nếu mình có thể được nghe lại cả bài giảng… Ông vào xưng tội: xin cha thương giảng lại cho con bài giảng hôm ấy. Cha hỏi ông còn nhớ được gì? Ông thưa: con chỉ nhớ một câu “chỉ nói với Chúa và về Chúa”. – Thế là quá đủ rồi đấy, ông chỉ cần thực hiện một câu ấy thôi.
Nói với Chúa? Chúa ở đâu để ông nói? Để nói với Chúa phải tìm được Chúa. Thế rồi ông đi tìm Chúa, tìm trong nhà thờ vào các giờ kinh lễ sau một ngày làm việc mệt mỏi, trong nhà thờ chưa thấy Chúa, ông tìm các bài đọc trong thánh lễ, có người bạn tặng ông cuốn Kinh Thánh, ông vẫn chưa thấy Chúa, ông thường xuyên viếng Thánh Thể để tìm gặp Chúa, ông tham dự các giờ cầu nguyện, các buổi tĩnh tâm.. Ông quyết đi tìm cho được Chúa để nói chuyện với Chúa. Vì ông nghĩ chỉ khi tìm được Chúa và nói với Chúa thì ông mới có thể nói về Chúa.
Nói về Chúa? Ông chẳng biết nói về Chúa thế nào khi chưa gặp được Chúa. Mà nếu gặp được Chúa ông cũng chưa biết phải nói gì. Thế rồi ông suy nghĩ đơn giản: nếu người hôm nay tôi gặp là Chúa thì tôi sẽ nói gì? Nếu người hôm nay tôi gặp, người ta cũng nghĩ tôi là Chúa thì tôi sẽ phải đối xử với họ ra sao? Như tìm được lối thoát, ngày mỗi ngày ông cứ thực tập: người đối diện là Chúa, và mình là Chúa trong mắt người đối diện.
Cho đến một ngày… 29 tháng 6 năm … lễ Thánh Phêrô và Phaolô bổn mạng Ban Hành giáo mà ông là Chánh trương. Tối hôm trước lễ, khi đặt tượng thánh Phêrô lên bàn thờ ông vẫn thưa: Xin cho con tìm được Chúa để con nói cho mọi ngươi nghe về Chúa. Cha xứ đứng gần bật cười: ông đã và đang nói với Chúa và nói về Chúa trong cuộc sống hàng ngày rồi đấy, ông hãy bắt chước và sống như Chúa: cúi xuống rửa chân cho anh em, tha thứ cho người mắc lỗi với mình.
Sáng hôm sau đi lễ về, ông bị tai nạn giao thông, trên băng ca cấp cứu ông vẫn thưa; xin cha cầu nguyện cho con tìm gặp được Chúa, nói chuyện với Chúa để có thể nói với mọi người về Chúa. Khi công an đến thăm hỏi và lập biên bản, ông xin với công an một điều: đừng bắt bớ, giam cầm người gây tai nạn. Rồi ông dặn vợ con: đừng bắt người ta bồi thường. Ông muốn thứ tha như xưa Chúa đã tha thứ cho những kẻ làm khốn mình, vì như thế may ra ông gặp được Chúa.
Hai ngày sau ông tắt thở khi chưa tỉnh thuốc mê sau ca mổ não. Chẳng biết ông đã tìm được Chúa để nói với Chúa chưa, nhưng tôi đã thấy ông nói với tôi và mọi người xung quanh rất nhiều về Chúa qua các công việc, qua những xử sự hàng ngày, và qua những gì ông đã làm và để lại cho giáo xứ và cho gia đình ông.
Hôm nay ngày giỗ ông, xin dâng một nén nhang cầu nguyện cho linh hồn Đa Minh, cám ơn những gì ông đã nói về Chúa cho tôi nghe, và cám ơn ông: đã tạo nên hình hài bé nhỏ hèn kém này. Vì ông chính là cha của tôi.
Ba ơi! Con nhớ ba dù đã 34 năm rồi ! Xin cầu bầu cùng Chúa để con cũng có thể: nói với Chúa và nói về Chúa.
nguồn: daminhvn.net