1. Cầm trên tay bức “Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi toàn thể cộng đồng Dân Chúa Việt Nam vừa mới được công bố hôm 01/05/2011, một giáo lý viên vừa chỉ vào dòng chủ đề của bức thư: “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống” vừa hỏi tôi: “Thưa cha, mấy cụm từ ‘văn minh tình thương và sự sống’, ‘văn hoá sự sống’ và ‘văn minh sự sống’ có đồng nghĩa với nhau không? Con nghe có cha nói tới ‘văn hoá sự chết’ rồi ‘văn minh sự chết’ nữa, phải chăng ‘văn hoá’ đồng nghĩa với ‘văn minh’?”
Tôi nghĩ, hai câu hỏi của giáo lý viên này cũng là dịp để chúng ta cùng nhau tìm hiểu rõ hơn ý nghĩa của hai thuật từ văn hoá và văn minh và các cụm từ vừa nói trên.
2. Văn hoá và văn minh.
2. 1. Nghĩa của các chữ văn, hoá và minh.
2. 1a. Văn: có 11 chữ Hán, 文, 雯, 紋(纹), 蚊, 蟁, 螡, 聞(闻), 閿, 閺(阌), 彣, 炆, ở đây là chữ文(văn), nghĩa là dt. (1) Chữ viết: Chung đỉnh văn (chữ khắc trên đồ đồng cổ). (2) Ngôn ngữ: Anh văn; Hán văn; Việt văn. (3) Văn từ, hợp nhiều chữ lại thành bài: Văn chương. (4) Cách diễn tả: Tình văn tịnh mậu (tưtưởng và văn chương đều hay). (5) Cái dấu vết do đạo đức lễ nhạc giáo hoá mà có vẻ đẹp đẽ rõ rệt: Văn minh. (6) Văn hoa, chỉ cốt bề ngoài cho đẹp, không chuộng đến sự thực: Phù văn. (7) Nhà văn Trung Hoa có hai lối viết: lối bình dân gọi là bạch, và lối cao kỳ gọi là văn (thứ này gồm cổ văn). (8) Chỉ có hình thức bên ngoài: Hư văn. (9) Ngạch song lập với võ: Văn quan. (10) Một số hiện tượng thiên nhiên: Thiên văn; thuỷ văn. (11) Đồng tiền (cổ văn): Văntiền (tiền cục). (12) Phiên âm Brunei: Văn lai. tt. (13) Dáng vẻ thanh tao: Văn nhân; văn nhã; văn hoả (lửa dim dim). (14) Tao nhã: Ôn văn. (15) Có ăn học: Văn nhân. đt. (16) Che đậy: Văn quá sức phi (che tội và tô cho nhẹ các điều lầm lỡ). (17) Xăm thông với紋: Văn thân (xăm mình).
2. 1b. Hoá: có 2 chữ, 化, 貨 (货)trường hợp này là 化(hoá), nghĩa là dt. (1) Dạy: Giáo hoá. (2) Tập tục dân gian: Phong hoá. (3) Trời đất hay mệnh vận: Tạo hoá. (4) Chế độ lễ nhạc: Văn minh tình thương và sự sống. (5) Người ăn xin: Khiếuhoá tử (kẻ ăn xin). đt. (5) Tạo thành: Hoá công. (6) Thay đổi: Thiên biến vạn hoá (thay đổi rất nhiều). (7) Trời đất sinh thành vạn vật: Hoá dục. (8) Nhà Phật xin bố thí: Hoá duyên. (9) Dùng tiền: Hoá phí. (10) Đốt ra tro: Hoả hoá. (11) Biến cải: Hoá hại vi lợi. (12) Tan biến: Hoá vi ô hữu (biến mất tích). (13) Giúp tiêu: Hoá thực. (14) Giúp đổi: Hoá trang(phấn son,…); Hoá trang (bằng trang phục, diện mạo, đầu tóc,… – cải dạng). (15) Chết: Toạ hoá (nhà sư chết ngồi).
Nghĩa Nôm: Hoá (cũng nóivá, là tiếng goá nói trại): chết chồng hoặc chết vợ: Ở hoá.
2. 1c. Minh: có 12 chữ, 明, 鳴(鸣), 盟, 冥, 瞑, 銘(铭), 溟, 暝, 茗, 螟, 洺. nơi đây là chữ 明(minh), nghĩa là dt. (1) Thị giác: Song mục thất minh (hai mắt bị mù). (2) Mắt sáng: Tángminh (mù mắt). (3) Dương thế: U minh lưỡng cách (Dương thế và âm phụcách biệt). (4) Thần: Thần minh. (5) Tên triều đại: Nhà Minh. (6) Họ Minh. đt. (7) Sáng: Minh nguyệt. (8) Tinh sáng: Nhĩ thính mục minh (tai nghemắt thấy). (9) Rõ ràng: Minh bạch; Minh nhất sáo, ámnhất sáo (việc úp mở). (10) Hiểu biết rõ: Bất minh chân tướng (không rõ sự thật). (11) Tỏ rõ: Phát minh tân lý (phát minh ra lẽ mới). (12) Thời gian tiếp theo: Minh niên (năm sau).
2. 2. Văn hoá là gì?
2. 2a. Từ nguyên: Thuật từ văn hoá (A, P: culture) dịch từ tiếng Latinh là cultura, bắt nguồn từ chữ cultus mà nghĩa gốc là gieo trồng, được dùng theo nghĩa gieo trồng ruộng đất (cultus agri) và gieo trồng tinh thần (cultus animi), tức là sự giáo dục bồi dưỡng tâm hồn con người. [1]
– Đa số học giả Anh, Pháp thì cho rằng văn hoá và văn minh đồng nghĩa nhau, và cùng chỉ một lối sống thanh lịch. Trong một cuộc hội thảo về văn minh, văn hoá tại Salzburg từ 8–15/10/1961, gồm rất nhiều học giả trứ danh như Sorokin, Toynbee, Spengler, Northrop v. v. người ta đã dùng hai thuật từ văn minh và văn hoá lẫn lộn nhau, đồng nghĩa với nhau. Sử gia Anh, Toynbee giải thích rằng: có sự kiện này xảy ra là vì trong tiếng Đức, văn hoá có nghĩa là tiến bộ tinh thần; còn văn minh có nghĩa là tiến bộ vật chất, còn trong tiếng Anh và tiếng Pháp thì không có sự phân biệt ấy, vì thế họ mới dùng thuật từ văn minh với hai nghĩa văn hoá lẫn văn minh [2].
– Ở Trung Quốc, thuật từ văn hoá mới có sau này [3], nhưng chữ văn đã có từ lâu và bao hàm mọi ý nghĩa của văn hoá. Học giả Trung Quốc, ông Trần Thế Tương (陳世驤, 1912-1971) viết: “Văn là tất cả những gì đẹp đẽ của nhân quần, là sự sáng tạo của tinh thần, có mục đích kết hợp mọi phần tử rời rạc vô nghĩa thành một đoàn thể có tổ chức, đổi xung đột thành hoà mục, đổi loạn thành trị, thực hiện cái hay, cái đẹp” [4]. J. Laloup và J. Nélis cũng cho rằng: “Chữ ‘văn’ của Trung Quốc hàm ngụ tất cả công trình cải thiện con người. Nó bao quát văn chương, đạo giáo, triết học, nghệ thuật.Tóm lại, tất cả mọi thủ đắc trên bình diện tinh thần, ngược lại với chữ vũ, tượng trưng cho guồng máy hành chánh và quân sự” [5]. Trong Kinh Thư [6], chữ văn hay văn giáo đã được dùng thay vì thuật từ văn hoá”. Theo bộ Từ Hải [7] thì văn hoá vốn là một cách biểu thị chung của hai khái niệm văn trị và giáo hoá.
– Ở Việt Nam do ảnh hưởng Trung Quốc, nên chữ văn cũng đã có tự lâu đời. Trái lại, thuật từvăn hoá chắc chắn là một thuật từ mới được thông dụng chưa đầy 100 năm. Các tự vị, tự điển Việt hay Pháp Việt, xuất bản trước 1918 đều không có thuật từ này.
– Tóm lại thuật từ culture đã xuất hiện khoảng cuối thế kỷ 18, và thuật từ văn hoá khoảng đầu thế kỷ 20, nhưng chỉ được thông dụng ở bên Đông cũng như ở bên Tây, sau đệ nhất thế chiến.
2. 2b. Định nghĩa: Thuật từ văn hoá có nội dung vừa phong phú vừa phức tạp, thay đổi tuỳ theo quan điểm của từng tác giả. Do đó, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về văn hoá [8], mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau, không nhất thiết loại trừ nhau, mà trái lại còn bổ túc và phong phú hoá cho nhau. Sau khi UNESCO – trong Tuyên bố toàn cầu về tính đa dạng văn hoá (năm 2002), đưa ra một định nghĩa chung về văn hoá, thuật từ này về căn bản đã được thống nhất.
Vậy văn hoá là gì? UNESCO định nghĩa: “Văn hoá nên được xem là tập hợp các đặc trưng tinh thần, vật chất, trí tuệ và cảm xúc riêng biệt của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội, và ngoài văn học và nghệ thuật, nó bao gồm lối sống, cách chung sống, hệ giá trị, truyền thống và đức tin”[9].
Trong định nghĩa này, chúng ta lưu ý hai điểm: (1) vì là định nghĩa trong một tuyên bố toàn cầu, nên nó nhấn mạnh tính riêng biệt trong văn hoá của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội. (2) Quan trọng hơn, nó đưa ra khái niệm văn hoá theo 4 mức độ khác nhau:
• Ở mức đơn giản nhất,văn hoá được xem là văn học và nghệ thuật, tức là bao gồm các bộ môn: ca, nhạc, vũ, hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc, kịch trường, điện ảnh,… Ví dụ khi ta nói: Trung tâm văn hoá, nhà văn hoá, công tác văn hoá, tác phẩm văn hoá, đêm văn hoá, trình diễn văn hoá, triển lãm văn hoá.
• Ở mức độ cao hơn, văn hoá còn được xem là lối sống và cách chung sống, tức là những sinh hoạt của con người trong lãnh vực xã hội: ẩm thực, trang phục, ngôn ngữ giao tiếp, phong tục, tập quán ứng xử,…). Ví dụ: Sống có văn hoá, ăn nói thiếu văn hoá, phát triển văn hoá.
• Ở mức độ phức tạp hơn, đó là hệ thống các giá trị tinh thần, đạo đức, truyền thống, đức tin, tức là những sinh hoạt của con người trong lãnh vực tinh thần. Đó là những công trình giáo hoá của con người (hoá, cultus: trau giồi tâm hồn, dạy dỗ, mở mang, khai hoá), những tri thức, học thuyết, triết thuyết, giáo lý đưa dẫn suy tư của con người lên một bình diện cao hơn đời sống vật chất hàng ngày, những tìm tòi và tin tưởng có tính cách tâm linh, hay nói nôm na là những niềm tin tôn giáo, những tin tưởng về những gì xảy ra trong cõi vô hình, có khả năng chi phối ngay trong và sau cuộc đời hiện tại. Trong nghĩa này, văn hoákhác biệt với những tiến bộ về vật chất được gọi là văn minh. (Văn hoá gồm nghệ thuật, đạo đức, luân lý, tôn giáo nâng con người lên trong lãnh vực tinh thần; Văn minh là những tiến bộ về kỹ thuật nhằm cải thiện đời sống vật chất của con người). Ví dụ: Học văn hoá, trình độ văn hoá.
• Ở mức phức tạp nhất và do đó phổ quát nhất, văn hoá được xem là tổng thể các đặc trưng tinh thần, vật chất, trí tuệ và cảm xúc của một xã hội,… Trong nghĩa này, văn hoábao gồm cả văn minh, vì văn hoá (hay văn minh) chính là sự tiến bộ của con người cả về phương diện tinh thần lẫn vật chất hầu làm cho đời sống con người được hạnh phúc hơn, phong phú hơn. Hay nói cách khác là tiến gần tới chân, thiện, mỹ hơn. Ví dụ: Di sản văn hoá thế giới, nền văn hoá phương Tây, nền văn hoá cổ.
2. 3. Văn minh là gì?
2.3a. Từ nguyên: Thuật từ văn minh (A: civilization, P: civilisation) xuất phát từ tiếng Latin civilis, là tĩnh từ của danh từ civis, có nghĩa là “người thành phố” [10], tức một người sống ở thành phố và chịu sự quản lý của pháp luật tại thành phố. Về cơ bản đó là mô hình của cuộc sống ở Rôma và các thành phố lớn khác, trái ngược với cuộc sống ở nơi khác trong nước, cuộc sống thành phố được coi là phát triển hơn, hoàn hảo hơn. Đó là lý do Tom Standage [11] xem thuật ngữ văn minh chỉ đơn giản mang nghĩa “sống tại thành phố”, và danh từ civilitas (đô thị) dịch nghĩa của chữ politeia (πολιτεια) trong tiếng Hi Lạp.
2. 3b. Định nghĩa: Cũng như khái niệm về văn hoá, khái niệm về văn minh cũng chưa được thống nhất giữa các tác giả, học giả các nước. Có hai cách hiểu thường thấy về văn minh: (1) Xem văn minh đồng nhất với văn hoá, như Olivier de La Brosse, Antonin-Marie Henry và Philippe Rouillard [12] hay Tự Điển Hàn Lâm Viện Pháp[13]; (2) Xem văn minh là một nền văn hoá phát triển cao. Nói cách khác, văn minh là văn hoá của một xã hội phức tạp, là xã hội bắt đầu sinh sống bằng nông nghiệp và có sự định cư tại thành phố, như Từ Điển Bách Khoa Việt Nam [14], Từ Điển của Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam [15], hay Webster’s Online Dictionary [16]. Chúng tôi nghiêng về cách hiểu thứ hai. Vì quan niệm văn hoá và văn minh (trong tiếng Việt) có nhiều yếu tố khác biệt hơn là tương đồng.
3. Tim hiều hai thuật từ này
3. 1. Văn hoá và văn minh giống nhau?
Người ta đã tranh luận rất nhiều về phạm vi văn hoá với văn minh: Đa số học giả Anh, Pháp thì cho rằng văn hoá, văn minh đồng nghĩa nhau, và cùng chỉ một lề lối sống thanh lịch, trong khi đó số đông các học giả Đức, Mỹ thì cho rằng văn hoá, văn minh không đồng nghĩa, vì văn hoá thuộc phạm vi tinh thần; văn minh thuộc phạm vi vật chất. Người Á Đông thường có quan niệm rằng văn hoá cao, văn minh thấp, trái lại theo ý kiến của ít nhiều nhà nhân chủng học thì văn hoá thấp, văn minh cao; và một số nhà nhân chủng học thì cho rằng văn minh là một phần của văn hoá, còn I. Olague thì quan niệm rằng văn hoá là phân bộ của văn minh [17].
Chúng tôi nghĩ rằng văn hoá và văn minh đều là những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra trong tiến trình lịch sử. Cả haicó liên quan tới các lĩnh vực khác nhau của đời sống con người – nông thôn (cultus) và thành thị (civilis) – cả hai đều mang dấu ấn của con người đối với môi trường của mình trong nỗ lực làm cho cuộc sống của con người nhân bản hơn, nhằmtinh luyện con người, để biến cái dở thành cái hay, cái xấu thành cái tốt, cái tầm thường thành cái cao đại.
3. 2. Văn hoá và văn minh khác nhau?
Theo các chuyên gia về La ngữ, hai thuật từvăn hoá (cultura) và văn minh (civilitas) tương tự, không đông nghĩa. Một số nền văn hoá do không hoàn hảo hoặc mất cân bằng đã không thể được coi là văn minh. Ví dụ: Nếu một nền văn hoá đề cao bạo lực, ca ngợi đấu tranh giai cấp, hạ giá trẻ sơ sinh và phụ nữ, tràn ngập bởi thuyết bất khả tri, thì nền văn hoá đó không đáng gọi là nền vănminh. Và như cha Hervé Carrier, một chuyên gia của Dòng Tên đã nói: “Văn minhlà văn hoá, nhưng không phải tất cả các nền văn hoá đều là nền văn minh” [18]. Trái lại, một bộ tộc du mục nhỏ có thể được đánh giá không có văn minh, nhưng nó chắc chắn sẽ được đánh giá là có văn hoá (theo định nghĩa là “nghệ thuật, phong tục, thói quen, niềm tin, hành vi và lối sống “).
Vì thế, mặc dù biết đây là một vấn đề phức tạp vì có rất nhiều quan niệm khác nhau về sự phân biệt này, giống hay khác nhau giữa văn hoá và văn minh tuỳ theo ở nội dung của hai khái niệm mà chúng ta gán cho nó, ở một khía cạnh nào đó, chúng tôi thử phân biệt văn hoá với văn minh:
Văn hoá | Văn minh |
Lưu ý rằng: Cái đẹp thường không để phục vụ cho một mục đích thực tiễn, tự nó có sự biện minh riêng của nó. Do đó văn hoá nhằm nuôi dưỡng, “nâng tâm hồn lên” (sursum corda) [19].
|
Lưu ý rằng: Tính thực tiễn của nền vănminh trước hết là phục vụ nhu cầu thể xác con người.
|
4. “Văn hoá sự sống” và “văn hoá sự chết”
4. 1. “Văn hoá sự sống” và “văn hoá sự chết” là gì?
Các văn kiện của Giáo Hội luôn đề cao chiều kích lịch sử và xã hội của văn hoá: chính con người tạo nên văn hoá của mỗi xã hội riêng biệt [22]. Quan điểm này được đức Gioan Phaolô II trình bày một cách hết sức rõ nét trong bài diễn văn lịch sử đọc tại trụ sở UNESCO: “Văn hoá là một cách thế riêng biệt để hiện hữu và để làm người. Con người luôn sống trong một nền văn hoá. Đây là nền văn hoá riêng biệt của mỗi người, nhưng đồng thời nó lại tạo nên một mối dây liên hệ đặc biệt giữa người với nhau, xác định tính chất liên nhân vị và xã hội của cuộc sống nhân loại” [23].
4. 1a. Văn hoá sự sống:
“Văn hoá sự sống” (Culture of Life) là cụm từ thường được sử dụng trong các cuộc thảo luận về thần học luân lý, đặc biệt trong giới Công Giáo. Cụm từ này dùng diễn tả một chân lý thần học, đó là sự sống của con người – trong mọi giai đoạn từ lúc thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên – là thánh thiêng. Mặc dù theo thời gian đã có nhiều tác giả sử dụng, nhưng chính Chân Phúc Giáo Tông Gioan Phaolô II, người đã sử dụng cụm từ này lần đầu trong Đại Hội Giới Trẻ tại Denver (Hoa Kỳ, 1993) mà ngày nay nó đã trở nên một diễn ngữ phổ biến. Phát biểu với các nhà báo tại sân bay quốc tế Stapleton gần Denver, Colorado, Đức Giáo Tông đã lên án việc phá thai và trợ tử, ngài nói: “Văn hoá sự sống là tôn trọng thiên nhiên và bảo vệ công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Đặc biệt, nó có nghĩa là tôn trọng sự sống con người từ giây phút đầu tiên của việc thụ thai cho đến khi kết thúc bằng cái chết tự nhiên của nó” [24]. Ngài đã nhắc lại chủ đề này vào tháng 4 năm 1995 trong Thông điệp Tin Mừng Sự Sống (Evangelium Vitae) [25]. Cụm từ “văn hoá sự sống” theo giáo huấn của Chân Phúc Gioan Phaolô II bao gồm: Việc chống lại các hoạt động phá hoại sự sống con người: Việc phá thai, ngừa thai, triệt sản, sát nhân, tự tử, trợ tử, án tử hình, nghiên cứu tế bào gốc hoặc phôi thai người, nhân bản vô tính, chiến tranh phi nghĩa, bạo hành, tự đại và ích kỷ; đồng thời khuyến khích tình yêu khiết tịnh, trung tín và đức hạnh, đời sống hôn nhân gia đình và bổn phận làm cha, làm mẹ, (cổ vũ việc hiến nội tạng).
Tóm lại: Văn hoá sự sống là một nền văn hoá trong đó người ta tôn trọng sự sống của con người trong mọi chiều kích: thân xác, tâm lý, xã hội, tâm linh, tinh thần, vĩnh cửu… vì sự sống là một quà tặng của Thiên Chúa và do đó sự sống có một ý nghĩa linh thánh.
4. 1b. Văn hoá sự chết:
Đối lập với nền văn hoá sự sống là “văn hoá sự chết” (Culture of Death) [26], tức là nền văn hoá (nôm na là “lối sống”):
– Bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tục hoá, duy hưởng thụ và duy khoái lạc khiến người ta ủng hộ những cách ăn ở nghịch lại sự sống và phẩm giá con người như cho phép “sống chung, sống thử”, đồng tính, ly dị, phá thai,… không màng đến các giá trị đạo đức nữa.
– Bị thao túng bởi não trạng duy vật, thực dụng và vị lợi khiến người ta đánh mất tình liên đới, tổ chức xã hội dựa trên những tiêu chuẩn của hiệu năng sản xuất, theo đó những người già, bệnh tật và những ai bất tài bất lực không thể phục hồi là những gánh nặng không thể chịu nỗi, sẽ bị tước quyền sống và được “chết êm dịu”! [27]
Tóm lại: Văn hoá sự chết là nền văn hoá vắng bóng ý thức về Thiên Chúa – Đấng ban sự sống và cứu độ, và vắng bóng ý thức về con người – phẩm giá và sự sống của con người, “đi tới chỗ phát minh và củng cố nhiều ‘cơ chế tội lỗi’ thực sự chống lại sự sống” (EV 24). [28]
Nhận xét:
Thực ra, giáo huấn về hai “nền văn hoá” này ngoài nền tảng Thánh Kinh thì một trong những nguồn có thể là Didache[29]. Trong đó, có những dòng này: “Có hai con đường: Một là đường sống, hai là đường chết. Cả hai khác nhau một trời một vực! Đây làcon đường sống: Hãy kính mến Thiên Chúa là Chúa Tạo Thành anh chị em, hãy yêu mến tha nhân như chính mình,… hãy hãm dẹp những ước muốn xác thịt,… Ngươi chớ giết người, chớ ngoại tình,… đừng phá thai hay giết con trẻ mới sinh,… Đàng khác, đây là con đường chết: là con đường dữ, đầy nguyền rủa, sát nhân, dâm ô, ngoại tình, ước muốn độc ác, thông dâm, trộm cướp,… thiếu lòng kính sợ Chúa… không biết gì về phần thưởng công chính,… yêu thích cái hư không,… Họ không nhận ra Đấng Tạo Thành họ, họ giết con trẻ, làm hư hỏng hình ảnh Thiên Chúa,… “
4. 2 “Văn minh tình thương” là gì?
Đức Giáo Tông Phaolô VI – người đầu tiên đã sử dụng cụm từ “nền văn minh tình thương” khi nói đến nền văn minh Kitô Giáo vào năm 1977 [30]. Sau ngài, Chân Phúc Giáo Tông Gioan Phaolô II, đã mạnh mẽ đưa nó lên hàng đầu như một nhà tiền phong so với khái niệm “văn hoá sự sống” [31]. Nhiều người thường nghĩ rằng văn minh là những thành tích trên các lãnh vực nghệ thuật, văn học, trật tự chính trị. Nhưng Đức Gioan Phaolô II cho rằng gia đình mới là nền tảng đầu tiên của nền văn minh theo quan niệm của Kitô Giáo.
Đối diện với nền văn hoá tiêu thụ, ích kỷ, bạo động và chết chóc hiện nay, Giáo Hội đã kêu gọi xây dựng một “nền văn minh tình thương” [32]. Giáo huấn xã hội của Hội Thánh đề nghị lấy tình thương làm nguyên tắc, tiêu chuẩn và định hướng cho xã hội mới. Tình thương này có thể gọi là “bác ái xã hội” [33] hay “bác ái chính trị” [34] và phải bao trùm toàn thể nhân loại. Chính “tình yêu xã hội” này là phản đề của ích kỷ chủ nghĩa và cá nhân chủ nghĩa, mặc dù không muốn tuyệt đối hoá đời sống xã hội,…
Nói đơn giản, “nền văn minh tình thương” tập trung vào các giá trị xã hội Công Giáo, những gì giúp chúng ta yêu thương người lân cận của mình. Đặc biệt là giáo dân, chúng ta được mời gọi để làm việc các trần thế. Chúng ta được mời gọi để thay đổi xã hội bằng cách nâng cao đời sống gia đình và chu toàn bổn phận sinh nhai của chính mình. Chúng ta được mời gọi để làm chứng cho đức tin. Tất cả mọi thứ chúng ta có đều do Chúa ban cho. Mỗi tài năng được ban tặng như một món quà. Mỗi thời điểm là một cơ hội, là dịp để thông truyền tình thương,… Về cơ bản, cách duy nhất mà chúng ta có thể thể hiện tình yêu của mình dành cho Chúa cách tự nhiên nhất là bằng sự phục vụ Thiên Chúa qua con người. [35]
Tất nhiên là không thể xây dựng một xã hội nhân bản mà không có công lý. Nhưng chẳng bao giờ người ta có thể giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống nếu chỉ dựa vào công lý mà thôi. ĐTC Gioan Phaolô II từng nói: “Tôi cảm thấy cần thiết phải lặp lại rằng: Để thiết lập hoà bình thực sự trên thế giới, công lý phải được thực thi trong đức mến viên mãn. Chắc chắn pháp luật là con đường đầu tiên dẫn đến hoà bình, và mọi người cần phải được dạy để tôn trọng pháp luật. Tuy nhiên, người ta không thể đi hết con đường này trừ khi công lý được bổ túc bởi tình thương. Công lý và tình thương đôi khi xuất hiện trong các thế đối nghịch. Nhưng thực ra chúng chỉ là hai mặt của một thực tại duy nhất, hai chiều kích của cuộc sống con người cần phải được tích hợp hỗ tương. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy: Công lý thường không thể tránh khỏi lòng hận thù, ganh ghét và kể cả bạo tàn. Tự nó, công lý là không đủ. Thật vậy, thậm chí nó có thể phản bội chính nó, trừ khi nó được khai mở cho rằng sức mạnh sâu sắc hơn đó là tình thương“.
Chúng ta chỉ có thể làm cho xã hội nhân bản hơn khi tình thương trở thành chuẩn mực cho đời sống xã hội. Thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” đưa ra một so sánh sâu sắc như sau: Nếu công lý “tự thân thích hợp với vai trò ‘trọng tài’ giữa người với người để phân phối của cải một cách công bằng, thì trái lại, tình thương và chỉ duy tình thương – bao gồm cả lòng từ tâm mà chúng ta gọi là ‘lòng thương xót’, mới có thể làm cho con người trở nên chính mình” [36]
5. Kết luận.
Văn hoá và văn minh không đồng nghĩa với nhau.
Các cụm từ “Văn minh tình thương” (Civilization of Love), “Văn hoá sự sống” (Culture of Life) và “Văn hoá sự chết” là những diễn ngữ đã được Chân Phúc Giáo Tông Gioan Phaolô II sử dụng để trình bày học thuyết xã hội cũng như các giáo huấn về đạo đức Công Giáo. Các văn kiện huấn quyền Hội Thánh cũng đã sử dụng đúng những diễn ngữ này.
Vì vậy, việc thay đổi cấu trúc có thể làm giảm thế giá cũng như tác dụng truyền bá, giáo dục của các diễn ngữ mà huấn quyền đã chủ ý sử dụng. Cụ thể, chúng ta nên lưu ý tránh sử dụng các kiểu nói như: “Văn hoá tình thương” (Culture of Love) hay “Văn minh sự chết” (Civilization of Death).
_______________________________________________________
Ghi chú
[1] Một nhóm giáo sư, TỪ ĐIỂN LA-VIỆT-PHÁP, Ra Khơi, Sài Gòn, 1960: Cultus (m): (1) Sự làm ruộng, trồng trọt (culture). (2) Giáo dục (éducation). (3) Sự thờ phụng thần minh (culte aux dieux). (4) Sự tôn kính (égards). (5) Cách ăn mặc thời trang (vêtement, parure). (6) Văn minh, phong tục, cách ăn ở (civilisation, moeurs, manière de vivre).
[2] Anderle, O.F., (Ed.), THE PROBLEMS OF CIVILIZATIONS. REPORT OF THE FIRST SYNOPSIS CONFERENCE OF THE S.I.E.C.C. SALZBURG, 8-15 OCTOBER, 1961, pp. 5, 50-51: “If we begin now with the rather trite and important point of terminology: the German language has the rather useful distinction, which the English language does not have, I think, between «Hochkultur» and «Civilisation». If I am right, in German, «Zivilisation» has rather a depreciatory sense, meaning the mere material apparatus of «Kultur», and Spengler has given it a rather technical meaning of the later stage of one of these life – histories of a culture – the stage in which the culture is in decay. In French or English, we have not the words to make this distinction, so when, we say «civilisation», we mean a «HochKultur», including the later stages in which a «HochKultur» is in decay, as well as the earlier stages, in which it is in growth”. (http://nhantu.net/BienKhaoTongQuat/VanHoaLaGi.htm).
[3] Bằng chứng là trong DICTIONNAIRE CHINOIS-FRANÇAIS, của Séraphin Couvreur, Ho Kien Fou, Nxb. Mission catholique, xuất bản tại Trung Quốc năm 1890, ta chưa thấy có thuật từ văn hoá.
[4] L’ORIGINALITÉ DES CULTURES, Unesco, 1953, p. 43.
[5] J. Laloup et J. Nélis, CULTURE ET CIVILISATION, Paris, 1957, p. 80.
[6] KINH THƯ, thiên Vũ Cống hạ, 35: “Tam bách lý quỹ văn giáo: Trong vòng ba trăm dặm phải thi hành việc truyền bá văn hoá và giáo dục”. Thiên Đại Vũ Mô, 21: “Đế nãi đản phu văn đức: Vua Thuấn bèn ban ra các văn hoá và đức giáo khắp mọi nơi”.
[7] Xem lại: Nhiều tác giả, TỪ HẢI (Đài Loan), nxb. Trung Hoa, Đài Loan, 1972. Hạ Chinh Dân (chủ biên), TỪ HẢI (Trung Quốc), nxb. Thượng Hải, Thượng Hải, 2002 (bản năm 1989).(Wikipedia).
[8] Từ 1952, A. Kroeber và C. Kluckhohn, hai nhà nhân loại học Mỹ, đã từng thống kê có tới 164 định nghĩa khác nhau về văn hoá trong các công trình nổi tiếng thế giới (Kluckhohn, Clyde & Kroeber, Alfred L., CULTURE: A CRITICAL REVIEW OF CONCEPTS AND DEFINITIONS, Mass: The Museum, Cambridge, 1952). Với sự phát triển của xã hội nói chung và văn hoá học nói riêng, quan niệm về văn hoá càng gia tăng và phong phú hơn. Các chuyên viên ước lượng có hàng ngàn ý nghĩa khác nhauvềvăn hoá.
[9] UNESCO, UNIVERSAL DECLARATION ON CULTURAL DIVERSITY, 2002: “Culture should be regarded as the set of distinctive spiritual, material, intellectual and emotional features of society or a social group, and that it encompasses, in addition to art and literature, lifestyles, ways of living together, value systems, traditions and beliefs”. (http://www.unesco.org/education/imld_2002/unversal_decla.shtml).
[10] Julien Thiriet, DICTIONARIUM LATINO-ANNAMITICUM, S.: Ex Typo Mission, 1868. p. 46.
[11] Tom Standage, A History of the World in 6 Glasses, Walker & Company, 2005, p. 25.
[12] Olivier de La Brosse & Ntg, DICTIONNAIRE DE LA FOI CHRÉTIENNE, Cerf, Paris, 1968:“Toàn bộ những truyền thống, tư tưởng, tục lệ, ngôn ngữ, dụng cụ, kỹ thuật của một dân tộc. Theo nghĩa này, mọi dân tộc đều có nền văn minh của mình, cũng như có nền văn hoá của mình, hai thuật từ này thường được dùng thay cho nhau”.
[13] Académie Française, LE DICTIONNAIRE DE L’ACADÉMIE FRANCAISE, 9ème Edition, Paris, 2000: “(1) Toàn bộ những hiểu biết, tin tưởng, cơ chế, phong hoá, nghệ thuật và kỹ thuật của một xã hội. Nền văn minh nguyên sơ. Nền văn minh Trung Quốc, Ai Cập. Nền văn minh Hy Lạp, Hy Lạp, La Mã, Ả Rập. Nền văn minh tiền Columbus. Nền văn minh Kitô Giáo. Nền văn minh phương Tây. Địa Trung Hải là cái nôi của nền văn minh của Châu Âu. Nền văn minh nông nghiệp. Nền văn minh công nghiệp. Một nền văn minh rực rỡ. Sự suy giảm, cuối cùng, tàn tích của nền văn minh. Một nền văn minh hấp hối, biến mất. Diện tích phân bố của một nền văn minh lớn. (2) Tình trạng phát triển về tinh thần và vật chất được coi là cao hơn và đối nghịch với tình trạng man dã. Toàn bộ những thành tựu của nhân loại. Đạt được một mức độ cao của nền văn minh. Mang nền văn minh để các rợ. Các giai đoạn của nền văn minh. Sự tiến bộ của nền văn minh. (3) Hành động văn minh, văn minh hoá. Một vị trí địa lý không thuận lợi làm trì hoãn văn minh của nước này”.
[14] Hội Đồng Quốc Gia Chỉ Đạo Biên Soạn TĐBKVN, TỪ ĐIỂN BÁCH KHOA VIỆT NAM, tập 4, TĐBK, Hà Nội, 2005: “Văn minh: Trình độ đạt được trong sự phát triển văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của loài người trong từng giai đoạn. Chẳng hạn: VM cổ đại, tiêu biểu là sự phát triển rực rỡ của các quốc gia Ai Cập, Lưỡng Hà, Hi lạp, La Mã,… cổ đại; VM hiện đại, gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp của chủ nghĩa tư bản,… Theo nghĩa thông thường, VM đối lập với những gì lạc hậu, dã man, phản tiến bộ, phi nhân tính. Trong sự tiến bộ của xã hội loài người, người ta chia ra ba giai đoạn: mông muội, dã man và văn minh. Như vậy, VM còn là một giai đoạn trong sự phát triển nhân loại. Khi trong xã hội xuất hiện nhà nước thì loài người chuyển từ giai đoạn dã man sang văn minh”.
[15] Viện Ngôn Ngữ Học, TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, NXB. Đà Nẵng, 2005. “I. dt. Trình độ phát triển đạt đến một mức nhất định của xã hội loài người, có nền văn hoá vật chất và tinh thần với những đặc trưng riêng. Ví dụ: Văn minh Ai Cập, ánh sáng của văn minh, nền văn minh của loài người. II. tt. (1) Có những đặc trưng của văn minh, của nền văn hoá phát triển cao: Ví dụ: Một xã hội văn minh, nếp sống văn minh. (2) (chm) Thuộc về giai đoạn phát triển thứ ba, sau thời đại dã man, trong lịch sử xã hội loài người kể từ khi có thuật luyện kim và chữ viết (theo phân kỳ lịch sử xã hội của L. H. Morgan): Lịch sử thời đại văn minh”.
[16] http://www.websters-online-dictionary.org.
[17] Xem bài: VĂN HÓA LÀ GÌ? Biên khảo của Bs. Nguyễn Văn Thọ, thuyết trình tại Trường Quốc gia Âm nhạc, Sàigòn, 1969 đăng lại trên http://nhantu.net.
[18] Cardinal Angelo Sodano, THE CIVILIZATION OF LOVE, EVOLUTION OF CHRISTIANITY, Roma, 2003.
[19] Alice von Hildebrand, Civilization and Culture at War, đăng trong InsideCatholic. com, ngày 25/05/2010.
[20] Jacques Maritain, RELIGION ET CULTURE, Paris, 1930, p. 13.
[21] Xem Phạm Cao Dương, NHẬP MÔN LỊCH SỬ CÁC NỀN VĂN MINH THẾ GIỚI, Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa Việt Nam, Sài Gòn, 1972. tr. 20- 21.
[22] Về vấn đề này, xin đọc Hội Đồng ToàThánh về Văn Hoá, FEDE E CULTURA, ANTOLOGIA DI TESTI DEL MAGISTERO PONTIFICIO DA LEONE XIII A GIOVANNI PAOLO II, Vaticano, 2003.
[23] CP. Gioan Phaolô II, Diễn văn đọc tại Unesco, 02/06/1980, trong ECCLESIA, số 1986 (14/06/1980), số 17; đăng lại trong FEDE E CULTURA, số 1129.
[24] “The culture of life means respect for nature and protection of God’s work of creation. In a special way, it means respect for human life from the first moment of conception until its natural end.” (Phát biểu của Đức Gioan Phaolô II, ngày 16/08/1993).
[25] Xem http://www.vatican.va, trong thông điệp này cụm từ “văn hoá sự sống” được sử dụng 22 lần. [“culture of life” (Anh), “culture de la vie” (Pháp): 18 lần và “culture of human life” (Anh), “culture de vie” (Pháp) 4 lần. Bản Latin: “vitae cultura” 15 lần và “cultura vitae” 7 lần].
[26] Thông điệp Tin Mừng Sự Sống sử dụng cụm từ này 12 lần.
[27] Cha Trần Mạnh Hùng đã nêu những vấn đề này trong cuốn sách mới xuất bản: “Advancing The Culture of Death – Euthanasia And Physician-Assisted Suicide: Phát Triển Nền Văn Hoá Sự Chết – An Tử và Trợ Tử” (Nhà in Văn Lương, Melbourne, 2007). Cuốn sách này là tái bản của luận án tiến sĩ về thần học luân lý của ngài, nó cống hiến cho chúng ta một cái nhìn chi tiết về những khía cạnh trong cuộc tranh cãi về an tử, đồng thời nó cũng đưa ra một cái nhìn tổng hợp, chính xác và thoả đáng cho những luận cứ ủng hộ và chống lại chủ trương an tử.
[28] Xem: Fr. John A. Hardon, S.J., “Evangelium Vitae: Spiritual Combat with the Culture of Death”: http://www.therealpresence.org/archives/Evangelization.htm.
[29] Didache còn gọi là “Giáo huấn của 12 Tông Đồ”, được coi là cuốn sách giáo lý có sớm nhất, sau Sách Kinh Thánh, vào khoảng đầu thế kỷ thứ II. Tác phẩm này là một phần của huấn quyền Hội Thánh mà các Đức Giáo Tông thường trích dẫn.
[30] Trong SỨ ĐIỆP NGÀY HÒA BÌNH THẾ GIỚI NĂM 1977 có tựa đề “NẾU MUỐN HOÀ BÌNH, HÃY BẢO VỆ SỰ SỐNG”, ĐTC Phaolô VI viết: “Hoà bình không phải là giấc mơ, không phải là ảo tưởng hay không tưởng. Cũng không phải thứ công việc của Sisyphus. Không, hoà bình có thể được củng cố lâu dài. Hoà bình có thể viết lên những trang sử tuyệt vời nhất, không phải bởi sự vĩ đại của quyền lực và vinh quang mà bởi sự vĩ đại hơn của đạo đức của nhân loại, lòng tốt của người dân, sự thịnh vượng chung và nền văn minh chân thực: Nền văn minh của tình thương “.
[31] Xem: Gioan Phaolô II, THƯ GỬI CÁC GIA ĐÌNH (1994), TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO (1981); SỨ ĐIỆP NGÀY HÒA BÌNH THẾ GIỚI (2001, 2004)…
[32] Cf. Phaolô VI, SỨ ĐIỆP NGÀY HOÀ BÌNH THẾ GIỚI 1977; Gioan Phaolô II, THÔNG ĐIỆP BÁCH CHU NIÊN, số 10.
[33] Thánh Tôma Aquinô, De caritate, a. 9, c.
[34] Phaolô VI, Octogesima adveniens, 46.
[35] Xem: Carl Anderson, A CIVILIZATION OF LOVE: WHAT EVERY CATHOLIC CAN DO TO TRANSFORM THE WORLD, Harper Collins, New York, 2008.
[36] ĐTC Gioan Phaolô II, DIVES IN MISERICORDIA, 14.