|
Phòng khám “Mẹ của lòng thương xót”
Phòng khám mở cửa vào các chiều thứ 3, thứ 5 và sáng thứ 7 và mỗi tuần có từ 60 đến 80 người đến khám bệnh; họ là những người vô hình, những người mà dần dần không được hưởng những quyền lợi chăm sóc sức khỏe. Phòng khám là “một thành phố trong một thành phố”, như cách gọi của bác sĩ Lucia Ercoli, giám đốc sức khỏe y tế của thành Vatican và cũng là người phụ trách phòng khám này. Ban đầu chỉ có “những người nghèo của ĐGH” đến đây khám bệnh, nhưng rồi tiếng đồn về nó lan rộng và bây giờ cả những người ở những vùng ngoại ô nghèo khó cũng đến.
Khi số bệnh nhân tăng lên, thì số y bác sĩ tình nguyện cũng gia tăng. Đó là các chuyên viên y khoa và các nhân viên y tế của Tòa Thánh, của đại học Tor Vergata ở Roma và của Hiệp hội tương trợ y khoa, làm việc trong khoảng 30 dịch vụ do bác sĩ Ercoli hướng dẫn. Vào đầu năm 2019, phòng khám có cơ sở mới rộng lớn hơn do sự gia tăng con số bệnh nhân cũng như những nhu cầu sức khỏe khác nhau.
Ông Paolo Silli, một bác sĩ giải phẫu, đã làm việc tại bệnh viện của dòng Gioan Thiên Chúa được 36 năm và hiện là bác sĩ tình nguyện tại đây, cho biết là có nhiều bệnh nhân khác nhau đến đó, họ cần tất cả mọi thứ. Phần lớn họ là những người nghiện rượu, họ gặp vấn đề về bao tử vì họ ăn uống không đàng hoàng và vì sống trên đường phố, rất nhiều người bị bệnh về tai mũi họng.
Loại bỏ sự cô lập, sự phân biệt, bị ra ngoài lề xã hội và sự cô đơn
Bác sĩ Ercoli cho biết, theo thời gian, các dịch vụ tại đây cũng gia tăng. Một năm trước, một phòng khám tổng quát được bắt đầu, trên hết là giúp cho các phụ nữ dễ bị tổn thương, nhất là các thai phụ. Cùng với các đồng nghiệp, bà đã mở phòng khám các bệnh ung thư mà những người nghèo không có điều kiện để khám. Rồi các phụ nữ sinh con và họ lại có dịch vụ y khoa dành cho trẻ em. Phòng khám cũng “di động”: mỗi tháng 3 lần, các bác sĩ đi đến các vùng ngoại ô bị quên lãng của Roma. Bác sĩ Ercoli chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng loại bỏ những điểm yếu nhất của bệnh tật, đó là sự cô lập, sự phân biệt, việc loại ra ngoài lề xã hội và sự cô đơn. Bây giờ mọi người biết chúng tôi, chúng tôi đến với họ và chúng tôi ghi nhận tình trạng sức khỏe và sau đó, nếu không có điều gì chúng tôi có thể giải quyết tại ‘phòng khám lưu động’, chúng tôi đề nghị họ đến các phòng khám ở gần hàng cột đền thờ thánh Phêrô.”
Bác sĩ Ercoli chào những người thường xuyên đến phòng khám, khuyến khích những bệnh nhân mới, yêu cầu đồng nghiệp Elisabet đến với một phụ nữ ngồi tách biệt, trên bệ một cây cột, với đôi chân lở loét. Bác sĩ nhận định: “Sau khi các bệnh viện trở thành các công ty xí nghiệp, thì ý tưởng bệnh viện là nơi hồi phục và chăm sóc không còn nữa. Ngay cả trong lãnh vực y tế cũng nảy sinh nền văn hóa loại bỏ và do đó người ta chỉ chú ý đến bệnh lý nếu nó có lợi ích gì đó. Hơn nữa, đối với một số người, có những trở ngại cụ thể trong việc đăng ký vào hệ thống y tế quốc gia, do đó làm mất đi tính chất phổ quát mà nó có trước đây; và cuối cùng có những trở ngại kinh tế đối với những người phải chọn giữa việc mua thực phẩm để ăn hay chữa bệnh. Ngày nay, điều 32 của Hiến pháp Ý – đảm bảo điều trị miễn phí cho những người dễ bị tổn thương – bị đặt câu hỏi”.
Bác sĩ Ercoli
Bác sĩ Ercoli cũng là giám đốc tổ chức phi lợi nhuận “Y tế tương trợ”, nghĩa là giúp những người bị loại ra khỏi hệ thống y khoa và tìm cách giúp họ có lại quyền lợi này. Chăm sóc cho tha nhân, chuyên nghiệp, sự tương trợ luôn là điều cần làm trong cuộc đời của bác sĩ. Trong những năm 1990, bác sĩ Ercoli và chồng mình, cũng là một bác sĩ, đã tình nguyện trực đêm với tổ chức Caritas. Khi chiến tranh bùng nổ ở vùng Balcan, họ đã theo cha Armando Nardini đến trợ giúp cho Bosnia. Họ đến với các Kitô hữu cũng như Hồi giáo. Khi nghe về một trại trẻ mồ côi ở Bielorussia đang gặp nhiều khó khăn, họ cũng đã đi đến đó và từ giây phút đó, họ đã vô cùng quan tâm đến các trẻ em khốn khổ và tiếp tục hoạt động này với tổ chức “Y tế tương trợ”.
Là mẹ của 3 đứa con nuôi và với những kinh nghiệm khác nhau về sự tin tưởng trong gia đình, bác sĩ Ercoli biết rằng trái tim bà ở với những đứa trẻ bé nhỏ nhất. Bà cảm thấy những em bé đến phòng khám như là con của mình và khi chúng hỏi bà có bao nhiêu con, bà nghĩ mình có 2000 và hơn nữa…
Hồng Thủy
(vaticannews 22.03.2019)