Từ một câu trích dẫn không rõ ràng…
Năm 1993, Vương Đình Chữ có bài viết “Một ngộ nhận về Alexandre de Rhodes”, đăng trênCông Giáo và Dân tộc số 901 ngày 4/4/1993, (trang 18-19) và năm 2006 Nguyễn Đình Đầu có bài báo “Dân ta phải biết sử ta”, đăng trên Công giáo và Dân tộc, số 1582 ngày 9/11/2006, (trang 35) đề cập đến một câu trích sau đây:
“Đây là một vị trí cần được chiếm lấy và chiếm được vị trí này thì thương gia Âu châu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên phong phú.”
Câu trích này được tìm thấy ở trang 304 quyển Lịch sử Việt Nam, tập 1, do Ủy ban KHXH Việt Nam xuất bản tại Hà nội năm 1971, với ghi chú là trích từ quyển Divers voyages et missions en Chine et autres royaumes de l’Orient (Những cuộc hành trình và truyền giáo ở Trung Quốc và các vương quốc khác ở phương Đông) của Alexandre de Rhodes, Paris, 1653, tr. 109-110. Câu trích dẫn và nhất là thông tin trong ghi chú trên đây đã khiến nhiều nhà nghiên cứu sử học cho rằng Alexandre de Rhodes có ý đồ thực dân. Để làm sáng tỏ vấn đề, Nguyễn Đình Đầu đã tìm đọc hai trang 109-110 của tài liệu trên và cả bản tiếng Việt Hành trình và truyền đạo do Hồng Nhuệ(1) dịch, và đi đến kết luận là “không hề thấy câu nói sặc mùi đế quốc thực dân ấy, ngoại trừ những lời lẽ và thái độ quý mến dân tộc và trọng kính chính quyền cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài của xứ ta đương thời”. Từ đó đến nay chưa thấy bài viết nào làm sáng tỏ nguồn gốc câu trích dẫn trên đây. Gần đây, khi có được các bản tiếng Pháp in lần đầu năm 1653, lần thứ hai năm 1666 và cả bản in năm 1854 của quyển sách nói trên, chúng tôi cũng đã bỏ công tìm tòi đối chiếu, nhưng tuyệt nhiên không tìm ra một dòng nào có ý tương tự như câu trích dẫn bên trên.
Vậy từ đâu mà có câu trích dẫn đó? Có phải câu đó là của Alexandre de Rhodes không? Nếu phải thì nó nằm ở tài liệu nào? Còn nếu không phải của Alexandre de Rhodes thì nó được trích dẫn từ đâu?
Đến những suy luận võ đoán
Roland J. cho rằng đoạn “được gọi là trích dẫn đó” chỉ là một sự sáng tạo (invention) của Thomazi mà thôi (1998, tr.42), hay nói khác hơn, đó là một sự bịa đặt! Nếu chấp nhận cách diễn giải của Roland J. thì vô hình trung cho rằng tác giả này đã cố tình vu khống Alexandre de Rhodes! Đó là điều vô cùng tồi tệ đối với các nhà khoa học! Vì không thể dễ dãi đồng tình với Roland J., chúng tôi nghĩ rằng cần phải làm sáng tỏ nguồn gốc của câu trích dẫn trên.
Năm 2012, trong một tham luận trình bày tại hội thảo khoa học Côn Đảo – 150 năm đấu tranh xây dựng và phát triển (1862-2012), có đoạn sau đây:
“Hơn 25 năm sống ở nước ta, lúc vào Nam, lúc ra Bắc, ông [A. de Rhodes] đã mang về Pháp một tấm bản đồ đầu tiên về xứ này và cho in tại Lyon cuốn Từ điển Việt – Bồ – La, Hành trình truyền đạo và lịch sử xứ Đàng Ngoài, trong đó ông đã nhận định: «Ở đây, có một chỗ cần chiếm lấy và đặt cơ sở tại đó, thương nhân châu Âu có thể tìm thấy một nguồn lợi phong phú tiền lời và của cải» [5]. «Chỗ cần chiếm lấy» ấy chính là Côn Đảo.” (Lục Minh Tuấn – Thái Vĩnh Trân, 2012, tr.125).
Chú thích [5] của hai tác giả trên đây cho ta biết là đoạn văn đứng trước được trích từ trang 7 của một tư liệu mang ký hiệu VT 306 ABC, do Khoa Lịch sử trường Đại học KHXH&NV biên dịch, có tên là Cuộc chinh phục xứ Đông Dương, của tác giả A. Thomazi. Đó là bản dịch của quyển La conquête de l’Indochine của A. Thomazi, do Payot xuất bản lần đầu tại Paris năm 1934. Nguyên văn của câu trên như sau: “Il y a là, écrivait-il, une place à prendre, et, en s’y établissant, des marchands d’Europe pourraient y trouver une source féconde de profits et de richesse.”
Để làm sáng tỏ ngữ cảnh của câu trên, chúng tôi chép lại cả đoạn văn gồm câu đứng trước và câu đứng sau :
En Annam comme au Siam, les premiers Français que l’on vit furent des missionnaires. Le Père Alexandre de Rhodes aborda en Cochinchine en 1624, passa vingt-cinq ans dans ce pays et au Tonkin ; il en rapporta la première carte du pays, un dictionnaire annamite – latin – portugais, une histoire du Tonkin, et signala les possibilités qui s’offraient au commerce. «Il y a là, écrivait-il, une place à prendre, et, en s’y établissant, des marchands d’Europe pourraient y trouver une source féconde de profits et de richesse.» De nombreux prêtres, puis des agents de la Compagnie des Indes, confirmèrent ses dires. (Thomazi A., 1934, tr.13)
Nghĩa của đoạn văn này như sau:
Ở An Nam cũng như ở Xiêm [ngày nay là Thái Lan], những người Pháp đầu tiên mà người ta gặp là các nhà truyền giáo. Cha Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong năm 1624, sống 25 năm ở đó và ở Đàng Ngoài; từ đây ông đã mang về [Pháp] tấm bản đồ đầu tiên của nước này, một từ điển Việt – La tinh – Bồ Đào Nha(2), một quyển lịch sử xứ Đàng Ngoài, và đã lưu ý đến những khả năng mở ra cho việc thương mãi. “Ở đó, ông viết, có một chỗ cần chiếm, và khi đặt cơ sở tại đó, thương nhân châu Âu có thể tìm thấy một nguồn lợi phong phú gồm lợi nhuận và tài nguyên.” Nhiều linh mục và kế đến là các đại diện của Công ty Đông Ấn đều khẳng định nhận xét của ông.
Trong ngữ cảnh trên, với cụm từ “écrivait-il” (“ông viết”) được đặt chen vào câu trích dẫn trong ngoặc kép “…”, và nhất là hai từ “ses dires” (“lời nói, câu nói của ông”) thì người đọc hiểu là Thomazi thông báo rằng lời nói trực tiếp này là của Alexandre de Rhodes. Tuy nhiên tác giả không hề ghi chú câu trên được trích dẫn từ tài liệu nào, trang nào(3). Roland J. thì cho biết rằng Thomazi có ghi chú đoạn trên đây được trích từ quyển Divers voyages et missions du P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres Royaumes de l’Orient kèm theo số trang (tr.42, ghi chú 77)
Đâu là sự thật?
Truy tìm các tài liệu xuất bản trước năm 1934 (năm Thomazi xuất bản quyển La conquête de l’Indochine), chúng tôi bắt gặp đoạn văn sau đây trong quyển Les commencements de l’Indo-Chine française của A. Septans xuất bản năm 1887 (Nxb Challamel Ainé):
«En parlant du Tong-Kin, le P. Alexandre de Rhodes traite longuement du commerce. Pour lui, le Tong-Kin, par sa situation, son voisinage avec la Chine, se prête merveilleusement aux entreprises et peut devenir le siège de transactions importantes. Les Chinois y venaient en grand nombre, ils y apportaient des porcelaines, des toiles peintes et en tiraient des soieries et du bois d’aloès. Les Japonais s’y livraient autrefois à un trafic considérable, mais depuis vingt-cinq ans, ils avaient cessé de paraître dans le pays, il y avait ainsi une place à prendre et, en s’y établissant, des marchands d’Europe pouvaient y trouver une source féconde de profits et de richesses (2).» (tr.48)
(Khi nói về xứ Đàng Ngoài, cha Alexandre de Rhodes đề cập nhiều đến thương mãi. Đối với ông, xứ Đàng Ngoài vô cùng thuận lợi cho việc kinh doanh và có thể trở thành địa điểm giao dịch quan trọng. Đông đảo người Trung Hoa đến đó, họ mang đến đồ gốm sứ, vải hoa và mua tơ lụa và gỗ trầm hương. Trước kia, người Nhật đến đây buôn bán rất lớn, nhưng từ 25 năm, họ đã ngừng đến xứ này, vì thế có một chỗ cần chiếm lấy và, khi đã đặt chân đến đây, các thương nhân châu Âu có thể tìm thấy một nguồn phong phú gồm lợi nhuận và tài nguyên)
Đoạn văn này được Septans ghi ở phần chú thích số 2 (trang 48) là idem., bên dưới chú thích 1 là “Castonnet-Desfossés, déjà cité”, tức là muốn nói đến tài liệu “Les relations de la France avec le Tong-kin et la Cochinchine” (Quan hệ của Pháp với xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong) của Castonnet-Desfossés đăng trong Bulletin de la société académique indochinoise de France, số 2, 1883.
Trong bài viết của Castonnet-Desfossés, đoạn văn trên đây nằm ở trang 81. Đó không phải là trích dẫn của Alexandre de Rhodes, mà là của chính tác giả. Sau khi đã tóm tắt ý chính của chương XVI có tựa là “Du Traffiq, & des Marchandises des Tunquìnois” (từ trang 56-58) của quyển Histoire du Royavme de Tvnqvin của Alexandre de Rhodes, là phần nói về việc thương mãi của xứ Đàng ngoài vào những năm 1627-1646, Castonnet-Desfossés đã đi đến suy luận đó là “một chỗ cần chiếm lấy”. Cũng theo chiều hướng suy luận ấy, độc giả còn đọc được một câu tương tự của Castonnet-Desfossés khi nói về các bản tường trình của linh mục Tissanier(4) sau khi đã lưu trú tại xứ Đàng Ngoài 3 năm, từ 1658 đến 1660:
“Pour le P. Tissanier, le Tong-Kin est un pays d’avenir et doit, tôt ou tard, attirer l’attention des Européens. La fertilité de son sol, les cours d’eau qui l’arrosent et facilitent les communications, le voisinage de la Chine annonçaient que cette contrée serait un jour des plus florissantes et deviendrait dans la suite le siège d’un commerce actif. Si l’on s’en rapporte au P. Tissanier, l’établissement des Européens dans ce pays n’était qu’une affaire de temps” (tr.82).
“Đối với cha Tissanier, xứ Đàng Ngoài là một xứ sở của tương lai, và sớm hay muộn, sẽ thu hút sự chú ý của người châu Âu. Đất đai phì nhiêu, sông ngòi thuận tiện cho việc lưu thông, vị trí gần gũi với Trung Hoa báo trước rằng tương lai vùng này sẽ là một vùng trù phú và sẽ trở thành một trung tâm thương mại nhộn nhịp. Nếu ta tin lời cha Tissanier, việc người châu Âu đặt chân đến xứ này chỉ là vấn đề thời gian” (tr.82).
Như vậy “sự cố trích dẫn” này xuất phát từ Thomazi: ông đã nhầm lẫn khi đọc được trong quyển Les commencements de l’Indo-Chine française (Paris, Nxb Challamel Ainé) của A. Septans một trích dẫn từ bài viết của Castonnet-Desfossés, rồi vội gán cho Alexandre de Rhodes bằng cách thêm vào các chữ “écrivait-il” và “ses dires”. Sự nhầm lẫn này cũng còn bắt nguồn từ cách trình bày kém rõ ràng của Septans: sau khi viết câu “Son Histoire du Tonkin a été publiée en latin à Lyon en 1652” (Quyển Lịch sử xứ Đàng Ngoài [của Alexandre de Rhodes] đã được xuất bản bằng tiếng la tinh ở Lyon năm 1652), Septans liền ghi câu trích của Castonnet-Desfossés khiến người đọc dễ nhầm lẫn đó là của Alexandre de Rhodes!
Cũng cần nói thêm là quyển Lịch sử xứ Đàng Ngoài của Alexandre de Rhodes không hề đề cập đến Côn Đảo như hai tác giả Lục Minh Tuấn – Thái Vĩnh Trân đã suy luận. “Chỗ cần chiếm lấy ấy chính là Côn Đảo” như trong tham luận đã nói bên trên. Như đã giới thiệu bên trên, chẳng những đoạn trích dẫn đang bàn không phải do Alexandre De Rhodes viết, mà nó cũng không có liên quan đến Côn Đảo, tên Poulo Condore hay Pulo Condor không hề xuất hiện trong bất cứ quyển sách nào của de Rhodes, và quyển Histoire dv Royavme de Tvnqvin chỉ nói về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo của Đàng Ngoài mà thôi.
Tóm lại, Alexandre de Rhodes không hề viết câu “Đây là một vị trí cần được chiếm lấy và chiếm được vị trí này thì thương gia Âu châu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên phong phú” trong các tác phẩm của ông. Sự nhầm lẫn tai hại này bắt đầu từ A. Thomazi khi ông đã biến một suy luận của người đời sau thành phát biểu của Alexandre de Rhodes. Nguy hiểm hơn nữa, từ sự nhầm lẫn này mà đã có người suy diễn đến việc Pháp chiếm Côn Đảo hai trăm năm sau.
Chú thích:
1. Bản tiếng Việt do Hồng Nhuệ dịch quyển Divers voyages et missions du P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres Royaumes de l’Orient, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Tp Hồ Chí Minh xuất bản, 1994.
2.Thomazi viết sai: tên từ điển bằng tiếng la-tinh là Dictionarivm Annamiticvm Lvsitanvm, et Latinvm, xuất bản tại La Mã năm 1651. Tài liệu bằng tiếng Việt thường gọi là Từ điển Việt – Bồ – La.
3.Quyển La conquête de l’Indochine của Thomazi mà chúng tôi tham khảo do Nhà xuất bản Payot (Paris) xuất bản năm 1934 không có ghi chú nào về tài liệu được trích dẫn.
4.Relation du voyage du P. Joseph Tissanier, Edme Martin xuất bản năm 1663.
Tài liệu tham khảo:
Castonnet-Desfossés H., 1883: Les relations de la France avec le Tong-kin et la Cochinchine, d’après les documents inédits des Archives du ministère de la Marine et des Colonies et des Archives du Dépôt des cartes et plans de la marine, trong Bulletin de la société académique indo-chinoise de France, số 2, 1882-1883.
Lục Minh Tuấn – Thái Vĩnh Trân, 2012. Về nhận thức của người Pháp đối với Côn Đảo trước năm 1862, trong Côn Đảo 150 năm đấu tranh xây dựng và phát triểm (1862 – 2012) (Kỷ yếu hội thảo khoa học. Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia – Sự Thật.
de Rhodes A. 1651. Histoire dv Royavme de Tvnqvin, bản dịch tiếng Pháp của Henry Albi. Lyon, Chez Iean Baptiste Devenet.
Roland J. 1998. Le Portugal et la romanisation de la langue vietnamienne. Faut-il réécrire l’histoire? đăng trong tạp chí Revue française d’histoire d’outre-mer, quyển 85, số 318, quý 1 năm 1998.
Septans A. 1887. Les commencements de l’Indo-Chine française. Paris, Nxb Challamel Ainé.
Thomazi A. 1934. La conquête de l’Indochine. Paris: Payot.
Trần Thanh Ái