Việc cử hành Bí Tích Hối Sám luôn là một cử hành phụng vụ, ngay cả với hình thức riêng tư của nó. Thực hành bí tích sám hối là một yếu tố trong đời sống cầu nguyện của cả hai người, người xưng thú lẫn người nghe xưng thú.
Linh mục là thừa tác viên thường xuyên của Bí tích Giải Tội. Ngài không chỉ đều đặn thực hành bí tích này, mà còn cố gắng hiểu biết tốt hơn và cử hành nghiêm túc, vì bí tích này cũng là một tập luyện tuyệt vời về nhân đức, đền tội…, là trường tu đức không thể thay thế, là một sự trợ giúp thực sự trên con đường đổi mới và thánh hóa.
Bí tích Hòa giải là một quà tặng, một khí cụ quan trọng để tái định hướng, thánh hoá và tăng trưởng thiêng liêng, đặc biệt nếu nó không chỉ được coi là một nghi thức, một cơ hội không chỉ để xưng tội, song để trao đổi với một cha giải tội và linh hướng có kinh nghiệm từng trải, nhờ đó đạt tới một kinh nghiệm chữa lành và vui sống.
Việc linh hướng đều đặn là một bảo đảm khác cho việc tái định hướng, tăng trưởng và phát triển đời sống thiêng liêng trưởng thành của ứng sinh. Chủng sinh thường xưng tội với cha linh hướng của mình, nhưng cũng có thể xưng tội với các linh mục khác. Song cha linh hướng sẽ không chịu trách nhiệm tòa trong của việc linh hướng liên quan đến các tội không được xưng thú với ngài đó.
Thường chỉ xưng tội thôi không đủ, hối nhân cũng cần được trao đổi giải quyết và như thế thấy được các gốc rễ sâu xa hơn của lỗi phạm, cùng là cơ hội mở ra các viễn ảnh tương lai. Lối xưng tội chia sẻ và đối thoại như thế cũng mang lại một sự cởi mở lớn hơn trên cả chiều kích nhân bản và thiêng liêng. Chính vị linh mục cũng được khích lệ rất nhiều trong một kinh nghiệm như thế, nhờ đó ngài có khả năng giúp đỡ những người khác trong cùng một đường lối hoặc tương tự. Linh mục giải tội và linh hướng có thể vận dụng những kinh nghiệm này vì lợi ích đào tạo mà không lỗi ấn tòa giải tội hay bí mật tòa trong khi không nêu danh tánh hay các dữ kiện cụ thể. Nếu có đúng vào trường hợp của mình, đương sự nên quảng đại cho phép việc vận dụng ấy vì lợi ích của các linh hồn khác và cứ thản nhiên, đừng dại dột phản ứng kiểu “thưa ông tôi ở bụi này.”
Bí tích hòa giải là một trong những quà tặng đặc biệt của linh mục cho kẻ khác trong thừa tác vụ bí tích của ngài, nhưng đồng thời nó cũng là khí cụ cho linh mục tăng trưởng trong đời sống thiêng liêng và bác ái mục tử.
G.II.2b Giá trị sư phạm của Bí tích Giải Tội
Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 25/3/2011 dành cho 800 tham dự viên khóa học về bí tích giải tội do Tòa Ân Giải Tối Cao tổ chức từ 21/3-11/4/2011, ĐTC Biển Đức XVI nhấn mạnh giá trị sư phạm của Bí tích Giải Tội đối với cha giải tội, cũng như đối với hối nhân.
Đối với Cha Giải Tội
Các Linh Mục thân mến, anh em đừng lơ là trong việc dành thời giờ cho việc ban bí tích giải tội. Chúng ta đừng quên rằng bao nhiêu cuộc hoán cải và bao nhiêu cuộc sống thánh thiện thực sự đã bắt đầu trong một tòa giải tội! Linh Mục có thể chứng kiến những phép lạ đích thực về sự hoán cải, cảm nhận và chiêm ngắm lòng từ bi của Thiên Chúa.
Việc nhận biết chiều sâu của tâm hồn, kể cả những khía cạnh đen tối, có thể là một thử thách đức tin cho chính Linh Mục, nhưng cũng có thể nuôi dưỡng nơi Linh Mục xác tín rằng lời nói cuối cùng trên sự ác của con người và của lịch sử chính là của Thiên Chúa và lòng từ bi Ngài có thể đổi mới mọi sự.
Cha giải tội có thể học được nơi các hối nhân gương mẫu về đời sống thiêng liêng của họ: sự xét mình nghiêm túc, sự minh bạch trong việc nhận lỗi và ngoan ngoãn đối với giáo huấn của Giáo Hội, cũng như những chỉ dẫn của cha giải tội. Qua việc giải tội, linh mục có thể nhận được những bài học sâu xa về lòng khiêm nhường và đức tin, là lời nhắc nhở mạnh mẽ cho linh mục ý thức căn tính của mình”.
Trước đây ít lâu, ngày 11/3/2010, ĐTC Biển Đức XVI nhấn mạnh tới sự cần thiết phải mở ra một cuộc “đối thoại cứu độ” cho những ai tìm kiếm ơn tha thứ. Nhắc tới Gioan Maria Vianey, người đã thực thi sứ vụ hòa giải một cách anh hùng và hiệu quả phong phú, Ngài nói rằng các linh mục có thể học “không chỉ một niềm tín thác vô tận nơi bí tích sám hối, mà còn một phương pháp đối thoại cứu độ phải được thực hiện trong khi ngồi tòa.”
Đối với hối nhân
Việc xét mình giúp hối nhân chân thành cứu xét cuộc sống của mình, đối chiếu với chân lý Phúc Âm và đánh giá nó không chỉ theo các tiêu chuẩn con người, mà nhất là theo các tiêu chuẩn của Mạc Khải. Sự đối chiếu cuộc sống với các giới răn, các mối phúc thật và nhất là với giới luật yêu thương, chính là một trường học lớn của bí tích giải tội.
Trong thời đại ồn ào ngày nay, với sự chia trí và cô đơn, cuộc nói chuyện của hối nhân với cha giải tội cũng có thể là một trong những cơ hội, nếu không muốn nói là cơ hội duy nhất, để được thực sự lắng nghe trong chiều sâu. Sự kiện được lắng nghe và đón nhận, chính là một dấu chỉ về sự đón nhận và lòng từ nhân của Thiên Chúa đối với con cái của Ngài.
Sự xưng thú trọn vẹn các tội lỗi cũng dạy hối nhân về sự khiêm tốn, nhìn nhận sự mong manh yếu đuối của mình, và đồng thời ý thức về sự cần ơn tha thứ của Thiên Chúa, xác tín rằng Ơn thánh của Chúa có thể biến cải cuộc sống. Việc lắng nghe những lời nhắn nhủ và khuyên bảo của cha giải tội là điều quan trọng giúp hối nhân phán đoán về hành vi của mình để tiến bước trên đường thiêng liêng và được chữa lành trong nội tâm.
G.II.2c Giá trị của việc xưng tội cá nhân
Cuộc đối thoại giữa hối nhân và cha giải tội làm cho việc cử hành bí tích đáp ứng sít sao hơn với từng tình huống cụ thể của hối nhân, với các lý do khác nhau sau đây của hối nhân:
– Nhu cầu hòa giải cá nhân và tái nhập vào tình bằng hữu với Chúa nhờ nhận lại được những ơn đã mất do tội;
– Nhu cầu tìm kiếm sự tiến bộ thiêng liêng: “Ta biết các việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn của ngươi… vì danh Ta. Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu. Bằng không, Ta đến với ngươi, và Ta sẽ đem cây đèn của ngươi ra khỏi chỗ của nó, nếu ngươi không hối cải.”[1]
– Đôi khi cần một sự biện phân thích đáng hơn về ơn gọi.
– Trong nhiều trường hợp, không những cần mà còn khao khát thoát khỏi tình trạng hờ hững thiêng liêng và khủng hoảng đời tu, hầu có một lối giải quyết, một lối đi mới trong chính hoàn cảnh cụ thể đang phải sống.
Trong cuộc đối thoại này phải tránh đề cập trực tiếp đến đệ tam nhân. Phải rất cẩn thận và tế nhị trong các câu hỏi để làm sáng tỏ hầu có biện pháp và lời khuyên thích ứng, giúp hối nhân thay đổi lật sang một trang mới của cuộc đời. Có ba thứ tội tối kỵ đối với linh mục kèm theo vạ tiền kết dành riêng cho Tòa Thánh: Lỗi ấn tòa giải tội, khuyến dâm trong tòa và giải tội cho đồng phạm.
Tương quan linh hướng là một tương quan khép kín tay ba (Chúa Thánh Thần, người thụ hướng và vị linh hướng): Điều mà vị linh hướng khám phá về người thụ hướng ở toà trong sẽ không được tiết lộ ra ở toà ngoài. Dữ kiện này có cùng một qui chế như ấn toà giải tội. Điều này không chỉ để bảo vệ người thụ hướng, mà còn cống hiến cho họ sự tín nhiệm và tin tưởng rằng điều gì họ đã bộc lộ ở tòa trong vẫn được giữ bí mật.[2]Chính niềm tín nhiệm và bảo đảm này mang lại sự chữa lành tận gốc các căn bệnh.
G.II.2d Không được xưng tội và giải tội qua điện thoại
Tại Mỹ vừa giới thiệu một ứng dụng mới dành cho iPhone, iPad và iPod Touch do công ty Indiana-based company Little iApps sáng chế: “Confession: A Roman Catholic App” (Giải tội: Một ứng dụng của Giáo Hội Công giáo Rôma). Chương trình này được Đức cha Kevin Carl Rhoades, Giám mục Giáo phận Fort Wayne-South Bend (bang Indiana, Hoa Kỳ) ký imprimatur xác nhận sự an toàn về giáo luật cho phép ấn hành “dành cho những ai năng chịu phép Bí tích và những ai muốn ăn năn trở lại.”
Cha Federico Lombardi, SJ, phát ngôn viên Tòa Thánh nói rõ: “Bí tích Hòa giải đòi phải có cuộc đối thoại cá nhân giữa hối nhân và cha giải tội, đồng thời việc tha tội được thực hiện bởi cha giải tội đang hiện diện và nghe lời xưng tội.” Ngài khẳng định: “Không một ứng dụng công nghệ thông tin nào thay thế được việc xưng và giải tội như đã nêu.”
Tuy không loại trừ những tiện ích của công nghệ thông tin giúp cho đời sống thiêng liêng: “Trong một thế giới đang có nhiều người nhờ đến sự giúp đỡ của công nghệ thông tin trong việc đọc và suy nghĩ (có thể nêu các bản kinh giúp cầu nguyện) cũng như giúp chuẩn bị xưng tội, như ngày xưa đã nhờ các bản xét mình, các câu hỏi viết trên giấy để xét mình trước khi xưng tội, dựa theo danh sách các thứ tội.” Nhưng ngài lưu ý: “Cần coi iPhone như một cẩm nang mục vụ được thực hiện bằng kỹ thuật số, nhằm đem lại một số lợi ích, và không thay thế việc cử hành Bí tích”.
Như vậy, mọi đồn thổi về việc Tòa Thánh chấp thuận được cử hành Bí tích Hòa giải qua các phương tiện thông tin hiện đại đã hoàn toàn bị bác bỏ.[3]
Morrow cho biết, sau khi trở lại Công giáo vào năm 1995, ông cảm nhận ý nghĩa sâu xa của bí tích Hòa giải: “Bí tích Hòa giải mang lại ơn nâng đỡ và củng cố, giúp tôi không ngừng hoán cải. Tôi muốn chia sẻ với người khác.” Rất nhiều cảm nghiệm về bí tích này. Tôi gia nhập Giáo Hội vào đêm Vọng Phục sinh 1995. Khi tôi đã hiểu rõ ý nghĩa các phép bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và bí tích Hòa giải, tôi như bừng lên nhiệt huyết.
Bí tích Hòa giải mang lại ơn nâng đỡ và củng cố, giúp tôi không ngừng hoán cải. Rất nhiều người cần được ban ơn này để lãnh nhận bí tích Thánh Thể. Quả là rất khó khăn khi phải hạ mình trước người khác, thú nhận tội lỗi và xin Chúa tha thứ, nhưng một khi đã nhận được ơn tha thứ, thì cũng đáng để chịu khó như thế.[4]
[1] Kh 2,2-5
[2] x. GL 220
[3]http://www.hdgmvietnam.org/co-the-lanh-nhan-bi-tich-hoa-giai-qua-dien-thoai-khong/ 2613.57.7.aspx
[4]http://www.thepenanceproject.org/Home.aspx
http://www.hdgmvietnam.org/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-vao-viec-co-dong-sieng-nang-lanh-nhan-bi-tich-hoa-giai/2742.57.7.aspx
Lm. Trần Minh Huy, pss