Cha Opeka sinh tại San Martin, Buenos Aires, Argentina, trong một gia đình gốc Slovenia chạy trốn nhà độc tài Tito của Slovenia. Khi còn là thiếu niên, Opeka làm việc với cha của mình trong ngành xây dựng. Anh đọc kinh thánh nhiều lần và bị đánh động bởi Chúa Giêsu, “người bạn của người nghèo”. Opeka xây một căn nhà ở Junín de los Andes cho một gia đình Mapuche del Sur trú ẩn để trốn cái lạnh mùa đông giá buốt, và mọi sự thay đổi khi anh đọc một lá thư và nó đã thúc đẩy anh.
Trong một tài liệu viết năm 1648 của dòng Thánh Vinh sơn Phaolô, quen được gọi là dòng Ladarít, dòng sau này Opeka gia nhập, đã mời gọi những nhà truyền giáo đầu tiên đến Madagasca. “Tôi sẽ đến đó”,Opeka đã suy tư về lời mời gọi này và quyết định như thế. 15 năm đầu tiên Opeka sông tại bờ biển phía đông nam, trong khu rừng nhiệt đới ở thị trấn Vangaindrano. Với bóng đá như một phương tiện văn hóa, với nỗ lực như một công việc thay đổi, cùng với các anh em trong dòng hoạt động mục vụ. Cha thành lập phòng khám bệnh, chăm lo giáo dục và các hợp tác xã. Cha Opeka bị sốt rét để điều trị bệnh, cha phải đi đến Antananarivo, thủ đô của Madagasca và cha ở lại đây đến ngày nay.
Năm 1989, lần đầu tiên cha nhìn thấy những người nghèo sống tại bãi rác Tananarive, thủ đô Madagasca, nơi cư trú của những con người tuyệt vọng bị xua đuổi khỏi thành phố. Cha Opeka đã há hốc miệng không thốt nên lời khi nhìn thấy bao nhiêu trẻ em lớn lên giữa rác rến, học cách sinh tồn giữa đau khổ, giữa bệnh tật, không được học hành, không vệ sinh, trên hết là không có tương lai. Hình ảnh những con người, nam có, nữ có, và cả trẻ em, sống trong những điều kiện không xứng với con người, đã xét nát trái tim cha Opeka. Cha đã tìm cách để giúp những người nghèo khổ này. Nhờ sự giúp đỡ nhỏ bé của cộng đoàn dòng tu ở địa phương, cha Opeka đã có thể phát triển một ý tưởng của mình về cách giúp người nghèo tự giúp chính mình. Gần bãi rác có một mỏ đá granite, bất cứ ai sẵn sàng làm việc đều có thể sản xuất gạch, sỏi, đá, để bán cho các công ty xây dựng. Dưới sự hướng dẫn của cha Opeka, những cư dân của bãi rác liên kết với nhau, và qua công việc của họ, họ bắt đầu thấy một tia hy vọng nhỏ.
Sau đó, cộng đồng này đã được phát triển thành một cộng đồng sống động. Họ đã thành lập những ủy ban để đáp ứng các nhu cầu của những người la đông, ví dụ như chăm sóc cho các bệnh nhân và chăm sóc trẻ em. Những người sống trong các điều kiện không xứng với nhân phẩm trở nên ý thức về chính phẩm giá của họ. 30 năm sau, một cộng đoàn với tên gọi “Akamosoa”, nghĩa là “Những người bạn tốt” đã chào đời, tại những ngôi nhà được người dân trong 18 ngôi làng của cộng đoàn tự xây cất. Nơi đây có các cửa tiệm, văn phòng, đài phun nước và hệ thống điện. Hiện tại có khoảng 25 ngàn người được thay đổi cuộc đời nhờ sáng kiến của cha Opeka. Mỗi năm có 30 ngàn người nghèo đến với cộng đồng Akamasoa để được giúp đỡ và 13 ngàn trẻ em được đến trường nhờ sự giúp đỡ của cộng đoàn. Tất cả giờ đây có nhà riêng của mình được xây cất từ gạch ngói.
Cộng đồng Akamasoa không chỉ chăm lo cho đời sống vật chất của người dân, nhưng việc chăm sóc tinh thần cho họ là điều rất quan trọng đối với cộng đoàn. Thánh lễ ngày Chúa nhật là một cử hành đặc biệt, với khoảng 8000 người tham dự cách sốt sắng; họ cầu nguyện, ca hát với tâm hồn ý thức. Cha Opeka cũng kể cho biết là có nhiều khách du lịch ngoại quốc bị thu hút bởi cử hành phụng vụ kéo dai hơn 3 tiếng của cộng đoàn. Khi Thánh lễ kết thúc, họ chia sẻ rằng họ đã nghe tiếng của Chúa trong lòng họ.
Trong 50 năm, Madagasca đã trở thành quê hương của cha Opeka. Cha đã đến một trong những khu vực nghèo nhất trên hành tinh. Ở đó cha đã biến đau khổ thành cơ hội, cung cấp nơi trú ẩn cho người vô gia cư, mang lại sự đầy đủ cho người nghèo, hy vọng cho người thất vọng, thức ăn cho người suy dinh dưỡng. Cha Opeka, một người da trắng, với đôi mắt xanh, tóc vàng, ban đầu gợi cho người dân địa phương hình ảnh của sự đàn áp chinh phục của những đội quân thực dân. Nhưng cha đã vượt qua được sự kỳ thị ban đầu để trở nên người bạn của dân nghèo nhờ tính cách Argentina của cha.
Bóng đá. Một quả banh là đủ, một trận đấu để hòa hợp các khác biệt. Trong thời thơ ấu của mình, Opeka muốn trở thành một linh mục và cầu thủ bóng đá. Họ nói với anh rằng sự kết hợp này là không khả thi: chọn điều này hoặc điều kia. Anh đã chọn điều sau, là một linh mục, một nhà truyền giáo và một fan hâm mộ bóng đá. Ban đầu Opeka là mục tiêu trả thù vì anh là người da trắng, nhưngsau đó, anh trở thành một thần tượng, cầu thủ ghi bàn và lãnh đạo. Bóng đá, đã mở đường cho đường chân trời của Opeka. Tên tóc vàng, nạn nhân của những cú huých và đá, đã giành được sự tin tưởng của những người oán giận. Hình ảnh của Cha đứng trong bùn lên đến thắt lưng của mình trồng lúa để sinh sống đã thuyết phục người bản xứ. (Vatican News 30/05/2018)
Hồng Thủy
(RadioVaticana 05.06.2018)