Vào hậu bán thế kỷ XIV bên Anh quốc đã có ”lễ tưởng niệm trọng thể Đức Trinh Nữ Maria có phước”, rồi từ từ việc tưởng niệm này thành hình hoàn toàn trong các phần phụng vụ khác nhau, nhưng với mục đích chính xác là để kính nhớ và cảm tạ về các ơn ích do Đức Bà Camêlô ban phát, cũng như để tán tụng Mẹ, là Bổn Mạng của dòng.
Đó đã là điểm nòng cốt của thánh truyện ”Inviolabilis antiquitatis” được gán cho ông Nicolò Kenton, qua đời năm 1468. Các lý đo lịch sử mà tác phẩm mày nhắc lại được coi như là việc thêm mầu mè vào một dự án khiêm tốn, cho dù bao gồm cả việc Đức Bà Camêlô can thiệp với Đức Giáo Hoàng đi nữa.
Điều rõ ràng đó là ngày lễ muốn thừa nhận Đức Maria như Đấng đã ban cho dòng Camelô sự bình an khỏi các chống đối bên ngoài mà dòng đã phải chịu, kể cả do tước hiệu thánh mẫu của dòng. Cần nêu bật rằng ngày mừng lễ 17 tháng Bảy, như tác giả Giovanni Bale đã ghi chép, xem ra nhắc nhớ ngày khai mạc phiên họp cuối cùng của Công Đồng Lyon II ngày 17 tháng Bảy năm 1274. Trong kỳ họp ấy Công Đồng đã ra sắc lệnh duy trì dòng Camêlô và dòng thánh Agostino trong ”tình trạng bình thường cho tới khi nào có lệnh khác”.
Việc giải thích sai sự chấp thuận thực sự đã chỉ xảy ra với Đức Giáo Hoàng Bonifacio VII năm 1298, ”muốn dòng tiếp tục ở trong tình trạng đã có”. Nhưng sự kiện này khiến cho các tu sĩ Camêlô chọn ngày 17 tháng Bảy làm ngày thích hợp để cử hành lễ nhớ ”Thánh Maria của núi Camêlô”, Đấng từ đó dòng đã mang tên gọi, và là Đấng che chở dòng ngay từ đầu, như viết trong lời nguyện nhập lễ. Vào cuối thế kỷ XV lễ được mừng sớm hơn vào ngày 16 tháng Bảy, và người ta không biết lý do tại sao.
Tuy nhiên, trong nguồn gốc đầu tiên của nó chủ đích của lễ đã rất rõ ràng. Nó nhắm cử hành tình yêu của các tu sĩ đối với Đức Maria Bà Chủ, Bổn Mạng của các tu sĩ. Chỉ vì sự thiếu hiểu biết việc quy chiếu về Công Đồng Lyon nên vào năm 1642 ông Jean Cheron, tác giả cuốn ”Fragmenta Mảnh vụn” mới gán cho Peter Swanington, thư ký của thánh Simon Stock, đã nói về ngày 16 tháng Bảy năm 1251 như là ngày Đức Bà Camêlô ban áo Đức Bà cho thánh nhân. Đây là ghi chú “thị kiến” được truyền tụng lại cho tới chúng ta qua Danh sách các thánh dòng Camêlô, mà các thủ bản cổ xưa nhất được biên soạn sau năm 1411, cả khi có vài văn bản có thể đã được viết ra sớm hơn.
Trong hình thái cổ xưa nhất Danh sách đã chỉ ghi rằng có một tu huynh nọ tên là Simon, người Anh, trong các lời cầu nguyện của mình đã luôn luôn xin Đức Trinh Nữ một đặc ân cho dòng. Và Đức Trinh Nữ sáng láng đã hiện ra với tu huynh tay cầm áo Đức Bà và nói với tu huynh rằng: ”Đây sẽ là đặc ân cho con và cho các anh em con. Ai chết mà mang áo này thì sẽ được cứu rỗi”. Các văn bản dài hơn sẽ khai triển rộng trình thuật, bằng cách cho tu huynh Simon tên gọi là Stock và coi là ”tu huynh tổng quyền”, gán cho tu huynh tên gọi cũng như nhiệm vụ chắc chắn lấy lại từ một Danh sách các tu huynh tổng quyền, nhưng trong đó không thấy nói đến thị kiến. Người ta không biết các tin tức của hai nguồn tài liệu khác nhau được hiệp nhất trên một người với nền tảng nào. Cũng không ai biết là theo các nguồn gốc ấy chúng ta đang đứng trước một người duy nhất tên là Simon, hay là hai người có cùng tên gọi giống nhau, rồi được hợp lại trên một người.
Liên quan tới giá trị lịch sử của Danh sách các thánh dòng Camêlô, vì thời gian biên soạn và các văn thể của các văn bản ấy, người ta tỏ ra dè dặt hơn, cả khi tự nó thị kiến là điều có thể có thật. Trước biết bao nhiêu thị kiến thuộc cùng loại, cả trong các dòng tu khác, vì tính cách lịch sử thay đổi của vài tin tức của Danh sách và thời gian biên soạn rất lâu sau một sự kiện quan trọng như một thị kiến như thế, thì theo tình hình hiện nay của tài liệu người ta lưỡng lự đối với sự thật của các sự kiện đã được lồng vào đó.
Dầu sao đi nữa, vào thế kỷ XVI lễ Đức Bà Camêlô đã được phổ biến cả trong các quốc gia Âu châu khác và bên Mỹ châu. Mặc dù không mất đi diện mạo thủơ ban đầu là việc cử hành Đức maria Bổn Mạng của dòng, từ từ tính cách ”lễ măc áo” đã chiếm ưu thế, cũng vì các tín hữu, đặc biệt là tại Tây Ban Nha và Italia, càng ngày họ càng kết hiệp với dòng như là các tu huynh qua việc đeo Áo Đức Bà, như dấu chỉ lòng sùng kính Đức Trinh Nữ và sự che chở của Mẹ vào giờ chết. Sự kiện này được nêu bật hơn nữa vì ”Tự sắc Sabbatina” do Đức Giáo Hoàng Gioan XXII ban hành ngày mùng 3 tháng Ba năm 1322. Trong đó Đức Giáo Hoàng có nói tới một thị kiến về Đức Trinh Nữ, hứa giải thoát khỏi Luyện ngục vào ngày thứ bẩy đầu tiên sau khi họ qua đời các tu sĩ Camêlô, cũng như tu huynh các huynh đoàn đã giữ đức khiết tịnh trong cuộc sống, cầu nguyện và mang áo dòng Camêlô. Áo này ban đầu là áo choàng, rồi sau đó mau chóng chỉ được hiểu là Áo Đức Bà. Tự sắc có nguồn gốc đảo Sicilia, thuộc tiền bán thế kỷ XIV, chắc chắn là không thật, cũng như ”đặc ân ngày thứ bẩy” bắt nguồn từ đó, cả khi Giáo Hội đã cho phép phổ biến, bằng cách gán cho nó một ân xá đặc biệt, mà không đi sâu vào nguốn gốc của nó.
Chắc chắn là hai lời hứa nói trên, lời hứa với thánh Simon ban ơn cứu rỗi vĩnh cửu, và lời hứa với Đức Giáo Hoàng Gioan XXII giải thoát khỏi Luyện hình ngày thứ bảy đầu tiên sau khi chết, đã ảnh hưởng rất nhiều trên việc phổ biến lòng sùng kính Đức Bà Camêlô giữa các tín hữu và số các thành viên các huynh đoàn Camêlô qua việc đeo Áo Đức Bà. Như vậy không phải là điều lạ, khi lễ Đức Bà Camêlô mừng ngày 16 tháng 7 từ từ chiếm ưu thế như là ”lễ Áo Đức Bà”, cho tới độ vào năm 1606 trở thành lễ của các huynh đoàm Camêlô, và sau đó vào năm 1609 lễ có các bài đọc riêng, nhấn mạnh trên các thị kiến và các lời hứa nói trên. Và điều này lại càng hiển nhiên hơn trong các công thức phụng vụ được Tòa Thánh cho phép dòng Camêlô trong thế kỷ XX.
Lễ Đức Bà Camêlô ban đầu được phổ biến một cách tự phát trong nhiều quốc gia, và cả trong các lễ nghi mozarập bên Tây Ban Nha, canđê, maronít, ambrogiano, và hy lap albani. Và năm 1726 Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIII quyết định cử hành lễ Đức Bà Camêlô trong toàn Giáo Hội. Trong việc đơn giản hóa và cải cách lịch phụng vụ của Công Đồng Chung Vaticăng II, lễ Đức Bà Camêlô được giữ như lễ nhớ tùy ý, không buộc. Thật vậy, vì nó trực tiếp liên quan tới một dòng tu và những ai kết hiệp với dòng đó để sùng kính Đức Maria vì tình yêu đối với Người, qua dấu chỉ là Áo Đức Bà. Bởi vì dấu chỉ đó có thể thay thế bằng mề đai, cùng với tràng hạt Mân Côi, là dấu chỉ phổ biến nhất trong lòng đạo đức của các tín hữu toàn thế giới đối với Đức Mẹ. Trong một số vùng tại Tây Ban Nha và Italia, Áo Đức Bà Camêlô được tặng cho tín hữu sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Trong một vài nước châu Mỹ việc đeo Áo Đức Bà Camêlô là phần của truyền thống kitô, đến độ ngày 16 tháng 7 là ngày kết thúc thời gian thuận tiện của luật Mùa Phục Sinh. Trong nhiều vùng tại miền nam Ấn Độ Áo Đức Bà Camêlô được coi như là dấu chỉ thuộc Giáo Hội công giáo.
Ngoài ra, đối tượng cũ của ngày lễ cũng được duy trì: đó là việc biểu lộ lòng biết ơn đối với điều Đức Maria là đối với dòng Camêlô, cả trong các công thức phụng vụ hậu công đồng. Lời nguyện nhập lễ mới trong lễ của Giáo Hội Latinh Roma được gợi hứng từ các văn bản đã được dùng, mở ra cho tính cách chiêm niệm của dòng. Thật thế, lời nguyện ấy khẩn nài sự trợ giúp của Đức Bà Camêlô để có thể đạt tới núi thánh là Đức Kitô. Chắc chắn là lời nguyện kín đáo nhấn mạnh trên núi Carmel và Đức Trinh Nữ của ”việc đi lên” và ”các đêm đen”, mà nhiệm vụ riêng trong chương trình cứu độ là dẫn đưa tín hữu tới sự toàn thiện của đức ái, được diễn tả bởi núi Carmel là Chúa Kitô. Như vậy ”việc leo lên núi Camêlô” được nhìn trong quan điểm kitô học chính xác.
Trong quan điểm đó, cả dấu chỉ là Áo đức Bà cũng có ý nghĩa trung thực hơn. Một cách độc lập với các yếu tố lịch sử có thể phản đối, người ta nhìn vào giá trị thực của nó. Áo Đức Bà là ”bộ áo nhỏ” và ”Ai mang nó – như Đức Giáo Hoàmng Pio XII đã khẳng định – thì qua nó được kết hiệp ít nhiều với dòng Camêlô”. Vì thế, họ phải cảm thấy dấn thấn cho việc dâng kính đặc biệt cho Đức Trinh Nữ, cho lòng sùng kính Mẹ và noi gương Mẹ là các yếu tố nòng cốt của ơn gọi Camêlô, mà trong Giáo Hội Áo Đức Bà khiến cho tín hữu được tham dự. Nhiều vị thánh đã coi Áo Đức Bà là như thế. Các vị đã không bao giờ muốn xa cách Áo Đức Bà, và đã coi nó như là dây kết hiệp với một gia đình dòng tu, mà các vị muốn sống sự dấn thân dâng kính đặc biệt cho Đức Mẹ, vì xác tín về sự chở che hiền mẫu của Mẹ trong cuộc sống và trong giờ chết. Đối với tất cả những ai mang Áo Đức Bà Camêlô, ”mối dây tình yêu đặc biệt đối với chính gia đình của Mẹ rất có phúc”, như Đức Pio XII viết ngày 11-2-1950, phải làm sao để cho Áo Đức Bà trở thành “việc tưởng niệm Đức Bà, là gương của sự khiêm nhường và khiết tịnh, là cẩm nang của tính nhu mì và đơn sơ, là diễn tả hùng hồn biểu tượng lời khẩn cầu sự trợ giúp của Thiên Chúa” (Epist. Neminem profecto, AAS 42 (1950) 390).
Việc cử hành lễ “Đức Thánh Maria núi Camêlô” là lễ của dòng Camêlô và của tất cả những ai hiệp nhất với núi Camêlô bằng bất cứ cách nào trong việc thừa nhận Mẹ Maria như suối nguồn mọi thiện ích trong Chúa Kitô, là đường đi và sự trợ giúp trên lộ trình cam go đi lên với Chúa, là gương mẫu và là chị trong việc sống lý tưởng cầu nguyện chiêm niệm, là nốt nhạc cao của núi Camêlô theo vết chân của Đấng đã ”giữ gìn mọi sự trong tim” trong việc suy gẫm chiêm niệm (Lc 2,19.51). Lễ Đức Bà Camêlô rao giảng niềm tin chắc chắn nơi sự trợ giúp ơn thánh của Mẹ Maria. Tình yêu đặc biệt và sự bắt chước trung thành trao ban niềm hy vọng chắc chắn rằng Đấng có nhiệm vụ là ”Mẹ trong trật tự ơn thánh… lo lắng cho các em của Con Mẹ còn đang lữ hành và ở giữa các hiểm nguy vất vả, cho tới khi họ được đưa vào trong quê hương vĩnh phúc” (LG 61.62). Mẹ sẽ là ”dấu chỉ của niềm hy vọng và ủi an chắc chắn” (Lg 68) đối với những ai qua dấu chỉ khiêm tốn của việc dâng kính đặc biệt tìm phản chiếu sự hiện diện của Mẹ trong thế giới, giữa các khổ đau của trận chiến cuối cùng. Cũng như Mẹ sẽ là dấu chỉ hy vọng cả trong nơi ”thanh luyện” chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ vĩnh cửu với Thiên Chúa Tình Yêu, cho tới khi nào họ chưa được đưa vào quê trời.
(Thánh Mẫu Học bài số 344)
Linh Tiến Khải