Hôm nay Thu Thủy tặng mình cuốn “Đời sống tốt đẹp” của giáo sư Lâm Ngữ Đường. Thấy tên tác giả, mình sáng mắt lên, vì hồi còn học ở Chủng viện, mình đã được các thầy giới thiệu Lâm Ngữ Đường như một nhà trí thức lớn. Là giáo sư Đại học Thượng Hải, nhưng tên tuổi của ông đã vang dội ở Âu châu.
Trước khi xếp giờ để ngốn trọn vẹn cuốn sách, mình đọc kỹ từng khúc… Tình cờ mình thấy Lâm Ngữ Đường cầm cuốn Thánh Kinh. Thế là mình dừng lại ở khúc này.
Lâm Ngữ Đường mê đi tìm chân lý. Ông nghiên cứu đạo Lão, đạo Khổng, đạo Phật và cuối cùng ông nghiên cứu Thánh Kinh. Hôm ấy ông đến nhà thờ. Sau lời cầu nguyện tự phát của người truyền đạo, Lâm Ngữ Đường bất bình và tự nhủ rằng : Người đạo Kitô ích kỷ lắm, cứ vơ Chúa vào cho mình, coi mình là hơn người ngoại, làm như thể người ngoại không phải là con của Chúa như họ. Rồi Lâm Ngữ Đường thề với lòng mình rằng : “Từ nay tôi chỉ theo một đạo mà thôi, đạo làm người” . Thế là ông không đọc Thánh Kinh nữa…
Số là hôm ấy nhà truyền đạo cầu nguyện đại khái như sau:
“Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban cho con ơn Đức Tin, trong khi biết bao nhiêu người ngoại vẫn còn ngồi trong bóng tối sự chết”.
Thái độ bất bình của ông Lâm Ngữ Đường trước lời cầu nguyện trên khiến mình chới với. Quả thật chính mình vẫn hằng cầu nguyện như thế. Cha linh hướng chủng viện cũng dạy mình cầu nguyện như thế. Ngài nói : “Các chú có thấy không, các chú được Chúa thương gọi vào đây để được học hành và rồi mai ngày các chú sẽ được bước lên bàn thánh, trong khi biết bao bạn bè cùng trang lứa với các chú giờ này còn đang chăn trâu ngoài đồng…”
Bây giờ mình mới khám phá ra rằng Đức Giêsu đã chống lại não trạng cầu nguyện của mình và của ông truyền đạo nào đó ở Trung Quốc bằng dụ ngôn “Người biệt phái và người thu thuế” (Lc 18,9-14).
Mình đã làm người biệt phái từ mấy chục năm qua mà không ngờ. Cám ơn ông Lâm Ngữ Đường nhé, bởi vì nhờ thái độ giận dữ của ông mà tôi giác ngộ để trở về với giáo huấn của Đức Giêsu, Thầy của tôi. Nhưng tôi cũng rất buồn vì chính con cái của Chúa đã làm ông mất một thời cơ để tìm gặp Đức Giêsu.
Để đền ơn ông và để đền tội thay cho ông truyền đạo nào đó mà ông đã gặp ở Trung Quốc, tôi xin kể hầu ông một câu chuyện, câu chuyện của đời tôi :
Năm 1968, chiến tranh đổ bom đạn xuống quê hương tôi như những trận mưa dai dẳng. Năm ấy tôi đang làm linh mục phụ tá tại nhà thờ Chánh tòa Cần Thơ.
Một đêm nọ, những tiếng nổ ục, ình, chát chúa làm tôi nhảy nhổm khỏi giường. Những lằn chớp nhức mắt đan chằng chịt trên bầu trời đen. Tất cả chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc thật ngắn ngủi, không tới mười phút. Dường như chính thần chết cũng rất sợ chết, nên chỉ hối hả múa một đường kiếm lửa rồi chuồn thẳng. Tôi lại nằm xuống và chờ xem có tiếng chuông báo mời đi kẻ liệt hay không. Tất cả chỉ là im lặng. Tôi lại chìm vào giấc ngủ…
Sáng hôm sau, giáo dân đi dự lễ đông hơn thường lệ. Sau thánh lễ bà con không âm thầm ra về như mọi khi, mà ở lại nói chuyện với nhau ở sân nhà thờ. Có vài giọng nói oang oang :
– Đêm rồi tôi thấy có một bà mặc áo trắng đứng ở trên không, cứ nghe ục một cái, thì thấy bà lại khoát tay một cái. Sau đó là nghe ình một cái ở bên xóm Cao Đài.
– Đúng là Đức Mẹ gìn giữ họ đạo mình rồi. Pháo nhiều như thế mà xóm đạo không bị một trái nào. Tất cả đều rớt xuống xóm Cao Đài.
– Tội nghiệp xóm Cao Đài. Bị thương và chết bộn à !
– Hôm nay chúng mình nên đến từng nhà quyên tiền xin các cha dâng một thánh lễ trọng thể để tạ ơn Đức Mẹ.
Ông Lâm Ngữ Đường ạ, tôi thật tình thông cảm với số phận không may của anh em xóm Cao Đài. Nhưng tôi bận chia vui với tín đồ của tôi mà đã quên không đi thăm và ủy lạo anh em Cao Đài xấu số… Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy xấu hổ quá. Tôi là linh mục nhưng tôi thấy mình cũng ích kỷ như nhận xét của ông : “Người đạo Kitô ích kỷ lắm, cứ vơ Chúa vào cho mình…” . Ông tha thứ cho tôi nhé !
Kinh Bảy,…. 1994
Sáng nay cha xứ nhờ mình giúp các giảng viên giáo lý một giờ.
– Chú cho mình đề tài đi.
– Bác muốn nói gì thì nói.
– Nói bao nhiêu phút ?
– Nói suốt ngày cũng được.
Mình đành chọn đề tài : “Sứ mạng người giảng viên giáo lý là trình bày Đức Giêsu một cách trung thực” . Mình cảnh giác họ :
– Coi chừng kẻo chúng ta lại rao giảng một Đức Giêsu đã bị bóp méo, hoặc bị cắm thêm râu ria. Coi chừng kẻo chúng ta lại dạy các em cầu nguyện giống như ông biệt phái trong Tin Mừng theo Thánh Luca. Ông biệt phái tạ ơn Chúa vì ông không gian dối, trộm cắp, ngoại tình; mỗi tuần ăn chay hai lần; vẫn đều đều nạp thuế thập phân cho đền thờ… Tạ ơn Chúa như vậy là hay lắm đấy. Sống được như thế là tuyệt vời rồi đấy. Nhưng… tất cả đều bị Chúa đổ xuống sông hết chỉ vì ông ấy thêm một câu vào lời cầu nguyện tuyệt vời kia : “Con không giống như người thu thuế kia”.
Một anh giảng viên có khuôn mặt vuông, râu ria lún phún và có giọng nói khào khào giơ tay xin góp ý :
– Thưa cha, chúng con chỉ dạy theo tài liệu có sẵn. Các đấng bề trên đã soạn sẵn cả những lời cầu nguyện cho các em rồi, chúng con cứ như thế mà theo. Chính trong tài liệu cũng có một lời cầu nguyện giống như cha đã nói. Các em cám ơn Chúa vì các em được Chúa thương ban ơn đủ thứ hơn tất cả các em ngoại giáo…
Mình không đòi tài liệu để thấy bằng chứng cụ thể, vì mình tin là anh giảng viên ấy nói thật. Mình chỉ buồn vì hôm nay vẫn còn có nhiều người đang đi vào vết xe của mình ngày xưa.
Ông biệt phái vẫn đứng đó, giữa cung thánh, giang hai tay lên trời…
Ông biệt phái ơi ! Ông oai hùng quá ! Ngày xưa Chúa đã quật ngã ông ngay trước mặt người thu thuế. Ngài cho ông ăn “điểm hột vịt” khi Ngài nói : ”Người này ra về và không được công chính hóa” .
Còn người thu thuế, Chúa cho điểm cao khi Ngài nói : “Người này ra về và đã được tha tội” . Chúa cho điểm, đồng thời cho nhận xét : “Ai nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống” . Ông bị Chúa quật ngã, nhưng ông lại đứng lên và ông đang đứng hiên ngang trong lòng tôi, trong lòng anh em tôi. Thì ra trong tôi đã có men biệt phái của ông. Và bây giờ thì tôi đã hiểu. Tôi xin mời ông ra đi vĩnh viễn ông nhé !
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Nhật Ký Truyền Giáo