Trang Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu mở lớp dạy môn “Hiền lành và khiêm nhường” khi Chúa nói: “Anh em hãy học với tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11, 29). Khởi đi từ ý tưởng nền tảng này, chúng ta cùng tìm hiểu hai điều quan trọng sau đây: Thứ nhất, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với Thiên Chúa; thứ hai, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với mọi người.
Trong thực tế, khó nhọc và gánh nặng luôn hiện diện trong cuộc đời của mỗi người. Mỗi người có những khó nhọc và gánh nặng riêng. Có người thì khó nhọc về đời sống vật chất; có người thì khó nhọc về bệnh tật; có người thì khó nhọc về đời sống tinh thần. Những khó nhọc ấy thường trở nên gánh nặng cho chúng ta và khi đối diện với những khó nhọc ấy, đôi khi chúng ta rơi vào tâm trạng chán nản và vô vọng.
Trước hết, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với Thiên Chúa. Người sống hiền lành và khiêm nhường là người sống lòng biết ơn Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (2 Cr 4, 7), điều này có nghĩa là mọi sự chúng ta có đều do bởi ơn Chúa. Thật vậy, có ai trong chúng ta đây có thể tự tạo ra mạng sống, trí khôn, sức khỏe, thời gian… cho mình đâu. Tất cả những gì chúng ta đang có đều được Chúa ban cho. Ngược lại, người kiêu ngạo là người vô ơn với Thiên Chúa và cho rằng mọi sự mình có đều do sức riêng của mình, vì thế, dễ dẫn đến việc xem thường Thiên Chúa, không tôn trọng Thiên Chúa và mọi người.
Sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với mọi người. Trong đời sống cộng đồng xã hội, chúng ta có thể sống hiền lành và khiêm nhường khi chúng ta ghi nhận công ơn của mọi người và quảng đại đóng góp vào những công việc chung của cộng đồng. Chúng ta thấy rằng không ai trong chúng ta có thể tự lo cho mình hết mọi việc. Chúng ta cần đến người thợ để hớt tóc hoặc may quần áo; cần có bác sĩ để chữa bệnh, cần những công nhân làm ra các sản phẩm để sử dụng mỗi ngày, cần những nông dân để làm ra lúa gạo, cần người đánh cá, cần người quét đường v.v…
Chúa mời gọi chúng ta hãy đến với Ngài. Đến không phải để Ngài cất khỏi nỗi khó khăn ấy mà là để Ngài ban sức cho chúng ta để chúng ta đủ sức gánh vác và vượt qua.
Không ít lần gặp gian khó trong cuộc sống, chúng ta cố gắng giải quyết. Rồi sức người có hạn, chúng ta rơi vào hoản loạn và chán nản, thậm chí chúng ta than trách Chúa. Hãy tập giải quyết những khó khăn ấy với sức mạnh của Chúa bằng cách cầu nguyện với Chúa để Chúa trợ giúp chúng ta. Chắc chắn Chúa không bỏ rơi chúng ta vì Ngài đã hứa nâng đỡ và bổ sức cho những ai đến với Ngài.
Trong cuộc sống, phàm là người ai cũng mong muốn kiếm tìm cho mình một đời sống hạnh phúc và bình an. Nhưng mấy khi con người được toại nguyện vì bản tính con người gắn liền với lo âu, nóng giận, buồn phiền… Khó nhọc và gánh nặng đã gắn liến với thân phận của kiếp người. Trước nỗi khốn khổ của nhân sinh, ông Gióp đã kêu lên: “Đứa con của người nữ, sống chẳng bao lâu và ứ đầy phiền muộn, như một cánh hoa, nở rồi tàn úa, như một chiếc bóng thoáng qua không ngơi nghỉ” (Gióp 14, 1-2).
Vậy gánh nặng và khó nhọc là bởi đâu? Kể từ khi tổ tông loài người phạm tội, sức nặng của tội lỗi đè nặng trên con người, họ phải vất vả mới có cơm ăn áo mặc. Con người luôn khắc khoải về cuộc sống của mình. Cuộc sống không cho phép con người được nghỉ ngơi và bình an thực sự. Chúa Giêsu đến để tha thứ tội lỗi và giải thoát con người khỏi hậu quả của tội, Ngài mới gọi con người hãy đến với Ngài để được bồi dưỡng nghỉ ngơi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Trong tình yêu thương của Thiên Chúa, con người sẽ tìm thấy bình an, khi nhìn nhận sự bé nhỏ của mình trước Đấng Tạo Hóa và phó thác vào Ngài con người sẽ tìm thấy hạnh phúc đích thực. Tình yêu Thiên Chúa ban sức mạnh để ách trở nên êm ái và gánh được nhẹ nhàng.
Và không ai trong chúng ta có thể sống cho riêng mình. Chính vì thế, chúng ta cần khiêm tốn nhận ra sự thiếu thốn của mình để đón nhận người khác, để ghi nhận công ơn của mọi người và để tích cực góp sức mình xây dựng và làm phát triển cộng đoàn xã hội. Ngược lại, người kiêu ngạo thì sống vô ơn, ích kỷ, không đóng góp vào việc xây dựng cộng đoàn.
Hiền lành và khiêm nhường, đó là căn tính của Vị Thiên Chúa Làm Người: Ngài chiếu tỏa dung nhan hiền hậu của Chúa Cha, Đấng đầy lòng thương xót. Trng Tin Mừng này vừa tiên báo cái chết đau thương của Con Chiên hiền lành bị đem đi xén lông và làm thịt, vừa là lời mời gọi mỗi người tin tưởng vào tình yêu của Chúa giữa cảnh đời buồn nhiều hơn vui, vất vả nhiều hơn sung sướng và khổ đau nhiều hơn hạnh phúc này.
Đến học với Chúa, chúng ta được mời gọi bỏ ách của mình để mang lấy ách của Chúa, hoặc đón nhận ách của mình bằng tình yêu Chúa dành cho chúng ta và bằng tình yêu chúng ta dành cho Chúa. Ách của Chúa thì nhẹ nhàng, bởi vì tất cả những gì Ngài làm, là để phục vụ cho sự sống của chúng ta, để diễn tả tình yêu đến cùng dành cho chúng ta. Bình thường, ách thì phải nặng; nhưng khi đến học với Ngài, chúng ta không thể không yêu mến Ngài; và chính lòng yêu mến Chúa làm cho mọi sự trở nên có ý nghĩa và vì thế nhẹ nhàng, làm cho ách của Ngài trở nên êm ái và gánh của Ngài trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augustinô nói, trong tình yêu không có đau khổ; nếu có đau khổ, thì đau khổ đó đã được yêu rồi.
Ta được mời gọi đến với Đức Giê-su để học với Chúa. Học với Chúa bằng cách lắng nghe Lời của Ngài trong cầu nguyện, nhất là trong thời gian tĩnh tâm, vốn là ơn huệ đặc biệt Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Bởi lẽ, Lời của Ngài là lương thực nuôi sống chúng ta, là ngọn đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường cho chúng ta đi (x. Tv 119, 105). Học với Chúa bằng cách ở lại với Ngài, như cành nho gắn liền với thân nho, ngang qua bí tích Thánh Thể (Ga 15, 1-17).
Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta làm học trò của Ngài. Chúng ta học trường Giêsu, học Thầy Giêsu, học bài Giêsu. Bài học nằm nơi chính trái tim Ngài: “Vì tôi có trái tim hiền hậu và khiêm nhu.” Khi mang trong mình những tâm tình của Thầy Giêsu thì tâm hồn ta sẽ được bình an trở lại. Chúng ta cần theo học Thầy Giêsu suốt đời, cần lột bỏ những tự hào về khôn ngoan thông thái, cần sống hồn nhiên khiêm tốn như trẻ thơ. Chỉ như thế chúng ta mới được Thầy Giêsu mạc khải, và đưa vào thế giới của Thiên Chúa.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với Thiên Chúa và mọi người. Xin Chúa biến đổi chúng ta để chúng ta biết sống mến Chúa và yêu người mỗi ngày một hơn.
Huệ Minh