Hỏi:Sách Nghi thức An táng Công Giáo được chấp thuận cho sử dụng tại Hoa Kỳ đọc trong số 39 như sau: “Màu phụng vụ được chọn cho tang lễ nên bày tỏ niềm cậy trông Kitô giáo, nhưng không được xúc phạm đến nỗi đau hay nỗi buồn của con người [Con xin nhấn mạnh]. Tại Hoa Kỳ, các lễ phục trắng, tím, hoặc màu đen có thể được mang ở nghi thức tang lễ, các nghi thức và Thánh Lễ cầu cho người chết”. Một linh mục, mà con quen biết, mặc lễ phục màu đen tại đám tang, gần đây cũng bắt đầu sử dụng một tấm khăn phủ màu đen lên quan tài, cho rằng nguyên tắc “làm phong phú lẫn nhau” của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI về hai biểu thức của Nghi Lễ Rôma sẽ biện minh cho hành động như vậy, và cũng lưu ý rằng một tấm khăn phủ quan tài màu trắng là không được qui định chặt chẽ theo chữ đỏ, nhưng tấm khăn phủ quan tài màu đen cũng không bị cấm. Ngoài ra còn có các vấn đề cơ bản của sự tương thích nữa. Có lẽ là hơi kỳ khi áo lễ màu đen, còn tấm khăn phủ quan tài lại màu trắng. Thưa cha, cha có tin rằng một tấm khăn phủ quan tài đen trong các nghi thức tang lễ cua Novus Ordo là hợp pháp không? Sử dụng tấm khăn thế nào trên nhà mồ giả (catafalque) trong thánh lễ các Đẳng Linh Hồn theo Novus Ordo? – W. G., Petaluma, California, Hoa Kỳ.
Đáp: Tấm khăn phủ quan tài, là một tấm vải phủ lên quan tài khi quan tài được đưa vào nhà thờ, và được sử dụng trong tang lễ. Từ ngữ pall (tấm phủ quan tài) xuất phát từ tiếng Latin pallium, hay áo choàng.
Trong lịch sử, chức năng ban đầu của nó là có tính thực tiễn, vì nó phủ lên xác người nghèo, khi không có khả năng mua quan tài. Sau đó, tấm khăn được phủ lên quan tài, và cũng được sử dụng bởi những người giàu có. Tấm khăn phủ quan tài như vậy thường là vải có hoa văn rất phong phú trong nhiều màu sắc, và chỉ sau đó nó trở thành chủ yếu là màu đen.
Trong thực tế, việc sử dụng một tấm khăn phủ quan tài màu trắng đã trở nên khá phổ biến cho các đám tang trong những năm gần đây, nhất là tại Hoa Kỳ và Canada. Việc sử dụng nó đã được đề nghị trong một tài liệu của Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales vào năm 1990, nhưng tôi không biết liệu nó đã được chấp nhận rộng rãi chăng. Việc sử dụng tấm khăn phủ quan tài là khá hiếm ở Ireland và Ý, cũng như ở hầu hết các nước nói tiếng Tây Ban Nha.
Sau đây là các điều liên quan đến việc sử dụng tấm khăn phủ quan tài trong Sách Nghi thức An táng Công Giáo:
“38. Nếu đó là tập tục trong cộng đồng địa phương, một tấm khăn có thể phủ lên quan tài khi quan tài được đưa vào nhà thờ. Là sự nhắc nhở của chiếc áo rửa tội của người quá cố, tấm khăn phủ quan tài là một dấu hiệu của phẩm giá Kitô giáo của con người ấy. Việc sử dụng tấm khăn phủ quan tài cũng có nghĩa rằng tất cả mọi người đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa (xem Giacôbê 2: 1-9). … Chỉ có các biểu tượng Kitô giáo có thể được đặt lên trên hoặc gần quan tài trong phụng vụ tang lễ. Còn bất kỳ biểu tượng khác, thí dụ, cờ quốc gia, hoặc cờ hoặc phù hiệu của các hiệp hội, không có chỗ trong phụng vụ tang lễ.
“132. Bất kỳ cờ quốc gia, hoặc cờ hoặc phù hiệu của các hiệp hội, mà người quá cố đã thuộc về, sẽ được loại bỏ khỏi quan tài ở lối vào nhà thờ. Chúng có thể được đặt lại, sau khi quan tài đã được đưa ra khỏi nhà thờ”.
Quy định về màu sắc của tấm khăn này không được đề cập, và trong ý nghĩa này, việc sử dụng một tấm khăn màu đen hoặc màu tím là không trái với các qui định. Tuy nhiên, như nghi thức nhắc rằng tấm khăn phủ quan tài là một biểu tượng của phép rửa, nó sẽ có vẻ phi lý khi sử dụng tấm khăn màu đen để tượng trưng cho bí tích này.
Phải thừa nhận rằng đây là một ý nghĩa tương đối mới cho tấm khăn phủ quan tài,vì chức năng ban đầu của nó, như đã thấy ở trên, là rất thực tiễn. Chỉ sau đó các ý nghĩa biểu tượng mới được phát triển.
Tượng trưng cho phép rửa tội và sự sống lại chắc chắn là ý nghĩa có giá trị, và do đó tấm khăn phủ quan tài màu trắng luôn có thể được sử dụng, và thực sự thường được khuyến nghị.
Ý nghĩa thứ hai của việc sử dụng tấm khăn phủ quan tài, là rằng mọi người đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa, cũng là một khuyến nghị mục vụ, để tránh phô trương tại thời điểm của tang lễ, qua việc sử dụng quan tài cầu kỳ và tốn kém.
Nghi lễ phụng vụ của Hội Đồng Giám Mục Canada có nhận xét thú vị về việc sử dụng tấm khăn phủ quan tài:
“Nếu chúng ta lắng nghe một cách cẩn thận các văn bản được sử dụng tại một phụng vụ tang lễ, chúng ta phát hiện ra rằng có nhiều lời nhắc đến phép rửa tội của người nay đã qua đời. Một lời nhắc xảy ra vào lúc bắt đầu phụng vụ, trong nghi thức đón nhận quan tài. Để nhấn mạnh tầm quan trọng của phép rửa của người đó, Giáo Hội tại Canada khuyến khích việc sử dụng một Tấm khăn phủ quan tài trong phụng vụ tang lễ. Tấm khăn này được phủ lên quan tài trong nghi thức tiếp nhận quan tài vào nhà thờ, bởi các thành viên gia đình, bạn bè, hoặc do các thừa tác viên của giáo xứ. Tấm khăn phủ quan tài là một sự nhắc nhở đến chiếc áo rửa tội màu trắng, dấu hiệu của phẩm giá Kitô giáo của con người. Cũng như Kitô hữu mới được mặc quần áo trắng khi người đó trở thành một thành viên của Giáo Hội, quan tài được phủ một tấm vải trắng khi con người tham gia vào một cuộc sống mới trong sự phục sinh của Chúa Giêsu. Việc phủ khăn lên quan tài là một cách để nói lên căn tính của người đã chết; nó tuyên xưng rằng điều tuyệt vời nhất mà có thể nói về người chết, là người đó là một anh chị em của Chúa Kitô, một thành viên của Giáo Hội. Tấm khăn phủ quan tài cũng là một dấu hiệu của đức cậy, của sự sống lại, của đời sống mới bên kia cuộc đời này, một bảng hiệu nói đến một mối quan hệ liên tục với người đã chết trong thời gian tới. Việc sử dụng tấm khăn này cũng thể hiện rằng, trong con mắt của Thiên Chúa tất cả mọi người đều là bình đẳng (Sách Nghi thức An táng Công Giáo, số 38). Người ta cũng có thể nói rằng chính tấm khăn phủ quan tài màu trắng là biểu tượng; nó không cần phải có bất kỳ biểu tượng được thêm vào nó nữa, để giải thích hoặc đưa thêm vào ý nghĩa. Căn tính này của người đã chết như một Kitô hữu được Giáo Hội xem là cơ bản và chính yếu, và nó là trọng tâm một cách đặc biệt. Vì lý do này Phần dẫn nhập chung về Sách Nghi thức An táng Công Giáo nói rằng, chỉ có các biểu tượng Kitô giáo có thể được đặt trên hoặc gần quan tài trong phụng vụ tang lễ. Cờ và phù hiệu của các hiệp hội, kể cả các hiệp hội Kitô giáo, nên được đặt ở nơi khác, hoặc ít nhất lấy ra khỏi quan tài trong nghi thức phụng vụ”.
Điều trên đây là khá điển hình của các hướng dẫn giáo phận ở trong nhiều miền của Hoa Kỳ và Canada. Thí dụ, một giáo phận Hoa Kỳ cho biết thêm một số chi tiết khác:
“Một tấm khăn phủ quan tài có thể được sử dụng, phủ hoàn toàn quan tài. Tấm khăn là màu trắng nếu nó được xem như tượng trưng cho chiếc áo rửa tội. Nó có thể được trang trí với các biểu tượng Kitô giáo, và có thể kết hợp màu sắc khác thích hợp cho đám tang. Việc phủ tấm khăn lên quan tài nên được thực hiện bởi các thành viên gia đình hoặc bạn bè vào đầu Thánh Lễ an táng, kèm theo ánh sáng của cây nến Phục sinh, và đặt các vật thích hợp trên quan tài, thí dụ: một cuốn Kinh Thánh, một chuỗi tràng hạt, tượng Thánh giá, hoa.
“Đối với Thánh Lễ an táng với nghi thức vinh dự quân sự dành cho quân nhân Hoa Kỳ, đang tại ngũ hoặc đã về hưu, tập tục là rằng quan tài khi vào và khi ra nhà thờ đều được phủ cờ Hoa Kỳ. Lá cờ được lấy ra khi quan tài đi vào, để có thể được rảy nước thánh, và tấm khăn được phủ lên quan tài, như một lời nhắc nhở cho phép rửa tội của người quá cố. Vào cuối nghi thức phụng vụ, tấm khăn phủ quan tài được cất đi, và lá cờ được một lần nữa được phủ lên quan tài”.
Tài liệu nêu trên của Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales thậm chí có một số lời khuyên cho giám đốc tang lễ, liên quan đến việc thiết kế quan tài chịu ảnh hưởng bởi việc sử dụng tấm khăn phủ quan tài:
“Mặc dù có truyền thống lâu đời rằng một cây thánh giá lớn đã được gắn lên hầu hết các quan tài được sử dụng tại các đám tang Công Giáo, cần nhắm cho tương lai rằng quan tài có thể được phủ bởi một tấm khăn màu trắng không trang trí, và rằng, như là một phần của buổi phụng vụ, một cây thánh giá và/hoặc cuốn Kinh Thánh được đặt lên trên. Điều này cho thấy cần một bề mặt phẳng phía trên của quan tài. Nếu một tấm khăn màu trắng (một miếng vải trắng lớn được sử dụng để phủ quan tài) được sử dụng, giám đốc tang lễ có thể được yêu cầu giúp xếp nó lại, sau khi nó được lấy đi vào cuối buổi lễ. Bởi vì một tấm khăn trắng và/hoặc một thánh giá hoặc cuốn Kinh Thánh có thể được đặt lên quan tài ở đầu buổi lễ, chúng tôi yêu cầu bất kỳ các thứ gì khác đặt trên quan tài (thí dụ cờ hoặc hoa/vòng hoa) phải được cất đi ở cửa nhà thờ. Các thứ này có thể được đặt lại sau khi quan tài rời khỏi nhà thờ”.
Nhà mồ giả được đề cập bởi người đọc của chúng tôi là một cấu trúc như quan tài, có phủ tấm khăn, đã được sử dụng cho Thánh lễ cầu hồn, được cử hành sau lễ an táng, để mô phỏng sự hiện diện của người quá cố. Nó cũng được sử dụng vào ngày lễ các Đẳng Linh Hồn ngày 2-11. Việc sử dụng nhà mồ giả đã bị bãi bỏ vào cuối thập niên 1960, và không còn được phép theo hình thức thông thường của các nghi lễ Rôma. Điều này đã được ghi nhận bởi Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trong phụ lục của phiên bản 1975 của Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma:
“Mặc dù nghi thức làm phép cuối tại nhà mồ giả hoặc tấm khăn phủ đã bị loại trừ, được phép cử hành phụng vụ lễ tang, trong đó có phần làm phép cuối, trong trường hợp vì do thể lý hoặc về mặt đạo đức mà thi thể của người quá cố không thể hiện diện được (tháng 11-1970)”.
Sự xá giải và làm phép cuối tại nhà mồ giả vẫn là một phần của hình thức ngoại thường, và việc sử dụng nó là thích hợp trong bối cảnh ấy.
(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 26-7-2016)